Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục giảng giải

Bảo Chúng (1)



Chánh văn:

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê

Thể tánh sáng ngời chửa từng mê.

Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn

Gió trời thổi mát thấp cao chê.

Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc

Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề,

Diệu khúc xưa nay cần cứ hát

Chớ tìm nam bắc với đông tê. 

Giảng: 

Bài này Thượng sĩ nhắc nhở chúng ta tu, nên gọi là Bảo Chúng. Chúng ở đây gồm có hai hạng, xuất gia và tại gia, là những người đến học với ngài. Ngài khuyên rằng:

Thôi tìm Thiếu Thất với Tào Khê 

Thể tánh sáng ngời chửa từng mê. 

Thượng sĩ khuyên chúng ta muốn tu muốn đạt được đạo, không phải tìm tới Thiếu Lâm chỗ tổ Bồ-đề- đạt-ma ở, hay phải tìm tới Tào Khê chỗ Lục tổ Huệ Năng trụ xứ giáo hóa mới tu được. Vì hai nơi đó tuy là chỗ của Sơ Tổ và Lục Tổ nhưng nó là cảnh tướng, có chỗ nơi không phải là gốc của sự giác ngộ. Gốc của sự giác ngộ là Thể tánh sáng ngời chửa từng mê. Mỗi chúng ta ai cũng có thể tánh sáng suốt lúc nào cũng hiện tiền chưa từng bị mê, vậy mà chúng ta không nhận ra. Sở dĩ chúng ta không nhận ra thể tánh sáng suốt của chính mình, là tại những vọng niệm lăng xăng tiếp nối lôi kéo chúng ta cứ chạy theo nó, mà quên mất thể tánh sáng suốt của mình. Như vậy muốn được giác ngộ không phải tới Tào Khê hay Thiếu Thất, mà phải khéo buông bỏ những vọng niệm lăng xăng nơi tâm mình thì thể tánh sáng ngời hiện tiền chứ không tìm kiếm đâu xa.

Trăng cổ chiếu soi nào cận viễn 

Gió trời thổi mát thấp cao chê. 

Mặt trăng xưa chiếu ánh sáng xuống mọi vật một cách đầy đủ và bình đẳng, không câu nệ xa gần. Gió từ phương trời thổi lại, nó không chê chỗ thấp chọn chỗ cao, cao thấp nó đều thổi bình đẳng. Tuy nhiên chỗ khuất lấp thì gió thổi tạt lên chỗ cao, đó là tại chỗ nơi chứ không phải tại gió lựa chọn. Đó là hai hình ảnh trăng cổ gió trời không phân biệt xa gần cao thấp.

Ánh thu đen trắng tùy duyên sắc 

Sen nở thơm hồng bùn chẳng hề.

Tin Bầu trời mùa thu có ánh trăng sáng trong, nhưng ánh sáng ấy không nhất định màu vàng, màu xanh hay màu trắng mà tùy duyên. Nếu cảnh vật trắng thì nó hiện sắc trắng. Cảnh vật xanh nó hiện sắc xanh, đỏ thì nó hiện sắc đỏ. Ánh sáng vàng, xanh v.v… là tại những hình sắc bên ngoài. Như ánh sáng đang chiếu mà chúng ta để hạt lưu ly ở trên miếng giấy đỏ thì thấy ánh sáng màu đỏ, để trên miếng giấy xanh thấy ánh sáng màu xanh v.v… Như vậy phản ảnh màu này màu nọ là tại màu sắc chứ ánh sáng không có màu này màu nọ. Hoa sen nở ra từ dưới bùn mà nó không hề bị bùn làm cho hôi hám. Đó là những hình ảnh trăng cổ, gió trời, ánh sáng mùa thu, hoa sen nở, tất cả những thứ đó đều không có phân biệt so sánh gần xa, cao thấp, trắng đen và thơm hôi. Nghĩa là nó không bị sự so sánh làm cho mất đi tính chất bình đẳng. Thượng sĩ mượn cái bình đẳng để nói lên thể sáng ngời của chúng ta nó cũng không phân biệt xa gần, cao thấp, trắng đen hay thơm hôi. Sở dĩ có những cái phân biệt đó là do tùy duyên bên ngoài như thế nào thấy như thế ấy. Ý Thượng sĩ nói nơi mọi người chúng ta có sẵn cái thể tánh bình đẳng trong sáng, chưa bao giờ có niệm phân biệt so sánh. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh là thiếu bình đẳng tự nhiên.

Diệu khúc xưa nay cần cứ hát 

Chớ tìm nam bắc với đông tê. 

Diệu khúc là bản nhạc nhiệm mầu có sẵn từ xưa tới nay, nếu cần thì cứ hát, chứ đừng tìm tới phương nam, phương tây, phương bắc. Theo Thượng sĩ, bản nhạc nhiệm mầu này chỉ cho thể tánh sáng ngời hằng hữu nơi mỗi chúng ta. Cứ sống với thể tánh ấy đừng chạy nơi này nơi nọ tìm kiếm vô ích.

Bài thơ này Thượng sĩ dạy chúng ta, là người học đạo muốn sáng được đạo thì phải nhận nơi mình có thể tánh sáng suốt bình đẳng, không bị cái so sánh phân biệt che lấp. Nó đã có sẵn cứ ngay đó mà sống, đừng tìm kiếm phí công.

Vậy quý vị đã hát được bản nhạc nhiệm mầu mà Thượng sĩ nói chưa, hay chỉ hát những bài ca thế tục?

Những bản nhạc thế tục thì dễ nhớ, còn diệu khúc này thì mau quên! Tại chúng ta chạy theo sáu trần mà quên nó chứ nó đâu có mất.

Tóm lại, bài này Thượng sĩ khuyên người tu Phật, phải trực nhận nơi mình có sẵn cái thể tánh sáng suốt không bao giờ mê mờ, tại chúng ta chạy theo vọng tưởng quên nó mà thôi. Biết rồi thì đừng thắc mắc rằng mình ở đây tu lâu ngộ, phải tới Thiếu Lâm hay Tào Khê tu mới mau ngộ. Đừng có khao khát ước mơ tìm kiếm đâu xa, mà phải quay lại nơi mình nhận ra tánh sáng suốt của mình và hằng sống với nó. Nếu khởi niệm phân biệt so sánh thì thể tánh sáng suốt bị che khuất, Thượng sĩ muốn cụ thể hóa cho nên nói bản nhạc xưa có sẵn, muốn hát lúc nào thì hát, đừng tìm kiếm ở đâu xa. Đó là lời nhắc nhở của Thượng sĩ, ai là người học đạo phải mau hiểu lấy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.