Thiền Và Ngộ

Bài 21. Chánh Đạo Và Tà Đạo



∗ Lời Dẫn

Xã hội thời nay có còn tà đạo không? Các vị đừng lầm cho tà đạo là xấu, tà đạo không nhất định xấu.

Bài giảng này tôi chia làm năm phần: 1. Thế nào là đạo, 2. Thế nào là chánh đạo, 3. Thế nào là tà đạo, 4. Tầng thứ rõ ràng giữa chánh và tà, 5. Tà chánh không hai và tà chánh riêng rẽ.

I/ Thế nào là đạo?

Gồm 2 nội dung:

1. Đạo trong tư tưởng người Trung quốc:

Đạo có mấy tầng ý nghĩa:

1/1. Đạo là con đường

Con đường mọi người đều đi gọi là đạo lộ.

1/2. Đạo là căn nguyên của vạn sự vạn vật trong vũ trụ

Triết học gọi là bản thể, tôn giáo gọi là Thượng đế hay Thần linh. Trong các cổ thư Trung quốc, danh từ Thượng đế xuất hiện rất nhiều, có chỗ cũng gọi là Thần, hay Hình nhi thượng, những danh từ này đều là Đạo. Người thường hiểu chữ Đạo là Thường lý, tức là đạo lý thông thường, hoặc thường pháp, tức là pháp tắc tự nhiên. Đạo lý phổ thông, đạo lý tự nhiên chính là căn nguyên của vạn vật trong vũ trụ, đây là nghĩa Đạo.

1/3. Đạo cũng có nghĩa là phương pháp, kỹ thuật, kỹ năng

Sau khi học được các kỹ thuật có thể dùng nó để làm lợi ích cho người khác và mưu sinh cho mình, đây là nghĩa Đạo của cuộc sống.

2/ Đạo trong tư tưởng Phật giáo

          Đạo có nghĩa là con đường và pháp tắc tu hành, cũng có nghĩa là kết quả của quá trình tu hành, nghĩa là thành Phật, thành đạo, thành đạo Bồ đề, chứng quả Bồ đề.

          Nói đến con đường và pháp tắc tu hành có thể dẫn một số kinh luận giải thích: Trong Đại Trí Độ Luận nói: “Đạo gọi là Nhất đạo, một lòng hướng về Niết bàn”, tức là phải đạt đến quả Niết Bàn. Câu Xá Luận nói Đạo là con đường Niết Bàn, dùng pháp tắc tu hành đạt đến quả Niết Bàn.

Con đường hướng đến Niết Bàn có thể chia làm ba giai đoạn là Nhân thừa, Thiên thừa và Bồ-tát thừa. Người bình thường cho rằng Phật giáo là pháp xuất thế, mục đích của việc học Phật là để đạt đến Niết Bàn, thoát ly sinh tử. Thật ra, ngay cả giáo pháp Tiểu thừa cũng không phải hoàn toàn thoát ly đời sống nhân gian mới có thể đạt được Niết Bàn. Phật giáo Đại thừa càng nhấn mạnh phải đi vào đời mới có thể đạt được mục đích xuất thế. Muốn xuất thế trước tiên phải hoàn thành đạo đức nhân gian, nếu ngay cả tư cách làm người còn chưa đủ thì làm sao có thể tiến vào cảnh giới Niết Bàn.

          Thế nên, thứ bậc tu hành trong Phật giáo bắt đầu từ tiêu chuẩn làm người, kế là đạt được tiêu chuẩn làm trời, tiến thêm một bước mới là ra khỏi sinh tử. Ra khỏi sinh tử trong ba cõi là tiến nhập Niết Bàn. Có năng lực tiến nhập Niết Bàn mới có khả năng tích cực hành Bồ-tát đạo. Do đó, tu phải bắt đầu từ người, và sau này cho dù đã có năng lực tiến nhập Niết Bàn cũng phải trở vào nhân gian phổ độ chúng sinh, đây mới là mục đích chân chính của Phật giáo.

