Nội dung:
Tôi rất vui được nhà trường mời đến giảng giải Phật pháp. Đề tài “Thiền với đời sống người thời nay” này tôi đã có giảng ở Đài Loan rồi, nhưng người Đài Loan và người Mỹ có cách sống khác nhau, vì vậy, góc độ mà tôi giảng hôm nay cũng sẽ không giống với lần trước. Đầu tiên, chúng ta cần phải tìm hiểu xem tại sao người thời nay cần phải tu thiền? Trong cuộc sống chúng ta phát sinh những vấn đề rắc rối gì cần phải nhờ thiền trợ giúp? Thiền có tác dụng gì đối với người thời nay?
Những vấn đề rắc rối của người thời nay có thể chia làm bốn điểm:
1. Tính dao động trong đời sống của người thời nay quá lớn, người thời nay không có được đời sống tương đối an định như người xưa.
2. Khoảng cách trong quan hệ giữa người với người càng ngày càng xa, không còn cảm giác thân thiết như xưa, những tiếp xúc thân mật với nhau càng ngày càng ít.
3. Người thời nay nhờ vật chất phong phú nên đời sống không còn khó khăn như xưa, nhưng dục vọng con người không hề biết dừng nghỉ, vì muốn tìm cầu sự hưởng thụ xa hoa hơn, kích thích hơn nên đã sản sinh rất nhiều kiểu sống lạ lùng, quái đản.
4. Do không nắm được con đường phía trước của mình sẽ như thế nào nên người thời nay không có cảm giác an toàn đối với tương lai của mình, vì vậy, người thời nay thường sống trong tình trạng căng thẳng và bất an.
Nếu nghiên cứu sâu thêm về bốn hiện tượng này, chúng ta sẽ thấy rằng tuy người thời xưa và người thời nay có môi trường và đời sống khác nhau, nhưng tâm lý của con người thì hoàn toàn như nhau. Vấn đề mấu chốt là ở chỗ con người luôn cảm thấy khổ sở và não phiền đối với đời sống của mình, hay nói cách khác là con người hoàn toàn bị động trong cuộc sống. Vấn đề này ngay thời Phật Thích Ca, Ngài đã nhìn thấy. Trên thực tế, từ xưa đến nay và mãi mãi về sau, sự khổ phiền trong cuộc sống không hề thay đổi. Nhưng ở đây tôi muốn nêu thêm vài vấn đề rắc rối lớn nữa. Như là vấn đề trong đời sống gia đình, trong quan hệ hôn nhân, trong quan hệ giữa cha mẹ con cái v.v… người thời nay xuất hiện nhiều rắc rối hơn so với người xưa. Nghề nghiệp và môi trường sống cũng phức tạp hơn xưa. Đây đều là những vấn đề khổ não của người thời nay. Tóm lại, đời sống người thời nay không dễ dàng chút nào.
Trong cuộc sống hiện nay, sự tiếp xúc giữa người với người phức tạp và rộng rãi hơn xưa rất nhiều, nhưng mỗi người đều vì lợi ích của chính mình hoặc đoàn thể của mình mà nỗ lực, tranh đoạt hay tính toán. Do vậy mà xuất hiện sự mâu thuẫn giữa người này với người kia hay giữa đoàn thể này với đoàn thể kia. Những mâu thuẫn này phức tạp hơn và rõ rệt hơn xưa rất nhiều. Làm sao để giải quyết những vấn đề này? Người thời nay dùng cách khắc phục khó khăn, cải tạo hoàn cảnh, thay đổi đối tượng để giải quyết vấn đề. Dùng phương cách này tuy có thể giải quyết được một số vấn đề nhưng đồng thời sẽ xuất hiện càng nhiều vấn đề hơn.
Dưới đây tôi sẽ giảng giải cho quý vị Thiền sẽ giúp chúng ta giải quyết vấn đề như thế nào?
