Thiền Và Ngộ

Bài 20. Có Phân Biệt Và Không Phân Biệt



Phân biệt là một loại ý thức, một loại trí năng. Nếu không có công dụng của phân biệt thì thiên hạ hỗn độn. Thế nhưng Phật pháp lại muốn chúng ta từ tâm chấp trước có phân biệt tiến tới tâm giải thoát không phân biệt.

Vì có phân biệt nên có phiền não, có phiền não nên không lìa được sinh tử, không lìa được sinh tử nên ở trong sinh tử lưu chuyển không dừng, ở trong sinh tử lưu chuyển không dừng nên có anh nợ tôi, tôi nợ anh, từ vô thủy sinh tử đến nay không biết đã kết bao nhiêu ân oán với bao nhiêu chúng sinh.

Có người cho rằng hai người có duyên với nhau là việc tốt, nếu có thiện duyên đương nhiên là việc tốt, nếu kết duyên bằng Phật pháp lại càng tốt hơn. Còn nếu là ác duyên thì không phải là việc tốt. Thế nên, “Anh. Tôi. Anh ấy” có thể gặp nhau, bất luận là thiện duyên hay ác duyên đều là có duyên. Tại sao có người nói: “Đời người trong mười việc có đến tám chín việc không vừa ý.” Đó là do thiện duyên ít mà ác duyên nhiều, cho nên lúc gặp nhau phần lớn là anh đẩy tôi một cái, tôi đá anh một đạp. Nhưng có một số người ở một lúc nào đó cũng sẽ anh đỡ tôi một tay, tôi cảm ơn anh một câu. Đây là nguyên nhân gì? Là do giữa người với người có phân biệt thiện duyên và ác duyên.

Nhưng tâm có phân biệt không hẳn là xấu, sự phát triển của văn minh loài người, phẩm chất sinh tồn của nhân loại và sự cải thiện môi trường sống đều cần phải dùng đến tâm phân biệt của trung tâm tự ngã mới hoàn thành được mục đích tự lợi lợi người. Để bảo vệ mình lâu dài, để tăng thêm nhiều lợi ích cá nhân, chúng ta cần phải kiện toàn cho tất cả những người, những việc có liên quan đến mình. Tức là, ngoài bản thân mình, mỗi thành viên trong gia đình, gia tộc, xã hội, quốc gia, thế giới và mỗi một việc có quan hệ lợi hại đến mình chúng ta đều không thể chia cắt ra. Thế nên, đầu tiên là lấy mình làm trung tâm, dần dần mở rộng lợi ích đến người khác rồi đến toàn thể nhân loại và tất cả chúng sinh.

Nhưng tu theo Phật pháp, mục đích cuối cùng là phải đạt đến cảnh giới không phân biệt. Thế nào là không phân biệt? Theo Kinh Kim Cang là không tướng ngã, không tướng nhân, không tướng chúng sinh, không tướng thọ giả. Ngã, nhân, chúng sinh là tướng không gian, thọ giả là tướng thời gian. Hễ có quan niệm về thời gian và không gian là có phân biệt, có phân biệt là có chấp trước, có chấp trước thì không thể không có phiền não. Dù là chấp lớn chấp nhỏ, chấp cục bộ chấp toàn thể, chấp không chấp có, chấp chân chấp vọng v.v… đều không ra ngoài vọng tưởng phân biệt về thời gian và không gian, đều là tên khác của phiền não.

Tự ngã phân biệt có nhỏ có lớn: Trung tâm tự ngã cá nhân là tiểu ngã, còn tự ngã của cả nhân loại cho đến tất cả chúng sinh trong vũ trụ là đại ngã. Thường ta hay gọi tiểu ngã là ngã tự tư, đại ngã gọi là bác ái, là vô ngã. Tuy đại ngã vĩ đại hơn tiểu ngã, nhưng vẫn chưa lìa được chấp trước, vẫn là pháp thế gian sinh diệt biến dị. Theo các nhà triết học thì đại ngã là một loại quan niệm, đối với các nhà nghệ thuật và các nhà tôn giáo thì đại ngã là một loại thể nhận và kinh nghiệm. Do vậy, bất kể là hiện tượng vật chất, hiện tượng tâm lý hay hiện tượng tinh thần đều chỉ là tạm có, thế nên Phật giáo chủ trương vô tướng, như thế mới thật sự xa lìa phân biệt chấp trước được tự tại giải thoát.

Có một số người tu tự cho mình đã đến cảnh giới vô ngã, trên thực tế, họ cao nhất cũng chỉ là lìa được tiểu ngã, thể nghiệm được mùi vị của đại ngã. Cho dù họ có được kinh nghiệm “Vũ trụ cùng ta đồng thể, vạn vật cùng ta đồng gốc” nhưng vẫn còn ở trong phân biệt chấp trước trong ba cõi.

Vô ngã của Phật pháp chia làm hai bậc: Một là bậc Tiểu thừa chứng “Nhân ngã không” ra khỏi tam giới, nhập Niết Bàn. Tức là đã lìa được tiểu ngã cá nhân, cũng không chấp đại ngã của toàn thể, cho tất cả hiện tượng thế gian đều là pháp nhân duyên huyễn hóa sinh diệt, lấy cảnh giới Niết Bàn ra khỏi thế gian làm chân lý bất sinh bất diệt. Họ không chấp đại ngã làm ngã, nhưng lấy pháp Niết Bàn không sinh không diệt làm ngã. Hai là Đại thừa chứng “Pháp ngã không”, chẳng những không cho pháp nhân duyên thế gian là chân thật, mà cũng không nhận pháp Niết Bàn lìa thế gian là chân lý.

Theo quan điểm Phật giáo Đại thừa, Niết Bàn của Tiểu thừa La Hán chỉ là tạm thời, tuy họ đã giải thoát, lìa được phiền não sinh tử nhưng vẫn phải tiến thêm một bước, hồi tiểu hướng đại, từ Tiểu thừa hồi tâm chuyển nhập Đại thừa, sau mới có thể thành Phật, mới có thể đạt đến cứu kính. Do vậy Phật pháp Đại thừa không hề trốn tránh hay sợ hãi sự luân hồi sinh tử trong ba cõi, họ chỉ cần ngay hiện tại không khởi tâm chấp trước vào hiện thực sinh tử của ba cõi, thế là họ có thể ở ngay trong sinh tử mà không chịu sự trói buộc của phiền não sinh tử. Người có thể ở trong sinh tử mà không bị đau khổ sinh tử làm nhiễu loạn mới thật là người đại giải thoát.

Người đã thành Phật sẽ không còn trốn tránh, tức là “không trụ sinh tử” cũng “không trụ Niết Bàn”, đây mới là cảnh giới Đại Niết Bàn. Không trụ sinh tử là không bị sinh tử trói buộc, không trụ Niết Bàn là tự tại ứng duyên giáo hóa chúng sinh sinh tử trong ba cõi. Thế nên Bồ-tát ở thế gian mà xuất thế gian, chứ không phải trốn tránh hiện thực mới được gọi là Bồ-tát. Đại Bồ-tát phải ở trong thế gian mà không bị phiền não thế gian làm nhiễu loạn. Sau khi thành Phật sẽ đồng trụ với tất cả chúng sinh trong pháp giới, chỉ cần nơi nào có chúng sinh là nơi đó sẽ có các Ngài. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.