Trích giảng và Đối chiếu Tăng Nhất A Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh số 6, Phẩm Tứ Ý Đoạn (Hán tạng) với Kinh Già (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên, chốc lát lấy hai tay rờ chân Như Lai, rồi hôn lên chân Như Lai mà nói: 

– Thân Thế Tôn vì sao thế này? Thân nhăn nheo quá, nay thân Như Lai chẳng bằng lúc xưa. 

Thế Tôn bảo: 

– Đúng vậy A-nan, như lời Thầy nói. Nay thân Như Lai da thịt đã nhăn, thân chẳng như khi xưa. Sở dĩ như thế vì hễ có thân thể thì sẽ bị bệnh ép ngặt. Nếu đáng bệnh, chúng sanh sẽ bị bệnh làm khốn; đáng chết, chúng sanh sẽ bị chết bức bách. Hôm nay thân Như Lai đã suy vi, đã tám mươi tuổi rồi. 

Tôn giả A-nan nghe xong, buồn khóc nghẹn ngào không nén được, bèn nói: 

– Than ôi! Sự già đã đến đây rồi! 

Bấy giờ, Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thế Tôn đi khất thực dần dần đến cung vua Ba-tư-nặc. Lúc ấy, trước cửa cung vua Ba-tư-nặc có mấy mươi chiếc xe hư cũ, bỏ ở một bên. Tôn giả A-nan thấy xe bị vất bỏ một bên, liền bạch Thế Tôn: 

– Xe này là xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm nó, trông hết sức đẹp đẽ tinh vi, nhưng ngày nay thì cùng màu với gạch đá. 

Thế Tôn bảo: 

– Đúng vậy, A-nan, như lời Thầy nói. Như nay xem các xe hiện có, ngày xưa cực kỳ đẹp đẽ tinh xảo, làm bằng vàng bạc, nhưng ngày nay hư hỏng, chẳng dùng được nữa, vật bên ngoài còn bại hoại như thế, huống là bên trong. 

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: 

Ôi! Già, bệnh, chết này, 

Hoại người sắc cực thịnh, 

Lúc đầu rất thích ý, 

Nay bị chết bức bách. 

Tuy sẽ thọ trăm tuổi,

Rồi sẽ về với chết, 

Chẳng khỏi hoạn khổ này, 

Đều sẽ về đường này.

Như trong thân hiện có,

Bị bức bách của chết, 

Các tứ đại bên ngoài,

Ắt hướng đến gốc không. 

Thế nên cầu chẳng chết, 

Chỉ có cõi Niết-bàn, 

Cõi không chết, không sanh, 

Đều không các hành này. 

Bấy giờ Thế Tôn liền đến ngồi bên vua Ba-tư nặc. Vua Ba-tư-nặc dọn các thức ăn uống cho Thế Tôn. Thấy Thế Tôn ăn xong, vua lại lấy một ghế nhỏ đến trước Thế Tôn ngồi, bạch Thế Tôn: 

– Thế nào, bạch Thế Tôn, thân hình chư Phật đều là kim cương mà cũng sẽ bị già, bệnh, chết nữa sao? 

Thế Tôn bảo: 

– Đúng vậy, Đại vương, như lời Đại vương nói. Như Lai cũng sẽ có sanh, già, bệnh, chết. Nay ta cũng là con người, cha tên Tịnh Phạn, mẹ tên Ma-da, sanh ra từ dòng Chuyển luân thánh vương. 

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: 

Chư Phật hiện thân người,

Cha tên là Tịnh Phạn, 

Mẹ tên Cực Thanh Diệu,

Dòng hào tộc Sát-lợi. 

Đường chết rất khốn cùng, 

Đều chẳng xét tôn ti, 

Chư Phật còn chẳng khỏi, 

Huống là kẻ phàm tục. 

Thế Tôn lại thuyết kệ này cho vua Ba-tư-nặc: 

Tế tự, lửa hơn hết, 

Thi thơ, tụng là hơn,

Loài người, vua là quý,

Các dòng, biển là đầu. 

