Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Lễ Thiền Sư Tiêu Dao Ở Phước Đường



LỄ THIỀN SƯ TIÊU DAO Ở PHƯỚC ĐƯỜNG

Hằng xa phong thái,
Ở chốn hoang thôn.

Thân tuy ngoài cõi sâm với thương
Ý vẫn trong gương loan và phượng.
Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh
Hầu đáp ơn thầy mớm sữa.
Trộm có lời thơ tụng
Cúi dâng lên pháp tòa:

Thân tuy quê kệch ngụ nơi này
Bốn trọng ân nào dám lãng khuây.
Ý vụng sớm nhờ thêm ý khí
Lòng tàn riêng giữ tấc lòng son.
Xuân về ngắm rỗng hoa đào nở
Gió thổi nghe hờ tiếng trúc lay.
Ngày trước đến nhà thăm hỏi hết
Không dây nay thỉnh dạo cung đàn.

Tạm qua thăm hỏi Cổ chùy thiền
Tướng mạo mười mươi khỏe lại bền.
Huệ Khả thân buồn, da tủy ký
Triệu Châu tuổi thọ, hạc qui niên.
Nên biết thế gian người có Phật
Lạ gì lò lửa nở hoa sen.
Trân trọng dâng lên lời tụng hứng
Chớ từ chút ít lễ vật hèn.

Giảng:

Thượng Sĩ tuy ngộ lý Thiền, sống tự do tự tại, không còn kiến chấp hai bên, nhưng với tinh thần của người học đạo, Ngài không bao giờ lơ là bổn phận của người đệ tử đối với thầy.

Hằng xa phong thái,
Ở chốn hoang thôn.

Thượng Sĩ nói về phong cách và thái độ của Thiền sư Tiêu Dao thầy của Ngài. Ngài thường ở trong thôn vắng xa xôi không được thân cận với thầy.

Thân tuy ngoài cõi sâm với thương
Ý vẫn trong gương loan và phượng.

Sao Sâm thì ở phương Tây, sao Thương thì ở phương Đông, hai sao này không bao giờ gặp nhau. Ý nói thân Ngài tuy xa cách ít được gặp thầy Ngài như sao Sâm và sao Thương, nhưng tâm của Ngài lúc nào cũng kề cận thầy, như nhìn vào gương thấy chim loan và chim phượng luôn luôn quấn quít bên nhau không xa cách. Ý hai câu này nói đạo tình của Thượng Sĩ đối với thầy của Ngài là Thiền sư Tiêu Dao. Thân Ngài tuy xa cách không được gặp thầy, nhưng tâm hồn Ngài lúc nào cũng hướng về thầy ở bên cạnh thầy.

Nhàn nhã ngâm khúc vô sanh
Hầu đáp ơn thầy mớm sữa.

Giờ đây muốn đền ơn pháp nhũ của thầy thì trò phải ngâm khúc vô sanh cho mọi người thưởng thức. Ngài là một cư sĩ mà có ý nghĩ rất hợp với đạo lý của người xuất gia. Đức Phật dạy chúng ta muốn đền ơn Phật thì phải giáo hóa chúng sanh. Bản nhạc vô sanh là bản nhạc giải thoát sanh tử. Người học trò học được rồi, phải ngâm cho người khác nghe, tức là đem giáo lý giải thoát sanh tử dạy cho mọi người được học và tu, đó là đền đáp ơn thầy đã giáo dưỡng mình. Như vậy, dù là tại gia hay xuất gia, một khi đã thừa hưởng lời chỉ dạy của bậc thầy, được lợi ích cho bản thân, được an nhàn tự tại, chúng ta phải đem ra chỉ dạy cho người khác cũng được lợi ích như mình. Đừng nghĩ rằng chúng ta mang ơn thầy phải làm sao cho có nhiều tiền để cúng dường thầy, có chùa to để thầy an dưỡng v.v… Đó chỉ là hình thức không quan trọng bằng đem pháp vô sanh mà hướng dẫn chỉ dạy cho người. Qua hai câu này chúng ta nắm vững được phương cách đền ơn thầy và đền ơn Phật của người xuất gia cũng như tại gia tu giải thoát.

Trộm có lời thơ tụng
Cúi dâng lên pháp tòa.

Thượng Sĩ mạn phép làm thơ tụng dâng lên thầy, tỏ chút lòng biết ơn giáo hóa của thầy. Nhờ sự giáo hóa của thầy mà Ngài được lợi ích.

Thân tuy quê kệch ngụ nơi này
Bốn trọng ân nào dám lãng khuây.

Thượng Sĩ tự nhận mình là người quê mùa ở thôn hoang vắng. Mặc dù quê, nhưng phần đạo đức ơn nghĩa Ngài không dám lơ là; bốn ơn: ơn cha mẹ, ơn Thầy Tổ hay ơn Tam Bảo, ơn đàn-na thí chủ, ơn quốc gia xã hội, Ngài không dám lãng quên. Những người lãnh đạo quốc gia xã hội là ân nhân của người tu, vì họ có trách nhiệm giữ cho đất nước được thanh bình, để người tu được yên tu nên cũng là một trọng ân. Trong bốn trọng ân Thượng Sĩ chỉ mang có ba ân vì Ngài là cư sĩ không thọ ân đàn-na, nhưng Ngài luôn luôn không quên.