          Đại Trí Độ Luận nói đạo có bốn loại: Nhân thiên đạo, Tiểu thừa đạo, Bồ-tát đạo và Phật đạo. Muốn thành Phật phải hành Bồ-tát đạo, muốn hành Bồ-tát đạo thì không được đi ngược lại với đạo tiểu thừa, muốn tu đạo tiểu thừa trước phải lấy đạo nhân thiên làm cơ sở. Thế nên, nhân thiên đạo là cơ sở của tất cả đạo.

          Chúng ta đều là người, cái chúng ta quan tâm là việc của con người, thế nhưng việc trong nhân gian có quá nhiều thứ bất như ý và quá nhiều thứ không thể giải quyết. So với cảnh người, cảnh trời giàu có hơn, tự tại hơn, có những thứ mà con người ở nhân gian không thể có được. Do đó, người ta thường hướng về cõi trời, đây cũng là thường tình của con người.

Trung quốc là quốc gia có chủ nghĩa nhân văn cực kỳ phát đạt. Tư tưởng Nho giáo lấy việc của con người làm trung tâm, tuy không phản đối quỷ thần nhưng cũng không đi sâu nghiên cứu. Âu Mỹ cũng coi trọng đời sống con người. Nhưng nhân gian có chiến tranh, chết chóc v.v… quá nhiều thứ khổ nạn, do vậy người ta có xu hướng hướng về cõi trời. Dù là Trung quốc hay Âu Mỹ đều quan tâm các vấn đề về con người, tối đa cũng chỉ thêm ước mơ sinh về cõi trời. Nhưng trong Phật giáo Ấn Độ, con người không những mong cầu về cõi trời người, mà còn mong cầu sinh về những cảnh giới cao siêu hơn nhiều.

Ngày nay, chúng ta quan tâm chủ yếu là về cuộc sống hiện thực, rất ít người có hứng thú mong sinh về cõi trời. Đương nhiên, lý tưởng nhất là lúc còn tại thế có thể sống vui vẻ, mỹ mãn, như ý, sau khi qua đời lập tức được sinh cõi trời hoặc sinh về Tây phương Tịnh độ…… Loại quan niệm này có thể được xem là chính đáng không? Lúc Phật tại thế thuyết pháp chủ yếu là dạy người sống đời sống hiện thực được bình an. Muốn giải thoát thống khổ phiền não nên bắt đầu từ đời sống nhân gian.

Vì đời sống con người là quan trọng nhất nên trong bài giảng này, tôi đứng trên lập trường con người mà thuyết Phật pháp. Nếu làm người cũng không xong làm sao tiến nhập Tiểu thừa? Nếu ngay hiện đời, cả phúc báo nhân gian cũng không chịu tu thì làm sao sinh được cõi trời, càng không thể vào cảnh giới Niết Bàn của Tiểu thừa.

II/ Thế nào là Chánh đạo?

          Chánh đạo có chánh đạo của thế gian và chánh đạo của Phật pháp.

1. Chánh đạo của thế gian

Gồm 3 nội dung:

1/1. Phong tục tập quán lương thiện:

Những phong tục tập quán đem lại lợi ích cho xã hội, cho đại chúng, đem lại bình an, hòa hợp cho mọi người, gọi là chánh đạo.

1/2. Lý tính trong triết học:

Chủ nghĩa nhân văn trong triết học là chánh đạo. Những loại triết học coi con người như động vật, dùng cách trị động vật để trị người, là những học thuyết không chánh đạo.

1/3. Tình thương trong tôn giáo:

Các tôn giáo thiên về lý tính thường khuyên người làm thiện, cho nên những tôn giáo này đều là chánh đạo.

2. Chánh đạo của Phật pháp

Gồm 2 nội dung:

2/1. Con đường và phương pháp tu hành:

Tôi từng chia pháp thế gian làm ba loại là luyến thế, xuất thế và nhập thế.

