Thiền Và Ngộ

Bài 26. Tư Tưởng Chủ Đạo Trong Lục Tổ Đàn Kinh



I/ Khái quát

Lục Tổ Đàn Kinh lưu truyền nhiều bản khác nhau, ở đây tôi không bàn về điều này.

Hệ thống tư tưởng của Lục Tổ Đàn Kinh tuy lấy ý từ Kinh Bát-nhã, nhưng thực tế là biểu đạt quan điểm về Như Lai Tàng. Dùng trí tuệ Tánh Không trong kinh Bát-nhã để thực chứng Phật Tánh Chân Như, hay nói cách khác là Minh Tâm Kiến Tánh. Lục Tổ Đàn Kinh lấy ý từ Kinh Kim Cang Bát Nhã và Kinh Văn Thù Sư Lợi Thuyết Bát Nhã. Mục đích là để chứng minh “Tướng tuy không nhưng Tánh thì có”, nhấn mạnh bản tâm và bản tánh là thực có. Lục Tổ Đàn Kinh dẫn giải kinh Bát Nhã là để dùng làm phương tiện quán chiếu và thực hành. Đây gọi là Bát Nhã Tam Muội và Nhất Hạnh Tam Muội.

Trong Lục Tổ Đàn Kinh có 6 lần dẫn giải kinh Duy Ma, tổng cộng nêu lên 5 quan điểm: 1. Đốn ngộ, 2. Thủ tâm và Trực tâm, 3. Những việc hằng ngày trong đi đứng nằm ngồi chính là tu hành, 4. Động tĩnh cùng một thể, 5. Không hai. Ngoài ra trong Lục Tổ Đàn Kinh còn thấy tư tưởng của các kinh Bát-nhã, Phạm Võng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Quán Vô Lượng Thọ, Đại Thừa Bản Tánh Tâm Địa Quán v.v…

Pháp môn tu tâm trong Lục Tổ Đàn Kinh gọi là “Pháp môn vô niệm”, hay còn gọi là vô trụ, vô trước, vô tướng. Do vô niệm nên đắc trí tuệ, do vô trước nên lìa phiền não, do vô tướng nên chứng Phật tánh. Chuẩn mực sống trong Lục Tổ Đàn kinh là sám hối, phát nguyện và thọ tam quy. Chuẩn mực sống này được quy vào “Pháp môn vô tướng” trong thực tiễn tu hành.

II/ Lời mở

Truyền thống và tín ngưỡng xưa cho rằng Lục Tổ Đàn Kinh là tác phẩm ghi lại lời giảng của Lục Tổ Huệ Năng (638-713). Nhưng sau khi khai quật động Đôn Hoàng tìm thấy bản khắc Lục Tổ Đàn Kinh, một số học giả Nhật Bản và Trung Quốc bắt đầu tranh luận về tác giả Lục Tổ Đàn Kinh, rốt cuộc tác phẩm này xuất phát từ tư tưởng của Lục Tổ, hay do Ngài Thần Hội (668-760) ngụy tạo? Ở đây tôi không bàn về vấn đề này, mà chỉ thảo luận nội dung tư tưởng trong Lục Tổ Đàn Kinh mà thôi.

Lục Tổ Đàn Kinh được xếp vào quyển 48 trong Đại Chính Tân Tu Đại Tạng Kinh, gồm hai bản: Một bản gọi là “Nam Tông Đốn Giáo Tối Thượng Thừa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh Lục Tổ Huệ Năng Đại Sư Ư Thiều Châu Đại Phạm Tự Thí Pháp Đàn Kinh”, gọi tắt là “Đôn Hoàng xuất thổ Lục Tổ Đàn Kinh”, do đệ tử Lục tổ là Thiền Sư Pháp Hải biên tập. Bản khác có tên là “Lục Tổ Đại Sư Pháp Bảo Đàn Kinh”, bản này lưu truyền rộng rãi ở Trung Quốc xưa nay, do Tỳ Kheo Tông Bảo biên tập vào niên hiệu Chí Nguyên triều Nguyên. So sánh giữa hai bản thì bản ở động Đôn Hoàng đáng tin cậy hơn, hơn nữa bản của Tông Bảo thì cách hành văn lưu loát hơn nên có thể là do người sau thông qua nhiều đời lưu truyền, sao chép, sửa chữa biên tập mà thành. Hiện nay lại phát hiện thêm một bản ở Tào Khê, nhưng bản này thực ra cũng là một bản sao lại từ bản của Tông Bảo. Ba bản trên, mỗi bản về mặt văn tự đều có nét riêng, đặc biệt là bản ở động Đôn Hoàng, thứ tự sắp đặt chương đoạn đều khác với hai bản kia. Điều này chứng minh rằng ba bản này xuất phát từ hai hệ thống khác nhau, nhưng cũng không thể quyết chắc rằng tư liệu gốc trong bản của Tông Bảo trễ hơn bản ở động Đôn Hoàng. Những điều này thuộc về phạm vi nghiên cứu của các học giả, ở đây tôi không luận chứng thêm.

Trong bài này tôi chỉ chú trọng thảo luận nội dung tư tưởng trong Lục Tổ Đàn Kinh, tham khảo tất cả các bản khác nhau rồi tổng hợp lại trọng điểm của tác phẩm.

III/ Hệ thống tư tưởng trong Lục Tổ Đàn Kinh

Thiền Tông Trung Quốc được truyền từ Sơ Tổ Bồ Đề Đạt Ma, Ngài đến Trung Quốc vào năm 527 và sau đó trở thành vị Tổ Thiền Tông đầu tiên của Trung Quốc. Tư tưởng của Ngài bắt nguồn từ bốn quyển Kinh Lăng Già. Ngài Tịnh Giác, đệ tử Ngài Thần Tú, soạn quyển “Lăng Già Sư tư ký” giới thiệu hệ thống truyền Thiền từ Ấn Độ đến Trung Quốc, đây cũng có thể được xem là Thiền Bắc Tông, lấy tư tưởng Kinh Lăng Già làm chủ lực. Còn Thiền Nam Tông của Lục Tổ Huệ Năng tuy cũng có tiếp thu tư tưởng kinh Lăng Già, nhưng chủ yếu là lấy tư tưởng kinh Kim Cang làm y cứ cho pháp Thiền của Ngài. Do vậy, nội dung trong Lục Tổ Đàn Kinh thể hiện đậm nét tư tưởng Như Lai Tàng (do ảnh hưởng hệ thống kinh Lăng Già), nhưng bản thân Lục Tổ lại nhấn mạnh công năng của Bát-nhã và trí tuệ. Theo lý thì tư tưởng Bát nhã thuộc về tánh Không, có thể xếp vào phạm trù của triết học Trung Quán. Còn tư tưởng kinh Lăng Già thì nhấn mạnh Duy Thức, coi trọng Như Lai Tàng, thực tế là phát huy tư tưởng Như Lai Tàng làm trọng tâm, đây thuộc hệ thống Phật giáo đại thừa Ấn Độ. Vậy, Lục Tổ Đàn Kinh làm cách nào đem hai hệ thống Trung Quán và Như Lai Tàng hoàn toàn khác nhau này hợp lại làm một. Đây là một vấn đề lý thú đáng cho chúng ta thảo luận.

