Nội dung:
Văn hóa bao gồm ba nội dung chính là tư tưởng, đạo đức và nghệ thuật. Thế nên đề tài tôi giảng hôm nay là “Văn hóa Thiền” cũng sẽ nói về ba nội dung là lý luận tư tưởng của Thiền, thực tiễn đạo đức của Thiền và biểu hiện nghệ thuật của Thiền.
Tư tưởng Thiền khởi nguyên từ Ấn Độ nhưng trưởng thành ở Trung quốc, căn bản của nó bắt nguồn từ tư tưởng “Không”, “Không” có nghĩa là mọi pháp đều do nhân duyên biến hóa mà thành. Tư tưởng “Không” này khi truyền đến Trung quốc thì được phối hợp với quan niệm “Vô” của đạo Lão. “Không” không phải là nghĩa “không gian”, cũng không phải là nghĩa “hư không”, mà là chỉ quá trình sinh diệt biến hóa từ có đến không hay từ không đến có của tất cả pháp ở thế gian. Do các pháp luôn lưu chuyển biến hóa giữa có và không, chứ không phải vĩnh viễn không động, cho nên gọi là “Không”. Trong Trung Quán Luận có câu “Nhân duyên sinh các pháp; Ta nói tức là không.” Nghĩa là các pháp sinh diệt đều do nhân duyên, bản thân chúng không có tự tánh, thế nên gọi là “Không”. Sau, Tổ Bồ-đề-đạt-ma truyền Thiền đến Trung Quốc, trong phẩm “Nhị Nhập Tứ Hạnh” do Ngài trước tác có luận về nghĩa hai chữ “Không” và “Vô”. Khi giảng về nghĩa chữ “Không”, Ngài dùng câu “Vạn hữu tư Không” để giải thích tất cả hiện tượng đều là Không. Khi luận về chữ “Vô”, Ngài liên hệ đến nghĩa của chữ Không, và Ngài dùng câu “Trong lý này, các tướng đều là Không, không nhiễm, không trước, không đây, không kia” để giảng rằng không có chỗ nào để chấp trước, không có chỗ nào để phân biệt.
Lục Tổ Huệ Năng trong Pháp Bảo Đàn Kinh nhấn mạnh nghĩa “Vô tướng”, nghĩa này cũng xuất xứ từ chữ “Không” trong kinh Bát-nhã, Lục Tổ lấy chữ “Vô tướng” này trong Kinh Kim Cang. Vô tướng có nghĩa là nói muôn sự muôn vật trong thế gian này đều là tướng giả, tướng Không. Tất cả các hiện tượng về vật chất, tư tưởng, ngôn ngữ, văn tự v.v…đều thuộc về Tướng. Nhưng những tướng này đều không thật sự tồn tại, nên gọi là “Vô tướng”. Chữ “Vô” trong “Vô tướng” của Lục Tổ không phải là rời khỏi tất cả hiện tượng trong thế gian này để tìm kiếm một thế giới chân lý xuất thế gian khác, mà là chân lý nằm ở ngay trong các tướng giả ở thế gian này. Bản thân các hiện tượng chính là chân lý.
Dưới con mắt của người thường, mọi pháp ở thế gian đều là thật, nên có sự chấp trước về đây kia, được mất, tốt xấu, thiện ác v.v…, do đó mà phát sinh mọi thứ não phiền.
Còn trong mắt các nhà triết học và các nhà tôn giáo thì thế gian là không thật, chân lý vượt ngoài thế gian. Các nhà triết học tin tưởng có một cảnh giới “Hình nhi thượng” (vượt ngoài hình thể). Các nhà tôn giáo thì cho rằng có một cõi trời hay cõi thần vượt trên thế giới hiện thực. Họ tách hiện thực ra khỏi lý tưởng, tách người phàm ra khỏi thần thánh.
Nhưng Thiền trong Phật giáo thì khẳng định rằng hai thứ này không cần phân khai, và cũng không thể phân khai, tìm kiếm chân lý bên ngoài thế giới hiện thực là không thể được. Muốn ra khỏi thế gian thì phải ở trong thế gian, chân lý vốn không rời khỏi hiện thực. Mê thì là phàm phu, là thế gian. Ngộ thì thành Thánh, là xuất thế gian. Sự khác nhau giữa mê và ngộ là ở chỗ có thể nghiệm hay không thể nghiệm được bản thân các hiện tượng ở thế gian chính là chân lý và bản tánh của tất cả pháp đều là Không. Hễ thể nghiệm được thì là Ngộ, không thể nghiệm được thì còn mê. Đơn giản vậy thôi!
