Trích giảng và Đối chiếu Tăng Nhất A Hàm với Tăng Chi Bộ Kinh

Giải và Đối chiếu Kinh số 1, Phẩm An Ban (Hán tạng) với Đại Kinh Giáo Giới La Hầu La (Pali tạng)



HÁN TẠNG

Chánh văn: 

Tôi nghe như vầy: Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát dẫn La vân vào cổng thành Xá-vệ. Khi ấy Phật quay nhìn phía hữu bảo La-vân: 

– Nay Thầy nên quán sắc là vô thường. 

La-vân đáp: 

– Thưa vâng, Thế Tôn. Sắc là vô thường. 

Thế Tôn bảo: 

– La-vân!Thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường. 

La-vân đáp: 

– Thưa vâng, Thế Tôn. Thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường. 

Lúc này, tôn giả La-vân lại nghĩ: Đây có duyên cớ gì, mà nay mới đến cổng thành khất thực (phần vệ)… đang ở giữa đường. Cớ sao Thế Tôn lại đối diện dạy dỗ ta? Nay ta hãy trở về chỗ mình, chẳng nên vào thành khất thực. 

Bấy giờ tôn giả La-vân giữa đường trở về tinh xá Kỳ Hoàn, đem y bát đến dưới gốc cây, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết-già, chuyên chú nhất tâm, niệm sắc là vô thường; niệm thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. 

Bấy giờ Thế Tôn ở thành Xá-vệ khất thực xong, sau khi ăn, đi kinh hành ở tinh xá Kỳ Hoàng dần dần đến chỗ La-vân. Đến rồi, Thế Tôn bảo La-vân rằng: 

– Thầy nên tu hành pháp An-ban. Tu hành pháp này, hễ có ý tưởng sầu lo đều sẽ trừ hết. Nay Thầy lại nên tu hành tưởng nhơ nhớp bất tịnh, nếu có tham dục nên diệt trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên tu hành tâm từ, đã hành tâm từ thì hễ có sân giận đều sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm bị, đã hành tâm bị thì hễ có tâm hại ắt sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm hỷ, đã hành tâm hỷ thì hễ có tâm tật đố đều sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm hộ (xả), đã hành tâm xả thì hễ có kiêu mạn ắt sẽ trừ diệt hết. 

Bấy giờ Thế Tôn hướng về La-vân mà nói kệ: 

Chớ khởi tưởng nghĩ luôn,

Hằng nên tự thuận pháp,

Như thế người có trí, 

Tên tuổi được lan truyền. 

Cầm đuốc sáng cho người, 

Khổ ở tối tăm lớn, 

Trời, rồng cung kính thờ, 

Kính thờ bậc Sư trưởng. 

Lúc này Tỳ-kheo La-vân lại dùng kệ đáp Thế Tôn: 

Con không khởi trước tưởng, 

Lại hằng thuận với pháp, 

Như thế người có trí, 

Thì hay thờ Sư trưởng. 

Bấy giờ Thế Tôn dạy bảo xong, liền trở về tịnh thất. Lúc này tôn giả La-vân lại nghĩ: “Nay làm sao tu hành An-ban trừ bỏ được buồn lo, không có các tưởng?” Bấy giờ La-vân liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy và ngồi một bên. Chốc lát ngồi lui bạch Phật: 

– Thế nào là tu hành An-ban trừ khử sầu lo không có các tưởng? Thu hoạch quả báo lớn, được vị cam lồ? 

Thế Tôn bảo: 

– Lành thay, lành thay, La-vân! Thầy có thể ở trước Như Lai rống tiếng sư tử mà hỏi nghĩa này. Thế nào là tu hành An-ban trừ bỏ sầu lo không có các tưởng, được đại quả báo, được vị cam lồ? La-vân! Nay Thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ vì Thầy phân biệt đầy đủ. 

– Xin vâng, Thế Tôn! 

Bấy giờ tôn giả La-vân nhận lời Phật dạy, rồi Thế Tôn bảo: 

– La-vân! Ở đây nếu có Tỳ-kheo vui ở chỗ vắng vẻ không người, rồi chánh thân, chánh ý, ngồi kiết-già, không có niệm khác, buộc niệm ở chót mũi, hơi thở ra dài biết thở ra dài, thở vào dài biết thở vào dài; thở ra ngắn cũng biết thở ra ngắn, thở vào ngắn cũng biết thở vào ngắn; thở ra lạnh cũng biết thở ra lạnh, thở vào lạnh cũng biết thở vào lạnh; thở ra ấm cũng biết thở ra ấm, thở vào ấm cũng biết thở vào ấm. Quán khắp thân thể thở vào, thở ra thảy đều biết hết. Lúc có thở cũng lại biết có, còn lúc không thở cũng lại biết không. Nếu hơi thở từ tâm ra, cũng lại biết từ tâm ra. Nếu hơi thở từ tâm vào cũng lại biết từ tâm vào. Như vậy, này La-vân! Người hay tu hành An-ban thì không có tưởng sầu lo não loạn, thu hoạch quả báo lớn, được vị cam lồ. 