Thực ra, Lục Tổ Đàn Kinh dùng Bát Nhã làm phương pháp, lấy Như Lai Tàng làm mục tiêu. Dùng phương pháp quán Không của Bát Nhã để phá trừ những chấp trước phiền não, đạt đến mục đích “Minh Tâm Kiến Tánh”. Minh tâm là tâm thanh tịnh không còn phiền não, kiến tánh là nhận ra Phật tánh, tánh mình cùng tánh Phật không hai không khác. Phật tánh là tên khác của Như Lai Tàng, tâm thanh tịnh là tên khác của trí tuệ Bát nhã. Tư tưởng của Lục Tổ Đàn Kinh là dùng trí tuệ Bát nhã đạt đến mục đích kiến tánh thành Phật. Minh Tâm và Kiến Tánh tuy khác tên, khác lập trường, kỳ thực là hai mặt của cùng một thể. Nếu thấy được cái này tự nhiên đắc cái kia, ngược lại, không nhận ra cái này thì cũng không biết được cái kia. Minh tâm tự nhiên sẽ thấy tánh (kiến tánh), thấy tánh tự nhiên sẽ sáng tâm (minh tâm).

Trung quán cho rằng: Nếu chứng trí tuệ Bát nhã tức thấy các pháp tự tánh là Không, và đây là mục đích, không cần phải cầu thêm Như Lai Tàng, Phật tánh, Pháp tánh gì nữa cả. Nhưng theo hệ thống Như Lai Tàng thì Bát nhã chỉ là công năng, không phải là bản thể. Công năng thì phải có chỗ phụ thuộc, thế nên phát sinh tư tưởng Như Lai Tàng và Phật tánh. Thế nên, Lục Tổ Đàn Kinh tuy thể hiện tư tưởng Bát nhã, nhưng trên thực tế là lấy Như Lai Tàng làm căn bản.

IV/ Tư tưởng Bát Nhã trong Lục Tổ Đàn Kinh

Lục Tổ Đàn Kinh dùng hai bộ kinh trong hệ thống Bát Nhã, một là Kinh Kim Cang, hai là Kinh Văn Thù thuyết Bát Nhã. Lục Tổ Đàn Kinh dẫn nội dung và các câu trong Kinh Kim Cang như sau:

Phẩm Hành Do: “Huệ Năng nghe đến câu “Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia”, tâm liền khai ngộ, mới hỏi khách tụng kinh gì, khách đáp: Kinh Kim Cang.”

Cũng phẩm này: “Kinh nói: “Hễ có tướng đều là hư vọng.”

Cũng phẩm này: “Tổ lấy ca sa che xung quanh không để người thấy, vì Huệ Năng nói kinh Kim cang, đến câu “Nên không chỗ trụ mà sinh tâm kia”, Huệ Năng ngay đó đại ngộ.”

Toàn bộ phẩm Bát Nhã đều giảng về ý nghĩa Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật, đồng thời nhấn mạnh: “Phải tu hạnh Bát Nhã, trì tụng Kinh Kim Cang, tự nhiên sẽ thấy tánh.” Lại nói: “Ta vừa nghe kinh Kim Cang, tâm liền khai ngộ.” Ngài gọi pháp môn này là “Bát Nhã tam muội”.

Phẩm Định Huệ dẫn câu “Nhất Hạnh tam muội” trong kinh Văn Thù thuyết Bát Nhã để giảng giải hai câu “trực tâm là đạo tràng” và “trực tâm là tịnh độ” trong kinh Tịnh Danh (tức kinh Duy Ma).

Đến đây chúng ta sẽ bàn luận về tư tưởng và mục đích các kinh điển trong hệ thống Bát nhã mà Lục Tổ Đàn kinh dẫn giải. Đầu tiên, chúng ta cần chú ý đến câu “Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia” (kinh Kim Cang). Câu này đóng vai trò quan trọng trong tư tưởng Lục Tổ Đàn Kinh và cũng là nguyên nhân chính khiến Lục Tổ trở thành vị Tổ vĩ đại nhất trong lịch sử Thiền Tông Trung quốc. Câu này tuy cũng là một câu tinh túy trong Kinh Kim Cang, nhưng không phải là câu kinh quan trọng nhất. Những câu thường được bàn luận nhất trong kinh Kim Cang là “Không có tướng pháp cũng không có tướng phi pháp”, “không nên chấp pháp cũng không nên chấp phi pháp”, “chẳng phải pháp cũng chẳng phải phi pháp”. Những câu này dùng để phá trừ chấp trước, không chấp không cũng không chấp có; chấp có đương nhiên là thuộc về có, chấp không cũng rơi vào mé của “có”, “không” và “có” là đối nhau mà lập. Nhưng câu mà Lục Tổ tâm đắc nhất và thọ dụng nhiều nhất là câu “Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia”, câu này nghĩa là tuy “không có chỗ trụ” mà có “tâm kia”. Tâm này là tâm trí tuệ, không trụ là không trụ trong tâm phiền não, tuy không trụ trong tâm phiền não nhưng vẫn có tâm trí tuệ. Vì muốn thấy Phật tánh thanh tịnh phải có trí tuệ, và muốn cứu độ chúng sinh cũng cần trí tuệ, cho nên thuộc về “có” chứ không phải “không”. Nếu nối câu này với các câu trước thì sẽ có nghĩa là: Bồ tát sinh tâm thanh tịnh trang nghiêm cõi Phật mà không thấy có trang nghiêm cõi Phật mới gọi là trang nghiêm cõi Phật, cũng có nghĩa là làm tất cả việc thiện mà không thấy có làm tất cả việc thiện mới gọi là làm tất cả việc thiện. Thế nên, “tâm kia” trong câu “nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia” chính là nói tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh là tâm trí tuệ không chấp trước, Lục Tổ nghe câu kinh này khai ngộ tức là tâm Ngài đã tương ưng với tâm trí tuệ. Có điều, Kinh Kim Cang không chủ trương khai ngộ là thấy được Phật tánh, mà cho là bản thân khai ngộ chính là mục đích cuối cùng, điều này có chỗ khác biệt với chỗ thể ngộ của Lục Tổ.