Thích thiên đường, ưa nhân gian, mong cầu sinh cõi trời, hưởng phúc báo cõi trời đều gọi là luyến thế. Không nỡ xa lìa nhân gian, mong cầu cảnh giới thiên thượng đều là biểu hiện của tâm tham luyến. Chúng ta thường nói thiện có thiện báo, ác có ác báo, do đó sợ trồng nhân ác sẽ gặt quả ác, thế nên, tin nhân quả rất tốt. Nhưng tin tu nhân lành sẽ có quả lành mà truy cầu phúc báo nhân gian và khoái lạc thiên đường thì vẫn thuộc về luyến thế. Nếu tu phúc đức trời người, tuân thủ tiêu chuẩn đạo đức nhân gian, tạo đủ điều kiện sinh thiên, nhưng đối với cõi trời người đều không tham luyến, như vậy sẽ tiến vào cảnh giới xuất thế.

Muốn xuất thế phải tu Bát chánh đạo, tức là tám cách sống và phương pháp tu hành, bao gồm ba phương diện thân miệng ý, tức là miệng không nói lời ác, thân không làm việc ác, tâm không chứa điều ác. Không dùng những cách hại mình hại người để mưu sinh. Quan trọng nhất là tư tưởng, phải nương theo giáo lý Phật, lấy đạo lý Phật dạy làm tiêu chuẩn hành động và làm cơ sở cho việc tu hành, tức là tu định và tu huệ. Nhiều người cho rằng tọa thiền là tu định, quan niệm này không hẳn đúng, niệm Phật cũng là một trong những cách tu định, lễ bái, tụng kinh cũng là cách tu định. Niệm Phật có chia ra tán tâm niệm Phật và chuyên tâm niệm Phật, tán tâm niệm Phật không thể đắc định, chuyên tâm niệm Phật mới có thể đắc định. Tâm được an định mới phát sinh trí huệ, xem kinh, nghe giảng chỉ là mượn trí huệ của Phật, sau khi tu hành mới có thể tự mình phát sinh trí huệ, gọi là khai ngộ. Người khai ngộ mới hay ra khỏi ba cõi, thoát ly sinh tử, chứng nhập Niết Bàn. Phật giáo cho rằng mục đích của xuất thế là để nhập thế, nếu không đủ điều kiện xuất thế thì nhập thế sẽ không triệt để. Do vậy, Bồ-tát bắt buộc phải có đủ năng lực xuất thế, sau đó mới thực hành sự nghiệp nhập thế độ đời.

Thế nên, người tu phải không còn chấp trước, không còn tham luyến thế gian, sau đó mới sống trong thế gian, ở giữa chúng sinh mà rộng độ chúng sinh, đây gọi là đạo Bồ-tát, cũng là con đường thành Phật, và đây mới là chân chính nhập thế.

2/2. Nguyên lý tu hành:

Tại sao phải tu theo Phật pháp? Vì chúng ta sống không tự tại, không tự do, không vừa ý, cảm giác ngoại cảnh, sinh lý, tâm lý v.v… đều mang lại cho chúng ta quá nhiều khổ não, do đó mong muốn giải quyết những vấn đề này, tức là đi tìm “nguyên nhân khổ” mà Đức Phật nói. Có một số người từ sinh đến già chưa từng biết khổ, họ cho rằng trên thế gian này không có gì là khổ cả. Nhưng đại đa số người nhận thấy từ sinh đến già toàn là khổ não. Có lần tôi gặp một đứa bé chín tuổi, tôi hỏi con sống có vui không, nó đáp không vui, tôi hỏi: “Con có việc gì không vui?” Nó đáp: “Mẹ mắng con, em ăn hiếp con, chị đánh con.”

