TỰ TẠI
Bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm
Lui về, già gởi chốn sơn lâm.
Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát
Không đúng không sai tự tại tâm.
Giảng:
Thượng Sĩ diễn tả tâm tự tại của người đã đạt đạo. Mở đầu Ngài nói:
Bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm.
Ngài dẫn câu chuyện trong kinh Đại Tập, đức Phật kể rằng: Có một anh chàng bị hai con voi đuổi gấp, anh chạy trốn, gặp được cái giếng, anh đu dây tuột xuống giếng để có chỗ ẩn an toàn. Nhưng, anh bám sợi dây đu đưa trong lòng giếng sâu chẳng an ổn tí nào. Chung quanh thành giếng có bốn con rắn độc le lưỡi chực cắn anh. Đầu trên sợi dây anh đang đu, có hai con chuột một đen một trắng chạy qua chạy lại cạp sợi dây sắp đứt. Ở dưới đáy giếng có ba con rồng dữ phun lửa lên. Tình huống của anh bấy giờ vô cùng bức ngặt, khó bề thoát thân! Sợi dây treo sanh mạng của anh, chuột đang cạp sớm muộn gì cũng đứt. Sợi dây dụ cho mạng căn. Chuột đen chuột trắng dụ cho đêm và ngày. Câu “bìm, chuột không nhân mãi mãi xâm” nghĩa là không lý do gì hết mà hai con chuột cứ chạy qua chạy lại cạp sợi dây sắp đứt. Cũng vậy, mạng sống của chúng ta ngày qua đêm lại tuổi thọ sắp hết, cái già nó đuổi gấp, cái chết sắp tới nơi, bây giờ phải làm gì đây?
Lui về, già gởi chốn sơn lâm.
Bây giờ lui về gởi cái thân già chốn núi rừng mặc cho mọi sự vật đổi thay dồn đuổi. Giờ phút chót của cuộc đời ở chốn sơn lâm để:
Nhà tranh cửa gỗ đời thanh thoát.
Chỉ một mái nhà tranh cửa làm bằng gỗ mà cuộc đời được an nhàn thanh thoát. Sống cuộc đời đạm bạc dù ai có nói đúng nói sai, cũng bỏ qua không thèm lưu tâm tới, nên lúc nào cũng được an nhàn tự tại. Nếu ở sơn lâm mà tâm còn chấp đúng sai thì vẫn còn phiền não. Cho nên dù ở đâu, nếu muốn được an nhàn tự tại thì phải gỡ bỏ những chấp trước đúng sai, vì nó là những mầm sanh ra phiền não khổ đau. Nên Ngài kết thúc bằng câu:
Không đúng không sai tự tại tâm.
Bài này Thượng Sĩ diễn tả hình ảnh một lão già thâm hiểu giáo lý Phật, biết rõ thân vô thường tạm bợ, lui về ở ẩn chốn núi rừng, sống đời sống đạm bạc, buông xả mọi chấp trước phải quấy hơn thua để tâm được an nhàn tự tại.