HÁN TẠNG
Chánh văn:
Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca-diếp:
– Nay Thầy tuổi đã già, không còn trai tráng nữa, hãy nên nhận thức ăn uống và y phục của các trưởng giả.
Đại Ca-diếp bạch Phật:
Con không kham nhận y thực ấy. Nay con mặc áo nạp này tùy thời khất thực, vui sướng vô cùng. Vì sao? Tương lai sẽ có các Tỳ-kheo thân thể nhu nhuyến, tâm tham đắm y thực tốt đẹp rồi thối chuyển việc tham thiền, lại không chịu khổ. Họ lại sẽ nói rằng: “Các Tỳ-kheo ở thời Phật quá khứ, cũng nhận lời người thỉnh, nhận y thực của người. Vì sao chúng ta không làm theo pháp của thánh nhân ngày xưa?” Vì họ ngồi tham đắm y thực, nên sẽ bỏ pháp phục, làm cư sĩ, khiến các hiền thánh không còn oai thần nữa. Bốn bộ chúng dần dần giảm bớt. Thánh chúng đã giảm ít thì chùa chiền của Như Lai sẽ bị hủy hoại. Vì chùa của Như Lai đã bị hủy hoại thì kinh pháp sẽ bị thất lạc. Khi ấy chúng sanh không còn tinh quang nữa, đã không có tinh quang thì thọ mạng sẽ ngắn ngủi. Khi ấy chúng sanh kia mạng chung đều rơi vào ba đường ác. Cũng như ngày nay, chúng sanh vì phước nhiều nên đều sanh lên trời, đời tương lai vì làm tội nhiều sẽ vào địa ngục.
Thế Tôn bảo:
– Lành thay, lành thay! Ca-diếp có nhiều lợi ích, Thầy làm bạn tốt, làm phước điền cho người đời. Ca-diếp, Thầy nên biết! Sau khi ta nhập Niết-bàn hơn ngàn năm, sẽ có các Tỳ-kheo thối chuyển việc tham thiền, chẳng hành pháp đầu đà nữa, cũng không khất thực, mặc áo vá, mà tham nhận y thực của trưởng giả thỉnh. Cũng chẳng ở dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, ưa thích trang hoàng nhà cửa, cũng không dùng đại tiểu tiện làm thuốc, chỉ đắm trước các dược thảo cực kỳ ngon ngọt, hoặc trong đó tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường cãi vã nhau.
Bấy giờ đàn-việt, thí chủ dốc lòng tin Phật pháp, ưa thích bố thí chẳng tiếc của cải. Khi ấy, đàn-việt thí chủ sau khi mạng chung đều sanh lên trời; còn Tỳ-kheo giải đãi, chết sẽ vào địa ngục. Như thế, này Ca-diếp! Tất cả các hành thảy đều vô thường, không được bền lâu. Lại nữa, Ca-diếp nên biết! Đời tương lai, sẽ có Tỳ-kheo cạo bỏ râu tóc mà tập theo gia nghiệp, tay trái bồng con trai, tay phải ôm con gái, lại cầm đàn sáo, đi khất thực trên các đường phố. Bấy giờ đàn-việt thí chủ thọ phước vô cùng, huống gì ngày nay có những người chí thành khất thực. Như thế, này Ca-diếp! Tất cả các hành vô thường, không được bền lâu.
Ca-diếp nên biết, đời tương lai hoặc có Sa-môn Tỳ-kheo sẽ bỏ tám chánh đạo và bảy pháp như nay ta đã tu tập pháp bảo ấy trong ba vô số kiếp. Các Tỳ-kheo đời tương lai dùng ca khúc, ở trong chúng khất thực để tự nuôi sống. Song các đàn-việt thí chủ cúng thức ăn cho các Tỳ-kheo ấy cũng còn được phước, huống gì ngày nay mà không được phước sao?
Nay ta đem pháp này trao lại cho Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan. Vì sao? Nay ta tuổi đã già đến tám mươi. Như Lai không bao lâu sẽ diệt độ. Nay đem pháp bảo phó chúc hai người, khéo ghi nhớ đọc tụng, giữ gìn dừng cho dứt mất, lưu truyền trong thế gian. Người nào có lỗi làm dứt tuyệt lời dạy của bậc thánh sẽ bị đọa vào chốn biên địa. Cho nên hôm nay ta dặn dò trao phó kinh pháp cho các thầy, đừng để dứt mất.