Còn câu “Hễ có tướng đều là hư vọng”, câu này phải nối với hai câu trước và sau nó mới giải thích đúng ý nghĩa của nó. Nó có nghĩa là đừng cho thân tướng của Như Lai là Như Lai, vì Như Lai không thể dùng thân tướng để đo lường và giới hạn được. Như Lai là tất cả tướng mà không là tướng nào cả, không thể nhận định một tướng cố định nào đó là Phật, là Như Lai. Phải không chấp trước tất cả các tướng mới thật là thấy Như Lai. Thế nên, phía dưới là hai câu: “Nếu thấy các tướng chẳng phải tướng tức thấy Như Lai”. Nhưng Lục Tổ Đàn Kinh cho rằng “tướng” là hư vọng, nhưng tâm tánh là thực có, cho nên Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Biết bản tâm mình, thấy bản tánh mình”, “tánh không sinh diệt”. Bản tâm bản tánh không sinh không diệt này không hề thấy trong Kinh Kim Cang. Vậy, tư tưởng chính trong Lục Tổ Đàn Kinh là “tướng tuy không nhưng tánh thì có”, tư tưởng này tương đồng với tư tưởng trong Kinh Lăng già.

Trong Lục Tổ Đàn Kinh không nhắc đến tên kinh Văn Thù Thuyết Bát Nhã, nhưng có nhắc đến “Nhất hạnh tam muội”, pháp môn này xuất xứ từ kinh Văn Thù Thuyết Bát Nhã. Hơn nữa, Tứ Tổ Đạo Tín có nói “Muốn vào đạo, muốn an tâm phải dùng pháp môn phương tiện”, tức là Tứ Tổ đã dùng pháp môn tu hành trong “Nhất hạnh tam muội” của kinh này, dùng câu “tâm niệm Phật chính là Phật” của kinh này để nói rõ về nghĩa “Tâm chư Phật là đứng nhất” trong kinh Lăng Già. Kinh Văn Thù Thuyết Bát Nhã dạy: “Trước khi bước vào cảnh giới nhất hạnh tam muội thì phải ở chỗ không nhàn, xả bỏ loạn tâm, không chấp tướng mạo, cột tâm nơi một vị Phật, chuyên niệm danh hiệu của Ngài. Sau khi đã vào cảnh giới nhất hạnh tam muội thì pháp giới là một tướng, cột duyên nơi pháp giới, đây gọi là nhất hạnh tam muội…. Duyên pháp giới này, không thối, không hoại, không nghĩ bàn, không ngại, không tướng.” Có thể thấy rằng, Lục Tổ Đàn Kinh dùng pháp môn nhất hạnh tam muội không phải để thể hiện tư tưởng Bát nhã, mà là dùng nó làm mục đích tu hành, chú trọng bản thân ý nghĩa của nhất hạnh tam muội, chứ không coi trọng phương pháp làm sao để đắc tam muội. Thế nên, Lục Tổ dạy: “Đi đứng nằm ngồi ở tất cả chỗ đều thường thực hành một trực tâm”, Kinh Văn Thù thuyết Bát Nhã không hề nói điều này, mà đây là cảnh giới của Kinh Duy Ma, cũng có thể nói rằng pháp giới là một tướng, không ngăn ngại, cũng không có tướng. Vì không ngăn ngại nên mọi việc làm hằng ngày đi đứng nằm ngồi đều ở trong tam muội. Về sau, “Vô Môn Quan” dựa trên ý này mà kết luận rằng: ‘Na già thường đại định’ là công dụng của trí tuệ. (Chú thích: Na già có nghĩa là rồng, dùng rồng để dụ cho Phật, ý là chư Phật thường ở trong định)

Còn cái tên “Bát nhã tam muội” mà Lục Tổ dùng trong Lục Tổ Đàn Kinh thì không thấy trong kinh nào cả, chỉ nghe Lục Tổ dạy: “Tu Bát nhã hạnh, trì tụng Kinh Kim Cang thì sẽ nhập vào pháp giới thậm thâm và Bát Nhã tam muội”. Bát Nhã hạnh là lìa tất cả cảnh mà không sinh diệt, có thể “đến đi tự do, thông dụng không ngại”, nó chính là đại trí tuệ “không trụ, không đến, không đi”, dùng trí tuệ này quán chiếu tất cả pháp mà có thể “không nghĩ, không nhớ, không chấp”, đó chính là Bát nhã tam muội thấy tánh thành Phật. Lục Tổ đặc biệt nhấn mạnh “Ma ha Bát nhã Ba la mật” và dạy đại chúng dùng tâm thanh tịnh mà chuyên niệm câu này thì sẽ đắc trí tuệ. Khi niệm không phải chỉ dùng miệng niệm, mà phải “tâm và miệng tương ưng”, đây là một trong những phương pháp tu hành mà Lục Tổ dạy. Ngài dạy “Ma ha’ là tâm lượng rộng lớn như hư không không có bờ mé, không một pháp có thể được, vì tự tánh là chân không. Nhưng Lục Tổ lại nhắc nhở chúng ta đừng lầm cho rằng không là không tâm tĩnh tọa rồi rơi vào vô ký không, tức là, phải làm sao vừa đối với tất cả pháp đều không chấp trước, vừa không được để tâm trống rỗng. Phương pháp tu hành này khẳng định quan điểm “Nên không có chỗ trụ mà sinh tâm kia”, đồng thời cũng phủ định quan niệm cho “trầm không trệ tịch” là ngộ cảnh (trầm không là rơi vào cảnh giới rỗng không, trệ tịch là kẹt trong cảnh giới tịch lặng). Ngộ trong thiền tông là thân tuy ở trong cuộc sống sống động hằng ngày mà tâm không bị ngoại cảnh làm ảnh hưởng.

