Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Viếng Đại Sư Tăng Điền



VIẾNG ĐẠI SƯ TĂNG ĐIỀN

Chẳng cần cửa tía, chẳng cần rừng
Rốt cuộc chỗ nào chẳng an tâm.
Thế nhân trọn thấy ngàn non sáng
Mấy kẻ lắng nghe tiếng vượn trầm.

Giảng:

Chữ viếng khác chữ thăm, người Nam thì dùng chữ thăm, còn người Bắc thì dùng chữ viếng. Nếu là người bình thường thì người Bắc nói đi thăm, nếu là người lớn hơn hay quí hơn thì nói đi viếng. Ví dụ như nói đi viếng đền Hùng chớ không nói đi thăm.

Chẳng cần cửa tía chẳng cần rừng.

Cửa tía là chỉ cho những nơi thành thị giàu sang, “chẳng cần rừng” là chẳng cần vào nơi rừng rậm xa vắng. Vậy chỗ thành thị ồn náo và nơi rừng vắng đều không cần.

Rốt cuộc chỗ nào chẳng an tâm.

Nếu tâm chúng ta không động không rong ruổi theo ngoại cảnh thì ở giữa thành thị hay trong rừng vắng đều như nhau. Nếu tâm còn dính mắc với cảnh thì ở thành thị thua ở rừng. Vậy Tăng Ni và Phật tử hiện có mặt cần cái nào? Chẳng cần cửa tía chẳng cần rừng hay chẳng cần cửa tía mà rất cần rừng? Vì ở ngoài cửa tía lộn xộn quá bất an khó tu, ở rừng vắng vẻ dễ tu hơn. Người tu nếu tâm nhất như thì không cần chọn cảnh tịnh hay cảnh động, nếu chưa nhất như thì phải tránh chỗ động tìm chỗ tịnh.

Thế nhân trọn thấy ngàn non sáng
Mấy kẻ lắng nghe tiếng vượn trầm.

Người đời chỉ thích nhìn cảnh trời mây non nước đẹp đẽ, mà ít ai chịu lắng nghe tiếng vượn trầm. Ý Ngài muốn nói người đời thích chạy theo ngoại cảnh mà ít chịu quay về lắng nghe tiếng dấy động của nội tâm. Tiếng con vượn là chỉ cho tâm viên ý mã của mình, ít ai để ý nhìn lại nội tâm mình, nghe tiếng đang réo gọi trong tầng sâu thẳm nhất, mà chỉ hướng ra ngoài khen cái này, chê cái nọ v.v… Chỉ có những ai ngồi lặng yên gạt bỏ sáu trần, mới nghe được tiếng con vượn của mình kêu, nghe nó nói đủ thứ, nào chuyện của mình của người, chuyện năm trước năm sau. Chuyện không ra gì nó cứ kể hoài không chịu dừng.

Tóm lại, Thượng Sĩ muốn nói rằng: Nếu người tu tâm thuần thục rồi thì không cần tránh cảnh, ở chốn phồn hoa hay nơi rừng vắng đều là chỗ an tâm. Đa số người thế tục thì chỉ hướng ra ngoài chạy theo trần cảnh, mà không chịu quay về nhìn kỹ mình để lắng nghe những dấy động của nội tâm mình. Chỉ bốn câu thơ mà Thượng Sĩ diễn tả được người tu thoát tục không vướng mắc và người thế tục không tu nên luôn luôn bị vướng mắc với sáu trần.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.