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho La-vân rồi, La-vân liền từ chỗ ngồi đứng lên, lạy Phật, nhiễu ba vòng rồi đi; đến dưới gốc cây tại vườn An-đà, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết già, không có niệm khác, buộc niệm ở chót mũi, thở ra dài cũng biết thở ra dài, thở vào dài cũng biết thở vào dài; thở ra ngắn cũng biết thở ra ngắn, thở vào ngắn cũng biết thở vào ngắn; thở ra lạnh cũng biết thở ra lạnh, thở vào lạnh cũng biết thở vào lạnh; thở ra ấm cũng biết thở ra ấm, thở vào ấm cũng biết thở vào ấm. Quán khắp thân thể, hơi thở ra vào thảy đều biết cả; lúc có hơi thở cũng lại biết có, lúc không hơi thở cũng lại biết không; nếu hơi thở từ tâm ra cũng lại biết từ tâm ra, nếu hơi thở từ tâm vào cũng lại biết từ tâm vào. 

Bấy giờ La-vân tư duy như thế, dục tâm liền được giải thoát, không còn các điều ác, có giác, có quán, niệm hoan hỷ khinh an, lạc ở Sơ thiền. Có giác, có quán, trong tự quán hỷ, chuyên chú nhất tâm, nhập tam-muội không giác, không quán, niệm hỷ, lạc ở Nhị thiền. Không còn niệm hỷ, tự giữ giác tri thân lạc, chỗ chư thánh thường cầu, xả niệm hỷ, dạo ở Tam thiền. Khổ vui kia đã diệt lại không sầu lo, không khổ không vui, xả (hộ) niệm thanh tịnh, lạc ở Tứ thiền. Do tam-muội này, tâm thanh tịnh không bụi dơ, thân thể nhu nhuyến; biết từ đâu đến, nhớ việc mình đã làm, tự biết việc túc mạng vô số kiếp, cũng biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mấy ngàn vạn đời; kiếp thành, kiếp hoại; vô số kiếp thành, vô số kiếp hoại, ức năm không thể kể: “Ta từng sanh chỗ kia, tên gì, họ gì, ăn món ăn thế này, thọ khổ vui thế này; thọ mạng dài ngắn, kia chết, sanh ở đây, đây chết sanh kia.” Ngài dùng tam-muội này tâm thanh tịnh không vết nhơ, cũng không có kiết sử, cũng biết chỗ khởi tâm của chúng sanh. 

Ngài lại dùng thiên nhãn thanh tịnh không vết nhơ quán chúng sanh, người sống, người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường thiện, đường ác, hoặc tốt hoặc xấu, điều làm, điều tạo; như thật rõ biết. Hoặc có chúng sanh thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, phỉ báng hiền thánh, thường hành tà kiến, tạo hạnh tà kiến, thân hoại mạng chung vào trong địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, chẳng phi báng hiền thánh, hằng hành chánh kiến, tạo hạnh chánh kiến, thân hoại mạng chung sanh chỗ thiện lên trời. Đó là thiên nhãn thanh tịnh không vết nhơ, quán chúng sanh người sanh, người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường lành, đường ác, hoặc tốt, hoặc xấu, điều làm, điều tạo, như thật rõ biết, lại thêm bỏ ý, thành tựu tâm hết lậu hoặc. 

Ngài quán sự khổ này, như thật mà biết. Ngài lại quán khổ tập, cũng biết khổ tận, cũng biết khổ xuất yếu, như thật rõ biết. Ngài do quán như thế, tâm dục lậu được giải thoát; liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, lại không còn thọ thân sau, như thật rõ biết. Lúc này tôn giả La-vân liền thành A-la-hán. Tôn giả La-vân đã thành A-la-hán, liền từ chỗ ngồi đứng lên, sửa sang y phục đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn: 

– Điều con cầu đã được, các lậu đã trừ sạch. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Các vị đắc A-la-hán, không ai bằng La-vân. Các hữu lậu dứt hết cũng là Tỳ-kheo La-vân; luận về người trì cấm giới cũng là Tỳ-kheo La-vân. Vì sao thế? Vì chư Như Lai đẳng chánh giác đời quá khứ cũng có Tỳ-kheo La-vân này. Ta muốn nói là con Phật cũng là Tỳ-kheo La-vân, thân chính từ Phật sanh, là bậc thượng của Pháp. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Trong hàng Thanh văn của ta, đệ tử bậc nhất trì cấm giới là Tỳ-kheo La-vân. 

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ: 

Đầy đủ pháp cấm giới,

Các căn cũng thành tựu,

Dần dần sẽ đắc được, 

Tất cả kiết sử hết. 

Bấy giờ các Tỳ-kheo nghe Phật dạy xong, vui vẻ vâng làm. 

Giảng:

Một thời Phật ở nước Xá-vệ, rừng Kỳ-đà, vườn Cấp Cô Độc. 

Bấy giờ Thế Tôn đến giờ đắp y ôm bát dẫn La-vân vào cổng thành Xá-vệ. Khi ấy Phật quay nhìn phía hữu bảo La-vân; 

– Nay Thầy nên quán sắc là vô thường. 

La-vân đáp: 

– Thưa vâng, Thế Tôn. Sắc là vô thường. 

Thế Tôn bảo: 

– La-vân! Thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường. 

La-vân đáp: 

– Thưa vâng, Thế Tôn. Thọ, tưởng, hành, thức đều là vô thường. 

Lúc này, tôn giả La-vân lại nghĩ: Đây có duyên cớ gì, mà nay mới đến cổng thành khất thực, đang ở giữa đường. Cớ sao Thế Tôn lại đối diện dạy dỗ ta? Nay ta hãy trở về chỗ mình, chẳng nên vào thành khất thực, 

Bấy giờ tôn giả La-vân giữa đường trở về tinh xá Kỳ Hoàn, đem y bát đến dưới gốc cây, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết-già, chuyên chú nhất tâm, niệm sắc là vô thường; niệm thọ, tưởng, hành, thức là vô thường. 

