Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Bảo Học Trò



BẢO HỌC TRÒ

Niệm khởi tâm tâm khởi
Tâm quên niệm niệm quên.
Muốn biết ý đích thực
Cọp đá cắn dê vàng.
Đất trời ngón tay khảy
Sông núi tiếng ho khàn.
Tạm thời mưa gió động
Gà gáy canh năm sang.

Giảng:

“Bảo học trò” là khuyên những người học trò học đạo với Ngài. Mở đầu Ngài nói:

Niệm khởi tâm tâm khởi.

Vừa khởi niệm thì tâm yêu, ghét, hờn giận… khởi lên.

Tâm quên niệm niệm quên.

Niệm là động cơ khiến cho buồn thương giận ghét theo đó dấy khởi; nếu buông xả tâm không chấp chứa thì những niệm khởi cũng theo đó mà hết. Như vậy tâm và niệm hai cái đó nó liên hệ nhau; cái là ngọn cái là gốc. Niệm khởi là gốc, thương ghét là ngọn, nếu cái gốc khởi thì ngọn theo đó sum sê, nếu cái ngọn tàn thì cái gốc lần lần cũng diệt, nên nói “tâm quên niệm niệm quên”.

Muốn biết ý đích thực
Cọp đá cắn dê vàng.

Cọp bằng đá dê bằng vàng cắn nhau được không? Cọp đá và dê vàng cả hai đều vô tình làm sao cắn nhau? Chúng ta tu muốn thấu tột chỗ chân thật cứu kính thì tâm niệm phải sạch hết. Tâm niệm lăng xăng lặng hết rồi, chúng ta giống như vô tình như cây đá. Song, sự thật không vô tình. Vì:

Đất trời ngón tay khảy
Sông núi tiếng ho khàn.

Chỉ cần khảy móng tay thì đất trời rúng động, chỉ một tiếng ho khàn thì sông núi ngả nghiêng. Ý Thượng Sĩ nói, khi chúng ta tu đến chỗ rốt ráo dường như không còn niệm không còn tâm, nên dụ như cọp đá dê vàng. Đạt được chỗ không còn tâm không còn niệm thì diệu dụng không thể lường nổi. Vì vậy mà khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma đạt đến chỗ này Ngài chỉ cần bẻ một cành lau ném xuống nước làm thuyền cỡi sóng vượt biển khơi. Thượng Sĩ dẫn ý này để nhắc chúng ta tu đừng lo sau khi tâm niệm vắng lặng rồi rơi vào không, tức là không còn gì hết.

Tạm thời mưa gió động
Gà gáy canh năm sang.

Người tu tới chỗ này tuy còn ở trong thế gian tới lui qua lại, nhưng thấy sanh hoạt hằng ngày chỉ là tạm bợ, chớ không thật. Thấy có mưa có gió… chẳng khác nào sáng nghe tiếng gà gáy rộ thì biết là canh năm mặt trời sắp mọc. Khi tu đạt tới chỗ đó tuy chưa phải là Phật là Tổ nhưng đã bước vào cảnh giới xán lạn; tức là từ cảnh giới mê lầm bước sang cảnh giới giác ngộ. Đến đây rồi vẫn còn ăn còn ngủ còn nói năng sanh hoạt như kẻ phàm tục, nhưng trí tuệ thì sáng ngời khác hơn kẻ phàm tục vậy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.