Khi ấy, tôn giả Đại Ca-diếp và tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
– Do những cớ gì đem kinh pháp này trao phó hai chúng con mà không trao người khác? Trong chúng của Như Lai, lại có các vị thần thông đệ nhất không thể tính kể, sao không trao phó dặn dò?
Thế Tôn bảo Ca-diếp:
– Ta xem trong cõi trời, cõi người, trọn không thấy người nào có thể thọ trì pháp bảo này sánh bằng Ca-diếp, A-nan. Trong hàng Thanh văn cũng không ai hơn hai người này. Chư Phật đời quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp, như Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan ngày nay sánh rất là thù diệu. Vì sao? Tỳ-kheo hành đầu-đà ở thời Phật quá khứ, khi pháp còn thì còn, pháp mất thì mất. Còn Tỳ-kheo Ca-diếp của ta hôm nay còn lưu lại ở đời, đến Phật Di-lặc ra đời mới nhập diệt. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo Ca-diếp ngày nay hơn chúng Tỳ-kheo thời quá khứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo A-nan, vì sao hơn thị giả thời quá khứ. Thị giả chư Phật thời quá khứ nghe Phật nói rồi sau mới hiểu, còn nay Tỳ-kheo A-nan, Như Lai chưa nói ra đã hiểu. Như Lai không cần nói, A-nan đều hiểu tất cả. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả chư Phật thời quá khứ.
Cho nên, này Ca-diếp, A-nan! Nay ta giao phó cho các thầy, dặn dò các thầy pháp bảo này, đừng để thiếu sót, diệt mất.
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Tất cả hành vô thường,
Khởi lên ắt có diệt,
Không sanh thì không tử,
Diệt này rất là vui.
Khi ấy, tôn giả Đại Ca-diếp và tôn giả A-nan nghe lời Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm.
Giảng:
Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc.
Bấy giờ, Thế Tôn bảo Ca-diếp:
– Nay Thầy tuổi đã già, không còn trai tráng nữa, hãy nên nhận thức ăn uống và y phục của các trưởng giả.
Đại Ca-diếp bạch Phật:
– Con không kham nhận y thực ấy. Nay con mặc áo nạp này tùy thời khất thực, vui sướng vô cùng. Vì sao? Tương lai sẽ có các Tỳ-kheo thân thể nhu nhuyến, tâm tham đắm y thực tốt đẹp rồi thối chuyển việc tham thiền, lại không chịu khổ. Họ lại sẽ nói rằng: “Các Tỳ-kheo ở thời Phật quá khứ, cũng nhận lời người thỉnh, nhận y thực của người. Vì sao chúng ta không làm theo pháp của thánh nhân ngày xưa?”
Bấy giờ đức Phật thấy ngài Ca-diếp già quá rồi nên khuyên đừng đi khất thực, đừng mặc y rách nữa, hãy ở một chỗ nhận thí chủ cúng dường. Ngài Ca-diếp xin vẫn đi khất thực, vẫn mặc y rách vì đó là niềm vui thích được thực hành khổ hạnh của ngài. Đó là lý do thứ nhất.
Lý do thứ hai, ngài nhận thấy về sau có những thầy Tỳ-kheo trẻ, tươi tắn khỏe mạnh cũng bắt chước tham y phục đẹp, thức ăn ngon, đối với việc tu hành lui sụt. Các thầy sẽ nói: “Các Tỳ-kheo quá khứ cũng ở tại chỗ thọ y thực của người cúng dường..” Ngài sợ ở một chỗ nhận thí chủ cúng dường, sau này các Tỳ-kheo trẻ bắt chước nên vẫn giữ tu hạnh đầu-đà. Đó là ngài muốn người tu sau này noi gương khổ hạnh của người trước, không lười biếng, không tham ăn ngon mặc đẹp.
