HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một thời Phật tại thành La-duyệt, vườn trúc Ca-lan-đà, cùng với chúng đại Tỳ-kheo năm trăm người.
Bấy giờ A-nan, Đa-kỳ-xà đến giờ đắp y, ôm bát vào thành khất thực. Khi ấy Đa-kỳ-xà trong một ngõ thấy một cô gái hết sức đoan chánh, đặc biệt ở đời; thấy rồi lòng dạ rối bời, không như bình thường. Khi ấy Đa-kỳ-xà dùng kệ nói với A-nan:
Bị lửa dục thiêu đốt,
Tâm ý rất hừng hừng,
Mong thuyết diệt nghĩa này,
Có được nhiều lợi ích.
A-nan lại dùng kệ đáp:
Biết dục, pháp điên đảo,
Tâm ý rất hừng hừng,
Nên trừ niệm tưởng tượng,
Ý dục liền tự thôi.
Đa-kỳ-xà lại dùng kệ nói:
Tâm là gốc của hình,
Mắt là nguồn của hầu,
Nằm ngủ thấy nâng đỡ,
Hình như cỏ rối úa.
Tôn giả A-nan tức thời tiến lên, lấy tay mặt xoa đầu Đa-kỳ-xà, nói kệ:
Niệm Phật không tham dục,
Độ dục của Nan-đà,
Thấy trời, hiện địa ngục,
Ngừa ý, lìa năm đường.
Đa-kỳ-xà nghe tôn giả A-nan nói xong, liền nói:
– Thôi, thôi, A-nan.
Hai vị cùng khất thực xong, trở về chỗ Thế Tôn. Khi đó cô gái từ xa thấy Đa-kỳ-xà liền cười.
Đa-kỳ-xà thấy cô gái cười, liền sanh ý nghĩ này: “Nay cô thân hình do xương lập với da bọc cũng như hình vẽ trong đó chứa đầy bất tịnh, dối gạt người đời, khiến phát loạn tưởng”.
Bấy giờ tôn giả Đa-kỳ-xà quán cô gái ấy từ đầu đến chân: “Trong thân thể này có gì đáng tham, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh. Nay các vật này từ đâu sanh?”
Tôn giả Đa-kỳ-xà lại nghĩ: “Nay ta quán thân hình cô ta chẳng bằng tự quán trong thân mình. Dục này từ đâu sanh? Từ đất sanh chăng? Từ nước, lửa, gió sanh chăng? Nếu từ đất sanh, đất cứng cỏi không thể tan hoại; nếu từ nước sanh, nước hết sức mềm nhuyễn không thể gìn giữ; nếu từ lửa sanh, lửa không thể gìn giữ; nếu từ gió sanh, gió không hình tướng, không thể gìn giữ.” Tôn giả liền nghĩ: “Dục này chỉ từ tư tưởng sanh.”
Bấy giờ ngài liền nói kệ:
Dục, ta biết gốc ngươi,
Chỉ do tư tưởng sanh,
Ta không tư tưởng ngươi,
Thì ngươi không có được.
Tôn giả Đa-kỳ-xà nói kệ này rồi càng suy nghĩ về tưởng bất tịnh. Ngay chỗ đó, tâm hữu lậu được giải thoát.
A-nan và Đa-kỳ-xà ra khỏi thành La-duyệt, về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy tôn giả Đa-kỳ-xà bạch Thế Tôn:
– Nay con chóng được lợi lành, đã có điều giác.
Thế Tôn bảo:
– Nay Thầy tự giác thế nào?
Đa-kỳ-xà bạch Phật:
– Sắc không bền chắc cũng không kiên cố, chẳng thể thấy, huyễn ngụy chẳng chân. Thọ không bền chắc cũng không kiên cố, cũng như bọt nước, huyễn ngụy chẳng chân. Tưởng không bền chắc cũng không kiên cố, huyễn ngụy chẳng chân, cũng như sóng nắng. Hành cũng không chắc, không kiên cố, cũng như cây chuối không có thật. Thức không chắc, cũng không kiên cố, huyễn ngụy chẳng chân.
Tôn giả lại bạch Phật:
– Ngũ thanh ấm này không chắc cũng không kiên cố, huyễn nguy chẳng chân.