Theo phép khất thực của nhà Phật, hành giả phải nhìn về phía trước đi chậm rãi, không xoay qua xoay lại. Hôm nay không biết lý do gì, đi nửa đường đức Phật xoay qua gọi La-vân dạy, quán sắc vô thường, thọ, tưởng, hành, thức vô thường. La-vân đặt nghi vấn, bình thường Thế Tôn không dạy dọc đường, khi lên tòa ngồi an ổn rồi mới dạy. Tại sao hôm nay Phật lại như vậy, chắc có ý riêng gì đây? Nghĩ thế rồi ngài không đi khất thực nữa, mà quay trở về thiền định.

Chúng ta thấy ngài La-vân can đảm và đặc biệt vô cùng. Thời đó không đi khất thực là nhịn đói. Vậy mà khi nghe Phật dạy, Tôn giả thà nhịn đói trở về tinh xá nỗ lực thiền định. Chuyên tâm thiền quán năm uẩn vô thường, đó là bước đầu công phu tu hành của ngài.

Bấy giờ Thế Tôn ở thành Xá-vệ khất thực xong, sau khi ăn, đi kinh hành ở tỉnh xá Kỳ Hoàn, dần dần đến chỗ La-vân. Đến rồi, Thế Tôn bảo La-vân rằng: 

– Thầy nên tu hành pháp An-ban. Tu hành pháp này, hễ có ý tưởng sầu lo đều sẽ trừ hết. Nay Thầy lại nên tu hành tưởng nhơ nhớp bất tịnh, nếu có tham dục nên diệt trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên tu hành tâm từ, đã hành tâm từ thì hễ có sân giận đều sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm bi, đã hành tâm bị thì hễ có tâm hại ắt sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm hỷ, đã hành tâm hỷ thì hễ có tâm tật đổ đều sẽ trừ hết. La-vân! Nay Thầy nên hành tâm hộ (xả), đã hành tâm xả thì hễ có kiêu mạn ắt sẽ trừ diệt hết. 

Phật dạy ngài La-vân tu mấy pháp? Đầu tiên tu pháp An-ban, dịch âm Phạn là Ānāpāna. Tu pháp này sẽ dứt nghĩ tưởng buồn lo. Nói xong pháp ấy Phật dạy tu quán bất tịnh, kế hành tứ vô lượng tâm: từ, bi, hỷ, xả (hộ). Các bản xưa dịch xả là hộ.

Bấy giờ Thế Tôn hướng về La-vân mà nói kệ:

Chớ khởi tưởng nghĩ luôn, 

Hằng nên tự thuận pháp,

Như thế người có trí,

Tên tuổi được lan truyền. 

Cầm đuốc sáng cho người, 

Khổ ở tối tăm lớn, 

Trời, rồng cung kính thờ, 

Kính thờ bậc Sư trưởng. 

Phật dạy chớ khởi tư tưởng chấp trước, hằng tự thuận pháp là luôn luôn suy tư quán chiếu đúng chánh pháp. Người trí không khởi tăng trưởng chấp trước, hằng tự thuận pháp thì tiếng tốt đồn khắp. Bốn câu này Phật dạy La-vân dứt tư tưởng chấp trước, dồn hết tâm trí về chánh pháp, như vậy sẽ được tiếng tốt. Cầm đuốc sáng cho người, Phật dạy chư tăng phải nêu cao ngọn đuốc sáng, soi đường mở lối cho chúng sanh. Được vậy hàng trời rồng cung kính tôn làm Sư trưởng. Tăng là một trong ba ngôi báu, chính là những người cầm đuốc sáng phá tan mờ tối si mê, nỗi khổ lớn của chúng sanh. Nên biết tên Thường Chiếu tôi đặt ra cũng không ngoài tinh thần này.

Tỳ-kheo La-vân dùng kệ đáp lại Thế Tôn: 

Con không khởi trước tưởng, 

Lại hằng thuận với pháp, 

Như thế người có trí, 

Thì hay thờ Sư trưởng. 

Lời đáp của ngài La-vân có ý nghĩa rất hay. Hai câu đầu lặp lại ý của Phật dạy, Tôn giả hứa sẽ dứt những tưởng đắm trước và hằng hướng tâm đến chánh pháp. Phật nói tu được như vậy thì trời rồng cung kính tôn làm thầy. Ngài thưa, con không nghĩ làm thầy ai, chỉ mong đền ân Phật, bậc thầy của con. Ý nghĩa cao đẹp nằm trong lời đáp này.

Bấy giờ Thế Tôn dạy bảo xong, liền trở về tịnh thất. Lúc này tôn giả La-vân lại nghĩ: “Nay làm sao tu hành An-ban trừ bỏ được buồn lo, không có các tưởng?Bấy giờ La-vân liền từ chỗ ngồi đứng dậy đi đến chỗ Thế Tôn, đến rồi cúi lạy và ngồi một bên. Chốc lát ngồi lui bạch Phật: 

– Thế nào là tu hành An-ban trừ khử sầu lo không có các tưởng? Thu hoạch quả báo lớn, được vị cam lồ? 

Câu nói Phật dạy hồi sáng ngài chưa hiểu, bây giờ cầu chỉ dạy thêm.

Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, La-vân! Thầy có thể ở trước Như Lai rống tiếng sư tử mà hỏi nghĩa này. Thế nào là tu hành An-ban trừ bỏ sầu lo không có các tưởng, được đại quả báo, được vị cam lồ? La-vân! Nay Thầy hãy lắng nghe, lắng nghe và khéo suy nghĩ, ta sẽ vì Thầy phân biệt đầy đủ. 

