BẢO TU NGHIỆP TÂY PHƯƠNG
Thân báu Di-đà ở nội tâm
Đông Tây Nam Bắc pháp thân trùm.
Bầu trời chỉ thấy vầng trăng lẻ
Trong vắt đêm thu cả biển chùa.
Giảng:
Đa số người tu, niệm Phật là cầu sanh về Tây phương, mà ở đây Thượng Sĩ nói tu nghiệp Tây phương, nên có nhiều người không chịu. Chúng ta phải biết nghiệp có ba loại: nghiệp thiện, nghiệp ác, và nghiệp tịnh. Làm lành, nói lành, nghĩ lành là nghiệp thiện; làm dữ, nói dữ, nghĩ dữ là nghiệp ác. Chuyên niệm danh hiệu Phật để tâm được thanh tịnh là nghiệp tịnh. Tại sao gọi là nghiệp tịnh? Vì còn tác động là còn tạo nghiệp, tác động lành thì tạo nghiệp lành, tác động dữ thì tạo nghiệp ác, tác động tịnh thì tạo nghiệp tịnh. Thế nên Thượng Sĩ mới bảo tu nghiệp Tây phương tức là tu nghiệp tịnh để về cõi Tây phương.
Thân báu Di-đà ở nội tâm.
Đối với các Thiền sư thì niệm Phật không phải để nhớ đức Phật ở cõi Cực Lạc phương Tây mà niệm Phật là nhớ Phật ngay nơi tâm mình. Đa số người tu theo pháp môn Tịnh độ niệm danh hiệu đức Phật A-di-đà để cầu sanh về cõi Cực Lạc ở phương Tây. Đó chỉ là quan niệm của những người tu theo Tịnh độ mà chưa thấu suốt lý cứu kính của pháp tu này. Bây giờ chúng ta phải tìm hiểu chữ Di-đà là gì? Nam-mô A-di-đà Phật là đọc trại âm chữ Phạn, nếu đọc đúng âm tiếng Phạn phải đọc Na-mô A-mi-ta Bu-đa. A-di-đà là dịch âm, nếu dịch nghĩa là Vô lượng thọ, Vô lượng quang. Vô lượng thọ là tuổi thọ không lường, Vô lượng quang là ánh sáng không lường. Như vậy, Phật A-di-đà là một vị Phật có tuổi thọ vô lượng, ánh sáng vô lượng. Nhưng theo Thiền tông thì Phật tánh có sẵn nơi mỗi người là Thể tánh sáng suốt trùm khắp không hình tướng không sanh diệt. Phật tánh không tướng mạo không sanh diệt thì tuổi thọ bao nhiêu? Làm sao tính đếm? Nên nói Vô lượng thọ. Phật tánh sáng suốt không có giới hạn nên nói Vô lượng quang.
Ai ai cũng đều có Phật tánh nên Thượng Sĩ nói: “Thân báu Di-đà ở nội tâm.” Thiền tông nhận ra Phật ở ngay tâm mình chớ không nhận Phật ở ngoài. Trong kinh A-di-đà có đoạn nói rằng: “Nếu người nào niệm danh hiệu Phật A-di-đà được nhất tâm bất loạn, từ một ngày cho đến bảy ngày thì người đó khi lâm chung sẽ thấy Phật hiện trước.” Như vậy khi niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, tức là tâm không còn dấy niệm, tâm không dấy niệm lặng lẽ hoàn toàn thì Phật tánh hiện tiền, cho nên nói thấy Phật hiện. Hiểu như thế mới phù hợp với cái lý niệm Phật. Tu pháp nào cũng vậy sự lý phải viên dung, chớ không thể chấp sự mà bỏ lý được. Chúng ta niệm danh hiệu Phật A-di-đà để cho tâm thanh tịnh, mà tâm thanh tịnh thì nhắm mắt thấy Phật, đó là thấy ông Phật của chính mình.
Có một vị Sư tu Thiền hỏi vị Sư tu Tịnh độ:
– Anh tu pháp môn gì?
– Tôi tu pháp môn Tịnh độ.
– Đức Phật A-di-đà bao nhiêu tuổi?
– Bằng tuổi của tôi.
– Anh bao nhiêu tuổi?
– Bằng tuổi Phật A-di-đà.
Nghe câu trả lời của vị ấy, chúng ta thấy như đùa cợt bất kính Phật, nhưng lại phù hợp với lý này. Phật A-di-đà là Tự tánh thanh tịnh của mình. Tự tánh ấy trùm khắp chớ không riêng ở nơi nào, nên nói:
Đông Tây Nam Bắc pháp thân trùm.
Hai câu này Thượng Sĩ xác định rằng Phật tức tâm chớ không phải ở ngoài, Phật A-di-đà chính là Tánh giác bất sanh bất diệt sáng suốt có sẵn nơi mỗi người.
Bầu trời chỉ thấy vầng trăng lẻ
Trong vắt trăng thu khắp đất trời.
Cả bầu trời đêm mười sáu nếu không mây thì nhìn lên chỉ thấy có một vầng trăng, nhưng nhìn xuống dưới biển thì thấy đầy cả biển trăng. Đêm trăng có một trăm chiếc thuyền đi trên biển, mỗi người ngồi trên thuyền của mình nhìn xuống biển thì thấy có một mặt trăng, một trăm người ngồi trên một trăm chiếc thuyền thì thấy có một trăm bóng mặt trăng đi theo. Nhưng nhìn lên bầu trời chỉ thấy có một vầng trăng thôi. Như vậy một trăm bóng trăng đó là thật hay giả? Bóng là bóng mặt trăng chớ không phải mặt trăng thật. Bóng mặt trăng thì nhiều mà mặt trăng thật thì không có hai. Cũng vậy, Pháp thân của chúng ta không hai, nhưng khi mê nó dấy lên bao nhiêu thứ tâm, lường không hết tính không được. Chúng ta tu cốt là buông bỏ những niệm lăng xăng, để trở về với Thể chân thật không hai. Trong nhà Phật thường gọi là lý bất nhị; bất nhị là không còn hai vì còn hai là chưa tới lẽ thật. Thế nên người tu theo pháp môn Tịnh độ là phải đạt tới chỗ nhất tâm, nhất tâm thì Phật tánh mới hiển bày đó là Phật A-di-đà của chính mình nên nói Phật tức tâm.