Lại hôm khác tôi gặp một cô gái mười chín tuồi, ba mẹ cô là những người có địa vị cao trong xã hội, có việc làm tốt, gia đình rất mỹ mãn, cô là viên ngọc quý trong tay ba mẹ, tôi hỏi cô: “Con chắc hẳn sống rất vui phải không? Bước ra khỏi nhà liền lên xe hơi, ở nhà lầu, ăn ngon, muốn gì có đó.” Cô đáp: “Bạch Sư phụ, con cảm thấy rất khổ.” Tôi hỏi: “Con khổ cái gì?” Cô đáp: “Con khổ nhất là đi học.” Tôi bảo: “Con học nhanh lên, học xong rồi sẽ vui.” Cô đáp: “Không nhất định như vậy, con thấy ba mẹ con đã học hành xong rồi mà vẫn khổ.” Tôi nói: “Vậy sau này con đừng kết hôn, đừng làm mẹ là sướng rồi.” Cô trả lời: “Không kết hôn chắc chắn sẽ rất tịch mịch, rất khổ!”

Một cô gái mới mười chín tuổi mà đã cảm nhận nhiều cái khổ như vậy, quý vị có thấy khổ không? Có khổ là điều bình thường. Các vị ngồi đây nghe giảng, nếu giả sử bài giảng khô khan khó hiểu, quý vị muốn đi mà đi không được, chỗ nào cũng người là người, lúc đó quý vị sẽ có cảm giác khổ não. Đời người đầy ắp khổ não, thế nên phải nghe Phật pháp, dùng Phật pháp giải quyết những vấn đề khổ não.

Tại sao có khổ? Do tạo nghiệp nên thọ báo, sau khi thọ báo lại tạo nghiệp, có thọ khổ báo và thọ lạc báo, nhưng lạc ít mà khổ nhiều. Kết hôn là việc vui, ly hôn là việc khổ, rất nhiều cặp vợ chồng sống với nhau đến bạc đầu, không ly hôn, nhưng từ lúc kết hôn đến già chết có cặp vợ chồng nào không cãi nhau không?

Nguyên nhân của khổ gọi là Tập. Làm sao để thoát khổ? Chỉ cần chúng ta biết tất cả hiện tượng đều là vô thường, đều thay đổi không ngừng, nên không có ngã ở bên trong, nếu có thể “vô ngã” liền tiến vào Niết Bàn, ý của Niết Bàn là giải thoát sinh tử, lìa tất cả khổ, đây gọi là “khổ diệt”. Để diệt hết khổ thì phải tu đạo. Tu đạo gì? Trì giới, tu định, phát huệ sẽ diệt được khổ, tiến nhập Niết Bàn.

Phật nói nguyên lý của vạn pháp trong vũ trụ là pháp nhân quả và pháp nhân duyên.

Nhân quả là nhìn trên mặt thời gian, quan hệ giữa niệm trước và niệm sau là quan hệ nhân quả, quan hệ giữa đời trước và đời sau cũng là quan hệ nhân quả. Rất nhiều người thích chiếm tiện nghi của người khác, không làm mà muốn có được. Có rất nhiều cách để không làm mà có, như trộm, cướp, tống tiền v.v…, những người này không biết nhân quả, không tin nhân quả, họ cho rằng có thể dùng những cách may mắn để chiếm lợi lớn. Sự thực, thế gian có pháp tắc cố định, có nhân chắc chắn có quả, tất cả những sự tình phát sinh trong cuộc đời chúng ta đều có nguyên nhân của nó, không có việc nào không có nguyên nhân. Có thể nếu chỉ trong đời này chúng ta khó tìm được nguyên nhân để lý giải những quả báo của mình, nhưng nếu xét suốt nhân quả ba đời thì chúng ta sẽ hiểu rõ tiền nhân hậu quả của nó. Đối với người không tin nhân quả, chúng ta rất khó khuyên họ tiếp nhận tiêu chuẩn đạo đức làm người. Còn người tin nhân quả tự nhiên không làm việc ác, họ sẽ nỗ lực phấn đấu cho tiền đồ của mình.