Thiền là gì? Theo người Ấn Độ, thiền là phương pháp quán chiếu nội tâm, quán chiếu nội tâm tức là nhìn vào tâm mình. Bất cứ vấn đề rắc rối nào phát sinh, chúng ta đừng quan tâm đến bản thân sự việc đó, mà nên nhìn lại xem tại sao việc này lại phát sinh trên chúng ta? Tại sao việc khó khăn này lại xảy ra? Và để giải quyết việc khó khăn này phải bắt đầu từ chính bản thân chúng ta.
Các tôn giáo ở Ấn Độ cổ xưa dùng phương pháp tu tập thiền định để giải quyết các phiền não, dứt trừ các thống khổ. Có lẽ mỗi chúng ta đều có thể khi gặp việc gì đó vô cùng đau khổ hay vô cùng não phiền mà không tìm được đối tượng để phát tiết thì phương cách tốt nhất là đi ngủ một giấc. Nếu ngủ được thì khi thức dậy, tuy vấn đề có thể chưa giải quyết được, nhưng nỗi khổ trong tâm đã giảm đi rất nhiều. Tuy cách này không thể giải quyết vấn đề nhưng nó có thể giúp chúng ta giảm bớt đau khổ.
Tu tập thiền ở tầng bậc sơ cơ nhất có hiệu quả ngang với ngủ nghỉ. Vì khi tu thiền chúng ta không phải đối diện hay suy nghĩ đến những việc rắc rối, não phiền đang xảy ra, có thể tạm thời để nó qua một bên. Dùng phương pháp tu thiền thu nhiếp thân tâm khiến nội tâm được yên tĩnh. Tiến thêm bước nữa, nương vào nội tâm yên tĩnh có thể làm cho chúng ta phát sinh trí tuệ giải quyết những việc phiền não. Bước đầu là đối mặt với phiền não, kế đó là giải quyết phiền não, thiền giúp mình từng bước nâng cao dũng khí và năng lực để đối mặt và giải quyết mọi não phiền.
Thế nên, phương pháp tu tập thiền định của Ấn Độ chia làm hai bước: Bước một là để việc phiền não qua một bên, bước hai là giải quyết phiền não. Có nghĩa là nhờ thiền định phát sinh trí huệ giải quyết được các vấn đề khổ não, vấn đề đã giải quyết thì phiền não không còn tồn tại nữa.
Ở phương đông, vợ chồng cãi nhau nhiều khi đòi ly hôn, nhưng không nhất định là sẽ thực sự ly hôn. Nhưng ở Mỹ, chỉ cần hai bên đồng ý là có thể ly hôn, sau đó tìm đối tượng khác kết hôn. Tôi nhớ có một cặp vợ chồng đến gặp tôi nói rằng họ không thể cùng sống chung với nhau được nữa, chuẩn bị ly hôn. Tôi hỏi họ: “Sau khi anh chị ly hôn rồi có định kết hôn nữa không?” Họ đáp: “Tụi con còn trẻ, nếu tìm được đối tượng thích hợp thì tự nhiên là sẽ lại tái kết hôn.” Tôi hỏi: “Nếu lại phát sinh vấn đề tương tự như thế này thì anh chị làm sao?” Họ đáp: “Thì tụi con ly hôn nữa, rồi lại tiếp tục tìm đối tượng kết hôn.” Tôi nói: “Nếu như vậy trong một đời không biết anh chị sẽ ly hôn rồi lại kết hôn bao nhiêu lần, chẳng phải là phiền phức và khổ sở vô cùng sao. Sao không giải quyết luôn một lần dứt khoát thì có phải là đỡ phiền phức trong cuộc sống hôn nhân không.” Họ hỏi: “Làm sao để giải quyết một lần dứt khoát?” Tôi nói: “Anh chị đến chỗ tôi học Thiền, học tĩnh tọa, dần dần anh chị sẽ biết làm thế nào để giải quyết mối quan hệ giữa hai người.”
