BẢO HỌC GIẢ
Học giả rối bời biết là sao
Luống đem gạch ngói uổng công mài.
Bảo anh thôi chớ nương cửa khác
Một điểm ánh xuân chốn chốn hoa.
Giảng:
Bảo học giả là khuyên người trí thức chớ nghiên cứu tìm tòi.
Học giả rối bời biết là sao
Luống đem gạch ngói uổng công mài.
Học giả là người chuyên nghiên cứu sách vở, để tìm tòi những điều hay đẹp ở trong ấy, nên tâm họ luôn rối bời, do đó mà không đạt được chỗ chân thật cứu kính, giống như người đem gạch ngói mài để làm gương. Câu này Thượng Sĩ dẫn chuyện mài gạch của Thiền sư Nam Nhạc Hoài Nhượng. Sau khi đắc pháp nơi Lục Tổ, Thiền sư Hoài Nhượng đến trụ ở dãy Hoành Nhạc. Một hôm đi dạo núi thấy một vị Tăng tên Đạo Nhất ngồi thiền trên phiến đá, Ngài đi đến hỏi:
– Đại đức ngồi thiền để làm gì?
Đạo Nhất thưa:
– Để làm Phật.
Sau đó Ngài lấy một cục gạch đến trên phiến đá trước am Đạo Nhất ngồi mài, Đạo Nhất thấy lạ hỏi:
– Hòa thượng mài gạch để làm gì?
– Mài để làm gương.
– Mài gạch đâu có thể thành gương được?
– Ngồi thiền đâu có thể thành Phật được?
– Vậy làm thế nào mới phải?
– Như trâu kéo xe, xe không đi, vậy đánh xe là phải hay đánh trâu là phải?
Dốt nát như chúng ta, ai cũng biết đánh trâu là phải. Thí dụ này rất hay, con trâu kéo xe, xe là cái bị động, trâu là cái chủ động, muốn cái bị động di chuyển thì phải điều khiển cái chủ động.
Đạo Nhất lặng thinh. Ngài nói tiếp:
– Ông học ngồi Thiền hay học ngồi Phật? Nếu học ngồi thiền, thiền không phải ngồi nằm. Nếu học ngồi Phật, Phật không có tướng nhất định, đối pháp không trụ, chẳng nên thủ xả, ông nếu ngồi Phật tức là giết Phật, nếu chấp tướng ngồi chẳng đạt ý kia.
Hằng ngày Phật không những ngồi mà còn đi khất thực, tối còn nằm nghỉ. Vậy lúc đi lúc nằm gọi là gì? Ngồi cũng Phật mà đi cũng Phật, nói nín đều là Phật. Như quí thầy tu lúc ngồi là thầy tu hay đi đứng là thầy tu? Nếu vô chùa thấy quí thầy quí cô ngồi thiền nói quí thầy quí cô tu, một lát quí thầy quí cô xả thiền có tu không? Dầu ngồi hay đi bất cứ ở hành động nào cũng là thầy tu. Cũng vậy Phật ở trong hành động nào cũng là Phật. Tóm lại, ý Thượng Sĩ muốn nhắc chúng ta rằng, khi tu đừng chấp vào hình thức nào cố định, hình thức chỉ là phương tiện chớ không phải cứu kính. Phương tiện nào thích hợp và giúp cho chúng ta tiến đạo thì chúng ta ứng dụng. Ví dụ chúng ta muốn tâm được yên tịnh mà nằm ngủ mãi ngáy pho pho thì tâm không an định. Đi dạo chơi với huynh này huynh kia, nói chuyện năm trước năm sau thì tâm không an định. Tốt hơn hết là ngồi lại nghiêm chỉnh ngó xuống, không có chuyện gì rối rắm, nhưng phải biết ngồi là phương tiện chớ không phải cứu kính, nếu nói ngồi thiền là cứu kính ấy là sai. Cho nên chư Tổ sau này nói tu trong bốn oai nghi, chớ không hạn cuộc vào một oai nghi nào. Nhưng trong bốn oai nghi, ngồi là thù thắng hơn hết, nên chúng ta lấy phương tiện thù thắng mà ứng dụng. Phải nói rõ cho quí vị hiểu, chớ không khéo mai kia một vài Sư nào đó hỏi rằng: “Tại sao Tổ quở ngồi thiền, mà ở đây Thầy chủ trương ngồi, vậy là đã trái ý Tổ.” Nói nghe hay lắm nhưng nếu không ngồi thiền thì làm gì? Đi tới đi lui nói chuyện tạp tâm loạn tưởng, thêm phiền não chớ không lợi ích gì, nên tôi bắt ngồi. Thượng Sĩ nói “luống đem gạch ngói uổng công mài”. Mài gạch ngói để làm gương là việc làm phí công vô ích.
Bảo anh thôi chớ nương cửa khác
Một điểm ánh xuân chốn chốn hoa.
Thôi anh đừng tới nhà người mà trông cậy người ta chỉ dạy, chỉ cần một điểm sáng của mùa Xuân thì tất cả hoa đều đua nhau nở rộ. Nghĩa là hoa đã có sẵn cái mầm ở trong thân cây, chỉ cần ánh nắng mùa Xuân chiếu tới thì nó nở, chớ không cần tìm kiếm đâu xa. Cũng vậy ở nơi mỗi chúng ta đều có sẵn cái mầm giác ngộ, chỉ cần nhân duyên thuận tiện thì nó bừng sáng, chớ nên tìm kiếm trông chờ ở bên ngoài.