Vì họ ngồi tham đắm y thực, nên sẽ bỏ pháp phục, làm cư sĩ, khiến các hiền thánh không còn oai thần nữa. Bốn bộ chúng dần dần giảm bớt. Thánh chúng đã giảm ít thì chùa chiền của Như Lai sẽ bị hủy hoại. Vì chùa của Như Lai đã bị hủy hoại thì kinh pháp sẽ bị thất lạc. Khi ấy chúng sanh không còn tinh quang nữa, đã không có tinh quang thì thọ mạng sẽ ngắn ngủi. Khi ấy chúng sanh kia mạng chung đều rơi vào ba đường ác. Cũng như ngày nay, chúng sanh vì phước nhiều nên đều sanh lên trời, đời tương lai vì làm tội nhiều sẽ vào địa ngục.
Chúng sanh thời Phật tại thế phước nhiều nên được sự giáo hóa của Phật, siêng năng tu hành nên sanh cõi trời. Chúng sanh thời mạt pháp sau này không nhận được sự giáo hóa trực tiếp của Phật, phước ít tội nhiều nên phải đọa.
Thế Tôn bảo:
Lành thay, lành thay! Ca-diếp có nhiều lợi ích, Thầy làm bạn tốt, làm phước điền cho người đời. Ca-diếp, Thầy nên biết! Sau khi ta nhập Niết-bàn hơn ngàn năm, sẽ có các Tỳ-kheo thối chuyển việc tham thiền, chẳng hành pháp đầu-đà nữa, cũng không khất thực, mặc áo vá, mà tham nhận y thực của trưởng giả thỉnh. Cũng chẳng ở dưới gốc cây, nơi vắng vẻ, ưa thích trang hoàng nhà cửa, cũng không dùng đại tiểu tiện làm thuốc, chỉ đắm trước các dược thảo cực kỳ ngon ngọt, hoặc trong đó tham đắm tài sản, lẫn tiếc nhà cửa, thường cãi vã nhau.
Bấy giờ đàn-việt, thí chủ dốc lòng tin Phật pháp, ưa thích bố thí chẳng tiếc của cải. Khi ấy, đàn-việt thí chủ sau khi mạng chung đều sanh lên trời; còn Tỳ-kheo giải đãi, chết sẽ vào địa ngục. Phật bảo: Như thế Ca-diếp, tất cả hạnh thảy đều vô thường. Không thể gìn giữ được lâu.
Đàn-việt do cúng dường bố thí nên chết sanh lên cõi trời, người tu thọ sự cúng dường ấy không lo tu tập nên xuống địa ngục. Trong kinh kể một hôm ngài A-nan nằm mộng, thấy dưới hầm sâu toàn mấy thầy áo vàng, còn trên cầu cư sĩ đi qua lại thảnh thơi. Giật mình thức dậy ngài đem điềm mộng kể lại và hỏi Phật. Thế Tôn bảo đó là điềm báo sau khi Phật Niết-bàn, có những Tỳ-kheo thọ nhận vật cúng dường của thí chủ mà lười biếng không tu hành nên đọa địa ngục, giống như những người rớt dưới hầm. Thí chủ cúng dường được phước sanh lên cõi trời như người đi trên cầu. Quý vị nghe có ngán không? Mình là Thầy dẫn người ta đi mà rớt xuống hầm, còn Phật tử lại đi ở trên cầu. Thật là đau!
Lại nữa, Ca-diếp nên biết! Đời tương lai, sẽ có Tỳ-kheo cạo bỏ râu tóc mà tập theo gia nghiệp, tay trái bồng con trai, tay phải ôm con gái, lại cầm đàn sáo, đi khất thực trên các đường phố. Bấy giờ đàn-việt thí chủ thọ phước vô cùng, huống gì ngày nay có những người chi thành khất thực. Như thế, này Ca-diếp! Tất cả các hành vô thường, không được bền lâu.