V/ Tư tưởng kinh Niết Bàn và kinh Duy Ma trong Lục Tổ Đàn kinh

Như Lai Tàng tùy theo các kinh khác nhau mà có tên khác nhau, ví dụ như Phật tánh, tự tánh, pháp tánh, bản tánh, Như Lai tàng, pháp tàng, chân như, thanh tịnh tâm v.v… , tuy tên khác nhau nhưng đều đại biểu cùng một nghĩa. Trong Lục Tổ Đàn Kinh có đoạn Lục Tổ giải thích diệu nghĩa kinh Niết Bàn cho Tỳ Kheo Ni Vô Tận Tạng, và lúc đầu Ngài đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu chính là lúc  Pháp Sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết bàn. Tư tưởng “tất cả chúng sinh đều có Phật tánh” là xuất xứ từ Kinh Niết Bàn, điều này cho thấy vào thời Lục Tổ rất nhiều người tin tưởng vào quan điểm mỗi chúng sinh đều có Phật tánh.

Trong Lục Tổ Đàn Kinh cũng có vài chỗ dẫn giải kinh Duy Ma, ví dụ:

Phẩm Bát Nhã: “Kinh Duy Ma nói: Ngay lúc đó hoát nhiên đốn ngộ, liền nhận được bổn tâm.”

Phẩm Nghi vấn: “Cho nên Phật dạy: Tùy theo tâm tịnh mà cõi Phật tịnh” (câu này xuất xứ trong kinh Duy Ma, phẩm Phật quốc).

Phẩm Định tuệ: “Như Kinh Tịnh Danh nói: “Trực tâm là đạo tràng, trực tâm là tịnh độ.” (Câu này xuất xứ trong kinh Duy Ma, phẩm Bồ tát và phẩm Phật quốc).

Phẩm Định tuệ: “Như Xá Lợi Phất ngồi tĩnh tọa trong rừng lại bị Duy Ma Cật quở trách” (Câu này xuất xứ trong kinh Duy Ma, phẩm Đệ tử).

Phẩm Định Tuệ: “Nên Kinh nói: Khéo phân biệt được các pháp tướng mà nơi đệ nhất nghĩa thường chẳng động” (Câu này xuất xứ trong kinh Duy Ma, phẩm Phật quốc).

Phẩm Hành Do: “Phật pháp là pháp không hai” (Câu này xuất xứ trong kinh Duy Ma, phẩm Pháp môn không hai).

Qua các dẫn chứng trên chúng ta thấy Kinh Duy Ma có ảnh hưởng lớn đối với Lục Tổ Đàn Kinh. Lục Tổ sử dụng tổng cộng năm quan điểm trong Kinh Duy Ma: Một là đốn ngộ, hai là tịnh tâm và trực tâm, ba là tu hành ở ngay trong cuộc sống hằng ngày và bốn oai nghi đi đứng nằm ngồi, bốn là động tĩnh cùng một thể, năm là pháp không hai.

Tư tưởng đốn ngộ có thể là từ tư tưởng của giáo tướng tông diễn rộng ra. Trong lịch sử Phật giáo, thời gian từ Ấn Độ đến đời Đường Trung Quốc, rất nhiều Tăng sĩ thuộc giáo tướng tông nghiên cứu và diễn giải tính chất của các kinh điển và phân loại tầng thứ của các kinh. Phần lớn đều nhận định rằng Đức Phật dùng pháp đốn giáo là pháp trực tiếp để độ những người thượng căn, dùng pháp tiệm giáo là pháp thứ lớp để độ những người trung và hạ căn. Lục Tổ Huệ Năng vừa nghe một câu kinh “nên không chỗ trụ mà sinh tâm kia” liền lập tức khai ngộ, tình trạng này ứng với câu “ngay lúc đó hoát nhiên đốn ngộ, liền nhận được bổn tâm” trong kinh Tịnh Danh, đây chính là đốn ngộ. Cho nên, Lục Tổ trong Lục Tổ Đàn kinh có năm lần nhắc đến từ “đốn giáo” để hình dung về pháp môn của Ngài, và cũng khẳng định rằng “đốn thấy chân như bản tánh là đốn ngộ bồ đề”, những quan điểm này đều là ngộ từ kinh Duy Ma.

Lục Tổ dùng từ trực tâm và chân tâm để giải thích về trí tuệ, cho trí tuệ là tác dụng của Phật tánh và tâm thanh tịnh, gọi tự tánh bất động là “định”. Thế nên, Ngài gọi quan hệ giữa định và tuệ giống như đèn và ánh sáng, không có ánh sáng thì không gọi là đèn, nếu là đèn thì nhất định phải có ánh sáng, nó là pháp không hai. “Trực tâm” chính là thanh tịnh tâm, có tâm thanh tịnh thì chắc chắn sẽ thông qua trí tuệ mà thấy được Phật tánh, đây là thể dụng không hai. Nếu thực hành trực tâm thì nhất định tâm sẽ thanh tịnh, tâm đã thanh tịnh thì chắc chắn sẽ thấy Phật tánh. Cho nên Ngài thường khuyên người không nên chấp trước tất cả các pháp ở ngoài tâm, như thế sẽ lìa được phiền não và chứng bồ đề.

Sống một đời sống bình thường chính là tu hành, đây cũng là tông chỉ tu hành của Thiền Nam tông (Trung quốc), người tu phải tự lao động kiếm sống. Đồng thời phương pháp này cũng có lợi cho việc phổ cập Phật giáo rộng rãi ra thế gian. Ngoài ra, bản thân Lục Tổ cũng khai ngộ khi vừa nghe một câu trong kinh Kim Cang. Ngài vốn là một tiều phu đốn củi, khi đến đạo tràng của Ngũ Tổ thì chỉ làm những việc lặt vặt trong bếp, sau khi khai ngộ lại ở lẫn trong nhóm thợ săn giúp việc cho họ. Thế nên, Ngài không hề cho rằng phải tọa thiền, tu hành theo thời khóa v.v… mới có thể minh tâm kiến tánh, chỉ cần ngay lúc sống hiện tại không dính mắc tất cả pháp, như thế thì tâm mình cùng với tâm Phật không hai, không khác. Vì vậy, Ngài dẫn câu “như Xá Lợi Phất ngồi tĩnh tọa trong rừng lại bị Duy Ma Cật quở trách” để chứng minh cho quan điểm của Ngài. Và Thiền Tông từ đó cũng dựa vào tư tưởng này mà đề xướng và mở ra một cục diện tu hành khác hẳn Phật giáo Ấn Độ.