Thiền nhìn thế giới giống như người đi vào khu rừng nhìn tổng quát toàn khu rừng, chứ không phải chỉ nhìn chi tiết vào từng cành cây, chiếc lá, do vậy mà thế giới hiện tượng hiện ra một cách thứ tự, lớp lang, có sự biến hóa của thế giới tự nhiên, nhưng không tỏ ra phức tạp. Còn phàm phu thì chỉ biết quan tâm chú ý đến từng cành cây, từng chiếc lá, cho nên không tìm được đâu là đầu mối của chúng, rồi cảm thấy sao phức tạp quá. Giống như trong khu rừng, bao nhiêu là lá khô rơi rụng, rồi các cành cây đan chen nhau v.v…, Thiền chỉ nhìn chúng như là một hiện tượng phát triển của tự nhiên, tất cả đều hiện ra một cách hài hòa, hợp nhất, nếu như nhân duyên đòi hỏi phải sắp xếp lại thì sắp xếp lại, nếu như nhân duyên không cho phép sắp xếp lại thì không quan tâm đến chúng. Nhưng phàm phu thì khác, lúc nào cũng lo lo sợ sợ, ăn ngủ không yên chỉ vì những việc hết sức nhỏ nhặt, thực sự chỉ là người tục tự chuốc lấy âu sầu, tự làm tăng trưởng phiền não cho mình. Chúng ta có thể sử dụng tư tưởng thiền trong cuộc sống hiện thực, dùng một thứ tâm vui vẻ, nhẹ nhàng mà nhìn mọi thứ xảy ra, chẳng cần phải lo lắng vì những thứ nhỏ nhặt như lông gà, vỏ tỏi mà quên đi một cái nhìn tổng thể, rồi làm cho cuộc sống của mình đầy ắp những gánh nặng và vô số những phiền não không đâu. Tiến thêm bước nữa, phải biết ngay cả bản thân cái tổng thể đó cũng không thực sự tồn tại, nó cũng chỉ là một hiện tượng tạm thời mà thôi.
Cho nên, dưới con mắt của nhà Thiền, thế giới vừa tồn tại vừa không tồn tại. Tồn tại là do tự thân sinh mạng tiếp nối không dừng, nên cần phải tích cực tham gia vào cuộc sống hiện thực, trợ giúp cho thế giới hiện thực vận chuyển tự nhiên. Mặt khác, lại phải thuận theo nhân duyên, theo sức mình mà làm, gặp việc gì cũng tận tâm tận lực, nhưng không cưỡng cầu, như vậy mới không khiến mình tăng trưởng não phiền. Ngược lại, nếu đối việc đối người, gặp danh gặp lợi mà còn để tâm mong cầu quá cao thì sẽ không tránh khỏi sợ được sợ mất, hại mình hại người, rồi tự làm khổ sở vô lý. Cho nên, tư tưởng Thiền là muốn chúng ta dùng cái nhìn tổng thể mà nhìn thế giới biến hóa, đồng thời cũng thấu hiểu cái tổng thể này cũng chỉ là sự tồn tại tạm thời, hư giả mà thôi.
Thiền Tông thuộc Phật giáo, cho nên thực tiễn đạo đức của Thiền vẫn là nương tựa trên tinh thân giới luật Phật giáo. Giới luật căn cứ vào nét riêng trong tư tưởng Phật giáo, đồng thời tham khảo pháp luật và đạo đức trong xã hội đương đại mà định ra: Những gì cần làm thì bắt buộc phải làm, những gì không cần thiết làm thì không nhất định làm, những gì không được phép làm thì không được làm. Giới luật cũng dựa vào thân phận, địa vị khác nhau của mỗi người mà yêu cầu khác nhau, nên có chia ra giới luật cho người xuất gia và giới luật cho người tại gia, giới của tiểu thừa và giới của đại thừa. Giới tiểu thừa hay còn gọi là giới Thanh Văn, giới này được xác định làm cơ sở cho giới đại thừa, hay còn gọi là giới Bồ-tát. Giới đại thừa đặt định trên chuẩn mực cử tâm động niệm, còn giới tiểu thừa chỉ giới hạn trong phạm vi thân hành động và miệng thốt lời. Vì vậy, giới Đại thừa đòi hỏi nghiêm khắc hơn giới Tiểu thừa. Giới tiểu thừa chỉ cần giữ gìn thân miệng không ra khỏi quy định là kể như giữ giới thanh tịnh, còn giới Đại thừa chỉ cần khởi tâm không thanh tịnh liền bị kể là phá giới.