Giữa vợ chồng với nhau phát sinh xung đột, nguyên nhân phụ là mình không hiểu được bạn đời của mình, còn nguyên nhân chính là mình không hiểu chính mình. Cho nên khi phát sinh mâu thuẫn mình chỉ đổ lỗi cho đối phương, không thấy lỗi của mình. Sau khi tu tập thiền định, mình sẽ dần dần hiểu được mình, dần dần xem thấu tâm mình. Hiểu được mình rồi là mình đã giải quyết được phân nửa vấn đề mâu thuẫn của hai bên. Nếu cả hai vợ chồng đều tu tập thiền thì mọi vấn đề sẽ trở nên hết sức đơn giản, vì cả hai đều hiểu mình, mâu thuẫn sẽ nhanh chóng được giải tỏa. Nếu chỉ có một người tu tập thiền, những va chạm trong gia đình cũng sẽ giảm đến 80%. Bởi vì, chỉ cần một người hiểu rõ mình, biết làm sao để đối xử chân thành với đối phương, tự nhiên sẽ dần cảm hóa bạn đời làm cho họ cũng biết thông cảm với mình. Có mấy chục cặp vợ chồng, hoặc ở Mỹ hoặc ở Đài Loan, phát sinh mâu thuẫn với nhau, nhưng nhờ đến học thiền với tôi mà quan hệ giữa họ chuyển biến tốt, không đến nổi dẫn đến ly hôn.
Thời nay, trong 100 người được một hai người có tinh thần hoàn toàn ổn định đã là rất hiếm, phần lớn tinh thần đều hơi không bình thường, đương nhiên là không đến nổi phải vào bệnh viện tâm thần, nhưng tinh thần hơi bất bình thường là một trong những vấn đề rắc rối tương đối quan trọng của người thời nay. Nếu ai theo tôi học tĩnh tọa, học thiền, chỉ cần tu tập một tuần lễ thôi, nhưng vì bắt đầu hiểu được chút ít về chính mình, tự nhiên sẽ phát hiện ra tâm mình hơi không bình thường. Ngoài ra, người thời nay mắc rất nhiều các chứng bệnh như cao huyết áp, tim, tiểu đường v.v…, những thứ bệnh này, người đời xưa rất ít mắc phải, nhưng nay đã trở thành bệnh thời đại. Gần đây lại xuất hiện rất nhiều người bệnh ung thư và bệnh Sida, bệnh Sida còn đáng sợ hơn bệnh ung thư nhiều. Hai loại bệnh này đều là bệnh thời đại. Nhưng dù là bệnh tinh thần hay bệnh cơ thể đều có liên quan đến bốn vấn đề rắc rối mà chúng ta đề cập ở trên. Vì người thời nay sống trong tình trạng căng thẳng, bất an, chạy đuổi theo những kích thích dục vọng mới dẫn đến những thứ bệnh này. Nếu chúng ta biết điều hòa thân và tâm mình thì những vấn đề não phiền này đều có thể giải quyết được dễ dàng.