Ý vụng sớm nhờ thêm ý khí
Lòng tàn riêng giữ tấc lòng son.

Hai câu này thấm thía làm sao! Thượng Sĩ nói Thượng Sĩ dốt nát khờ khạo, nhờ Thiền sư Tiêu Dao thầy của Ngài giúp cho tăng trưởng ý chí để tiến đạo. Hôm qua tôi có nhắc, Tăng Ni tu ý chí phải vững mạnh, mới vượt qua những chướng ngại thử thách trên đường tu. Bởi vì quí vị tu lâu ngày mệt mỏi ý chí cùn lụt, nên tôi phải nhắc quí vị phấn phát nỗ lực mạnh lên. Đó là nhờ thầy nhắc nhở thúc đẩy làm cho mình tăng trưởng ý chí thêm vững mạnh. Tuy tâm Thượng Sĩ không còn những vọng niệm lăng xăng, những tình cảm nồng nhiệt bi lụy như người thế tục, nhưng đối với Thầy Tổ Ngài riêng giữ tấc lòng son. Người cư sĩ mà nói lên được điều này thật là hi hữu, đáng tôn quí. Ngài nói lên được cái đạo tình cao cả giữa thầy trò. Người xuất gia chúng ta nhiều khi tu lâu, lớn tuổi đạo có đệ tử, bận lo cho đệ tử nên quên mất bổn phận làm trò! Còn Ngài thì nguội lạnh với thế tình mà đạo tình vẫn một tấm lòng son sắt.

Xuân về ngắm rỗng hoa đào nở
Gió thổi nghe hờ tiếng trúc lay.

Trước kia còn vọng niệm nên Xuân về hoa đào nở lòng Ngài cũng rộn rực. Giờ đây Xuân về hoa đào nở, lòng lặng rồi nên Ngài xem hoa một cách nhẹ nhàng, thấy hoa nở chỉ cười thôi chớ lòng không rộn rực như thuở nào. Gió thổi tiếng trúc chạm nhau cọt kẹt, chỉ nghe một cách hững hờ, không còn để tâm dính mắc như thuở trước. Tâm hồn của Ngài bây giờ rất nhẹ nhàng thảnh thơi, đối duyên xúc cảnh thấy nghe hay biết mà không bị dính mắc.

Ngày trước đến nhà thăm hỏi hết
Không dây nay thỉnh dạo cung đàn.

Ngày trước đến chùa thăm hỏi từ thầy cho tới các chú điệu, bây giờ không muốn thăm hỏi từng người nữa, mà chỉ xin thầy dạo cho một cung đàn không dây. Nghĩa là bây giờ không muốn thăm hỏi từng người, mà chỉ xin thầy dạy cho giáo lý giải thoát không kẹt hai bên, không còn đối đãi, đó là dạo cung đàn không dây.

Tạm qua thăm hỏi Cổ chùy thiền
Tướng mạo mười mươi khỏe lại bền.

Cổ chùy thiền chỉ cho Thiền sư Tiêu Dao thầy của Thượng Sĩ. Nhà Thiền ví Thiền sư như cái chùy. Thuở xưa hay dùng từ ngữ mũi dùi ở trong đãy, mũi dùi đó gọi là cổ chùy, dù cho có đãy bao bọc mà mũi dùi luôn cứng và nhọn, nên lúc nào cũng ló đầu ra khỏi bọc, bao không nổi. Ý muốn nói rằng các vị đạo cao đức trọng dù có ai cố ý che đậy, đức độ các ngài vẫn tỏa sáng, không ai ngăn che giấu giếm nổi, giống như cây dùi để trong đãy mà vẫn ló đầu ra. Thượng Sĩ ví thầy mình như cái chùy xưa và mong thầy luôn luôn được khỏe mạnh sống lâu dài.

Huệ Khả thân buồn, da tủy ký
Triệu Châu tuổi thọ, hạc qui niên.

Thượng Sĩ nói mình giống như Tổ Huệ Khả “thân buồn da tủy ký” (buồn là thẹn, chữ thẹn không hợp vận nên phải dùng chữ buồn). Nghĩa là Tổ Huệ Khả được Tổ Bồ-đề-đạt-ma thọ ký: “Ngươi được phần tủy của ta.” Thượng Sĩ bấy giờ không được thọ ký như Tổ Huệ Khả, nên Ngài thấy buồn. Xưa khi Tổ Bồ-đề-đạt-ma sắp tịch bảo đệ tử trình sở ngộ. Ngài Đạo Phó thưa:

– Theo chỗ thấy của con chẳng chấp văn tự chẳng lìa văn tự, đây là dụng của đạo.

Tổ bảo:

– Ngươi được phần da của ta.