Lục Tổ chủ trương động tĩnh là một thể. Theo quan niệm của người bình thường thì động và tĩnh là hai hiện tượng hoàn toàn đối nghịch nhau, lúc động thì không thể tĩnh, lúc tĩnh thì không thể động. Nhưng Lục Tổ cho rằng trong mọi hoàn cảnh, thân có thể theo cảnh mà động, tâm trí tuệ cũng sẽ ứng theo cảnh mà động, nhưng tâm thể chân như thì luôn luôn bất động. Tuy vậy, đừng lầm cho rằng tâm trí tuệ thật sự động theo cảnh, trí tuệ chỉ phản ảnh cảnh chứ không dính mắc cảnh, phản ảnh là một hiện tượng của bản thân ngoại cảnh, còn dính mắc là tác dụng của phiền não trong nội tâm. Vì tác dụng của trí tuệ chỉ đóng vai trò phản ảnh cảnh nên không thể nói nó động theo cảnh. Giống như ảnh trong gương, bóng trong nước, ảnh và bóng không có quan hệ gì với bản thân của gương và nước. Nói như vậy không có nghĩa là phủ định tác dụng phản ảnh này, ngược lại, tác dụng này có vai trò rất lớn, nó cho thấy rằng Phật pháp ứng dụng trong thế gian chứ không phải trốn tránh thế gian. Thiền Tông sở dĩ có thể trở thành một tông phái chính trong Phật giáo Trung quốc và dù trải qua thời gian lâu dài vẫn được đại chúng ưa thích chính là vì nó đã thể hiện được tinh thần của Phật dạy là giống như hoa sen ở trong bùn mà không nhiễm mùi bùn, dù ở trong ngoại cảnh biến động mà vẫn giữ được tâm thái an nhiên chẳng động.

Trong kinh Duy Ma, 33 vị Bồ tát nêu lên 33 quan niệm khác nhau để giải thích về pháp môn “không hai”, nhưng tất cả đều dùng hai quan niệm hoặc hai sự vật tương đối nhau để thuyết minh đạo lý vừa chẳng phải một vừa chẳng phải hai. Mọi học vấn ở thế gian, dù triết học, tôn giáo hay khoa học khi bàn về bất cứ hiện tượng hay quan niệm nào đều phải dùng đến thuyết tương đối hoặc pháp nhị phân (phân làm hai). Cho dù nói về thuyết nhất nguyên cũng dùng pháp nhị phân, vì nói về “hai” là nói về sự đối lập, còn nói về “một” thì không thể rời hai, vì “một” nếu rời “hai” thì không thể thành lập được, vì muốn biết về một thì phải tìm từ số nhiều hay tìm từ số hai, hoặc là phải nhìn từ tất cả hiện tượng mới thấy được toàn bộ bản thể của nó. Nếu muốn nói về một thì nhất định phải đề cập đến hai hoặc nhiều. Thế nên, bất luận là đứng trên lập trường nào cũng đều có chỗ đối lập với nó, đây  là lý do mà Kinh Duy Ma nêu lên quan điểm bất nhị (không hai). Bất nhị không có nghĩa là một, cũng không có nghĩa là hai, nó thật sự là “không hai”. Có thể nói hai là mặt bên kia của một, một là toàn thể của hai. Có một thì chắc chắn phải có sự tồn tại của hai, có hai thì nhất định không thể lìa một. Pháp môn không hai này xuất hiện rất nhiều trong Lục Tổ Đàn kinh, như định tuệ không hai, động tĩnh không hai, thiện ác không hai, chúng sinh và Phật không hai, thế gian và xuất thế gian không hai v.v… Trong Phẩm phó chúc Lục Tổ dạy chúng 36 pháp đối cũng là dùng pháp môn không hai này. Khi sử dụng 36 pháp đối thì phải dùng công dụng của trí tuệ, công dụng này xuất xứ từ tự tánh thanh tịnh. 36 pháp đối này là 36 cặp đối nhau về quan niệm và sự tướng, sử dụng 36 pháp đối này là để lìa hai bên, ứng duyên tiếp vật được thông đạt tự tại. Trên thực tế, đây là một cách dùng khác của pháp môn không hai.

VI/ Những tư tưởng của các kinh khác trong Lục Tổ Đàn Kinh

Những kinh điển thuộc về hệ thống Như Lai Tàng mà chúng ta thấy trong Lục Tổ Đàn kinh, ngoài kinh Niết bàn và Kinh Duy Ma còn có các kinh khác như Phạm Võng, Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Quán Vô Lượng Thọ, Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quán v.v…

Phẩm Bát Nhã, bài Vô tướng tụng câu đầu tiên “Thuyết thông và tâm thông” là xuất xứ từ Kinh Lăng Già, Phẩm Nhất thiết Phật ngữ tâm.

Phẩm Bát Nhã và Phẩm Tọa thiền: “Kinh Bồ tát giới nói: Bổn tánh ta vốn tự thanh tịnh”. Kinh Bồ tát giới là tên khác của Kinh Phạm võng.

Phẩm Bát Nhã: “Tất cả cây cỏ, hữu tình vô tình đều được thấm nhuần”. Câu này xuất xứ trong Kinh Pháp Hoa, phẩm Dược thảo dụ.

Phẩm Cơ duyên: “Nếu ngộ pháp này, một niệm tâm khai, ấy là khai Phật tri kiến”. Đây là Lục Tổ dùng tâm pháp giải thích nghĩa kinh Pháp Hoa.

Phẩm Sám hối, Lục Tổ dẫn bài kệ tam quy y trong phẩm Tịnh Hạnh của Kinh Hoa Nghiêm: “Trong Kinh rõ ràng nói là quy y tự tánh Phật, chẳng nói quy y Phật khác. Tự tánh Phật chẳng quy y thì đâu còn chỗ nào để quy y nữa.”

Phẩm Nghi vấn: “Lúc Thế Tôn ở trong thành Xá Vệ thuyết Kinh Dẫn Hoá Tây Phương, rõ ràng từ đây đến đó chẳng xa. Nếu nói theo tướng thuyết, tính theo số dặm thì có mười vạn tám ngàn.” Đoạn này dẫn kinh Quán Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà.