Tôn giả Đa-kỳ-xà liền nói kệ:
Sắc giống như đám bọt,
Thọ như là bong bóng,
Tưởng tự như sóng nắng,
Hành như là cây chuối,
Thức là pháp huyễn hóa.
Bậc Tối Thắng thường nói,
Suy nghĩ như thế rồi,
Quán hết thảy các hành,
Tất cả đều không tịch,
Không có thật chân chánh,
Đều do thân này sanh.
Đấng Thiện Thệ thường nói,
Nên đoạn diệt ba pháp,
Thấy sắc hằng bất tịnh,
Thân này là như thế,
Huyễn ngụy chẳng chân thật.
Chúng đều là pháp hại,
Ngũ ấm chẳng bền chắc,
Đã hiểu chẳng chân thật,
Nay mau tiến bước lên.
Như thế, bạch Thế Tôn! Nay chỗ hiểu của con chính là vậy.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay! Đa-kỳ-xà! Khéo hay quán sát gốc của năm thạnh ẩm này. Nay Thầy nên biết, phàm là người tu hành nên quán sát gốc của năm ấm này đều chẳng kiên cố. Vì sao như thế? Ngay lúc quán sát năm thanh ấm này, ta ở dưới cây Bồ-đề thành Vô thượng Chánh đẳng giác, cũng như Thầy quán hôm nay.
Lúc thuyết pháp này có năm mươi Tỳ-kheo, ngay chỗ ngồi được lậu tận, ý giải.
Khi ấy, tôn giả Đa-kỳ-xà nghe Phật dạy xong, hoan hỷ vâng làm.
Giảng:
Ngài A-nan và Đa-kỳ-xà vào thành khất thực, tôn giả Đa-kỳ-xà đi giữa đường thấy cô gái đẹp, tâm ý rối loạn, mất bình tĩnh. Người ta chưa động tới đã mất bình tĩnh rồi. Bấy giờ ngài liền cầu cứu.
Tôn giả Đa-kỳ-xà liền hướng về A-nan nói kệ:
Bị lửa dục thiêu đốt,
Tâm ý rất hừng hừng,
Mong thuyết diệt nghĩa này,
Có được nhiều lợi ích.
Ngài rất thật thà, dở nói dở. Tôi đang bị lửa dục thiêu đốt, tâm ý rối loạn, xin Sư huynh giúp tôi diệt bệnh để được lợi ích. Ngài A-nan liền nói:
Biết dục, pháp điên đảo,
Tâm ý rất hừng hừng,
Nên trừ niệm tưởng tượng,
Ý dục liền tự thôi.
Thầy biết dục là pháp điên đảo, làm cho tâm ý rối loạn thì đừng nghĩ tưởng tới nó nữa, nghĩ tưởng tự dứt. Ngài Đa-kỳ-xà liền nói kệ:
Tâm là gốc của hình,
Mắt là nguồn của hầu,
Nằm ngủ thấy nâng đỡ,
Hình như cỏ rối úa.
Tâm là gốc của hình, tức tâm là chủ của thân. Mắt là nguồn của hầu, hầu là tâm. Mắt thấy rồi dẫn tâm chạy. Tâm đang ngủ yên, mắt vừa thấy sắc liền chạy theo, dấy lên. Mắt thấy người đẹp, tâm chạy theo làm cho mình rối loạn tơi bời, như cỏ héo rối. Ngài A-nan thấy Sư đệ yếu đuối quá, liền tiến tới trước xoa đầu Đa-kỳ-xà an ủi:
Niệm Phật không tham dục,
Độ dục của Nan-đà,
Thấy trời, hiện địa ngục,
Ngừa ý, lìa năm đường.
Ngài khuyên ráng nhớ Phật, tham dục sẽ hết. Vì sao? Vì ngày xưa Phật dùng phương tiện độ Nan-đà, nhờ vậy mà Nan-đà thoát khỏi lửa dục. Tôn giả Đa-kỳ-xà nghe tôn giả A-nan nói rồi liền bảo: Thôi! Thôi! A-nan, cùng đi khất thực xong rồi, trở về chỗ Thế Tôn sẽ hay.
