Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Tự Đề



TỰ ĐỀ

Ánh thu có bút khó hình dung
Mắt ngắm núi sông chốn chốn đồng.
Một mạch Tào Khê lạnh ngăn ngắt
Ngàn năm Hùng Nhĩ biêng biếc tùng.
Lồng đèn đập phá Kim cang khóa
Cột cái nuốt ngon gai góc trong.
Muốn biết trong đây ý đích thực
Tân La đêm giữa mặt trời hồng.

Giảng:

Ánh thu có bút khó hình dung
Mắt ngắm núi sông chốn chốn đồng.

“Ánh thu” biểu trưng cho Tánh giác có sẵn nơi mỗi người. Tánh giác trong sáng như ánh sáng mùa Thu, nó sáng trong mát dịu, dù chúng ta có bút cũng không thể nào tả được, vì nó không có tướng mạo nên không thể diễn tả, nên nói khó hình dung. Nhưng nhờ ánh sáng của mùa Thu mà chúng ta nhìn khắp hết núi sông, nơi nơi đều nhìn thấy suốt một cách rõ ràng không mờ tối.

Một mạch Tào Khê lạnh ngăn ngắt
Ngàn năm Hùng Nhĩ biêng biếc tùng.

Mạch Tào Khê tức là dòng suối Tào Khê chỗ ở Lục Tổ nơi đó lạnh ngắt. Và, những cây thông cây tùng trên núi Hùng Nhĩ sau lưng chùa Thiếu Lâm trồng cả ngàn năm mà vẫn xanh biêng biếc. Nhờ có “ánh thu” mà chúng ta cảm nhận được dòng nước Tào Khê lạnh ngăn ngắt, nhờ có “ánh thu” chúng ta mới thấy được màu xanh biêng biếc của những cây tùng ở núi Hùng Nhĩ. Ý Thượng Sĩ nói rằng nếu nhận ra nơi chúng ta có Tâm thể không sanh không diệt thì sẽ nhận được ý chỉ của Tổ Bồ-đề-đạt-ma và Lục Tổ ở Tào Khê.

Lồng đèn đập phá Kim cang khóa
Cột cái nuốt ngon gai góc trong.

Cái khóa Kim cang quá cứng mà lồng đèn đập phá làm cho nát cái khóa đó. Cây cột cái lại nuốt hết những lùm gai góc. Ở đây ý Thượng Sĩ muốn nói gì? Thiền sử có ghi ngài Vân Môn khi thượng đường chỉ cây cột cái nói: “Cây cột cái này với chư Phật tương quan.” Có khi chỉ cây cột cái nói: “Sao không nói Thiền đi?” Thượng Sĩ dùng hình ảnh lồng đèn đập khóa Kim cang, cột cái nuốt hết gai góc là muốn nói rằng: Thiền sư khi muốn chỉ cho người học đạo nhận ra cái chân thật thì không cho suy gẫm phân biệt, vì suy gẫm phân biệt là hư dối và còn nằm trong sự đối đãi. Muốn nhận ra cái chân thật thì phải buông hết ý nghĩ suy gẫm phân biệt, nên các ngài hay nói những câu vô lý như “lồng đèn đập nát khóa Kim cang”… để chúng ta không còn suy nghĩ gì nữa. Cả ngày các ngài nói mà không động lưỡi, cả ngày nhai mà không nát hạt cơm, các ngài nói đông nói tây mà không có cái gì để chúng ta suy nghĩ hết. Đó là cái thuật khéo của các Thiền sư. Bây giờ chúng ta chưa có gì kỳ đặc nên nói ra thì phải phân tích để suy gẫm đúng sai v.v… Còn các ngài nói không cho suy gẫm, mà không suy gẫm thì mới thấy được lý chân thật. Hai câu này ý nói muốn nhận ra cái chân thật thì phải buông tất cả những suy gẫm của ý và phân biệt của trí, hai cái đó buông hết thì mới nhận ra “ánh thu” là Tâm thể chân thật nơi mình.

Muốn biết trong đây ý đích thực
Tân La đêm giữa mặt trời hồng.

Tân La là nước Triều Tiên. Nước Triều Tiên ở về phía Đông nước Trung Hoa, mỗi sáng mặt trời lên ở phương Đông, như vậy ở Tân La thấy mặt trời trước nhất. Ở đây Thượng Sĩ lại nói: “muốn biết trong đây ý đích thực, Tân La đêm giữa mặt trời hồng” là muốn biết ý đích thực thì phải thấy ngược lại nửa đêm mà thấy mặt trời mọc, thấy như vậy là không còn gì để suy gẫm, nếu thấy mà còn suy gẫm để phân biệt thì chưa thấy ý đích thực; tức là chưa hưởng được “ánh thu” mà Ngài nói ở đây.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.