Phật khen câu hỏi của La-vân giống như tiếng sư tử rống, sẽ giúp cho mọi người tu dứt khỏi trầm luân.

Thế Tôn bảo rằng: La-vân! Ở đây nếu có Tỳ-kheo vui ở chỗ vắng vẻ không người, rồi chánh thân, chánh ý, ngồi kiết-già, không có niệm khác, buộc niệm ở chót mũi, hơi thở ra dài biết thở ra dài, thở vào dài biết thở vào dài; thở ra ngắn cũng biết thở ra ngắn, thở vào ngắn cũng biết thở vào ngắn; thở ra lạnh cũng biết thở ra lạnh, thở vào lạnh cũng biết thở vào lạnh; thở ra ấm cũng biết thở ra ấm, thở vào ấm cũng biết thở vào ấm. Quán khắp thân thể thở vào, thở ra thảy đều biết hết. Lúc có thở cũng lại biết có, còn lúc không thở cũng lại biết không. Nếu hơi thở từ tâm ra, cũng lại biết từ tâm ra. Nếu hơi thở từ tâm vào cũng lại biết từ tâm vào. Như vậy, này La-vân! Người hay tu hành An-ban thì không có tưởng sầu lo não loạn, thu hoạch quả báo lớn, được vị cam lồ. 

Bấy giờ Thế Tôn thuyết pháp vi diệu đầy đủ cho La-vân rồi, La-vân liền từ chỗ ngồi đứng lên, lạy Phật, nhiễu ba vòng rồi đi; đến dưới gốc cây tại vườn An-đà, chánh thân, chánh ý, ngồi kiết-già, không có niệm khác, buộc niệm ở chót mũi. 

Muốn tu thiền được kết quả tốt, một là ở chỗ vắng vẻ, hai là ngồi kiết-già ngay thẳng, ba là ý phải chân chánh, bốn là không có niệm khác. Người nào được bốn điều kiện này sẽ dễ vào định. Chúng ta có thể đạt được hai điều kiện trên, nhưng ý nhớ chuyện năm trên năm dưới hoài, thường có niệm khác nên tu lâu cũng chẳng đi tới đâu.

Buộc ý tại chót mũi, “hơi thở ra dài biết thở ra dài, thở vào dài biết thở vào dài; thở ra ngắn cũng biết thở ra ngắn, thở vào ngắn cũng biết thở vào ngắn; thở ra lạnh cũng biết thở ra lạnh, thở vào lạnh cũng biết thở vào lạnh; thở ra ấm cũng biết thở ra ấm, thở vào ấm cũng biết thở vào ấm. Quán khắp thân thể thở vào, thở ra thảy đều biết hết. Lúc có thở cũng lại biết có, còn lúc không thở cũng lại biết không. Nếu hơi thở từ tâm ra, cũng lại biết từ tâm ra. Nếu hơi thở từ tâm vào cũng lại biết từ tâm vào. 

Phật dạy tu pháp An-ban là buộc tâm tại chót mũi, quán sát hơi thở ra vô dài ngắn nóng lạnh đều biết rõ. Quán hơi thở khắp toàn thân, thở ra thở vào, biết hơi thở từ tâm ra, có hay không đều biết rõ. Ở đây Phật dạy đơn giản, chỗ khác chia ra sáu thứ gọi là Lục diệu pháp môn, dịch từ chữ Ānāpāna. Lục diệu có: sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh. Ngài La-vân đã thuần thục rồi nên ngồi yên chỗ vắng, tâm không niệm khác, mới ứng dụng được pháp này. Nếu ngồi nghĩ tứ tung ứng dụng pháp này có kết quả không? Không. Nghĩ tứ tung thì phải bắt đầu từ sổ tức, kềm cho nó yên lại, dần dần mới ứng dụng tới chỗ này.

Hơi thở từ tâm ra biết hơi thở từ tâm ra, hơi thở từ tâm vào biết hơi thở từ tâm vào. Thế nào là hơi thở từ tâm ra, từ tâm vào? Những hành giả tu thuần, muốn dẫn hơi thở đi sâu tới đâu cũng được, hoặc rốn hoặc đan điền. Tâm dẫn hơi thở đi tới đâu thì hơi thở sẽ đi tới đó, gọi là hơi thở theo tâm vào và theo tâm ra. Chúng ta công phu còn kém, không để ý điều này nên không biết.

Bấy giờ La-vân tư duy như thế, dục tâm liền được giải thoát, không còn các điều ác, có giác, có quán niệm hoan hỷ khinh an lạc ở Sơ thiền. Nhờ ứng dụng tu hành giai đoạn đầu, ngài chứng được Sơ thiền. 

Có giác, có quán, trong tự quán hỷ, chuyên chủ nhất tâm, nhập tam-muội không giác, không quán, niệm hỷ, lạc ở Nhị thiền. Đi sâu hơn dứt được giác và quán, vào Nhị thiền. 

Không còn niệm hỷ, tự giữ giác chi thân lạc, chỗ chư thánh thường cầu, xả niệm hỷ, dạo ở Tam thiền”. Ly hỷ diệu lạc. 

Khổ vui kia đã diệt lại không sầu lo, không khổ không vui, xả niệm thanh tịnh, lạc ở Tứ thiền. Tu theo thứ tự như thế, ngài tiến dần lên Tứ thiền. 