Giới luật truyền từ Ấn Độ đến Trung quốc, có rất nhiều điểm trùng lập. Giới Tiểu thừa thì có nhiều bản thuộc nhiều bộ phái khác nhau, giới Đại thừa cũng có nhiều nội dung đến từ những kinh luận khác nhau. Vì Phật giáo lưu truyền trải qua thời gian và địa phương khác nhau, nên những giới điều được áp dụng cho Phật giáo Ấn Độ, khi đến Trung quốc có nhiều điểm không thể thực hiện được.
Đại Sư Bách Trượng Hoài Hải, đệ tử đời thứ tư sau Lục Tổ Huệ Năng, soạn “Thanh quy tòng lâm”, có người phê bình Ngài không tuân theo luật định của cả Tiểu thừa lẫn Đại thừa, Ngài nói: “Tông ta không bị trói buộc trong Đại Tiểu thừa, cũng không trái với Tiểu thừa Đại thừa. Tông ta đi con đường trung dung, ta chế định thanh quy là thuận theo thời nghi.” Ý Ngài là Thiền tông không bị ước thúc trong những điều luật của Đại thừa Tiểu thừa, cũng không đi ngược lại tinh thần của giới luật Đại Tiểu thừa, nhưng tham khảo thêm tập tục của Trung Quốc và điều kiện sống đương đại mà chế lập quy chế cho Thiền lâm. Ví dụ, Thiền viện của Ngài không có Phật điện thờ Phật, chỉ có Pháp đường để thuyết pháp và Tăng đường để chư Tăng tọa thiền và nghỉ ngơi. Theo giới luật Tiểu thừa, Tỳ-kheo không được khai khẩn đất đai trồng trọt, nhưng Ngài thì khuyên khích cuộc sống Thiền sinh làm nông, tự tuyên bố rằng: “Một ngày không làm, một ngày không ăn.” Theo giới luật Tiểu thừa, Tỳ-kheo không được nấu nướng trong Thiền viện, phải sống bằng khất thực. Nhưng Thiền viện thường được xây dựng nơi núi rừng hoang vắng, khất thực không tiện, vả lại tập tục Trung quốc xem thường việc khất thực, nên không muốn chư Tăng, những người được họ tôn trọng, cũng đi khất thực, thế nên thiền sinh trong Thiền viện tự nấu ăn. Ngoài ra, theo giới luật, Tỳ-kheo không được ăn quá ngọ. Nhưng vào thời Ngài Trúc Đạo Sinh tại thế, một hôm, vua Tống Văn Đế cúng dường chúng Tăng, tuy lúc đó đã quá ngọ nhưng vua nói: “Mới đến ngọ thôi!” Ngài Đạo Sinh nói: “Hiện giờ ánh mặt trời vẫn mạnh mẽ, vua nói mới đến ngọ thì ai dám bảo quá ngọ.” Do lời này của Vua mà từ đó chư Tăng bỏ qua giới điều quá ngọ không ăn.
Thanh quy Thiền viện trên nguyên tắc vẫn là tuân theo giới luật, chỉ là không phải cứng nhắc tuân giữ từng điều thẻo một trong giới điều. Đây là do ảnh hưởng từ tư tưởng phóng khoáng của Thiền, chỉ chú trọng trên mặt tổng thể, chứ không câu nệ tiểu tiết, chỉ cần không làm trái giới điều căn bản của Phật, giữ được tinh thần ít muốn, biết đủ, vui khổ hạnh, biết hỗ thẹn là được. Thiền tông chủ trương không sống tiêu cực, mà sống tích cực trong sự chất phác, tiết kiệm. Trong “Bách Trượng thanh quy”, tổ chức sinh hoạt đoàn thể trong Thiền viện được quy định như sau: “Thành lập 10 vụ gọi là liêu xá, mỗi liêu có một người đứng đầu quản lý người và việc, ở đâu giữ bổn phận ở đó.” Khi dạy đệ tử dụng tâm tu hành, Đại Sư Bách Trượng nói: “Đừng nhớ nghĩ, đừng theo duyên, buông xả thân tâm để thân tâm được tự tại.”