Các sao, trăng hơn hết, 

Ánh sáng, mặt trời hơn, 

Trong tám phương, trên dưới,

Chỗ thế giới chuyên chở. 

Trời và người ở đời, 

Như Lai cao thượng nhất, 

Ai muốn cầu phước lộc, 

Nên cúng dường tam Phật. 

Thế Tôn nói kệ này xong, liền từ tòa đứng dậy trở về tinh xá Kỳ Hoàn, đến tòa ngồi. Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Có bốn pháp ở thế gian được người yêu kính. Thế nào là bốn? Tuổi thiếu tráng được người đời yêu kính; không đau ốm được người yêu kính; sống lâu được người yêu kính; ân ái tụ hội được người yêu kính. Đó là, Tỳ-kheo, có bốn pháp này, người đời yêu kính. 

Lại nữa, Tỳ-kheo, lại có bốn pháp, người đời không yêu kính. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết: tuổi thiếu tráng, nếu lúc già bệnh người đời không vui; như người không bệnh, sau lại bị bệnh, người đời không vui; như được sống lâu, đến khi mạng hết, người đời không vui; ân ái được sum họp đến sau ly biệt, người đời không vui. 

Đó là, này Tỳ-kheo! Có bốn pháp này cùng đời xoay vần. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân thánh vương, chư Phật, Thế Tôn đều có pháp này. Đó là, Tỳ-kheo, thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. Nếu không biết bốn pháp này, thì liền lưu chuyển trong sanh tử, khắp trong năm đường. Thế nào là bốn? Là Giới hiền thánh, Tam-muội hiền thánh, Trí tuệ hiền thánh, Giải thoát hiền thánh. Đó là này Tỳ-kheo, có bốn pháp này nếu người không hiểu biết sẽ chịu bốn pháp trên. Nay ta và các Thầy vì giác tri bốn pháp hiền thánh này mà cắt đứt rễ sanh tử, không thọ thân sau nữa. Như nay thân hình của Như Lai già suy, sẽ chịu quả báo suy hao này. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên cầu Niết-bàn vĩnh tịch, chẳng sanh, chẳng già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly thường nghĩ sự biến đổi vô thường. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này! 

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. 

Giảng: 

Bài kinh này có tên Già vì nói về đức Phật lúc tuổi già, đọc rất cảm động.

Bấy giờ tôn giả A-nan đến chỗ Thế Tôn cúi lạy rồi đứng một bên, chốc lát lấy hai tay rờ chân Như Lai, rồi hôn lên chân Như Lai mà nói: 

– Thân Thế Tôn vì sao thế này? Thân nhăn nheo quá, nay thân Như Lai chẳng bằng lúc xưa. 

Thế Tôn bảo: 

– Đúng vậy A-nan, như lời Thầy nói. Nay thân Như Lai da thịt đã nhăn, thân chẳng như khi xưa. Sở dĩ như thế vì hễ có thân thể thì sẽ bị bệnh ép ngặt. Nếu đáng bệnh, chúng sanh sẽ bị bệnh làm khốn; đáng chết, chúng sanh sẽ bị chết bức bách, Hôm nay thân Như Lai đã suy vi, đã tám mươi tuổi rồi, 

Tôn giả A-nan nghe xong, buồn khóc nghẹn ngào không nén được, bèn nói: 

– Than ôi! Sự già đã đến đây rồi! 

Lúc đó có lẽ Phật ngồi phơi nắng, ngài A-nan thấy da thịt nhăn nheo nên cảm động, tuy đã hiểu đạo nhưng vẫn xót xa than thở.

Đức Phật tu hành qua bao nhiêu kiếp có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp thật là cao quý. Tới già những tướng đó cũng không còn. Tất cả phước đức kết tụ lại thành tướng tốt không như thế mãi mãi. Cũng thế, con người có thân đều bị bệnh ép ngặt, bị chết áp bức, chứ không bình an mãi mãi, dù là thân Phật cũng vậy. Chúng ta tu đừng tham muốn đời sau được giàu sang đẹp đẽ. Những thứ đó không bền.