Phẩm sám hối dẫn tứ hoằng thệ nguyện của Bồ tát: “Chúng sinh vô biên thệ nguyện độ, phiền não vô tận thệ nguyện đoạn, pháp môn vô lượng thệ nguyện học, Phật đạo vô thượng thệ nguyện thành.” Đây là dẫn kinh Đại thừa Bản sinh tâm địa quán.

Tôi nêu những dẫn chứng trên là để nói lên những ý nghĩa sau:

Câu “Thuyết thông và tông thông” hay thường gọi tắt là “thuyết thông tông thông” là để nói về giáo lý và sự chứng ngộ. Nếu không có kinh  nghiệm chứng ngộ thực tế thì sẽ không thể thật sự hiểu được giáo lý thậm thâm của Phật. Ngược lại, người hiểu thấu kinh điển chắc chắn là người đã chứng ngộ. Cho nên, Huệ Năng là người không hề có học vấn, không trải qua một sự giáo dục nào, nhưng Ngài có thể nghe hiểu được kinh Kim Cang, có thể giảng giải giáo nghĩa kinh Niết Bàn, đem những gì Ngài hiểu biết về Phật pháp giảng dạy cho người làm thành bộ Lục Tổ Đàn Kinh. Điều này cho thấy rằng thực chứng và giáo nghĩa tương ứng với nhau, làm thành cho nhau. Chỉ cần thông đạt một thứ thì cả hai thứ sẽ cùng thông đạt. Thế nên, từ xưa đến nay trong Phật giáo lưu truyền hai câu nổi tiếng là “từ Thiền ngộ Kinh” và “nương Kinh ngộ Thiền”. Huệ Năng giảng dạy Lục Tổ Đàn Kinh  là “từ Thiền ngộ Kinh”, còn lúc Ngài nghe Kinh Kim Cang được khai ngộ là “nương Kinh ngộ Thiền”. Thiền còn gọi là Tông, là chỉ Phật tánh cùng tự tánh không khác. Đây là biểu hiện tư tưởng Như Lai Tàng.

Tư tưởng Kinh Phạm Võng thuộc hệ thống Kinh Hoa Nghiêm, nên cũng giống như Kinh Hoa Nghiêm chủ trương tâm thanh tịnh là gốc. Tâm thanh tịnh chính là Phật tánh có sẵn của tất cả chúng sinh, nên Kinh Duy Ma gọi nó là bản tâm. Nói khai ngộ chính là ngộ bản tâm thanh tịnh hay bản tánh sẵn có của chúng sinh. Tâm tánh này còn gọi là Phật tánh, Phật tánh vô cùng kiên cố và đầy đủ sức mạnh cảm hóa. Phật tánh này ở chúng sinh gọi là Như Lai Tàng, vì bên trong nó ẩn chứa Phật tánh xưa nay, tức là trong tâm của mỗi chúng sinh đều ẩn chứa Phật tánh sẵn có của chính mình. Nếu có thể trong một niệm dứt bặt tất cả chấp trước, phan duyên, vọng tưởng thì ngay đó gọi là “Đốn thấy chân như bản tánh”, nhận ra chúng sinh cùng Phật không hai không khác. Tâm thanh tịnh này xuyên suốt tư tưởng Lục Tổ Đàn Kinh. Thế nên, pháp môn tối tôn, tối thượng, tối đệ nhất trong Lục Tổ Đàn Kinh chính là pháp môn dạy người sáng tâm mình thấy tánh mình.

Phẩm Thí Dụ trong Kinh Pháp Hoa là để chỉ Phật pháp bình đẳng, nhưng vì căn cơ chúng sinh có cao thấp nên nhận được lợi ích có nhiều ít. Lục Tổ Đàn Kinh nói rằng nước mưa (trong phẩm Thí Dụ) là dụ cho Phật tánh, như nước mưa tưới khắp cỏ cây, tất cả chúng sinh hữu tình vô tình đều nhận được lợi ích, Phật tánh cũng vậy, có ở tất cả chúng sinh, cho đến chúng sinh vô tình cũng có Phật tánh. Tuy nhiên, giống như những loại cỏ cây nhỏ yếu nếu như gặp phải một trận mưa lớn chẳng những không được lợi gì mà còn gặp phải tai họa hư hoại. Do vậy, Lục Tổ nói pháp môn của Ngài giống như mưa lớn, người căn cơ yếu kém nghe được chẳng những không khai ngộ mà còn phát sinh chướng ngại. Vì vậy, Ngài nhấn mạnh rằng tuy tự tánh của chúng sinh cùng Phật không hai, nhưng người tiểu căn tiểu trí sẽ không dám tin điều này.

Kinh Pháp Hoa nói Phật Tri Kiến là để chỉ Phật đã thành. Phật Tri Kiến là tất cả những gì Phật biết, tất cả những gì Phật thấy, là công năng trí tuệ đã viên mãn của Phật, chứ không phải là những kiến thức hay những phiền não chấp trước của chúng sinh. Do vậy, Lục Tổ giải thích Phật Tri Kiến là nội dung của pháp Thiền. Nhưng kinh Pháp Hoa không hề nói rằng khai ngộ Phật Tri Kiến đồng nghĩa với kiến tánh và khai ngộ như Lục Tổ nói. Vậy, kiến tánh và khai ngộ của Lục Tổ có đồng nghĩa với khai ngộ Phật Tri Kiến trong Kinh Pháp Hoa không còn là điều chúng ta phải nghiên cứu thêm. Theo lập trường của Lục Tổ thì hai điều này là đồng nghĩa với nhau.

Vì Kinh Hoa Nghiêm chủ trương tịnh tâm duyên khởi nên được Lục Tổ xem trọng. Phẩm Tịnh Hạnh trong Kinh Hoa Nghiêm nói về tự quy y là chỉ tự bản thân mình quy y Tam Bảo, rồi sau đó nguyện cho tất cả chúng sinh cũng biết quy y Tam Bảo và nhận được lợi ích từ Tam Bảo, chứ không hề khẳng định tự quy y Tam Bảo là quy y Tam Bảo nơi tự tâm mình. Nhưng Lục Tổ lại giải thích tự quy y Tam Bảo là quy y Tam Bảo nơi tự tâm. Nếu xét theo tư tưởng căn bản của Kinh Hoa Nghiêm thì Lục Tổ giải thích như vậy cũng vẫn hợp lý. Có điều Lục Tổ lại mượn quan điểm “bổn nguyên tự tánh thanh tịnh” của Kinh Phạm Võng để giải thích bài kệ Tam Quy Y của Kinh Hoa Nghiêm.