Do tam-muội này, tâm thanh tịnh không bụi dơ, thân thể nhu nhuyến; biết từ đâu đến, nhớ việc mình đã làm, tự biết việc túc mạng vô số kiếp, cũng biết một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, trăm đời, ngàn đời, vạn đời, mấy ngàn vạn đời, kiếp thành, kiếp hoại; vô số kiếp thành, vô số kiếp hoại, ức năm không thể kể: “Ta từng sanh chỗ kia, tên gì, họ gì, ăn món ăn thế này, thọ khổ vui thế này; thọ mạng dài ngắn, ở kia chết, sanh ở đây, đây chết sanh kia”. Ngài dùng tam-muội này tâm thanh tịnh không vết nhơ, cũng không có kiết sử, cũng biết chỗ khởi tâm của chúng sanh. 

Đến đây là chứng túc mạng minh. Người tu khi tâm thanh tịnh lặng lẽ, nhớ muôn ức kiếp về trước. Chúng ta tâm còn rối loạn nên chuyện hôm qua hôm kia cũng quên. Lúc chưa ngồi thiền tâm lăng xăng lộn xộn không nhớ, đến khi ngồi hơi yên một chút chuyện cũ hiện lên. Chừng nào hoàn toàn yên, sạch hết loạn tưởng sẽ nhớ vô số kiếp về trước. Nhớ vô số kiếp về trước gọi là túc mạng minh. Người tu thiền đừng sợ bỏ hết loạn tưởng sẽ ngu ngốc. Chính khi tất cả vọng tưởng điên đảo lặng hết mới phát sáng trí tuệ, nhớ được vô số kiếp.

Đức Phật sống ở thế gian tám mươi tuổi, ngài không đọc sách triết học nói thế giới này có bao nhiêu thời kỳ, vậy mà một khi trí tuệ phát sáng ngài biết rõ từng giai đoạn thế giới thành, trụ, hoại, không. Có lần vào rừng với chúng Tỳ-kheo, ngài chỉ từ những lá úa vàng rơi rụng cho tới những đọt xanh tươi vừa đâm chồi trong rừng, rồi bảo: “Trong bầu vũ trụ này, có thế giới đang hoại, thế giới sắp hoại, có thế giới đang thành, thế giới sắp thành, nhiều giống như lá cây trong rừng”. Trí tuệ của Phật thật siêu việt, trí thế gian không thể sánh kịp. Những điều Phật biết không do suy luận hoặc học hỏi, mà từ tâm thanh tịnh tự thấy tự biết. Nếu các nhà khoa học không chế được kính thiên văn thì làm sao con người biết được điều đó. Nếu có biết chẳng qua chỉ biết vũ trụ và quả địa cầu theo kiểu trời tròn đất vuông. Trời giống như nắp vung che ở trên, đất giống như mảnh vuông nằm ở dưới.

Ngài lại dùng thiên nhãn thanh tịnh không vết nhơ quán chúng sanh, người sống, người chết, sắc đẹp, sắc xấu, đường thiện, đường ác, hoặc tốt, hoặc xấu, điều làm, điều tạo; như thật rõ biết. Hoặc có chúng sanh thân hành ác, miệng hành ác, ý hành ác, phỉ báng hiền thánh, thường hành tà kiến, tạo hạnh tà kiến thân hoại mạng chung vào trong địa ngục. Hoặc lại có chúng sanh thân hành thiện, miệng hành thiện, ý hành thiện, chẳng phi bảng hiền thánh, hằng hành chánh kiến, tạo hạnh chánh kiến thân hoại mạng chung sanh chỗ thiện lên trời. 

Thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo theo nghiệp thiện ác là do thiên nhãn thanh tịnh mà thấy, không do suy luận mà biết. Người đời suy lý tưởng tượng nói ra một lý thuyết nào đó, nên có thể đúng lúc này mà không đúng lúc khác. Phật do con mắt thanh tịnh thấy rõ như vậy nên luôn luôn đúng. Ngài nói: Ta thấy chúng sanh luân hồi trong lục đạo như người đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường, kẻ qua người lại thấy rõ không nghi ngờ. Lý luân hồi do Phật thấy đúng như thật mà nói, dù ai cố tình bác bỏ, sự thật vẫn như vậy.

Sở dĩ chúng sanh luân hồi trên đường thiện hoặc đường ác là do ba nghiệp. Phật tử tu thì phải chuyển ba nghiệp ác thành ba nghiệp thiện. Không chịu tu mà chờ tới chết cầu nguyện sanh đường thiện, đó là một việc làm không đúng lẽ thật. Chúng ta không nên dạy Phật tử cúng dường chư tăng sẽ được phước đức vô lượng vô biên, sau này sanh các cõi lành. Cúng chùa mà ai động tới chửi mắng um sùm thì có sanh cõi lành không? Không. Chuyển nghiệp là gốc, đừng ỷ lại sự cúng kính rồi không chịu tu. Cúng dường chư tăng là một trong những cách đền ân Tam bảo của người Phật tử. Hướng dẫn Phật tử tu là cách giáo hóa của chư tăng.

Đó là thiên nhãn thanh tịnh không vết nhơ, quán chúng sanh người sanh, người chết, sắc đẹp, sắc xấu, điều làm, điều tạo, như thật rõ biết, lại thêm bỏ ý, thành tựu tâm hết lậu hoặc. 