Nhân duyên là những mối quan hệ phát sinh trong cả thời gian và không gian. Người bình thường chỉ biết rằng có thể làm vợ chồng là nhân duyên nhiều đời. Sự thực, tất cả mọi sự mọi vật trên thế gian này đều không lìa nhân duyên: Người tụ tán, việc thành bại, hiện tượng sinh diệt v.v… đều do nhân duyên khác nhau tạo thành.

“Sắc tức là Không” là pháp tắc tối cao trong Phật giáo. Sắc tức là Không nghĩa là tất cả hiện tượng đều là Không, vì chúng do nhân duyên sinh. Do nhân duyên nên sinh, do nhân duyên nên diệt, nhân duyên hợp gọi là thành, nhân duyên tán gọi là mất. Thế nên, tất cả các hiện tượng ngay lúc chúng ta nhìn thấy dường như có, thực ra ngay khi chúng ta nhìn thấy chúng cũng là Không, vì chúng không ngừng biến hóa. Nhưng nếu chỉ nói đến đây sẽ khiến rất nhiều người hiểu lầm rồi trở nên tiêu cực, nếu tất cả đều là Không thì thôi không cần làm gì nữa cả. Thế nên lại phải nói “Không tức là Sắc”, tất cả hiện tượng tuy Không nhưng vẫn có quan hệ nhân quả. Trên thế gian có rất nhiều tầng thứ nhân quả tuần hoàn không dứt trong ba cõi. Nhân quả thì chẳng không. “Không tức là Sắc” nghĩa là tuy không mà có, không phải Không là chẳng có.

III/ Thế nào là tà đạo?

Tà đạo chia làm tà đạo thông thường và tà đạo trong Phật giáo.

1/. Tà đạo thông thường chia làm tà thuật và tà giáo

Gồm 2 nội dung:

1/1. Tà thuật

Là dùng những thủ đoạn không chánh đáng, những cách thức mê tín làm cho người tin theo rồi lừa gạt người. Trong tín ngưỡng dân gian có một số hiện tượng sử dụng tà thuật. Nửa năm trước tôi gặp một phụ nữ, cô nói với tôi cô được một người bạn dẫn đến miếu thần xem bói, sau khi uống một tách trà cô liền không biết gì nữa, vô tri vô giác cầm sổ tiết kiệm của gia đình đến ngân hàng rút hết tiền ra đưa cho người ta. Về đến nhà tỉnh lại mới biết mất hết tiền, trong khoảng thời gian đó việc gì xảy ra cũng không biết. Hiện tượng này chính là tà thuật.

1/2. Tà giáo

Có một loại lý luận được giảng giải rất hay, tựa như đúng mà không đúng, nghe rất có thứ lớp khiến bạn tin phục cho rằng mình sẽ được hạnh phúc. Trên thực tế, kể từ khi bạn theo nó thì công việc, tài sản, hạnh phúc gia đình, thậm chí là sức khỏe của bạn dần dần tiêu mất, đây là tà giáo. Các loại tà giáo này chỗ nào cũng có, hoặc có khi tà giáo kết hợp với tà thuật, có giáo nghĩa, có sách bùa, chú thuật, hoặc họ đưa cho bạn vài con chữ, hoặc tụng cho bạn một câu chú liền khiến bạn mất đi bản tính, tự nói ra những quan niệm luân lý đạo đức tựa như đúng mà không phải đúng. Những loại tà giáo này một khi đã tin rồi thì rất khó thoát ra, hơn nữa đã bị khống chế, nếu muốn thoát ra phải trả một cái giá rất đắc và phải chịu thống khổ vô vàn.