Hai năm gần đây có một giáo sư tâm lý học người Anh thường đến Thiền tự Đông Sơ của tôi tham gia các khóa tu thiền bảy ngày. Trước đó, ông có mở một cơ sở trị bệnh tâm lý bằng phương pháp tu thiền ở Anh, kết quả rất khả quan, nhưng ông vẫn cảm thấy trình độ của mình chưa cao nên quyết định đến Đài Loan tham gia các khóa tu thiền bảy ngày tại Thiền Tự Đông Sơ. Mỗi lần tham gia xong trở về nước ông đều có thêm một số phương pháp trị bệnh tốt hơn. Dùng Thiền trị bệnh tâm thần không phải là phát minh của ông, mà do khi ông đến Mỹ ông gặp một người Mỹ từng học mấy năm Thiền ở Nhựt, sau khi trở về Mỹ, ông bắt đầu sử dụng phương pháp tu thiền phụ trợ cho việc trị bệnh tâm thần. Vị giáo sư tâm lý học người Anh này học theo cách của vị người Mỹ kia ứng dụng cho việc trị liệu tâm thần của mình ở nước Anh. Bệnh nhân của ông không phải là những người bệnh tâm thần đang điều trị ở bệnh viện tâm thần, mà là những người mắc các chứng bệnh về tâm lý, như là tinh thần rối loạn, mất quân bình, hoặc lo sợ vu vơ, lòng tin dao động, nghị lực sống giảm sút, đối với tương lai mờ mịt không biết làm gì, ý chí sa sút v.v…
Ngoài ra, theo kết quả thực nghiệm của hai vị bác sĩ người Nhựt, tọa thiền có thể giúp người nữ giảm béo, giảm huyết áp cho người bệnh cao huyết áp, tăng huyết áp cho người bệnh thấp huyết áp, có thể trị hết bệnh cho người bệnh tiểu đường, hay ít nhất cũng giúp người bệnh khống chế được bệnh tình, không để bệnh nặng thêm.
Tôi cũng có làm một thực nghiệm là dạy những phụ nữ mang thai tọa thiền, kết quả tốt đẹp 100%. Người phụ nữ ngay từ lúc cấn thai là có thể bắt đầu tọa thiền cho đến trước khi sinh một tháng, thậm chí cũng có thể tọa thiền cho đến cận ngày sinh, đương nhiên là tháng cuối cùng không ngồi dưới đất nữa mà ngồi trên ghế để thiền. Những người phụ nữ này sau khi sinh con, đứa bé thường rất ngoan, cơ thể khỏe mạnh, đầu óc lanh lợi, tỏ ra là những đứa trẻ vừa ngoan ngoãn vừa thông minh. Điều này có quan hệ đến trạng thái tâm lý khi người mẹ mang thai. Ngoài ra, có lần một đứa bé khoảng năm sáu tuổi theo người thân đến Thiền tự Đông Sơ, đột nhiên đau bụng mà không tìm ra nguyên nhân. Tôi dạy cháu tọa thiền, năm phút sau cháu xì hơi hai lần rồi hết đau bụng. Điều này cho ta thấy, tọa thiền có công dụng rất tốt trong việc điều chỉnh các cơ năng trong cơ thể. Thế nên, tọa thiền đối với trẻ em cũng rất tốt, nhưng trẻ thường thích chạy nhảy, thích đùa giỡn, cho nên không nên bắt trẻ ngồi lâu, tối đa là 15 phút thôi.
Ngày xưa tu thiền là dành riêng cho người xuất gia ở trong non hoang núi thẩm ẩn tu, cho nên dân gian mới có câu: “Lão Tăng nhập định”. Nhưng thời nay Thiền có xu hướng phổ cập khắp quần chúng. Người thời nay sống trong xã hội công thương nghiệp, đời sống hết sức bận rộn. Họ bận vì những thứ gì? Bận làm việc, bận chạy lẹ lẹ về nhà, bận xem ti vi, bận đi rạp chiếu bóng, bận đi du lịch, bận chăm sóc con cái, bận lo cho vợ cho chồng, bận đủ thứ lung tung, cái gì cũng bận. Nhất là ở Mỹ, cả đi chơi cũng trở thành việc bận rộn của họ. Mà những người càng bận là những người càng cần nhờ Thiền trợ giúp.
Mỗi lần gặp người nào bận rộn quá tôi thường khuyên họ học tọa thiền, họ đáp: “Thưa Thầy, tụi con đã bận rộn thế này rồi, thời gian đâu, công sức đâu mà ngồi thiền chứ. Huống chi, tọa thiền là việc của người tu, đâu phải việc của tụi con.” Tôi nói: “Người tu thời nay không còn giống với người tu thời xưa, người tu thời nay cũng bận rộn không kém người thế gian, nhưng vì bận nên phải tọa thiền, chỉ có sau khi tọa thiền mới có thêm thời gian để làm những việc mà mình muốn làm.” Các vị có tin không, người lúc nào cũng bận rộn thường mắc phải sai lầm, vì lúc bận quá không có thời gian để ý đến những chi tiết nhỏ, tâm cũng không ổn định, nên kết quả của việc làm thường không được tốt.