Bấy giờ, Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát vào thành Xá-vệ khất thực. Thế Tôn đi khất thực dần dần đến cung vua Ba-tư-nặc. Lúc ấy, trước cửa cung vua Ba-tư-nặc có mấy mươi chiếc xe hư cũ, bỏ ở một bên. Tôn giả A-nan thấy xe bị hư vất bỏ một bên, liền bạch Thế Tôn: 

– Xe này là xe của vua Ba-tư-nặc. Ngày xưa, lúc mới làm nó, trông hết sức đẹp đẽ tinh vi, nhưng ngày nay thì cùng màu với gạch đá. 

Thế Tôn bảo: 

– Đúng vậy, A-nan, như lời Thầy nói. Như nay xem các xe hiện có, ngày xưa cực kỳ đẹp đẽ tinh xảo, làm bằng vàng bạc, nhưng ngày nay hư hỏng, chẳng dùng được nữa, vật bên ngoài còn bại hoại như thế, huống là bên trong. 

Ngày xưa khi xe mới đóng, sơn vàng phết bạc rất đẹp đẽ, ai thấy cũng thích cũng nhìn. Đến lúc hư hoại trở thành đống phế liệu không ai thèm nhìn. Phật nói ngoại vật còn bại hoại như thế huống là nội thân. Chiếc xe còn cũ huống nữa là người. Như ông Kiến Chánh trong chùa mình, trước đây năm mươi năm có như vầy không? Không. Da dẻ mịn màng tươi tắn, đi đứng mạnh khoẻ vững vàng. Sau năm mươi năm cộng với hai mươi năm trước nữa, không còn như vậy.

Tuổi trẻ đi qua tuổi già đến không ai thoát được. Cho nên trong lúc đang thời trẻ trung phải nhớ ngày mai mình sẽ già, sẽ lọm khọm nên không tự hào, không ỷ lại hay phách lối, cảm thông được với người già. Ngược lại thấy người già sơ suất, lẩm cẩm, mình chê trách không thông cảm, ngày mai chưa biết tới lượt mình có tệ hơn không?

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: 

Ôi! Già, bệnh, chết, này, 

Hoại người sắc cực thịnh, 

Lúc đầu rất thích ý, 

Nay bị chết bức bách. 

Hồi còn xuân trẻ vui lắm, hăng hái hoạt động đủ thứ, nay chơi chỗ này mai dạo chỗ kia. Đến khi già không muốn đi đâu.

Tuy sẽ thọ trăm tuổi, 

Rồi sẽ về với chết, 

Chẳng khỏi hoạn khổ này, 

Đều sẽ về đường này. 

Dù cho người thế gian đặt trăm năm mới kết thúc một đời người, nhưng rồi cũng chết, vì không ai tránh khỏi nạn khổ này.

Như trong thân hiện có, 

Bị bức bách của chết,

Các tứ đại bên ngoài, 

Ắt hướng đến gốc không 

Các vật ở trong như đất nước gió lửa cũng bị chết đuổi gấp. Tứ đại bên ngoài cũng luôn luôn biến đổi như nhà cửa, xe cộ v.v… 

Thế nên cầu chẳng chết, 

Chỉ có cõi Niết-bàn, 

Cõi không chết, không sanh, 

Đều không các hành này. 

Muốn thoát khỏi sanh già bệnh chết, chỉ có Niết-bàn mới là cứu cánh ra khỏi chết sống.

Bấy giờ Thế Tôn liền đến ngồi bên vua Ba-tư nặc. Vua Ba-tư-nặc dọn các thức ăn uống cho Thế Tôn. Thấy Thế Tôn ăn xong, vua lại lấy một ghế nhỏ đến trước Thế Tôn ngồi, bạch Thế Tôn 

– Thế nào, bạch Thế Tôn, thân hình chư Phật đều là kim cương mà cũng sẽ bị già, bệnh, chết nữa sao? 

Các kinh Đại thừa nói thân Phật là thân kim cương, ai nói Phật già chết là thiên kiến hay tà kiến. Phải hiểu thân kim cương của Đại thừa là pháp thân, chứ không phải thân tứ đại.