2/ Tà đạo trong Phật giáo chia làm ngoại đạo và tà kiến

Gồm 2 nội dung:

2/1. Ngoại đạo

Tức là ngoài tâm cầu đạo, ví dụ chúng ta cầu thần linh ban phước hay cầu thiên nhiên giúp đỡ v.v… đều gọi là ngoại đạo. Tóm lại, ngoài tâm tìm cầu đều là ngoại đạo. Kinh Kim Cang có bốn câu: “Nếu lấy sắc thấy ta, do âm thanh cầu ta, người ấy hành đạo tà, không thể thấy Như Lai.” Nghĩa là dựa và âm thanh, sắc tướng để cầu giải thoát, cầu Phật đạo tối cao đều là tà đạo, chẳng phải chánh đạo. Phật đạo không những không phải là tướng bên ngoài mà những tâm tướng bên trong cũng phải xa lìa, đó mới là chánh đạo.

2/2. Tà kiến

Nghĩa là không tin nhân quả, không tin nhân duyên, chấp thường chấp đoạn. Tà kiến cũng là một loại tà đạo.

IV/ Tầng thứ rõ ràng giữa chánh và tà

Gồm 3 nội dung:

1/  Chánh tà theo thiên kiến tôn giáo, chính trị

Phân chia chánh tà theo thiên kiến là không đáng tin cậy, nó chỉ dựa vào ý thức địch ta, cùng phe khác phe mà phân biệt đúng sai, chớ không phải phân biệt đúng sai theo lý tính.

2/ Chánh tà theo phong tục tập quán

Phong tục tập quán nào phù hợp với thời đại và xứ sở tại chỗ đó gọi là chánh đạo, ngược lại là tà đạo. Phật pháp tuy không đi ngược lại phong tục tập quán bổn xứ, không làm những gì đi ngược lại với phong tục tập quán bản địa, nhưng đối với những phong tục không tốt, Phật pháp có công năng cải chính nó.

3/ Chánh tà theo quan điểm Phật giáo

Đứng trên lập trường tin Tam bảo: Người tin Tam bảo hành chánh đạo, người không tin Tam bảo hành tà đạo. Đứng trên lập trường nhân thiên đạo: Giữ năm giới tu mười điều lành là chánh đạo, phạm ngũ nghịch tội và làm mười điều ác là tà đạo. Đứng trên lập trường bậc Thánh giả xuất thế: Tu bát chánh đạo cầu giải thoát sinh tử là chánh đạo, chúng sinh mê luyến sinh tử, trôi lăn trong sáu đường là tà đạo. Đứng trên lập trường Bồ-tát cứu thế: Tu lục độ vạn hạnh rộng độ chúng sinh là chánh đạo, chỉ riêng cầu giải thoát cho mình là tà đạo.

V/ Chánh tà không hai và chánh tà phân rõ

Gồm 2 nội dung:

1/ Đứng trên lập trường của Phật

Tà và chánh đều không tồn tại:

Tất cả pháp đều là Phật pháp, tất cả chúng sinh cùng Phật đồng thể, trên lập trường của Phật, không có tà cũng không có chánh, không có gì gọi là ma, cũng không có gì gọi là Phật, mọi thứ đều như nhau.

2/ Đứng trên lập trường của phàm phu

Tà chánh phân chia rõ ràng:

Không tin nhân quả là tà đạo, còn chấp trước là tà đạo, có tâm tham sân si mạn nghi là tà đạo, kiêu mạn tự đại là tà đạo, trọng phàm hơn Thánh là tà đạo, còn là phàm phu mà dối xưng chứng Thánh là tà đạo v.v…

Do vậy, không thể nói chỉ có ngoài Phật giáo mới có tà đạo, trong Phật giáo không có, trong Phật giáo cũng có tà đạo. Chúng ta là đệ tử Phật, nhưng có lúc hành chánh đạo, có lúc hành tà đạo. Nếu nhìn theo cách nhìn của Phật, chúng ta tranh luận về chánh tà đều rơi vào tà kiến. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.