Theo một thống kê cho biết những ai tu tập tọa thiền, nếu như sáng sớm ngồi một thời thiền thì số lần nổi giận trong ngày sẽ giảm đi. Sau khi tọa thiền, tâm thường an định một thời gian. Thế nên, những người có nhiều việc bận rộn, nếu có thể nhín chút ít thời gian tọa thiền thì hiệu quả công việc làm sẽ tốt hơn nhiều, thời gian dùng giải quyết công việc đó cũng sẽ ít đi, và như vậy, thời gian rảnh rỗi sẽ nhiều hơn chút ít. Thủ tướng Nhựt Trung-tằng-căn mỗi ngày đều tọa thiền đều đặn. Ngày xưa, tổng thống Tưởng Giới Thạch cũng tọa thiền mỗi ngày. Khi bạn bận rộn mệt mỏi quá thì chỉ có tọa thiền là có thể giúp đỡ bạn. Thế nên, đừng lầm cho rằng tọa thiền là việc của những người không có việc gì làm như những người xuất gia mới làm.
Thiền chia làm ba thứ bậc: Tầng thứ nhất gọi là Tĩnh tọa, tầng thứ hai gọi là Định, tầng thứ ba gọi là Thiền. Mấu chốt chân chính của Thiền là ở tầng thứ ba. Những hiệu quả và tác dụng giảng ở trên đều thuộc về giai đoạn Tĩnh tọa.
Các vị có muốn biết tĩnh tọa phải ngồi như thế nào không? Tôi sẽ giảng cho quý vị một phương pháp rất đơn giản: Chỉ cần buông lỏng toàn thân, ngồi thẳng, ngồi ngay, đừng dựa vào ghế, nhắm mắt lại, đặt hai tay trên hai đầu gối. Buông lỏng toàn thân là điều cần yếu, sau đó bắt đầu buông xả nội tâm, đừng nghĩ gì hết là tốt nhất, nhưng nếu không thể làm được thì chuyên tâm nghĩ đến một câu mà thôi, bất kể câu gì cũng được, giả sử nếu như bạn đang nghĩ đến con trai bạn, bạn hãy nhiếp tâm niệm một câu “con trai dễ thương của ba, con trai dễ thương của ba…” cứ thế mà niệm suốt buổi thiền. Nhưng chỉ được nghĩ đến một câu này mà thôi, không nên tiếp tục nghĩ “Con bây giờ đang làm gì? Con có nhớ ba không?…” Hoặc có thể nhiếp tâm vào bàn chân tiếp đất của mình, cảm nhận cảm xúc của bàn chân với nền đất. Chỉ cần ngồi như vậy 5 phút thôi bạn sẽ cảm thấy cơ thể bạn dễ chịu hơn nhiều, áp lực tâm lý cũng giảm xuống. Tôi đã dạy cho các bạn một phương pháp đơn giản như vậy rồi đó, các bạn có thể về nhà và áp dụng phương pháp này để tĩnh tọa, tôi bảo đảm các bạn sẽ có được lợi ích rất lớn.