Do tư tưởng Thiền xuất phát từ tổng thể nên mỗi một niệm mà chúng ta khởi lên đều kết hợp với trí tuệ thanh tịnh thực tại và Niết-bàn tịch tĩnh bất động, trí tuệ và Niết-bàn nương tựa nhau, không rời nhau. Tất cả những hành động của chúng ta, hoặc duỗi tay hoặc cất chân v.v… đều liên kết chặt chẻ với khắp mười pháp giới (mười pháp giới là tứ thánh và lục phàm), do vậy mà thái độ sống của chúng ta tự nhiên sẽ an định, hòa hợp và tích cực. Đó chính là nguyên nhân đời sống trong thiền môn vừa đơn giản chất phác, vừa sạch sẽ gọn gàng, vừa yên tĩnh thanh nhàn, Thiền sinh luôn sống trong cảm giác đầy đủ và an tịnh.
Nghệ thuật Thiền biểu hiện ở các phương diện như kiến trúc, hội họa, văn học v.v…
Về mặt kiến trúc, tôi lấy một số ví dụ tiêu biểu ở Nhựt, Trung Quốc, Đài Loan để nói về tinh thần nghệ thuật Thiền: Kiến trúc của các Chùa ở Kinh đô Nhựt mới nhìn thì giống như là mô phỏng phong cách đời Đường, trên thực tế, chúng mang nét kiến trúc đặc sắc giữa hai thời Ngũ đại và thời Tống, như Chùa Đại Đức, Chùa Tướng Quốc… Phong cách kiến trúc ở Nại Lương thì mô phỏng theo thời Đường, như chùa Pháp Long, chùa Đông Đại, chùa Đường Chiêu Đề. Các tự viện ở kinh đô có xu hướng nghiêng về tinh thần chất phác mộc mạc của Thiền, còn các tự viện ở Nại Lương thì có vẻ hoa lệ. Chùa Vĩnh Bình ở huyện Phúc Cang thì mô phỏng theo kiến trúc đời Tống nên đậm nét Thiền hơn những nơi khác. Ngoài ra, ở Bắc Kinh Trung Quốc còn một số kiến trúc theo đời Minh, ở Tiêu Sơn huyện Trấn Giang tỉnh Giang Tô có một số kiến trúc thuộc cuối đời Minh đầu đời Thanh, tất cả đều mang nét mộc mạc của Thiền. Còn những loại kiến trúc khắc rồng vẽ phụng, làm mái cong, khắc hình lên tường… ở Cố Cung Bắc Kinh, hay những loại kiến trúc kiểu cung đình, màu sắc rực rỡ như đền thờ Trung Liệt ở Đài Loan v.v… thì không còn mang phong cách Thiền nữa. Kiến trúc Thiền phải mang nét mộc mạc, không hoa lệ, giữ nguyên màu sắc của cây gỗ, sử dụng mọi thứ theo tự nhiên.
Kế đến là nói về ngành hội họa, lịch sử hội họa Trung Quốc đã có cách đây mấy ngàn năm, nhưng đến thời Đường Huyền Tông mới xuất hiện luận thuyết về phương pháp vẽ tranh sơn thủy, nổi tiếng nhất là Vương Duy. Họa thuyết về tranh sơn thủy nhấn mạnh sự giản dị, chú trọng ở ý tranh. Ví dụ, nhà cửa được vẽ ẩn hiện sau núi rừng, nhân vật thì chỉ phác họa vài nét, và thủ pháp mượn mây nước, trăng sao làm nền, tất cả đều nhằm biểu đạt cảnh giới ý vượt ngoài tranh. Người xem tranh sẽ tùy theo tâm tình mỗi người mà hiểu ý tranh khác nhau. Loại vẽ tranh này dùng thủ pháp gián tiếp để truyền đạt cảnh ý, rất phù hợp với tinh thần Thiền tông.