Vào thời Lục Tổ, ở Trung Quốc, niềm tin và tư tưởng về cõi Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà rất thịnh hành. Lục Tổ chủ trương khai mở thế giới tự tâm và tự tánh của chính mình.  Quan niệm và phương pháp tu tập này tự nhiên sẽ tạo ra sự xung đột với tín ngưỡng cầu sinh Tây phương Tịnh độ. Tịnh độ tông chú trọng nhờ Phật lực vãng sinh Phật quốc, còn Thiền tông chủ trương tự tịnh tâm mình, ngay đó đốn ngộ, chẳng lập văn tự, không cầu pháp ở ngoài tâm, cũng không thấy ngoài tâm có Phật. Thế nên, Lục Tổ cần phải biện luận về tín ngưỡng tịnh độ của Ngài với tín ngưỡng Tịnh độ của Phật tử đương thời. Vì Ngài không thể phủ nhận giá trị pháp môn Di Đà nên mượn những lời trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ để luận chứng cho quan điểm của mình. Như câu “Phật A Di Đà cách đây không xa, khi các ông cột niệm thật thấy cõi kia là tịnh nghiệp đã thành”, Lục Tổ chỉ chú trọng vào một điểm “tịnh nghiệp” trong câu này. Cho nên Ngài nói nếu có thể tự tịnh tâm mình tức là trừ được mười ác nghiệp, niệm niệm thấy tánh thì cõi Phật A Di Đà cách đây không xa. Sau này có người giải thích rằng đây là tư tưởng “tự tánh Di Đà, duy tâm Tịnh độ” và bỏ qua quan niệm phải tu ba thứ phúc nghiệp mà kinh Quán Vô Lượng Thọ chủ trương. Dựa vào câu Kinh dẫn chứng ở trên, chúng ta có thể thấy rằng tư tưởng Tịnh độ Di Đà cũng thuộc về hệ thống Như Lai Tàng, như nói rằng quá khứ Phật Di Đà là Tỳ Kheo Pháp Tạng, Pháp Tạng có nghĩa là kho tàng chứa tất cả pháp, có hàm nghĩa Như Lai Tàng ở trong đó. Nhưng Lục Tổ không chấp nhận quan điểm người mang tâm bất thiện cũng có thể niệm Phật vãng sinh, Ngài cho rằng trước tiên phải tự tịnh tâm mình sau đó mới có thể vãng sinh Tịnh độ.

Tứ hoằng thệ nguyện trong kinh Đại Thừa Bổn Sinh Tâm Địa Quán là căn bản của giới Bồ Tát, cũng được xem là hạnh nguyện chung của tất cả Bồ Tát phát nguyện thành Phật. Phát tâm đại thừa cầu thành Phật đạo chính là Sơ phát tâm của Bồ Tát. Nếu muốn cầu thọ giới Bồ Tát trước phải sám hối, phát nguyện, sau đó thọ tam quy, Lục Tổ dựa vào điều này để khuyên người thực hiện pháp môn của Ngài. Có điều, trước mỗi câu tứ hoằng thệ nguyện Ngài thêm chữ “tự tâm” và “tự tánh”. Vì tự tâm là tâm trí tuệ quảng đại vô lượng, tự tánh là Phật tánh thanh tịnh bất động không chướng ngại. Thế nên, phát nguyện độ vô lượng chúng sinh không phải là ngoài tâm thật có chúng sinh để độ, đoạn tất cả phiền não không phải là ngoài tâm thật có phiền não để đoạn, tu học tất cả pháp môn không phải là ngoài tâm thật có pháp môn để học, thành vô thượng Phật đạo không phải là ngoài tâm thật có Phật đạo để thành. Nếu thấy ngoài tâm có chúng sinh, có phiền não, có pháp, có Phật thì sẽ thành pháp có hai, không phải pháp không hai, đó là chấp trước, là phan duyên, không được giải thoát tự tại.

Nhưng cũng vì vậy mà tạo ra rất nhiều sự hiểu lầm. Như: Tự mình vẫn còn ở trong phiền não mà nói không có phiền não và cũng không cần đoạn phiền não; bản thân không hiểu Phật pháp mà cho rằng không có Phật pháp để học; không có khả năng cứu giúp chúng sinh mà nói ngoài tâm không có chúng sinh cần độ; không biết Phật đạo là gì mà nói không cần thành Phật. Thế là rơi vào tà kiến, hay như Lục Tổ nói đó là những tâm tà mê, cuồng vọng, bất thiện, tật đố, tà độc v.v…

VII/ Thực tiễn tu tâm trong Lục Tổ Đàn Kinh:

Pháp môn tu tập trong Lục Tổ Đàn Kinh gọi là pháp môn vô niệm (không niệm), hạnh tu hành trong Lục Tổ Đàn Kinh là hạnh vô niệm. Những danh từ mang chữ vô (không) xuất hiện rất nhiều trong Lục Tổ Đàn Kinh. Như Phẩm Bát nhã có các từ không trụ, không đến, không đi, không niệm, không nhớ, không chấp, không tướng. Trong phẩm Bát Nhã có các câu lấy vô niệm làm tông, vô tướng làm thể, vô trụ làm bổn. Phẩm Sám hối có vô tướng sám hối, vô tướng tam tự quy y giới v.v…

Từ vô niệm xuất hiện đầu tiên trong Đại Thừa Khởi Tín Luận, nhưng chúng ta không biết Lục Tổ có chịu ảnh hưởng từ Đại Thừa Khởi Tín Luận không. Kinh Kim Cang có một câu cũng ám chỉ nghĩa vô niệm, đó là câu “tâm quá khứ không thể được, tâm hiện tại không thể được, tâm vị lai không thể được.” Lục Tổ không dùng từ vô tâm mà dùng từ vô niệm, có thể là Ngài sợ chúng ta không phân biệt được chữ tâm này là tâm thanh tịnh hay tâm nhiễm trước. Lục Tổ dùng từ tự tâm là chỉ tâm thanh tịnh, còn vô niệm có nghĩa là niệm trước, niệm hiện tại, niệm sau, niệm niệm không bị nhiễm các phiền não ngu mê, kiêu ngạo, tật đố v.v…, cũng không bị ngoại cảnh trói buộc. Thế nên, tâm không nhiễm gọi là vô niệm.