Cư sĩ Vương Minh Di, người phiên dịch cho tôi, nói rằng: Người thời nay dường như ráng hết sức mình để đi tìm sự kích thích, kích thích mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, thậm chí kích thích cả về tư tưởng quan niệm, càng kích thích càng khoái. Như những nhân vật Kim cang trong điện ảnh được làm thật lớn, hay như công ty Mai-tây-bá ở Nữu-ước, mỗi năm vào dịp du lịch đầu năm, họ làm những nhân vật bằng nhựa khổng lồ, nhiều người đổ xô nhau đi xem, họ đi xem là để tìm kiếm sự kích thích cho con mắt của mình. Thông thường, người lớn tuổi hay người bị bệnh về tai thì lỗ tai mới hay bị lùng bùng, còn người trẻ tuổi hiếm mắc phải hiện tượng này. Thế nhưng, gần đây tôi được biết rất nhiều thanh niên Mỹ cũng bị bệnh lùng bùng lỗ tai. Tôi hỏi họ tại sao còn trẻ mà mắc bệnh này, họ đáp tại họ thích nghe nhạc rock, mở âm lượng lớn, nghe lâu, nghe nhiều tự nhiên mắc bệnh bùng tai. Họ nghe nhạc rock là để tìm sự kích thích ở tai, nghe nhỏ không đủ thỏa thích nên phải mở loa cho lớn. Nếu chúng ta tọa thiền đến trạng thái định thì rất dễ thỏa mãn các giác quan mắt, tai…, hơn nữa, những kích thích đến từ thiền định vi diệu hơn những kích thích bên ngoài rất nhiều.
Nhập định ở tầng đầu tiên gọi là “Quang âm vô hạn”. Quang là ánh sáng, âm là âm thanh, vô hạn là không giới hạn. Nhưng ánh sáng và âm thanh ở đây không phải chỉ loại ánh sáng và âm thanh thô thiển ở thế giới bên ngoài, mà là chỉ ánh sáng và âm thanh phát ra từ nội tâm, không phải thứ ánh sáng phải mở mắt mới nhìn thấy, không phải thứ âm thanh phải nhờ lỗ tai mới nghe được. Hơn nữa, những thứ được cho là đẹp đẽ, sang trọng nhất ở thế giới bên ngoài cũng không cách gì so sánh được với những thứ mà chúng ta nhìn thấy trong định. Có lần, một thanh niên tham gia khóa thiền bảy ngày, bắt đầu từ ngày thứ hai cậu cứ ngồi mãi không đứng dậy cho đến hết ngày, và ngày nào cũng vậy cho đến kết thúc khóa tu. Tôi hỏi: “Con nhìn thấy gì vậy?” Cậu đáp: “Sau khi con ngồi một thời gian, đột nhiên con nhìn thấy bức tường trước mắt con hiện ra một thế giới, con bước vào và thế là con nhìn thấy thế giới này đẹp quá, yên tĩnh quá, thanh lương quá, trên thế giới chúng ta không có chỗ nào sánh bằng. Cho nên con thích lắm, mỗi lần ngồi thiền thấy thế giới này hiện ra là con liền đi vào để chiêm ngưỡng.” Tôi dạy cậu: “Đây chỉ là cảm giác giả tạo và cảnh giới giả hiện, không có ý nghĩa thực, con không được dừng lại ở đó.” Tuy đây chỉ là cảnh giả, nhưng nếu quý vị muốn tìm cảm giác kích thích, hoặc tìm kiếm cái đẹp thì cảnh giới này đẹp hơn rất nhiều lần so với thế giới hiện thực của chúng ta.
Ngoài ra, âm nhạc ở thế giới này chỉ có thể dùng lỗ tai nghe, nhạc Trung Quốc có 5 âm, nhạc Tây phương có 7 âm, âm vận vi diệu hơn thì không có. Loại âm nhạc trong cảnh giới “Quang âm vô hạn” nhân gian không thể nghe được, có thể dùng câu dân gian thường tán thán: “Nhạc khúc này chỉ có ở cõi trời, thế gian hiếm người diễm phúc được nghe.” Âm nhạc này không chỉ có bảy âm, khi cất lên du dương, nhu hòa, dễ chịu, như thấm nhuần khắp châu thân người nghe, dường như từng lỗ chân lông đều tràn đầy cảm giác nhẹ nhàng, thanh thoát, khiến người nghe như quên cả sự tồn tại của thân thể.