Theo ngài Đạo Phó, dụng của đạo là không dính hai bên, vậy mà Tổ bảo là chỉ thấy phần da. Chúng ta bây giờ chắc chỉ thấy được sợi lông của Tổ.

Ni Tổng Trì ra thưa:

– Nay chỗ hiểu của con, như Tổ A-nan thấy nước Phật A-súc, chỉ thấy một lần, không còn thấy lại.

Tổ bảo:

– Ngươi được phần thịt của ta.

Đoạn này Ni Tổng Trì dẫn đức Phật dạy Tôn giả A-nan về cõi Phật A-súc, Tôn giả A-nan muốn thấy, nhưng không biết làm sao để thấy, đức Phật liền vận dụng thần thông cho Tôn giả A-nan thấy. Sau đó đức Phật thâu thần thông, Tôn giả A-nan hết thấy. Câu chuyện này ngầm ý nói người tu dụng công miên mật, tâm thanh tịnh, lúc nào đó hốt nhiên nhận ra Thể chân thật có sẵn nơi mình. Song, chỉ nhận ra một lần mà không hằng sống được, giống như Tôn giả A-nan thấy cõi Phật A-súc chỉ có một lần. Ở trước ngài Đạo Phó nói không chấp văn tự không lìa văn tự là việc bên ngoài, nên Tổ nói thấy da của ta. Ni Tổng Trì nói thấy cái chân thật của mình mà chỉ thấy có một lần, nên Tổ nói được phần thịt của ta, sâu hơn một chút.

Ngài Đạo Dục ra thưa:

– Bốn đại vốn không năm ấm chẳng có, chỗ thấy của con không một pháp có thể được.

Tổ bảo:

– Ngươi được phần xương của ta.

Đến ngài Huệ Khả bước ra đảnh lễ Tổ, rồi lui lại đứng yên lặng.

Tổ bảo:

– Ngươi được phần tủy của ta.

Tổ truyền y bát cho ngài Huệ Khả.

Chỗ cuối cùng của đạo là chỗ không ngôn ngữ, vì còn ngôn ngữ là còn đối đãi, nên ngài Huệ Khả không nói, chỉ xá, lui ra đứng khoanh tay. Chỗ ngôn ngữ không diễn tả được là chỗ rốt ráo. Dễ quá! Nhưng, xin đừng bắt chước. Nếu hôm nào quí vị lên trình sở ngộ với tôi, tôi hỏi, quí vị xá lui đứng khoanh tay, sẽ bị tôi nạt: “Chú chưa được phần tủy đâu nghe!” Đó chỉ là hành động bắt chước, chớ chưa thật ngộ. Thời nay người ta hay bắt chước mà làm trật. Thượng Sĩ thẹn vì chưa được thọ ký như Tổ Huệ Khả. Nhớ ơn thầy, Thượng Sĩ mong ước thầy mình sống lâu như Thiền sư Triệu Châu sống đến một trăm hai mươi tuổi.

Nên biết thế gian người có Phật
Lạ gì lò lửa nở hoa sen.

Thượng Sĩ nhắc cho mọi người biết, ở thế gian tất cả chúng ta ai cũng có sẵn ông Phật, nên không lạ gì khi nghe Thiền sư nói trong lò lửa nở hoa sen. Lò lửa chỉ cho thân vô thường, hoa sen chỉ cho tánh Phật có sẵn nơi mỗi người. Ngọn lửa vô thường đốt cháy từng giờ từng phút. Tuy nhiên, trong thân vô thường này có tánh Phật chưa bao giờ bị vô thường chi phối, chẳng khác nào trong lò lửa cháy hừng hừng mà có hoa sen nở tươi thắm. Biết rõ như vậy chúng ta mới thấy được giá trị thật của người tu. Chúng ta tu là phải nhận ra cái chân thật của mình đang bị vùi lấp phủ che bởi những tướng vô thường sanh diệt. Cốt lõi của nhà Thiền, thầy dạy trò tu chủ yếu là phải nhận ra ông Phật của chính mình, chớ không phải tìm ông Phật ở nơi nào khác, Phật ở ngay trong cái thân vô thường giống như trong lò lửa nở hoa sen vậy.

Trân trọng dâng lên lời tụng hứng
Chớ từ chút ít lễ vật hèn.

Thượng Sĩ hứng làm bài tụng dâng lên cúng dường thầy và mong thầy không từ chối.

Thượng Sĩ là một cư sĩ mà lòng quí kính của Ngài đối với bậc thầy hết sức thiết tha, biết rõ trọng trách của mình đối với bậc thầy, phải cúng dường như thế nào mới là đền ơn thầy, phải tu như thế nào để khỏi phụ lòng thầy. Đây là điều rất hiếm có ở nơi người cư sĩ. Thượng Sĩ còn biết rõ vì sao mình mang ơn thầy. Vì thầy là người dạy mình tu, giúp cho mình thêm ý chí. Sau cùng Thượng Sĩ khuyên mọi người tu, phải nhận ra nơi mình có sẵn tánh Phật như trong lò lửa có hoa sen.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.