Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Chợt Tỉnh



CHỢT TỈNH

Đoán rằng Không Hữu chẳng khác nhau
Sanh tử vốn từ mạch sóng xao.
Trăng sáng tối qua, nay trăng sáng
Hoa cười năm mới, năm cũ hoa.
Ba đời nhanh chóng, gió đùa đuốc
Chín cõi xoay vần, kiến bò quanh.
Hoặc hỏi thế nào là cứu kính
Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha.

Giảng:

Đoán rằng Không Hữu chẳng khác nhau.

Mở đầu Thượng Sĩ nói Không và Có hai cái không khác nhau. Tại sao vậy? Vì chúng ta luôn luôn nhìn cuộc đời đây là có kia là không, đây là phải kia là quấy, đây là tốt kia là xấu v.v… nhìn sự vật theo cái nhìn đối đãi hai bên. Nhưng cái đối đãi hai bên thể nó không thật; Không chẳng thật không, Có chẳng thật có. Nghĩa là cái Không không có hình tướng thô chớ có những cái tế ở trong đó. Có là do tướng duyên hợp có hình tướng thô nên gọi là có, nhưng trong đó lẫn bao nhiêu cái không. Chúng ta nghiệm lại thân mình thì đủ biết, trong cái thân duyên hợp này mà không có khoảng hư không thì làm sao sống được? Như cái miệng không trống làm sao nhai nuốt đồ ăn để nuôi sống thân này? Nếu bao tử là một khối đặc sệt không có chỗ trống lấy gì chứa thức ăn? Vậy trong cái Có có chứa cái không. Thế nên Không chẳng tuyệt đối không, mà Có cũng chẳng tuyệt đối có. Tôi dẫn câu chuyện bắt hư không của ngài Trí Tạng để quí vị rõ nghĩa này:

Thiền sư Huệ Tạng cùng Trí Tạng dạo chơi. Huệ Tạng hỏi Trí Tạng:

– Sư đệ biết bắt hư không chăng?

Trí Tạng đáp:

– Biết.

– Làm sao bắt được?

Trí Tạng lấy tay chụp hư không.

Huệ Tạng nói:

– Làm như thế đâu bắt được hư không.

– Huynh làm sao bắt?

Huệ Tạng liền nắm mũi Trí Tạng kéo mạnh. Trí Tạng đau quá la lên:

– Giết chết lỗ mũi người ta! Buông ngay!

Huệ Tạng bảo:

– Làm như thế mới bắt được hư không!

Đó là sự thật, nếu trong lỗ mũi không có hư không làm sao thở? Như vậy nắm lỗ mũi là bắt được hư không rồi. Cái không nó có sẵn trong cái có chớ không phải riêng chỗ khác. Cái có sẵn trong cái không. Như trong hư không chúng ta thấy có biết bao nhiêu là bụi, mà bụi là có hình tướng, như vậy cái có đã nằm sẵn trong không. Hiểu ý này mới nhận ra cái lý Không Hữu không khác nhau.

Sanh tử vốn từ mạch sóng xao.

Câu này đánh thức chúng ta nhiều nhất. Sanh tử là sống chết, cái đó từ đâu mà có? Vọng tưởng dấy động dụ cho sóng, Tâm thể chân thật dụ cho biển. Biển vốn lặng, do gió thổi nước chao động dấy sóng dụ cho sanh tử. Sanh tử có ra là từ cái dấy động nơi tâm chớ không phải từ đâu đem lại, những dấy động ở tâm mình là những mầm sanh tử. Đức Phật dạy người tu phải buông hết những cái dấy động, không cho chúng ta tiếp tục gieo mầm sanh tử.

Trăng sáng tối qua, nay trăng sáng
Hoa cười năm mới, năm cũ hoa.

Trăng sáng hôm qua và trăng sáng hôm nay không khác. Hoa năm mới không khác với hoa năm cũ. Như mùng một thấy hoa nở, qua ngày mùng hai mùng ba thì mùng một là năm cũ rồi, những cái hoa ngày mùng một và hoa ngày mùng hai, mùng ba là hoa của năm cũ mà cũng là của năm mới. Như vậy hoa năm cũ hoa năm mới đều là hoa, trăng hôm qua trăng hôm nay cũng là trăng, có khác nhau đâu?

Ba đời nhanh chóng gió đùa đuốc.

Ba đời quá khứ hiện tại vị lai qua nhanh như gió thổi. Ban đêm chúng ta cầm đuốc đi đường gặp gió thổi mạnh, cây đuốc dài thấy nó cụt, gió càng thổi nhanh thì đuốc càng tàn sớm. Như vậy quá khứ, hiện tại, vị lai qua vùn vụt, giống như ngọn đuốc gặp gió mạnh thổi mau tàn! Nghĩ lại xem mới tháng tám tới tháng chín rồi tháng mười, cứ như vậy mà qua đều đều. Năm ngoái, năm nay, năm tới, cứ liên miên không dừng, nên nói ba đời thời gian qua nhanh chóng như ngọn gió thổi mạnh thì cây đuốc mau tàn. Đó là ý gió đùa đuốc.

Chín cõi xoay vần kiến bò quanh.

Chúng ta thường nghe nói lục đạo, sao ở đây Ngài nói chín cõi? Bởi vì ở đây Ngài căn cứ kinh Lăng Nghiêm nên nói có chín cõi. Chúng ta bị luân hồi trong chín cõi lên xuống qua lại giống như con kiến bò quanh miệng chén không có ngày cùng, vì miệng chén không có đầu đường và cuối đường. Buồn chưa?

Hoặc hỏi thế nào là cứu kính
Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha.

Hỏi làm sao ra khỏi thời gian nhanh chóng và ra khỏi vòng luân hồi thì chỉ cần “Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha”. Tới đó lặng yên không cần suy nghĩ gì cả! Thượng Sĩ không cho chúng ta suy nghĩ nên mới dùng câu kết “Ma-ha Bát-nhã Tát-bà-ha”. Nhưng ở đây tôi tạm giải thích từ ngữ. Ma-ha là tiếng Phạn Trung Hoa dịch là Đại, Bát-nhã dịch là trí tuệ, Tát-bà-ha chỗ khác gọi là Tát-bà-nhã gọi là Nhất thiết chủng trí, là trí biết tất cả giống loại. Như vậy, chỗ cứu kính là chỗ thấu suốt được tất cả. Đó là giải thích theo chữ nghĩa, còn nói theo lý Thiền thì chỗ cứu kính là chỗ bặt suy tư bàn luận.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.