Có thể nói thanh niên Mỹ hiện nay rất ít người chưa dùng qua những loại thuốc gây ảo giác (những thứ thuốc trong nhóm ma túy), trong những đệ tử gốc Mỹ của tôi, không có người nào không dùng qua các loại thuốc này. Tôi hỏi họ: “Dùng thuốc gây ảo giác có gì hay không?” Họ đáp: “Rất vi diệu, thế giới hoàn toàn biến đổi, có thể tạm thời quên hết mọi việc ở thế giới hiện thực bên ngoài, bước vào một không gian khác.” Tôi nói: “Như thế có gì lạ lùng đâu, khi tọa thiền đạt đến cảnh giới thân tâm chuyên nhất, ngoại cảnh và nội tâm dung hợp thì tự nhiên sẽ có cảm giác rời khỏi thế giới hiện thực.”
Nói về kích thích thân thể thì kích thích về tính dục được xếp vào loại mãnh liệt nhất. Nhưng nếu tọa thiền, dù chưa đạt đến trình độ nhập định, chỉ cần đến cảnh giới khinh an thì sẽ thấy rằng sự kích thích trong quan hệ nam nữ không bằng 1/10 niềm vui khoái lạc của cảnh giới khinh an. Người nào chỉ cần một lần trải qua cảnh giới khinh an thì tự nhiên sẽ không còn hứng thú đối với những kích thích trong quan hệ tính dục nữa. Thế nên, cách tốt nhất để phòng ngừa bệnh Sida chính là học tọa thiền.
Thứ nữa, người tọa thiền đối với vị giác cũng hết sức mầu nhiệm. Có thể nói là “Thiên trù diệu cung” (đầu bếp cõi trời dâng thức ăn ngon), có nghĩa là người tọa thiền được hưởng những món ăn vi diệu mà nhân gian không thể có. Tại sao người tọa thiền có được cảm giác này? Vì sau khi tọa thiền, nước miếng tiết ra nhiều hơn lúc thường, nhờ vậy công năng tiêu hóa tốt hơn, ý muốn ăn mạnh hơn, cộng thêm lúc ăn, không có tâm tham, chỉ là ăn uống một cách tự nhiên, nhờ vậy cảm giác khi ăn cũng khác trước. Có lần trong khóa thiền bảy ngày, một cô gái trải qua một thời thiền rất tốt, lúc ăn cơm chiều tôi hỏi cô: “Hôm nay con ăn ngon không?” Cô đáp: “Ngon lắm, từ trước tới giờ con chưa từng ăn một bữa cơm nào ngon như vậy.”
Thế nên có thể thấy, đi tìm kiếm kích thích bên ngoài sao bằng học tọa thiền! Trong thế giới hiện thực này, muốn thỏa mãn hoàn toàn mọi ham muốn của mình không phải là việc dễ dàng. Hơn nữa, cái gì càng thỏa mãn được ham muốn của người thì cái đó càng làm tổn hại đến thân thể và nội tâm của người hưởng thụ. Kích thích càng nhiều thì tổn hại càng lớn, càng dễ dàng sinh bệnh. Nếu dùng phương pháp tọa thiền để thỏa mãn các giác quan của mình chứ không phải đi tìm kiếm sự kích thích để thỏa mãn chúng, thì sẽ rất có ích đối với cả thân và tâm chúng ta.