Mỗi đoạn Phật đều quở Tỳ-kheo ngày trước tốt đẹp sau sanh tệ. Nói gần, như hiện giờ tôi còn ở Thường Chiếu, mọi việc đều tốt đẹp. Mai kia chúng tôi tịch rồi có còn được như vầy không? Khó mà nói lắm. Vì các hạnh vô thường không bền lâu. Nói tới đây huynh đệ phải biết tôi muốn nhắc điều gì. Nhiều người cho rằng cúng dường những vị không tu thì không có phước. Cúng dường những vị thật tu mới có phước, nhưng ở đây Phật không nói vậy. Dù những người tu rất lếu láo, nhưng cúng dường họ vẫn được phước. Tại sao? Bởi vì lòng tin Tam bảo sâu dày của người cúng. Tăng ni mang hình thức người tu, Phật tử hướng về Tam bảo với tâm tốt nên cúng dường, do đó họ được phước. Người tu tâm xấu thì đọa.
Như vậy cúng dường nhiều là phước hay họa? Người cúng có phước, người nhận không tu là họa.
Nhận nhiều chừng nào họa lớn chừng nấy, không ích lợi gì đâu. Nếu ai nghĩ được cúng dường nhiều là phước, chưa hẳn như vậy. Nhớ điều đó. Biết sử dụng đồng tiền để lợi ích cho đạo, cho chúng sanh thì tốt, trái đi thì họa cho mình về sau, chứ không phải chuyện thường.
Ca-diếp nên biết, đời tương lai hoặc có Sa-môn Tỳ-kheo sẽ bỏ tám chánh đạo và bảy pháp như nay đã tu tập pháp bảo ấy trong ba vô số kiếp. Các Tỳ-kheo đời tương lai dùng ca khúc, ở trong chúng khất thực để tự nuôi sống. Song các đàn-việt thí chủ cúng thức ăn cho các Tỳ-kheo ấy cũng còn được phước, huống gì ngày nay mà không được phước sao?
Đây là Phật dùng thí dụ ngược. Ngài nói rằng trong ba a-tăng-kỳ kiếp Như Lai từng tu tập pháp bảo, không một niệm rời pháp, quên pháp. Ngược lại, các Tỳ-kheo sau này có người không nhớ Bát chánh đạo, Thất giác chi, ở chỗ đông người ca hát khất thực nuôi sống. Pháp Thế Tôn không bao giờ quên và Tỳ-kheo không bao giờ nhớ, gọi là nghịch dụ.
Nay ta đem pháp này trao lại cho Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan. Vì sao? Nay ta tuổi đã già đến tám mươi. Như Lai không bao lâu sẽ diệt độ. Nay đem pháp bảo phó chúc hai người, khéo ghi nhớ đọc tụng, giữ gìn đừng cho dứt mất, lưu truyền trong thế gian. Người nào có lỗi làm dứt tuyệt lời dạy của bậc Thánh sẽ bị đọa vào chốn biên địa. Cho nên hôm nay ta dặn dò trao phó kinh pháp cho các thầy, đừng để dứt mất.
Nghe thế chúng ta càng được thêm lòng tin. Bởi vì Ca-diếp và A-nan trực tiếp được Phật giao phó trách nhiệm, được Phật truyền pháp, như vậy chúng ta đâu còn nghi ngờ gì các vị tổ tiếp nối sau này. Đó là nói về sự truyền thừa của Thiền tông. Nói về giáo lý, trọng trách Phật giao phó cho ngài Ca-diếp và ngài A-nan là một sự thật đã được chọn lựa kỹ, nên sau ba tháng đức Phật nhập Niết-bàn, tôn giả Ca-diếp triệu tập các bậc thánh kết tập kinh điển là hoàn toàn đáng cho người sau tin tưởng.
Khi ấy, tôn giả Đại Ca-diếp và tôn giả A-nan liền từ chỗ ngồi đứng dậy, quỳ gối chắp tay bạch Phật:
– Do những cớ gì đem kinh pháp này trao phó hai chúng con mà không trao người khác? Trong chúng của Như Lai, lại có các vị thần thông đệ nhất không thể tinh kể, sao không trao phó dặn dò?