Ngài quán sự khổ này, như thật mà biết. Ngài lại quán khổ tập, cũng biết khổ tận, cũng biết khổ xuất yếu, như thật rõ biết. Ngài do quán như thế, tâm dục lậu được giải thoát; liền được trí giải thoát, sanh tử đã dứt, Phạm hạnh đã lập, việc phải làm đã làm xong, lại không còn thọ thân sau, như thật rõ biết. Lúc này tôn giả La-vân liền thành A-la-hán. 

Tôn giả La-vân bỏ ăn, tu rút trong một bữa chứng A-la-hán, để thấy ngài đã thuần thục. Phật biết như thế nên trái với oai nghi bình thường, đang đi trên đường Phật xoay lại dạy La-vân. Ngài thông cảm liền nên nỗ lực tu, kết quả như ý.

Tôn giả La-vân đã thành A-la-hán, liền từ chỗ ngồi đứng lên, sửa sang y phục đến chỗ Thế Tôn, cúi lạy rồi đứng một bên, bạch Thế Tôn: 

– Điều con cầu đã được, các lậu đã trừ sạch. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Các vị đắc A-la-hán, không ai bằng La-vân. Các hữu lậu dứt hết cũng là Tỳ-kheo La-vân; luận về người trì cấm giới cũng là Tỳ-kheo La-vân. 

Đọc những câu chuyện về ngài La-vân, khi còn bé thường quấy phá các thầy Tỳ-kheo, cho nên ở đây có người nghi tại sao Phật nói không ai giữ gìn cấm giới hơn Tỳ-kheo La-vân. Bởi vì Tỳ-kheo La-vân tu mật hạnh, bên ngoài thấy thô mà bên trong lại tế, bên ngoài đùa giỡn như trẻ con, nhưng bên trong giữ gìn giới luật rất tinh mật.

Chư Như Lai Đẳng chánh giác đời quá khứ cũng có Tỳ-kheo La-vân này. Ta muốn nói là con Phật cũng là Tỳ-kheo La-vân, thân chính từ Phật sanh, là bậc thượng của Pháp. 

Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỳ-kheo: 

– Trong hàng Thanh văn của ta, đệ tử bậc nhất trì cấm giới là Tỳ-kheo La-vân. 

Bấy giờ Thế Tôn nói kệ: 

Đầy đủ pháp cấm giới,

Các căn cũng thành tựu,

Dần dần sẽ đắc được, 

Tất cả kiết sử hết. 

Phật bảo tôn giả La-vân đầu tiên gìn giữ cấm giới, kế đến điều phục các căn, dần dần dứt hết kiết sử chứng A-la-hán. Cho nên Phật tử là người từ pháp Phật tu hành ngộ đạo, chứ không phải do Phật sanh ra.

PĀLI TẠNG

Chánh văn: 

Như vầy tôi nghe. Một thời, Thế Tôn ở Sāvatthi, Jetavana, tại tinh xá Anāthapindika (Cấp Cô Độc). 

Rồi Thế Tôn vào buổi sáng đắp y, cầm bát, đi vào Sāvatthi để khất thực. Tôn giả Rāhula vào buổi sáng cũng đắp y, cầm bát, đi sau lưng Thế Tôn. Rồi Thế Tôn, sau khi đưa mắt ngó xung quanh, bảo tôn giả Rāhula: 

– Này Rāhula, bất cứ sắc pháp nào, quá khứ, vị lai, hiện tại, nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả sắc pháp phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. 

– Bạch Thế Tôn, có phải chỉ sắc mà thôi? Bạch Thiện Thệ, có phải chỉ sắc mà thôi? 

– Cả sắc, này Rāhula; cả thọ, này Rāhula; cả tưởng, này Rāhula; cả hành, này Rāhula; và cả thức, này Rāhula. 

Rồi tôn giả Rāhula tự nghĩ: “Ai có thể hôm nay được Thế Tôn trực tiếp giảng dạy với bài giáo giới, còn có thể đi vào làng để khất thực?” Rồi Tôn giả từ chỗ ấy đi trở lui về, ngồi xuống một gốc cây, kiết già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. 

Tôn giả Sāriputta thấy tôn giả Rāhula đang ngồi dưới một gốc cây, kiết-già, lưng thẳng, an trú niệm trước mặt. Sau khi thấy vậy, ngài nói với tôn giả Rāhula: 

– Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập nhập tức xuất tức niệm (niệm hơi thở vô, hơi thở ra). Này Rāhula, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn, được quả lớn, được lợi ích lớn. 

Rồi tôn giả Rāhula, vào buổi chiều, sau khi từ thiền tịnh đứng dậy, đi đến chỗ Thế Tôn ở, sau khi đến, đảnh lễ Thế Tôn rồi ngồi xuống một bên. Sau khi ngồi xuống một bên, tôn giả Rāhula bạch Thế Tôn: 

– Bạch Thế Tôn, niệm hơi thở vô hơi thở ra được tu tập như thế nào? Làm cho sung mãn, (pháp môn này) như thế nào là để được quả lớn, được lợi ích lớn? 

– Này Rāhula, cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ, như tóc, lông, móng, răng, da, thịt, gân, xương, tủy, thận, tim, gan, hoành cách mô, lá lách, phổi, ruột, màng ruột, bao tử, phân và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, kiên cứng, thô phù, bị chấp thủ; như vậy, này Rāhula, được gọi là nội địa giới. Những gì thuộc nội địa giới và những gì thuộc ngoại địa giới đều thuộc về địa giới. Địa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải là của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải là tự ngã của ta”. Sau khi như thật quán sát địa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với địa giới, tâm từ bỏ địa giới. 