Thiền ở tầng thứ ba này là chỉ chữ Thiền trong Thiền tông, Thiền này có nghĩa là trí tuệ, cũng có nghĩa là không có trung tâm tự ngã (trung tâm tự ngã là cho mình là trung tâm, là quan trọng hơn hết thảy). Không có trung tâm tự ngã mới có trí tuệ chân thật. Nếu còn có trung tâm tự ngã thì dù có trí tuệ, trí tuệ này cũng không khách quan, chỉ mang tính chủ quan mà thôi. Nếu còn mang tính chủ quan thì trí tuệ này không phải là trí tuệ chân thật. Bởi vì, hễ còn có chủ quan tức sẽ còn dính dáng đến xung đột lợi hại, được mất với người khác. Cho nên, chúng ta có thể nói Thiền là một loại trí tuệ tuyệt đối khách quan. Mục đích và công năng thực sự của Phật pháp là ở chỗ tìm kiếm và khai phát trí tuệ. Do vậy, tất cả những phương pháp tu hành được chỉ dạy trong mọi kinh điển Phật giáo đều là để khai mở trí tuệ cho người học. Và để phá được trung tâm tự ngã, chúng ta phải ứng dụng các phương pháp tu hành. Có thể chia làm hai cách: Cách thứ nhất là bắt đầu từ tu định. Cách thứ hai thì hoàn toàn không cần phương pháp tu hành nào cả, chỉ cần trực tiếp bóp nát, quăng bỏ hoàn toàn mọi vọng niệm và trung tâm tự ngã trong tâm mình. Cách thứ nhất là cách tu phổ thông, gọi là tiệm ngộ (ngộ từ từ). Cách thứ hai không phải ai cũng làm được vì nó không dễ dàng chút nào, gọi là đốn ngộ (ngộ nhanh hay ngộ tức khắc).
Tôi dùng một ví dụ để nói về pháp tu tiệm ngộ. Ví dụ chúng ta ở trong một căn nhà làm bằng kính, nhưng kính bị bụi bám dầy đặc, khiến chúng ta không nhìn được cảnh tượng bên ngoài. Tiệm ngộ giống như lau bụi cho mặt kính, phải kiên nhẫn lau chùi từng chút một cho đến khi mặt kính sạch sẽ hoàn toàn, thậm chí sạch đến nổi mặt kính trở nên trong suốt, có đó mà như không còn nhìn thấy nữa, khi phản chiếu thì thấy bóng hình hiện lên, nhưng bản thân mặt kính thì không biết ở đâu. Loại kính này chúng ta có thể thấy ở các tiệm ăn, không gian của tiệm ăn thực sự rất nhỏ, nhưng nhờ ba mặt đều thiết kế loại kính này nên có cảm giác nó rất rộng rãi. Lau kính đến khi kính trở nên trong suốt được ví như tiệm ngộ. Tiệm ngộ là dùng phương pháp tu định từ từ làm mỏng dần những phiền não vọng tưởng trong nội tâm và làm yếu đi trung tâm tự ngã, cho đến cuối cùng là khiến chúng hoàn toàn tiêu biến.
Đốn ngộ so với tiệm ngộ đặc sắc hơn nhiều. Tôi cũng dùng ví dụ mặt kính bám bụi để nói rõ về pháp tu đốn ngộ. Ví dụ mặt kính bị bụi bám đầy không còn nhìn thấy gì bên ngoài nữa cả, chúng ta không cần phải lau bụi mà chỉ cần dùng một cục đá thật lớn đập nát nó, hay dùng bom làm cho nó nổ tung, kính mất rồi không còn gì che lấp tầm nhìn của chúng ta nữa, thế là chúng ta có thể nhìn được xa, nhìn được khắp, thoải mái, khỏe khoắn, cũng không cần ngày sau mỗi ngày phải khổ sở lau chùi, giữ gìn nó nữa, vì các mặt kính che lấp chúng ta đã hoàn toàn tiêu mất. Cách này vừa nhanh gọn, vừa triệt để. Ví dụ này đại biểu cho trí tuệ của đốn ngộ, sức mạnh của trí tuệ này vừa xa, vừa lớn, vừa sâu, vừa rộng, không gì sánh bằng.
Phương pháp tu định gọi là thiền quán. Thiền quán có rất nhiều pháp tu, tôi không đủ thời gian để giới thiệu với quý vị. Còn phương pháp tu Thiền thì rất đơn giản, gọi là thiền cơ hay tham thiền. Khi Thầy giúp đệ tử tu hành thì gọi là thiền cơ, khi đệ tử tự tu thì gọi là tham thiền. ¤