Thế Tôn bảo Ca-diếp:
Ta xem trong cõi trời, cõi người, trọn không thấy người nào có thể thọ trì pháp bảo này sánh bằng Ca-diếp, A-nan. Trong hàng Thanh văn cũng không ai hơn hai người này. Chư Phật đời quá khứ cũng có hai người thọ trì kinh pháp, như Tỳ-kheo Ca-diếp và A-nan ngày nay sánh rất là thù diệu. Vì sao? Tỳ-kheo hành đầu đà ở thời Phật quá khứ, khi pháp còn thì còn, pháp mất thì mất. Còn Tỳ-kheo Ca-diếp của ta hôm nay còn lưu lại ở đời, đến Phật Di-lặc ra đời mới nhập diệt. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo Ca-diếp ngày nay hơn Tỳ-kheo thời quá khứ.
Lại nữa, Tỳ-kheo A-nan, vì sao hơn thị giả thời quá khứ? Thị giả chư Phật thời quá khứ nghe Phật nói rồi sau đó mới hiểu, còn nay Tỳ-kheo A-nan, Như Lai chưa nói ra đã hiểu. Như Lai không cần nói, A-nan đều hiểu tất cả. Do nhân duyên này, Tỳ-kheo A-nan hơn các thị giả chư Phật thời quá khứ.
Cho nên, này Ca-diếp, A-nan! Nay ta giao phó cho các thầy, dặn dò các thầy pháp bảo này, đừng để thiếu sót, diệt mất.
Hai ngài thắc mắc tại sao Phật chỉ giao cho hai ngài mà không giao cho những vị khác vừa có tài vừa có thần thông. Phật xác nhận rõ, hai ngài là những đệ tử Phật tín nhiệm, có nhiều điểm đặc biệt hơn cả các vị đại đệ tử của các đức Phật đời trước.
Ngài Ca-diếp tịch diệt chưa, ở đâu, có ai thấy không? Chỗ này thật khó hiểu cũng khó nói. Có nhiều người nghi. Lịch sử nói ngài nhập định trong núi Kê Túc, chờ đức Phật Di-lặc ra đời trao lại y bát, như lời huyền ký của đức Phật Thích-ca. Họ đặt câu hỏi: Đức Phật Thích-ca cao một trượng sáu còn đức Phật Di-lặc sau này cao tới mấy mươi trượng. Thân hình to lớn như vậy, đâu thể dùng được y bát của đức Phật Thích-ca trao lại? Đó là điểm nghi thứ nhất. Điểm nghi thứ hai, núi Kê Túc nhiều người đã đến nhưng sao không gặp ngài Ca-diếp? Chuyện này không biết giải thích thế nào. Có lẽ người phàm phu như chúng ta chưa đủ trí, đủ phước, đủ duyên để thấu suốt việc của những bậc thánh nhân.
Năm 1956 tôi có đọc một bài viết chữ Hán được dịch từ bản Anh ngữ, ông Bá-khắc-sum (Bergson) người Pháp qua Ấn Độ có đến núi Kê Túc. Bất thần ông gặp một cửa động. Gõ cửa thì hang đá mở ra. Ông bước vô gặp ngài Ca-diếp ở trong, cảnh tượng rất kỳ diệu. Ông từ giã về, viết thành sách để lại cho người sau. Đọc lâu quá, tôi không nhớ rõ nội dung chi tiết. Tuy nhiên, quyển sách ấy làm cho chúng ta không dám phủ nhận chuyện ngài Ca-diếp nhập định ở núi Kê Túc là huyền thoại. Vì nếu không gặp ngài làm sao ông dám viết thành sách? Trong kinh Phật cũng huyền ký như vậy. Thôi thì chuyện đó ráng tu đi, có trí tuệ sẽ biết.
Như vậy đức Phật khẳng định giao tăng đoàn lại cho hai vị đại đệ tử Ca-diếp và A-nan chịu trách nhiệm lãnh đạo là điều rõ ràng hợp lý, không còn gì nghi ngờ. Cho nên trong thiền sử ghi lại tổ thứ nhất là ngài Đại Ca-diếp, tổ thứ hai là ngài A-nan.
Bấy giờ Thế Tôn bèn nói kệ:
Tất cả hành vô thường,
Khởi lên ắt có diệt,
Không sanh thì không tử,
Diệt này rất là vui.