Cứ đi khất thực mà có được yên đâu! Lúc ấy, cô gái kia xa thấy Đa-kỳ-xà liền cười, làm cho ngài rối thêm nữa. Tôn giả Đa-kỳ-xà liền sanh tưởng niệm này: Nay hình thể của ngươi là xương cứng bọc da, cũng như hình vẽ, bên trong chứa đồ nhơ nhớp mê hoặc người đời, khiến phát cuồng loạn. Thân ngươi như cái bộ nhơ nhớp, vẻ ngoài sang trọng nhưng bên trong hết sức bẩn thỉu. Ngài không còn mê đắm chạy theo nữa mà dùng trí tuệ chiếu phá.
Tôn giả Đa-kỳ-xà quán cô gái kia từ đầu đến chân, trong hình thể này có gì đáng tham? Từ đầu đến chân chỉ là một đống nhớp nhúa, ba mươi sáu vật thảy đều bất tịnh. Các vật này từ đâu sanh? Tôn giả Đa-kỳ-xà lại nghĩ: Ta nay quán hình kẻ khác không bằng tự quán trong thân. Quán người ta đâu bằng quán bất tịnh ngay nơi mình. Dục này từ đâu sanh? Căn cứ vào tứ đại, tham dục từ đất sanh chăng, từ nước, từ lửa sanh chăng? Nếu từ đất sanh thì không thể phá hoại vì đất cứng. Nếu từ nước sanh thì nước mềm yếu không thể gìn giữ. Nếu từ lửa sanh thì cháy rụi cũng không thể giữ được. Nếu từ gió sanh thì gió vô hình làm sao sanh được? Xét bốn đại, không đại nào có dục hết. Vậy dục từ đâu ra?
Lúc ấy, Tôn giả nghĩ chỉ từ tư tưởng sanh. Như vậy, tứ đại không có sanh dục, do tư tưởng sanh. Nên ngài nói kệ:
Dục, ta biết gốc ngươi,
Chỉ do tư tưởng sanh,
Ta không tư tưởng ngươi,
Thì ngươi không có được.
Tôn giả Đa-kỳ-xà nói kệ này lại suy xét về bất tịnh, liền ngay đó tâm hữu lậu được giải thoát. Như thế là chuyển bại thành thắng. Lúc đầu thấy như bại trận, tới đây chuyển bại thành thắng liền giải thoát dục lậu. Thật là khéo! Chỉ trong một buổi đi khất thực đã thành công,
Tôn giả A-nan và Đa-kỳ-xà ra khỏi thành La-duyệt, về chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi ngồi một bên. Khi ấy tôn giả Đa-kỳ-xà bạch Thế Tôn:
– Nay con chóng được lợi lành, đã có điều giác.
Phật hỏi Đa-kỳ-xà tự giác thế nào? Tôn giả bạch: Sắc không lâu dài cũng không bền chắc, không thể xem thấy, giả dối không thật. Tức là thấy rõ thân năm uẩn là không thật. Thọ không lâu dài cũng không bền chắc, như bong bóng nước, giả dối không thật… Tôn giả Đa-kỳ-xà nói kệ:
Sắc giống như đám bọt,
Thọ như là bong bóng,
Tưởng tợ như sóng nắng,
Hành như là cây chuối,
Bậc Tối Thắng thường nói,
Suy nghĩ như thế rồi,
Quán hết thảy các hành,
Thức là pháp huyễn hoá.
Tất cả đều không tịch,
Không có thật chân chánh,
Đều do thân này sanh.
Đấng Thiện Thệ thường nói,
Nên đoạn diệt ba pháp,
Thấy sắc hằng bất tịnh,
Thân này là như thế,
Huyễn ngụy chẳng chân thật.
Chúng đều là pháp hại,
Ngũ ấm chẳng bền chắc,
Đã hiểu chẳng chân thật,
Nay mau tiến bước lên.
Nhờ quán năm uẩn không thật, nên bây giờ sạch hết tham dục, không còn bệnh nữa. Thế Tôn, con nay giác ngộ chính như thế.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay! Đa-kỳ-xà! Khéo hay quán sát gốc của năm thạch ấm này. Nay Thầy nên biết, phàm là người tu hành nên quán sát gốc của năm ấm này đều chẳng kiên cố. Vì sao như thế? Ngay lúc quán sát năm thành ấm này, ta ở dưới cây Bồ-đề thành Vô thượng Chánh đẳng giác, cũng như Thầy quán hôm nay.
