Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Tụng Đạo Học Trần Thánh Tông



TỤNG ĐẠO HỌC TRẦN THÁNH TÔNG

Thánh học cao minh tột cổ kim
Kho rồng xâu suốt tận hoa tim.
Thích phong đã được mở tay báu
Tổ ý đâu không thấu kim chìm.
Trí vượt cửa thiền thông Thiếu Thất
Tình siêu biển giáo thấu Oai Âm.
Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp,
Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm.

Giảng:

Trần Thánh Tông là vị Vua không xuất gia mà thấy được lý thật qua kinh điển, qua ngữ lục của các Thiền sư. Nhà Vua thấy rất sâu, tột cùng lý đạo, nên Thượng Sĩ tán thán.

Thánh học cao minh tột cổ kim
Kho rồng xâu suốt tận hoa tim.

Về thánh điển thì nhà Vua thông suốt cả sách vở xưa nay, nhất là kinh Phật. “Kho rồng” dựa theo huyền sử kể rằng Bồ-tát Long Thọ có một lần được Long vương mời xuống Long cung thuyết pháp, Long vương mở kho tàng chứa kinh Phật cho Ngài xem. Vì trên nhân gian bị giặc cướp thiêu đốt cho nên kinh sách không còn đủ, Long vương đã thỉnh hết kinh Phật đem về chứa vào kho ở Long cung. Sau khi xem, ngài Long Thọ xin thỉnh những bộ kinh như Hoa Nghiêm, Niết-bàn v.v… để đem về nhân gian dịch ra và truyền bá cho người sau biết. Bốn bộ A-hàm của hệ Nguyên thủy không có những kinh đó. Đứng về lịch sử thì kinh Hoa Nghiêm, Niết-bàn v.v… ra đời sau khi Phật niết-bàn khoảng sáu trăm năm, tức là nhằm vào thời ngài Long Thọ. Nên đây nói “kho rồng xâu suốt tận hoa tim”. Nghĩa là kho kinh ở Long cung vua Trần Thánh Tông thông suốt hết.

Thích phong đã được mở tay báu
Tổ ý đâu không thấu kim chìm.

Hai câu này ý muốn nhắc đến hai sự tích:

  1. “Thích phong đã được mở tay báu” nghĩa là mở tay ra có hòn ngọc quí trong đó. Một hôm Tổ Sư Tử đi hoằng hóa đến nước Kế-tân có ông trưởng giả dẫn đứa con đến yết kiến Ngài, thưa rằng:

– Thằng con tôi tên là Tư-đa hai mươi tuổi, từ khi sanh ra đến giờ bàn tay trái nó nắm chặt lại chưa từng mở ra. Xin Tôn giả từ bi nói rõ nhân đời trước của nó cho tôi hiểu.

Tổ nhìn thẳng vào mặt Tư-đa, rồi đưa tay bảo:

– Trả hạt châu lại cho ta!

Tư-đa liền xòe tay dâng hạt châu cho Tổ. Tổ giải thích:

– Đời trước, ta là một Tỳ-kheo thường được Long vương thỉnh xuống Long cung tụng kinh. Một hôm sau khi tụng kinh xong, Long vương cúng ta một hạt châu, ta nhận châu rồi trao cho chú Thị giả tên Bà-xá (tức là thân đời trước của Tư-đa) giữ trong tay. Ta tịch, sanh nơi đây, vì nhân duyên thầy trò chưa hết nên gặp lại nhau tại hội này.

Trưởng giả nghe được tiền duyên của con mình hoan hỉ cho Tư-đa theo Ngài xuất gia. Tổ xét duyên xưa và nay, hợp hai tên đặt là Bà-xá-tư-đa.

Ý câu này Thượng Sĩ tán thán vua Trần Thánh Tông giống như Bà-xá-tư-đa mở tay ra liền thấy hòn ngọc báu. Đó là cái duyên thầy trò ngày xưa bây giờ gặp lại.

  1. “Tổ ý đâu không thấu kim chìm.” Ngài Ca-na-đề-bà là Tổ thứ mười lăm đệ tử của Tổ Long Thọ. Khi Tổ Long Thọ đến Nam Ấn, Ngài đến yết kiến. Tổ muốn thử Ngài, nên sai đồ đệ múc một thau nước đầy để trước lối vào. Ngài đi qua lấy một cây kim bỏ vào thau nước rồi thẳng đến yết kiến Tổ. Tổ rất hoan hỉ, thầy trò đã hợp duyên. Việc Long Thọ sai để thau nước không phải chỉ ngầm ý cho ngài Đề-bà bỏ kim vào, mà còn muốn nói lên cái ý khó tìm. Ở đời cái gì khó tìm thì người ta nói mò kim đáy giếng. Kim rớt xuống đáy giếng tìm rất khó. Cũng vậy, duyên thầy trò ngày xưa mà nay gặp lại không phải là chuyện dễ, rất khó, khó như việc mò kim đáy giếng. Cái thau nước tượng trưng cho cái giếng, cây kim bỏ trong thau chìm xuống đáy, dụ như cây kim rớt chìm dưới đáy giếng tìm rất khó khăn. Ý của Tổ Long Thọ ngài Ca-na-đề-bà hiểu thấu, nên bỏ cây kim vào thau. Thượng Sĩ dẫn tích này để tán thán vua Trần Thánh Tông thấu suốt lý Thiền, giống như ngài Ca-na-đề-bà hội được ý Tổ Long Thọ nên bỏ kim vào thau.

Trí vượt cửa Thiền thông Thiếu Thất.

Trí tuệ của vua Trần Thánh Tông vượt khỏi cửa Thiền và thông suốt được ý nghĩa của Tổ Đạt-ma ở Thiếu Thất.

Tình siêu biển giáo thấu Oai Âm.

Vua Trần Thánh Tông thấu suốt được giáo lý của Phật Thích-ca trong đời hiện tại cho đến đức Phật Oai Âm Vương ở đời quá khứ. Trong kinh có câu: “Oai Âm Vương dĩ tiền vô Phật danh vô chúng sanh danh.” Nghĩa là từ đức Phật Oai Âm Vương về trước không có tên Phật và tên chúng sanh. Phật Oai Âm Vương là đức Phật đầu của tất cả chư Phật. Ý câu này tán thán vua Trần Thánh Tông thấu suốt được giáo lý của chư Phật một cách tường tận.

Người đời chỉ thấy ngàn non đẹp
Ai lắng hang sâu tiếng vượn trầm.

Nguời thế gian chỉ thích thấy những cảnh đẹp của núi non mây nước, ít ai chịu lắng nghe tiếng con vượn kêu trong hang sâu. Ở đời này có mấy người chịu ngồi im lìm để lắng nghe tiếng khỉ vượn nhảy nhót kêu ở trong lồng, mà đa số chỉ thích chạy tìm những thanh sắc tầm thường ở bên ngoài. Nhưng tất cả cái bên ngoài là tướng sanh diệt, thế mà người ta lại mê say đuổi theo. Rất ít người chịu lắng lòng nhìn lại mình thật kỹ, để nhận ra cái chân thật của mình. Tuy quí vị có lắng ở hang sâu mà chưa nghe tiếng vượn, biết đâu hôm nào đó nghe rồi bật cười và tất cả sương mù trên thế gian đều tan vỡ hết. Chúng ta thấy những bài thơ của Thượng Sĩ, hai câu kết thường nhắc đến việc quan trọng của người tu là nhận cho ra cái chân thật của mình.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.