Còn về vẽ nhân vật, ở thời kỳ đầu, hội họa Trung Quốc cũng chú trọng vẽ thực, vô tình phù hợp với pháp hội họa thời cổ đại phương Tây. Chúng ta có thể qua truyện Chiêu Quân cống Hồ mà biết rằng thời đó chú trọng thủ pháp vẽ thực. Nhưng về sau, hội họa phát triển, dần nghiêng về thủ pháp vẽ khoa trang, không thực, khác hẳn hoàn toàn với thủ pháp vẽ thực. Tranh La Hán thuộc về loại thủ pháp này. Tương truyền, Vương Duy thời Đường Huyền Tông từng vẽ 48 bức tựa đề “Tranh 16 vị La Hán”, đồng thời với ông có Lư Lăng Già, cũng rất thích vẽ tranh 16 La Hán. Đời Hậu Nam Đường có Đào Thủ Lập, Vương Tề Hàn, đời Tiền Thục có Lý Thăng, Trương Huyền, Quán Hưu, đời Ngô Việt có Vương Đạo Cầu, đời Cận đại có thượng nhân Linh Nguyên v.v… đều có vẽ qua tranh La Hán. Hình tượng các vị La Hán này thay đổi theo sự tưởng tượng của mỗi người vẽ tranh, cách vẽ phô trương, nhân vật được vẽ biểu hiện nhiều nét kỳ đặc. Phong cách họa tranh La Hán có thể xếp vào loại độc đáo rất riêng. Thời đầu, tranh hay tượng La Hán chỉ có 16 vị, đến đời Tống thêm vào hai vị nữa thành 18 vị. Sau này, vào thời Ngũ đại, dòng dõi Ngô Việt Vương Tiễn đã đúc tượng 500 vị La Hán bằng đồng trên núi Thiên Đài. Tranh La Hán hay tượng La Hán về mặt mũi, trang phục, tư thế, mỗi vị đều mang nét riêng, không ai giống ai. Các vị La Hán này phần nhiều hiện các tướng quái đản như mặc áo phạch ngực, ý như đùa, tướng như giỡn, ăn mặc xốc xếch, ngoái tai, nghếch mặt, châu mày, liếc mắt, đá chân, nghiêng người v.v…, không có cử động đoan chính, uy nghi nghiêm trang, tướng mạo đường đường của một người xuất gia bình thường. Tại sao các nhà họa gia lại cố ý vẽ hay đúc tượng các Ngài kỳ quái như vậy? Nguyên nhân là vì các vị Họa sư muốn nương tựa vào hình tướng giải thoát của các vị La Hán mà biểu đạt một cách sống cởi mở, khoáng đạt, tự nhiên, theo duyên vui sống, bày tỏ một nội tâm tự tại, rộng sáng, phóng khoáng, không một niệm câu nệ.
Sau cùng, tôi giới thiệu với quý vị nghệ thuật Thiền qua phương diện văn học. Trong các tác phẩm văn học Trung Quốc, có rất nhiều thể tài, đề mục, cảnh ý được lấy từ ý Thiền, hay nhờ Thiền mà phát sinh cảm hứng. Các nhà thơ thời Đường, thời Tống biểu hiện rất nhiều ý Thiền trong thơ của mình, nổi tiếng nhất có các đại thi gia Vương Duy, Bạch Cư Dị, Tô Đông Pha v.v… Tôi nêu ba ví dụ chứng minh:
Vương Duy (701-761), nhà thơ lớn đời Đường, sáng tác bài thơ “Qua Chùa Hương Tích”, trong đó có bốn câu:
Chẳng hay Hương Tích chùa đâu,
Đi đôi ba dặm, lên đầu non cao.
Cây um, đường tắt vắng teo,
Núi sâu chuông vẳng nơi nào tiếng đưa.
(Tản Đà dịch)
Nguyên văn chữ Hán:
過香積寺
不知香積寺
數里入雲峯
古木無人逕
深山何處鐘
Dịch âm:
Quá Hương Tích tự
Bất tri Hương Tích tự,
Sổ lý nhập vân phong.
Cổ mộc vô nhân kính,
Thâm sơn hà xứ chung.
Dịch nghĩa:
Qua chùa Hương Tích
Không biết chùa Hương Tích ở đâu?