Câu “không trụ, không đến, không đi” là để giải thích ý nghĩa câu “Ma ha Bát nhã Ba la mật”, nó chứng minh rằng dùng đại trí tuệ sẽ vượt qua tất cả phiền não, nên Lục Tổ nói “phá vỡ năm uẩn trần lao phiền não”. Đại trí tuệ này không phải trước đây không có bây giờ mới có, cũng không phải bây giờ có rồi dừng lại mãi mãi ở đây, không rời đi đâu cả. Đại trí tuệ này không thể nói có, cũng không thể nói không có, không thể dùng bất cứ sự định nghĩa nào có thể định nghĩa về nó được. Nếu chúng ta biết vận dụng đại trí tuệ này thì tâm chúng ta sẽ không dừng lại ở bất cứ ý niệm nào, cũng không bị bất cứ ý niệm nào dẫn dắt. “Không trụ” là chỉ hiện tại, “không đi” là chỉ quá khứ, “không đến” là chỉ vị lai. Tức là, ở mỗi niệm đều không có ngã, đây chính là nghĩa vô ngã. Lục Tổ dạy chúng ta “không nhớ, không chấp”, nếu có nhớ, có chấp là đối với niệm hay sự việc quá khứ, hiện tại, vị lai còn có lấy có bỏ, tức là còn có phiền não. Thế nên, Lục Tổ dạy “Dùng trí tuệ quán chiếu, đối với tất cả pháp không lấy không bỏ tức là sẽ thấy tánh thành Phật đạo.”

Từ “vô tướng” là lấy từ Kinh Kim Cang. Kinh Kim Cang có câu “Hễ có tướng đều là hư vọng” và câu “Không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sinh, không tướng thọ giả. Thế nên Tu Bồ Đề, Bồ Tát nên lìa tất cả tướng.” Tướng ngã là chỉ trung tâm tự ngã, tướng nhân và tướng chúng sinh là chỉ ngoại cảnh xung quanh, tướng thọ giả là chỉ thời gian sống trên thế gian của chúng sinh. Bốn tướng này là chỉ mối quan hệ và các hiện tượng xảy ra với chúng sinh trong thời gian và không gian. Những thứ này gọi là tất cả tướng. Chỉ có rời tất cả tướng mới có thể thấy được tâm chân như vô thượng. Thế nên, Lục Tổ dạy chúng ta dùng vô niệm để đắc trí tuệ, dùng vô tướng để chứng Phật tánh. Vô tướng là lìa tất cả tướng tương đối của nội tâm và ngoại cảnh, của thể và dụng.

VIII/ Thực tiễn sống trong Lục Tổ Đàn Kinh:

Đệ tử Phật sống theo chuẩn mực tam vô lậu học Giới, Định, Tuệ. Dùng giới nhiếp thân, dùng định nhiếp tâm, dùng trí tuệ dẫn dắt hành vi của thân tâm. Đây là nguyên tắc bất biến của Phật pháp. Trước khi thọ giới phải phát nguyện, sám hối. Phát nguyện là nguyện tiếp nhận Phật pháp tu hành Phật đạo, như Tứ hoằng thệ nguyện. Sám hối là thành khẩn sám hối tội chướng ba đời. Phàm phu sau khi thọ giới rồi vẫn có thể phạm giới, cho nên cần phải sám hối. Mỗi lần phạm lỗi là mỗi lần sám hối, như vậy sẽ khiến cho sự giữ giới lần lần thanh tịnh, số lần phạm giới sẽ lần lần ít đi. Lục Tổ cũng khuyến khích pháp này, cho nên mới có phẩm Sám hối trong Lục Tổ Đàn Kinh. Phẩm này bao gồm ba phần là sám hối, phát nguyện và thọ tam quy y giới. Nhưng Lục Tổ dạy có điểm khác với kinh điển, đó là Ngài nhấn mạnh quan điểm vô tướng. Vô tướng có nghĩa là không có pháp ở ngoài tâm, tất cả pháp đều từ nội tâm hiện ra, quy y Tam Bảo cũng là quy y tự tâm, dùng tự tâm mình mà quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. Quy y Giác, Chánh, Tịnh chính là quy y Tam Bảo.

Cách thông thường là dùng phương pháp tọa thiền để đạt được định và tuệ, nhưng quan niệm của Lục Tổ thì khác. Thường người ta cho rằng tọa thiền không ngoài phương pháp thiền quán, tức là dùng các pháp quán tưởng khác nhau để đạt được định tuệ, như là dùng các pháp quán sổ tức, quán bất tịnh, quán ngũ đình tâm v.v… để đạt đến cảnh giới thân tâm nhất như hay cảnh giới vượt ngoài thân tâm. Nhưng Lục Tổ phê bình các phương pháp tu này. Ngài cho rằng không nên chấp tâm, không nên chấp tịnh, cũng phải là không động. Chấp tâm là vọng tưởng, chấp tịnh cũng là vọng tưởng. Còn không động thì chỉ có tự tánh mới thật sự không động. Thế nên Ngài dạy: “Tâm niệm không khởi gọi là tọa, thấy tự tánh bên trong không động gọi là thiền”, hay “bên ngoài lìa tướng là thiền, trong tâm chẳng loạn là định”. Quan niệm tọa thiền của Ngài khác với thứ lớp thiền quán theo truyền thống xưa. Theo truyền thống phải theo thứ lớp thiền quán, tìm chỗ yên tĩnh ngồi yên, nhiếp tâm vào một phương pháp cố định làm cho tâm tán loạn dần dần giảm bớt, đến khi tâm tán loạn tiêu hết thì nhập vào cảnh định. Còn Lục Tổ dạy tọa thiền không phải là ngồi thiền, mà là ngay nơi tâm mình không khởi tạp niệm, thấy được tự tánh bất động, đó là tọa thiền. Nếu đạt đến trình độ này thì tự nhiên nội tâm không loạn, gọi đó là định. Và Ngài khẳng định đây mới thật sự là Thiền, thật sự là định. Nhìn từ bên ngoài thì đó là Thiền, nhìn vào bên trong thì đó là định. Trên thực tế, tọa thiền và thiền định của Lục Tổ đều chỉ chung một cảnh giới mà thôi, đó là sáng tâm thấy tánh (minh tâm kiến tánh). ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.