Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải (1996)

Bảo Chúng (2)



BẢO CHÚNG (2)

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân
Chân vọng tâm kia cũng là trần.
Cốt muốn nhảy thẳng lên bờ ấy
Hãy tham đồng tử đang có đây.

Giảng:

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân.

Người đời ưa vọng chẳng ưa chân là phải rồi, còn người tu thì ưa chân chẳng ưa vọng hay như người đời ưa vọng không ưa chân? Nhưng Thượng Sĩ nói:

Chân vọng tâm kia cũng là trần.

Tâm chân tâm vọng cả hai thuộc về trần, tức là thuộc về sanh diệt. Cái vọng thuộc về trần, nó sanh diệt là phải, nhưng sao cái chân cũng thuộc sanh diệt? – Thể tánh bất sanh bất diệt, tự nó không nói là chân hay vọng. Vì tâm chúng ta còn nhiều vọng niệm lăng xăng nên gọi là vọng, khi chúng ta buông những vọng niệm, tâm yên lặng tạm gọi là chân. Nói chân là do có vọng mà nói, nếu vọng hết rồi thì chân cũng không còn. Cũng như cái nhà này chúng ta nói sáng vì không có bóng tối, nói tối là do không có ánh sáng. Song, ai cũng ưa sáng mà không ưa tối, nhưng nếu không có tối thì có sáng không? Ngược lại cũng vậy. Giả sử ở nơi nào đó chưa bao giờ có đêm thì có ngày không? Sở dĩ có tối có sáng là do đối đãi nhau mà lập không phải thật. Cũng như nói vọng là đối với chân mà nói, nói chân là đối với vọng mà nói. Thể tánh sáng suốt không thuộc chân vọng vì chân vọng là hai cái giả lập.

Cốt muốn nhảy thẳng lên bờ ấy.

Bờ ấy là chỉ cho bờ giác hay là Niết-bàn. Muốn nhảy thẳng đến bờ giác thì phải:

Hãy tham đồng tử đang có đây.

Phải tham vấn chú bé đang ở đây. Chú bé đang ở đây là chú bé nào? Chữ này có hai cách giải. Trong kinh Hoa Nghiêm thường gọi Bồ-tát là đồng tử. Đồng tử là chỉ cho những đứa bé, tại sao gọi Bồ-tát là đồng tử? Bồ-tát gọi là giác mà cái giác của Bồ-tát đối với cái giác của Phật thì chưa viên mãn, Bồ-tát thì từng phần giác chớ chưa giác ngộ viên mãn như Phật. Như người đứng tuổi thì các bộ phận trong cơ thể và sự khôn ngoan sáng suốt phát triển đầy đủ, còn đứa bé thì các bộ phận trong cơ thể tuy đủ, nhưng chưa phát triển toàn diện, nên đối với người lớn thì nó là đứa bé. Cũng vậy đứng về mặt giác ngộ thì đức Phật đã viên mãn nên coi như người lớn, Bồ-tát mới giác ngộ từng phần nên đối với Phật coi như là đứa bé, cho nên các kinh Đại thừa thường gọi Bồ-tát là đồng tử. Nhưng đồng tử đối với Phật chớ không phải đối với chúng ta. Chúng ta thì thấy Bồ-tát là những vị trưởng thượng, chỉ có Phật mới coi Bồ-tát như đứa bé thôi. Đó là nói theo kinh. Nhưng ở đây thì khác, Thượng Sĩ nói người tu muốn nhảy thẳng tới bờ giác ngộ thì phải tham vấn đồng tử đang có đây, tức là muốn giác ngộ thì phải nhận ra cái Tánh giác sẵn có nơi mình, chớ đừng tìm đâu xa hết. Tại sao gọi Tánh giác là đồng tử? Vì Tánh giác là viên mãn trùm khắp mà người mới nhận ra thì chỉ giác từng phần chưa viên mãn, ví như đứa bé nên gọi là đồng tử.

Bốn câu kệ này Thượng Sĩ dạy chúng ta, vọng chân gì cũng phải buông và muốn giác ngộ thì phải nhận ra cái Thể tánh sáng suốt sẵn có nơi mình, chớ không tìm đâu xa.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.