Tất cả hạnh đều vô thường, những gì có khởi tức có sanh đều có diệt. Chỗ không sanh không tử, đó mới thật là vui.
PALI TẠNG
Chánh văn:
1) Như vậy tôi nghe. Tại Rajagaha, Veluvana.
2) Rồi tôn giả Mahā Kassapa đi đến Thế Tôn; sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên.
3) Thế Tôn nói với tôn giả Mahā Kassapa đang ngồi một bên:
– Này Kassapa, ông đã già rồi. Đã cũ nát là những vải gai thô phấn tảo này của ông đáng được quăng bỏ. Vậy này Kassapa, hãy mang những y áo do các gia chủ cúng, thọ dụng các món ăn được mời và ở gần bên ta.
4) – Bạch Thế Tôn, con là người đã lâu ngày sống ở rừng, và tán thán hạnh ở rừng; con là người đi khất thực và tán thán hạnh khất thực; con là người mang y phấn tảo và tán thán hạnh mang y phấn tảo; con là người mang ba y và tán thán hạnh mang ba y; con là người thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục; con là người tri túc và tán thán hạnh tri túc; con là người sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly; con là người sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp; con là người tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
5) – Này Kassapa, ông thấy có lợi ích gì mà ông đã lâu ngày sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng, đi khất thực, mang y phấn tảo, mang ba y, thiểu dục, tri túc, sống viễn ly, sống không giao thiệp, tinh cần và tán thán hạnh tinh cần?
6) – Bạch Thế Tôn, con thấy có hai lợi ích nên đã lâu ngày con sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng, con đi khất thực, con mang y phấn tảo, con mang ba y, con thiểu dục, con tri túc, con sống viễn ly, con sống không giao thiệp, con sống tinh cần và tán thán hạnh sống tinh cần.
7) Con thấy tự mình được hiện tại an lạc trú và vì lòng từ mẫn đối với chúng sanh sắp đến, mong rằng các chúng sanh sắp đến sẽ bắt chước: “Đối với các đệ tử Phật và tùy Phật, mong họ trong một thời gian dài trở thành những vị sống ở rừng và tán thán hạnh ở rừng, những vị đi khất thực, những vị mang y phấn tảo, những vị mang ba y, những vị thiểu dục, những vị tri túc, những vị viễn ly, những vị không giao thiệp, những vị tinh cần và tán thán hạnh tinh cần, họ sẽ thực hành như vậy, và như vậy trong một thời gian dài họ sống hạnh phúc an lạc.”
8) Bạch Thế Tôn, thấy được hai lợi ích này, con sống ở rừng và tán thán hạnh sống ở rừng, con đi khất thực và tán thán hạnh khất thực, mang y phấn tảo, mang ba y, thiểu dục, tri túc, viễn ly, không giao thiệp, sống tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
9) Lành thay, lành thay, Kassapa! Thật vì hạnh phúc cho quần sanh, này Kassapa, ông đã thực hành như vậy, vì an lạc cho quần sanh, vì lòng từ mẫn với đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư thiên và loài người.
10) Do vậy, này Kassapa, hãy mang vải gai thô, phấn tảo đáng được quăng bỏ. Hãy sống khất thực và trú ở trong rừng!
Giảng:
Bài kinh này so với bài kinh Hán tạng có chỗ sai biệt. Hán tạng giải thích thêm về tương lai, Pāli tạng cũng nói hai lý do ngài Ca-diếp không chịu ở một chỗ nhận vật phẩm cúng dường của thí chủ, không mặc y vải tốt, luôn luôn xin giữ hạnh đầu-đà. Ngài kể:
Con là người mang ba y và tán thán hạnh mang ba y; con là người thiểu dục và tán thán hạnh thiểu dục; con là người tri túc và tán thán hạnh tri túc; con là người sống viễn ly và tán thán hạnh viễn ly; con là người sống không giao thiệp và tán thán hạnh không giao thiệp; con là người tinh cần và tán thán hạnh tinh cần.
Ngài muốn hiện tại sống được như vậy để sau các đệ tử của Phật cũng bắt chước sống theo. Cuối cùng đức Phật chấp nhận cho ngài như nguyện, không nói chuyện về sau.