Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Vật Không Tùy Người



VẬT KHÔNG TÙY NGƯỜI

Ở xứ lõa thân cởi áo đi
Phải đâu bỏ lễ, chỉ tùy nghi.
Trâm vàng mụ sói treo làm móc
Gương báu lão mù lấy đậy ly.
Trâu chẳng thèm nghe đàn ngọc tháo
Hoa trang anh lạc, voi biết gì.
Hỡi ôi! Một khúc đàn huyền diệu
Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ.

Giảng:

Đồ vật nếu người dùng đúng nhu cầu thì vật đó có ích, ngược lại tuy có vật quí trong tay mà dùng không đúng chỗ thì nó trở thành vô nghĩa, nên vật không tùy người mà chính nhu cầu người sử dụng vật. Vật trở thành quí là do người cần dùng nó, rồi cho nó là quí, chớ nó không quí đối với tất cả.

Ở xứ lõa thân cởi áo đi
Phải đâu bỏ lễ chỉ tùy nghi.

Nếu chúng ta đến nước lõa thể thì họ sao mình vậy, họ ở trần thì chúng ta cũng phải cởi áo, như vậy mới hợp với họ. Cởi áo để hòa hợp với họ chớ không phải bỏ lễ phép, mà chỉ tùy nghi, sống ở đâu thì phải thích hợp với phong tục tập quán ở đó. Cũng vậy, người tu muốn làm lợi ích cho người thì phải biết thích ứng với thời cơ. Chữ “kinh” trong nhà Phật hàm chứa nghĩa khế lý và khế cơ. Người tu muốn đem giáo lý của Phật dạy cho người khác tu thì phải có đủ hai điều kiện: một là đúng với chân lý, hai là hợp với căn cơ người nghe. Dù lời nói của chúng ta phù hợp với chân lý mà không hợp với căn cơ người nghe, họ không lãnh hội được thì lời nói của chúng ta trở thành vô ích. Ngược lại hợp với căn cơ mà sai chân lý thì cũng thành vô nghĩa. Ví dụ người thích tu bố thí để cầu phước mà chúng ta đem lý Thiền nói với họ, họ chẳng hiểu gì, hoặc người căn cơ thích hợp với pháp tu Thiền mà chúng ta dạy họ pháp tu của ngoại đạo thì sai với chân lý của Phật dạy. Thế nên chúng ta muốn làm lợi ích cho người thì người đang ở trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải tùy theo hoàn cảnh nấy của họ mà giúp đỡ. Có khi việc làm thấy như trái với nghi quĩ của người tu, nhưng vì người nên chúng ta phải làm để người được lợi ích. Đó là khế lý và khế cơ.

Trâm vàng mụ sói treo làm móc
Gương báu lão mù lấy đậy ly.

Người sói đầu có cây trâm vàng họ không biết làm gì, nên gắn trên tường làm cái móc treo đồ. Với Ni cô thì trâm vàng cũng treo làm móc luôn! Có tóc đâu mà cài? Cái gương dù có quí báu, nhưng đối với người mù, gương xài không được. Vì mù có thấy đâu mà soi gương, nên dùng cái gương đậy ly. Ý Thượng Sĩ muốn nói, dù vật quí nhưng với người không cần thì nó trở thành vô dụng.

Trâu chẳng thèm nghe đàn ngọc tháo
Hoa trang anh lạc voi biết gì.

Đối với trâu dù chúng ta có đem đàn khảy lên tiếng thanh tao bên tai nó cũng chẳng biết gì. Hoặc đem đồ trang sức bằng anh lạc máng vô cổ con voi nó cũng không biết quí. Những vật quí mà không thích hợp với con vật thì cũng trở thành vô dụng. Ý Thượng Sĩ nói, phàm làm việc gì không hợp thời, không thích nghi với hoàn cảnh, không đúng với căn cơ của người thì dù có cố gắng làm cho nó đẹp cũng trở thành vô nghĩa, không có kết quả.

Hỡi ôi! Một khúc đàn huyền diệu
Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ.

Khúc đàn hay của Bá Nha nếu không có người tri kỷ như Tử Kỳ nghe thì có ai biết thưởng thức? Cho nên có khúc đàn hay thì phải có người tri kỷ biết nghe đàn thì khúc đàn mới có giá trị. Vì có giá trị nên quí. “Nên lấy vàng ròng đúc Tử Kỳ”. Phải đúc tượng Tử Kỳ bằng vàng mới xứng đáng, vì là người tri kỷ biết được khúc đàn hay. Đó là Thượng Sĩ lấy việc thế gian để nói việc trong đạo. Pháp của Phật rất là cao siêu, pháp tu Thiền rất là đơn giản nhưng giúp người được giải thoát. Song, không phải ai nghe cũng hiểu cũng thấm nhuần. Chỉ có người đủ duyên nghe, mới biết được những điều Phật dạy là cao siêu mầu nhiệm, đưa con người đến chỗ an vui giải thoát. Người nhận được lý sâu xa của Thiền thì người đó mới quí. Thượng Sĩ bảo Tử Kỳ nghe được khúc đàn hay của Bá Nha, nếu Tử Kỳ chết nên lấy vàng đúc tượng để thờ. Như vậy đứng trước người hiểu được Phật pháp, nhận được lý Thiền, chúng ta nên trân trọng họ. Đó là nói về ý nghĩa vật không tùy người.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.