Và này Rāhula, thế nào là thủy giới? Có nội thủy giới, có ngoại thủy giới. Và này Rāhula, thế nào là nội thủy giới? Cái gì thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ, như mật, dàm, niêm dịch, mủ, máu, mồ hôi, mỡ, nước mắt, mỡ da, nước miếng, nước ở khớp xương, nước tiểu, và bất cứ vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc nước, thuộc chất lỏng, bị chấp thủ; như vậy, này Rāhula, được gọi là thủy giới. Những gì thuộc nội thủy giới và những gì thuộc ngoại thủy giới đều thuộc về thủy giới. Thủy giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. Sau khi như thật quán sát thủy giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với thủy giới, tâm từ bỏ thủy giới. 

Và này Rāhula, thế nào là hỏa giới? Có nội hỏa giới, có ngoại hỏa giới. Và này Rahula, thế nào là nội hỏa giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc về cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; như cái gì khiến cho hâm nóng, khiến cho hủy hoại, khiến cho thiêu cháy, cái gì khiến cho những vật được ăn, uống, nhai, nếm, có thể khéo tiêu hóa, hay tất cả những vật gì khác, thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc lửa, thuộc chất nóng, bị chấp thủ; này Rāhula, như vậy được gọi là nội hỏa giới. Những gì thuộc nội hỏa giới, và những gì thuộc ngoại hỏa giới đều thuộc về hỏa giới. Hỏa giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. Sau khi như thật quán sát hỏa giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hỏa giới, tâm từ bỏ hỏa giới. 

Và này Rāhula, thế nào là phong giới? Có nội phong giới, có ngoại phong giới. Và này Rāhula, thế nào là nội phong giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ, như gió thổi lên, gió thổi xuống, gió trong ruột, gió trong bụng dưới, gió thổi ngang các đốt, các khớp, hơi thở vô, hơi thở ra, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc gió, thuộc tánh động, bị chấp thủ; này Rāhula, như vậy được gọi là nội phong giới. Những gì thuộc nội phong giới và những gì thuộc ngoại phong giới đều thuộc về phong giới. Phong giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. Sau khi như thật quán sát phong giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với phong giới, tâm từ bỏ phong giới. 

Và này Rāhula, thế nào là hư không giới? Có nội hư không giới, có ngoại hư không giới. Và này Rāhula, thế nào là nội hư không giới? Cái gì thuộc về nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ, như lỗ tai, lỗ mũi, cửa miệng, do cái gì người ta nuốt, những gì được nhai, được uống, được ăn và được nếm, và tại chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn và được uống được giữ lại, và ngang qua chỗ mà những gì được nhai, được uống, được ăn và được tống xuất xuống phần dưới để ra ngoài, và bất cứ vật gì khác thuộc nội thân, thuộc cá nhân, thuộc hư không, thuộc hư không tánh, bị chấp thủ; này Rāhula, như vậy được gọi là nội hư không giới. Những gì thuộc nội hư không giới và những gì thuộc ngoại hư không giới đều thuộc về hư không giới. Hư không giới ấy phải được quán sát như thật với chánh trí tuệ như sau: “Cái này không phải của ta, cái này không phải là ta, cái này không phải tự ngã của ta”. Sau khi như thật quán sát hư không giới với chánh trí tuệ như vậy, vị ấy sanh yểm ly đối với hư không giới, tâm từ bỏ hư không giới. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rāhula, ví như trên đất người ta quăng đồ tịnh, quăng đồ không tịnh, quăng phân uế, quăng nước tiểu, nhổ nước miếng, quăng mủ và quăng máu; tuy vậy đất không lo âu, không dao động, hay không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập như đất. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như đất, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như nước. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rāhula, ví như trong nước người ta rửa đồ tịnh, rửa đồ không tịnh, rửa sạch phân uế, rửa sạch nước tiểu, rửa sạch nước miếng, rửa sạch mủ, rửa sạch máu; tuy vậy nước không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập sự tụ tập như nước, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như lửa. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rahula, ví như lửa đốt các đồ tịnh, đốt các đồ không tịnh, đốt phân uế, đốt nước tiểu, đốt nước miếng, đốt mủ, đốt máu; tuy vậy lửa không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như lửa, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như gió. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rāhula, như gió thổi các đồ tịnh, thổi các đồ không tịnh, thổi phân uế, thổi nước tiểu, thổi nước miếng, thổi mủ, thổi máu, tuy vậy gió không lo âu, không dao động, không nhàm chán; cũng vậy, này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như gió, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. Này Rāhula, ví như hư không không bị trú tại một chỗ nào; cũng vậy, này Rahula, hãy tu tập sự tu tập như hư không. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập như hư không, các xúc khả ái, không khả ái được khởi lên, không có nắm giữ tâm, không có tồn tại. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng từ. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về lòng từ, cái gì thuộc sân tâm sẽ được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về lòng bị. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về lòng bị, cái gì thuộc hại tâm sẽ được trừ diệt. Này Rahula, hãy tu tập sự tu tập về hỷ. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về hỷ, cái gì thuộc bất lạc sẽ được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về xả. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về xả, cái gì thuộc hận tâm sẽ được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về bất tịnh. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về bất tịnh, cái gì thuộc tham ái được trừ diệt. Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về vô thường. Này Rāhula, do tu tập sự tu tập về vô thường, cái gì thuộc ngã mạn được trừ diệt. 

Này Rāhula, hãy tu tập sự tu tập về niệm hơi thở vô hơi thở ra. Này Rāhula, do tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn, nên được quả lớn, được lợi ích lớn. Và này Rāhula, thế nào là tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra, làm cho sung mãn nên được quả lớn, được lợi ích lớn? 