Phật xác nhận ngày nay thầy quán như thế, xưa ta cũng quán như thế. Lúc Phật nói pháp này, ở tại tòa có năm mươi Tỳ-kheo được lậu tận, ý giải.
PĀLI TẠNG
Chánh văn:
1) Như vầy tôi nghe.Một thời tôn giả Ananda trú ở Sāvatthi, Jetavana, tại tinh xá ông Anāthapindika (Cấp Cô Độc).
2) Rồi tôn giả Ananda vào buổi sáng đắp y, cầm y bát, đi vào Sāvatthi để khất thực với tôn giả Vangisa là Sa-môn thị giả.
3) Lúc bây giờ tôn giả Vangisa tâm sanh bất mãn, bị lòng dục quấy phá.
4) Rồi tôn giả Vangisa nói lên bài kệ với tôn giả Ananda:
Dục ái đốt cháy tôi,
Tâm tôi bị thiêu cháy.
Thật là điều tốt lành,
Đệ tử Gotama,
Vì lòng từ thương tưởng,
Nói pháp tiêu lửa hừng.
5) Tôn giả (Ananda) nói kệ:
Chính vì điên đảo tưởng,
Tâm ông bị thiêu đốt,
Hãy từ bỏ tịnh tưởng,
Hệ lụy đến tham dục,
Nhìn các hành vô thường,
Khổ đau, không phải ngã,
Dập tắt đại tham dục,
Chớ để bị cháy dài;
Hãy tu tâm bất tịnh,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Tu tập thân niệm trú,
Hành nhiều hạnh yểm ly;
Hãy tập hạnh vô tướng,
Đoạn diệt mạn tùy miên,
Nhờ quán sâu kiêu mạn,
Hạnh ông được an tịnh.
Giảng:
Pāli tạng kể rất đơn giản, ngài A-nan và Đa-kỳ-xà đi khất thực, không nói gặp cô gái. Chỉ lúc Đa-kỳ-xà bị lửa dục thiêu đốt liền cầu cứu ngài A-nan:
Dục ái đốt cháy tôi,
Tâm tôi bị thiêu cháy.
Thật là điều tốt lành,
Đệ tử Gotama,
Vì lòng từ thương tưởng,
Nói pháp tiêu lửa hừng.
Ở đây bài kệ của ngài A-nan hơi dài:
Chính vì điên đảo tưởng,
Tâm ngươi bị thiêu đốt,
Hãy từ bỏ tịnh tưởng,
Hệ lụy đến tham dục.
Tịnh tưởng tức là nhớ tưởng đẹp đẽ. Hãy bỏ đừng nhớ tưởng đẹp đẽ vì nhớ như vậy nó hệ lụy đến tham dục.
Nhìn các hành vô thường,
Khổ đau, không phải ngã,
Dập tắt đại tham dục,
Chớ để bị cháy dài.
Phải nhìn các hành là vô thường, là khổ đau, không phải là ngã. Nhờ vậy dập tắt được đại tham dục, chớ nên để lửa dục cháy dài.
Hãy tụ tâm bất tịnh,
Nhứt tâm, khéo định tĩnh,
Tu tập thân niệm trú,
Hành nhiều hạnh yểm ly.
Phải quán bất tịnh và nhất tâm khéo định tĩnh. Tập tu niệm thân, tu hạnh yểm ly và xa lìa.
Hãy tập hạnh vô tướng,
Đoạn diệt mạn tùy miên,
Nhờ quán sâu kiêu mạn,
Hạnh ông được an tịnh.
Tu tập hạnh vô tướng để dứt tùy miên, tức là ngủ ngầm của kiêu mạn. Nhờ quán sâu kiêu mạn mà được an tịnh. Ở đây nói ngài A-nan khuyên ngài Đa-kỳ-xà mà không nói chỗ thành công của Đa-kỳ-xà.
Bản kinh Pāli tạng quá đơn giản, Hán tạng đầy đủ hơn.