Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Chiếu Thân



CHIẾU THÂN

Cháy đầu dập trán mặc kim bào
Năm bảy năm qua kiếp ngựa mao.
Ví thực siêu quần cùng xuất chúng
Một lần buông xuống một lần cao.

Giảng:

Chiếu thân là soi lại thân mình, xét lại để thấy rõ cuộc sống của đời mình như thế nào. Soi lại đời mình Thượng Sĩ thấy:

Cháy đầu dập trán mặc kim bào
Năm bảy năm qua kiếp ngựa mao.

Kim bào là cái áo giáp của mấy ông quan nhà tướng. Theo Thượng Sĩ, mặc áo giáp của mấy ông quan nhà tướng, tức là làm tướng làm quan năm bảy năm, nhớ lại như là kiếp trâu ngựa, đó là nỗi buồn của Ngài. Nỗi buồn này không phải là nỗi buồn của một nhà Nho bị thất sủng, rồi chán đời về ở nơi hoang dã hay chỗ điền viên, làm thơ để chế giễu cuộc đời. Đối với Thượng Sĩ thì khác; bao nhiêu năm làm quan tuy luôn luôn được hưởng ân sủng của nhà Vua, nhưng Ngài nhớ lại thấy chỉ là một kiếp trâu ngựa không có gì quan trọng.

Ví thực siêu quần cùng xuất chúng
Một lần buông xuống một lần cao.

Qua hai câu này chúng ta thấy Thượng Sĩ là người tu theo đạo Phật có quan niệm khác hơn những nhà Nho. Nhà Nho khi mất địa vị mất quyền lợi thì về vườn than thân trách phận đủ thứ, còn ở đây Thượng Sĩ nhìn thấy giá trị của quyền tước danh vọng không đáng kể, nó chỉ là một kiếp tôi đòi. Thấy rõ như vậy nên buông quách nó và nhảy vọt lên một bình diện cao hơn, chớ không phải buông ra rồi than thân trách phận. Đó là điểm đặc biệt của Thượng Sĩ, vì Ngài đã hiểu đạo và sống được với đạo. Quan niệm của Ngài rất hợp với quan niệm của người xuất gia. Ở trong pháp hội này cũng có những người có chút ít địa vị và sự nghiệp trong xã hội, nhưng thức tỉnh nhớ lại những thứ ấy thấy như bọt nước, như hoa đốm không bền chắc rồi buông bỏ hết để đi tu. Tuy nhiên, chúng ta phải học theo Thượng Sĩ một lần buông là một lần nhảy lên cao, chớ đừng nuối tiếc, buông rồi nắm lại, tuột xuống chỗ thấp kém, như vậy không xứng đáng là người xuất gia.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.