Thế Tôn bảo: 

– Đúng vậy, Đại vương, như lời Đại vương nói. Như Lai cũng sẽ có sanh, già, bệnh, chết. Nay ta cũng là con người, cha tên Tịnh Phạn, mẹ tên Ma-da, sanh ra từ dòng Chuyển luân thánh vương. 

Phật xác nhận ngài là người như bao nhiêu người có cha, có mẹ, có dòng họ đàng hoàng, không phải khác người bình thường. Đó là lẽ thật.

Bấy giờ Thế Tôn liền nói kệ: 

Chư Phật hiện thân người, 

Cha tên là Tịnh Phạn, 

Mẹ tên Cực Thanh Diệu, 

Dòng hào tộc Sát-lợi. 

Đường chết rất khốn cùng, 

Đều chẳng xét tôn ti, 

Chư Phật còn chẳng khỏi, 

Huống là kẻ phàm tục.

Phật sanh trong đời làm người có cha tên Tịnh Phạn, mẹ tên Cực Thanh Diệu (dịch chữ Ma-da), dòng Sát-đế-lợi quý tộc. Đức Phật tu hành phước đức được thân đẹp đẽ như vậy vẫn không khỏi chết, huống nữa người phàm tục như chúng ta, có ai thoát được. Chết là quy luật chung, không lựa người sang kẻ hèn. Có sanh là có tử, luôn luôn như thế.

Thế Tôn lại thuyết kệ này cho vua Ba-tư-nặc: 

Tế tự, lửa hơn hết, 

Thi thơ, tụng là hơn, 

Loài người, vua là quý, 

Các dòng, biển là đầu. 

Các sao, trăng hơn hết, 

Ánh sáng, mặt trời hơn, 

Theo tục lệ tế tự của Ấn Độ, thờ lửa là cao hơn hết. Trong thi thơ, tụng là hơn hết. Trong loài người, vua là hơn hết. Trong các sông, biển là hơn hết. Trong các sao, trăng tỏ hơn hết. Trong ánh sáng, mặt trời hơn hết. Trong trời người, Phật hơn hết:

Trong tám phương, trên dưới, 

Chỗ thế giới chuyên chở. 

Trời và người ở đời, 

Như Lai cao thượng nhất.

Ai muốn cầu phước lộc, 

Nên cúng dường tam Phật. 

Câu Trời và người ở đời, Như Lai cao thượng nhất cũng giống câu Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn, nghĩa là trên trời dưới trời Như Lai hơn hết. Hai câu dưới khuyên người cầu phước lộc phát tâm cúng dường chư Phật. Có thể người sau thêm hai câu này, chứ đức Phật thường không bảo như thế.

Thế Tôn nói kệ này xong, liền từ tòa đứng dậy trở về tinh xá Kỳ Hoàn, đến tòa ngồi. Lúc ấy, Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Có bốn pháp ở thế gian được người yêu kính. Thế nào là bốn? Tuổi thiếu tráng được người đời yêu kính; không đau ốm được người yêu kính; sống lâu được người yêu kính; ân ái tụ hội được người yêu kính. Đó là, Tỳ-kheo có bốn pháp này, người đời yêu kính. 

Bốn điều này ai cũng ưa thích. Thời tráng niên trẻ khỏe nên yêu thích. Nói tới đây tôi thấy tội nghiệp cho người già, tội nghiệp cho tôi, tội nghiệp cho ông Trụ trì. Trụ trì lâu lâu nói năm nay yếu quá, tụng kinh không nổi. Nói vậy là năm nay thua năm trước, vì già nên phải thua. Hồi trước tụng kinh đều đầu không mệt, bây giờ tụng mệt, không bằng lúc trước nên cảm thấy buồn. Nhiều vị khác cũng vậy: “Thưa Thầy năm nay con tệ quá, những năm trước đâu có vậy!” Khi nói dở hơn trước là chứng tỏ trước hay, nên có niệm tiếc nuối. Dù không than vãn như người đời: “Tiếc quá, thời niên thiếu không còn nữa” nhưng ai cũng quý thời niên tráng, làm mọi việc không bị trở ngại.