Đi mấy dặm lên đến chỗ núi mây cao nhất.
Cây cổ thụ mọc um tùm không có vết đường tắt người qua lại.
Núi sâu, có tiếng chuông ở đâu ngân lên?
Đoạn thơ này không hề trực tiếp miêu tả cảnh trí chùa Hương Tích, mà dùng thủ pháp “mượn mây nước, nhờ trăng sao”, chỉ tả cội cây già cao vượt mây xanh, từng áng mây trắng bao bọc đỉnh núi và tiếng chuông chùa Hương Tích vang vọng núi rừng, để lại không gian cho người đọc tự phát huy trí tưởng tượng của mình mà tưởng tượng ra cảnh chùa Hương Tích. Điều này hoàn toàn phù hợp với tinh thần Thiền là tự mình tham ngộ ý thiền.
Giả Đảo (779-843), nhà thơ lớn đời Đường, sáng tác bài thơ “Tìm ẩn giả không gặp”, gồm bốn câu như sau:
Gốc thông hỏi chú học trò
Rằng: thầy hái thuốc lò mò đi xa
Ở trong núi ấy thôi mà
Mây che mù mịt biết là đi đâu.
(Tản Đà dịch)
Nguyên tác chữ Hán:
尋 隱者不遇
松下問童子
言師採藥去
只在此山中
雲深不知處
Dịch âm:
Tầm ẩn giả bất ngộ
Tùng hạ vấn đồng tử
Ngôn sư thái dược khứ
Chỉ tại thử sơn trung
Vân thâm bất tri xứ.
Dịch nghĩa:
Dưới cây tùng hỏi thăm tiểu đồng,
(tiểu đồng) nói rằng thầy đã đi hái thuốc.
Chỉ ở trong núi này thôi,
nhưng mây dày nên chẳng biết chỗ nào.
Cảnh ý của bài thơ này là miêu tả cảnh tịch tĩnh, cảnh không vô ẩn trong cảnh động thực tại. Ý thơ này hình dung một bậc Thiền giả đã ngộ chỉ điểm cho một thiền sinh sơ cơ đang tìm đường vào cửa Thiền, nội dung có thể hiểu như sau: Hỏi: “Phật tính thanh tịnh ở đâu?” Đáp: “Chỉ cần bạn theo pháp tu hành, tuy chưa thể tự thân chứng ngộ, nhưng bạn phải giữ lòng tin vững chắc là Phật tính ở tại tâm mình, đợi đến lúc ngộ cảnh xuất hiện giống như mây mù tan mất, mặt trời hiện rõ, tự nhiên bạn sẽ biết được Phật tính ở đâu.
Lôi Chấn, nhà thơ đời Tống, sáng tác bài “Chiều quê”, nội dung gồm bốn câu như sau:
Ao chuôm cỏ nước đầy phè
Mặt trời gác núi lê thê sóng chiều
Mục đồng vắt vẻo lưng trâu
Miệng xinh thổi khúc nhạc nào vu vơ
(Ngô Văn Phú dịch)
Nguyên tác chữ Hán:
村晚
草滿池塘水滿陂,
山銜落日浸寒漪。
牧童歸去橫牛背,
短笛無腔信口吹。
Dịch âm:
Thảo Vãn
Thảo mãn trì đường thủy mãn pha,
Sơn hàm lạc nhật tẩm hàn y.
Mục đồng quy khứ hoành ngưu bối,
Đoản địch vô xoang tín khẩu xuy.
Bài thơ này miêu tả tâm trạng viên mãn, đầy đủ, trọn vẹn, giống như miêu tả cảnh giới sau khi khai ngộ. Khi tâm cảnh đã đến cảnh giới viên mãn, thanh nhàn, tự tại rồi thì không nhất định phải có mục đích, có việc để làm, hơn nữa “có việc làm” hay “không việc làm” đều tốt đẹp, đều thỏa mãn cả. Như câu “Miệng xinh thổi khúc nhạc nào vu vơ”, thổi hay hay không chẳng cần quan tâm, không cần nghĩ đến việc hay dở, tốt xấu. Đây chính là biểu hiện cảnh giới tâm không còn phân biệt, không còn phiền não, chấp trước nữa. Bài thơ này có thể được xem là miêu tả cảnh ngộ của Thiền. ¤