THĂM BỆNH ĐẠI SƯ PHƯỚC ĐƯỜNG
Gió, nước gặp nhau sóng dấy lên
Lửa, cây chạm phải chùm lửa bùng.
Mới hay bốn đại không ranh giới
Núi kiếm mặc tình men theo dòng.
Giảng:
Phước Đường là tên Tinh xá, Đại sư là chỉ cho Thiền sư Tiêu Dao, Ngài ở Tinh xá Phước Đường, vì kính trọng thầy nên Thượng Sĩ không dám gọi tên mà chỉ gọi hiệu của Tinh xá.
Gió nước gặp nhau sóng dấy lên.
Gió, nước là phong đại và thủy đại, hai đại đó mà không hòa thì chống nhau làm dấy động khiến cho thân sanh ra bệnh hoạn. Khi nào thân chúng ta khỏe mạnh thì lúc đó bốn đại hòa thuận. Lúc nào gió mạnh nước yếu thì nghe trong mình ê ẩm nhức nhối khó chịu.
Lửa, cây chạm phải chùm lửa bùng.
Lửa và cây gặp nhau thì lửa bùng cháy. Cây thuộc về đất là địa đại, lửa là hỏa đại. Hai đại đó bất hòa thì làm cho lửa trong người của chúng ta tăng thêm. Khi nào trong người chúng ta nóng, mà ăn uống những thứ nóng thì nó hừng hừng nổi nóng lên. Khi đó muốn kiếm thứ gì mát uống vô cho hạ nhiệt xuống. Như vậy đất nước gió lửa bốn đại chống chọi nhau làm cho chúng ta sanh bệnh. Thượng Sĩ đi thăm bệnh nên phải truy nguyên bệnh từ đâu ra? – Bệnh là do bốn đại bất hòa. Nếu gió nhiều nước ít thì sanh ra đau nhức, lửa nhiều thì nóng hừng hực đỏ cả mặt mày…
Mới hay bốn đại không ranh giới
Núi kiếm mặc tình men theo dòng.
Nếu chúng ta nhìn cho tột cùng thì bốn đại vốn không có ranh giới. Thủy đại giới hạn của nó ở đâu? Lâu nay hễ nói tới nước là chúng ta nghĩ nước chỉ ở trong ao, hồ, sông, biển chớ đâu nghĩ trong hư không có nước. Nếu hư không không nước thì làm gì có mưa? Như vậy thủy đại không có giới hạn, nước không chỉ có ở ao, hồ, sông, biển… mà nước còn ở trong hư không. Lửa cũng không có giới hạn, nếu đủ duyên thì nó xẹt ra, gió cũng vậy đủ duyên thì gió nổi lên. Còn đất? Lâu nay chúng ta cứ tưởng cái gì cứng ở trên quả địa cầu này là đất, chớ đâu nghĩ rằng trong hư không cũng có đất. Mỗi sáng mặt trời vừa lên tia nắng rọi qua cửa sổ, chúng ta thấy bụi bay lăng xăng đầy trong hư không. Vậy, bụi cũng là đất; đất cứng chúng ta đạp dưới chân và đất nhỏ thành bụi bay trong hư không không có giới hạn. Đất nước gió lửa không giới hạn, khi nó hợp lại thành thân này thì thân này đâu có thường còn. Thân này bại hoại đâu phải là mất, nó luôn luôn mênh mông cùng khắp.
Biết được như vậy thì “núi kiếm mặc tình men theo dòng”. Chữ “núi kiếm” dịch từ chữ “Kiếm Các” là tên dãy núi ở huyện Kiếm Các tỉnh Tứ Xuyên bên Trung Hoa, còn gọi là Đại Kiếm Sơn và Tiểu Kiếm Sơn, vì núi có nhiều đá bén nhọn nên gọi là núi kiếm. Ở đây dùng chữ núi kiếm hàm ý diễn tả những cảnh hiểm nguy trong địa ngục, như ngục tốt bắt trèo lên cây có đao nhọn, leo lên núi có kiếm bén làm cho thân người tội phải tan nát. Khi biết rõ thân này do bốn đại hợp thành, bốn đại không giới hạn ở trong thân mà trùm khắp, thế thì thân mình là một bộ phận nhỏ của cái trùm khắp, khi tan rã nó trở về bốn đại. Vậy thân này mất nhưng bốn đại không mất! Nói chết mà có chết đâu! Sanh là bốn đại tạm hợp; hợp thì thấy có thân. Chết là bốn đại tan; tan thì thấy như mất thân, nhưng bốn đại có mất bao giờ? Vậy chúng ta còn sợ chết không? Nếu ai hiểu tường tận như vậy thì dù cho đứng trước cảnh núi kiếm rừng đao nguy hiểm cũng không lo sợ. Chúng ta thường sợ chết, sợ chết là sợ mất thân, mà thân là bốn đại; bốn đại nơi thân tan rã hòa cùng bốn đại bên ngoài đầy khắp hư không; thân mất mà thể của bốn đại không mất thì sợ cái gì? Nếu bốn đại tan rã mất hết thì chúng ta tiếc công mình nuôi dưỡng mấy chục năm bây giờ không còn. Sự thật thể nó không mất vậy mà sợ chết, vô lý làm sao! Đây là chỗ mà chúng ta phải để ý cho kỹ! Giá trị của người tu không phải ở ngoài hình thức làm việc này việc nọ, mà phải tu cho giác ngộ, dùng trí tuệ quán sát tường tận bản chất của bốn đại. Khi thấy được bản chất của bốn đại trùm khắp và không mất thì, đối với sự còn mất của thân này không nghĩa lý gì hết, nên chúng ta không còn sợ chết, sợ khổ. Thường khi thân này đau thì chúng ta sợ chết; vì đau rồi tới chết. Nhưng chết không sợ vậy đau có sợ không? Nếu nhớ đau là do bốn đại bất hòa nó xô xát lẫn nhau không phải mình. Thấy vậy chỉ cười thôi! Bây giờ tứ đại đang nóng chăng, đang lạnh chăng? Đó là tứ đại nóng tứ đại lạnh chớ tôi đâu có nóng có lạnh; nóng lạnh là do bốn đại bất hòa!
Giả sử chúng ta là người lớn ngồi thấy mấy đứa nhỏ múa võ vật lộn với nhau đứa này quật đứa kia ngã, đứa kia quật đứa nọ ngã, chúng ta chỉ cười thôi. Bọn nó giỡn với nhau chớ đâu phải chúng ta. Thế nên chúng ta thản nhiên cười trước cái thắng bại của chúng. Cũng vậy bốn đại bất hòa thì nó lộn xộn, chớ Tâm thể đâu có lộn xộn. Quí vị có thấy như vậy không? Hay khi thân suy yếu cũng ảo não theo, bốn đại bất hòa sanh ra đau bệnh mình cũng nhăn nhó theo? Có khi còn thối tâm Bồ-đề. Nghĩ: tu gì mà bệnh hoài về nhà dưỡng cho khỏe, có người thân lo lắng chu đáo hơn ở chùa! Bệnh quá tu không được v.v… Song, quí vị không phải là con nít, sao thấy chúng giỡn chơi đứa này đuổi đứa kia té, lại nhăn nhó khổ sở theo nó làm gì? Như vậy quí vị đồng hóa mình là mấy đứa con nít rồi! Chúng ta phải là người lớn có trí nhìn bọn con nít đùa, chớ không phải là con nít. Tóm lại người thấy bốn đại không ranh giới thì, dù có núi kiếm rừng đao cũng mặc tình leo lên chơi không sợ sệt gì cả, đó mới là người thật hiểu đạo.