Có ai thích bệnh hoạn không? Bởi không thích nên khi bị bệnh thì than: “Tại sao bệnh hoài!”. Đó là không ưa bệnh. Có muốn sống lâu không? Chắc cũng muốn. Có muốn người mình thương được ở gần không? Muốn. Đó là những ưa muốn của người đời. Trong đạo cũng vậy.

Lại nữa, Tỳ-kheo, lại có bốn pháp, người đời không yêu kính. Thế nào là bốn? Tỳ-kheo nên biết: tuổi thiếu tráng, nếu lúc già bệnh người đời không vui; như người không bệnh, sau lại bị bệnh, người đời không vui; như được sống lâu, đến khi mạng hết, người đời không vui; ân ái được sum họp đến sau ly biệt, người đời không vui. 

Những thứ chúng ta không muốn mà nó cứ đến nên khổ. Bốn thứ này người ta không muốn nhưng nó vẫn đến nên con người đau khổ. Cuộc sống là khổ không bao giờ như ý được. Thế nên Phật dạy tu:

Đó là, này Tỳ-kheo! Có bốn pháp này cùng đời xoay vần. Chư thiên, người đời cho đến Chuyển luân thánh vương, chư Phật, Thế Tôn đều có pháp này. Đó là, Tỳ-kheo, thế gian có bốn pháp này cùng đời xoay chuyển. 

Nếu không biết bốn pháp này, thì liền lưu chuyển trong sanh tử, khắp trong năm đường. Thế nào là bốn? Là Giới hiền thánh, Tam-muội hiền thánh, Trí tuệ hiền thánh, Giải thoát hiền thánh. Đó là này Tỳ-kheo, có bốn pháp này nếu người không hiểu biết sẽ chịu bốn pháp trên. Nay ta và các Thầy vì giác tri bốn pháp hiền thánh này mà cắt đứt rễ sanh tử, không thọ thân sau nữa. 

Bốn pháp là: Giới, Định, Tuệ, Giải thoát. Tại sao lại thêm hai chữ hiền thánh? Nếu giới của ngoại đạo, tà giáo thì đâu thể giải thoát nên phải là hiền thánh giới. Giới của hiền thánh đem lại sự an lạc, thí dụ như người giữ giới không trộm cắp, có đem lại sự an lạc cho mình cho người không? Muôn đời an lạc. Như người giữ giới đứng một chân hoặc nằm dưới đất tro có an lạc không? Chỉ khổ chứ không lợi ích gì. Như người giữ giới bệnh không uống thuốc có an lạc không? Đó là cực đoan. Như vậy rõ ràng giới hiền thánh là giới lợi ích thiết thực cho mọi người, còn giới của ngoại đạo chỉ gây thêm khổ thôi. Nhiều người tu theo ngoại đạo cũng được định nhưng chỉ là định của ngoại đạo, không giống định tuệ hiền thánh, giải thoát hiền thánh. Được bốn pháp này mới đoạn cội gốc sanh tử, không còn thọ thân sau.

Có người hỏi Phật đi tu cốt để giải quyết sanh già bệnh chết, tại sao ngài cũng già, cũng chết? Như vậy giải thoát chỗ nào? Phật nói đoạn được cội gốc sanh tử không còn thọ thân sau. Thân hiện tại tất nhiên từ nhân đi tới quả, nếu dứt nhân thì quả không còn, giải thoát sanh tử là giải thoát của đời sau, không phải trong đời này. Dứt được nhân sanh thì nhân tử không còn. Đó là giải thoát cội gốc sanh tử, chứ không phải giải thoát thân quả báo sanh tử.

Như nay thân hình của Như Lai già suy, sẽ chịu quả báo suy hao này. Thế nên, các Tỳ-kheo, nên cầu Niết-bàn vĩnh tịch, chẳng sanh, chẳng già, không bệnh, không chết; ân ái biệt ly thường nghĩ sự biến đổi vô thường. Như thế, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này! 