Ở đây, này Rahula, vị Tỷ-kheo đi đến khu rừng, đi đến gốc cây, hay đi đến ngôi nhà trống, và ngồi kiết-già, lưng thẳng và an trú chánh niệm trước mặt. Tỉnh giác, vị ấy thở vô; tỉnh giác, vị ấy thở ra. Hay thở vô dài, vị ấy biết: “Tôi thở vô dài”; hay thở ra dài, vị ấy biết “Tôi thở ra dài”; hay thở vô ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở vô ngắn”; hay thở ra ngắn, vị ấy biết: “Tôi thở ra ngắn”. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở vô,” vị ấy tập. “Cảm giác toàn thân, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh thân hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. 

“Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác hỷ thọ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Cảm giác lạc thọ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành (Cittasamkhāra), tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “An tịnh tâm hành, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. 

“Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Cảm giác về tâm, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm hân hoan, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm định tĩnh, tôi sẽ thở ra, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Với tâm giải thoát, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. 

“Quán vô thường, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán vô thường, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán ly tham, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán đoạn diệt, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở vô”, vị ấy tập. “Quán từ bỏ, tôi sẽ thở ra”, vị ấy tập. 

Tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra như vậy, này Rāhula, làm cho sung mãn như vậy, có quả lớn, có lợi ích lớn. Này Rāhula, tu tập niệm hơi thở vô hơi thở ra như vậy, làm cho sung mãn như vậy, thời khi những hơi thở vô, hơi thở ra tối hậu chấm dứt, chứng được giác tri, không phải không được giác tri.

Thế Tôn thuyết giảng như vậy. Tôn giả Rāhula hoan hỷ tín thọ lời Thế Tôn dạy.

Giảng:

Hai bài kinh đồng sự kiện và nơi chốn nhưng lời dạy sai biệt khá nhiều.

1. Bên Hán tạng Phật dạy La-vân quán năm uẩn vô thường, bên Pāli tạng dạy quán năm uẩn vô ngã.

2. Bên Hán tạng khi Phật thọ trai xong, đi kinh hành tới chỗ La-vân ngồi tu dạy pháp An-ban. Bên Pali tạng khi La-vân trở về ngồi ở chỗ vắng, gặp ngài Xá-lợi-phất khuyên tu An-ban.

3. Bên Pāli nói về năm giới: đất, nước, gió, lửa và hư không. Năm giới này có trong thân chúng ta. Trước hết phân tích trong cơ thể, những thứ cứng thuộc về đất, những thứ ướt thuộc về nước, những thứ ấm thuộc về lửa, những thứ chuyển động thuộc về gió, những chỗ trống thuộc về hư không. Như lỗ mũi nếu không trống thì không thở được, tai nghe cũng nhờ có khoảng trống. Miệng dẫn cơm để nhai, nhai rồi nuốt xuống, nuốt rồi dẫn ra đều nhờ những khoảng trống. Như vậy tất cả lưu chuyển được trong thân là do có khoảng trống, tức có hư không. Tóm lại, cơ thể nhờ có hư không mới hoạt động được. Đó là phân tích về năm giới. Sau đức Phật kết luận dạy tu năm giới này. Tu như thế nào?

Nói về đất. Chúng ta quăng vật do sạch gì, đất bên ngoài cũng không từ chối, nhưng đất trong thân động tới không chịu. Đã là đất thì đất ngoài đất trong gì cũng là đất, sao đất ở ngoài hiền từ, đất ở trong động tới không chịu? Vì vậy Phật dạy phải quán thân này như đất bên ngoài, ai làm gì cũng tự nhiên, không tăng giảm.

Nói về nước. Nước ở ngoài rửa chân cũng được, uống cũng được, nhưng nước trong thân lại khó khăn hơn. Nước này chịu, nước khác không chịu.

Nói về gió. Gió ở ngoài dơ sạch gì cũng thổi, gió ở trong lựa mùi thơm mới chịu, còn hôi hám không chịu.

Nói về lửa. Lửa bên ngoài vật sạch dơ đều đốt không chọn lựa. Lửa bên trong chỉ đốt những gì thích hợp với nó.

Nói về hư không. Hư không bên ngoài không hề ngăn ngại chọn lựa. Vậy mà hư không trong thân lại chọn lựa. Những gì vừa ý, cho thông; không vừa ý, loại ra.

Phật muốn chỉ cho chúng ta thấy năm giới có sẵn nơi mình và có sẵn ngoài thiên nhiên. Ngoài thiên nhiên nó không lựa chọn, sao vào thân lại lựa chọn? Cho nên phải tập quán năm giới trong thân như năm giới bên ngoài. Đoạn này bên Hán tạng không có.

Đoạn sau Phật dạy tu tập lòng từ giống với Hán tạng. Phần quán hơi thở bên Pāli hơi khác. Lục diệu pháp môn có sổ tức, tùy tức, chỉ, quán, hoàn, tịnh; bên Hán tạng dạy dừng tâm ở chót mũi, hơi thở ra vô lạnh ấm mình biết. Ở đây dạy hơi thở ra, hơi thở vô phải quán hoan hỷ, quán được giải thoát v.v… đều có quán. Vậy Lục diệu pháp môn ở Pāli nặng về quán. Nên nói quán đoạn diệt, ly tham…

Pāli có đoạn nói về năm giới nhưng không có phần tu chứng từ tam minh đến A-la-hán như bên Hán tạng.

Trang trước Mục lục Trang sau

Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.