Tướng già suy là quả báo, không phải nhân. Nên các Tỳ-kheo phải cầu Niết-bàn tịch tĩnh, chẳng sanh già bệnh chết, chẳng ân ái biệt ly. Bài kinh này diễn tả nhân hình ảnh đức Phật già, ngài A-nan mới buồn. Thế Tôn nhân đó nói con người sanh ra phải già bệnh chết. Tu hành phước đức có ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp như Phật cũng phải già chết, không ai tránh khỏi.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

1. Như vậy tôi nghe. Một thời Thế Tôn trú ở Sāvatthi, tại Pubārāma, trong lâu đài của mẹ Migāra. 

2. Lúc bấy giờ, Thế Tôn, vào buổi chiều, từ chỗ độc cư đứng dậy, ngồi sưởi ấm lưng trong ánh nắng phương tây. 

3. Rồi tôn giả Ananda đi đến Thế Tôn, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn, với tay xoa bóp chân tay cho Thế Tôn, thưa rằng: 

– Thật kinh hoàng thay, bạch Thế Tôn! Thật kỳ dị thay, bạch Thế Tôn! Bạch Thế Tôn, màu da Thế Tôn nay không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân được thấy còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn. 

4. – Sự thể là vậy, này Ananda, tánh già này nằm trong tuổi trẻ; tánh bệnh ở trong sức khỏe; tánh chết ở trong sự sống. Như vậy, màu da không còn thanh tịnh, trong sáng, tay chân rã rời, nhăn nheo, thân còm về phía trước, và các căn đang bị đổi khác, nhãn căn, nhĩ căn, tỹ căn, thiệt căn, thân căn. 

5. Thế Tôn thuyết như vậy. Thiện Thệ nói như vậy xong, bậc Đạo sư lại nói thêm: 

Bất hạnh thay tuổi già!

Đáng sợ thay cuộc sống!

Tuổi già làm phai nhạt,

Sắc diện của màu da. 

Hình bóng trước khả ý, 

Nay già đã phá tan! 

Ai sống được trăm tuổi, 

Cuối cùng cũng phải chết,

Không bỏ sót một ai, 

Tất cả bị phá sập. 

Giảng: 

Chiều Phật ngồi phơi nắng, ngài A-nan tới xoa bóp tay chân cho đức Phật rồi thưa, hồi xưa thân của Phật thanh tịnh, trong sáng, bây giờ không còn nữa. Các bộ phận đã thay đổi, mắt mờ, tai lãng, răng rụng… Phật xác nhận sự thể là vậy. Chính tuổi trẻ đã chứa sẵn tuổi già, nếu không sẵn thì dù thời gian trôi qua cũng đâu có già. Bệnh tật có sẵn trong sức khỏe, khi nào đủ duyên nó phát ra. Chết trong sự sống, nếu không có sống làm gì có chết, thành ra cái chết đã ẩn trong sự sống

Bậc Thiện Thệ nói thêm:

Bất hạnh thay tuổi già!

Đáng sợ thay cuộc sống!

Tuổi già làm phai nhạt,

Sắc diện của màu da, 

Hình bóng trước khả ý,

Nay già đã phá tan!

Ai sống được trăm tuổi,

Cuối cùng cũng phải chết. 

Không bỏ sót một ai, 

Tất cả bị phá sập. 

Già là điều bất hạnh chứ không sung sướng gì. Đảng sợ thay cuộc sống nghĩa là cuộc sống tạm bợ đáng sợ. Tuổi già khiến cho sắc diện của màu da phai nhanh. Tuổi trẻ da mịn láng, già da xù xì, nhăn nheo. Hình bóng khi trẻ đẹp đẽ dễ coi, khả ý, nay già nhăn nheo khổ sở, không còn đẹp nữa. Ai sống được một trăm tuổi cuối cùng cũng phải chết, tất cả đều bị cái chết tiêu hủy, kể cả thân tứ đại của đức Phật cũng không ngoại lệ.

Bài kinh bên Pāli tạng nói thêm ý nghĩa trước, nhưng không dạy rõ lối tu.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.