Nội dung:
Trong bài này tôi chỉ phân tích 3 điểm trọng yếu về tác dụng và công năng của ý thức con người theo lập trường Thiền.
Phật giáo chia ý thức làm ba là Tâm, Ý và Thức.
Tâm có chân và vọng. Vọng tâm là chỉ phiền não, chân tâm là nói trí tuệ. Vọng tâm là tác dụng ý thức của con người. Tác dụng ý thức của con người là chủ quan, phán đoán hoặc quan niệm đều có dính dáng đến lợi hại, được mất, vốn không thật có, nên gọi là phiền não. Chỉ khi nào rời khỏi tác dụng của ý thức, hoàn cảnh và hiện tượng bên ngoài như thế nào là như thế ấy, không xen vào phán đoán chủ quan của mình thì mới là thật, mới là trí tuệ. Tức là, sau khi rời khỏi trung tâm tự ngã (trung tâm tự ngã là cho mình là trung tâm, là quan trọng nhất) và không còn phán đoán chủ quan, chỉ còn thuần một trạng thái khách quan mới gọi là trí tuệ, cũng tức là chân tâm. Chân và vọng, hai loại tâm lý này hoạt động giống nhau, chỉ khác nhau ở chỗ có ngã và vô ngã.
Vọng tâm lại phân ra ý và thức. Ý là tác dụng của ý niệm phân biệt chấp trước. Thức là bản thể hay chủ thể của sinh mạng, không có tác dụng phân biệt. Ý còn gọi là Ý thức và Thức còn gọi là Bản thức.
Về mặt thường thức, hoặc theo tâm lý học, người ta chỉ thừa nhận con người và những động vật cao cấp như voi, ngựa, trâu, khỉ, chó v.v… mới có tác dụng ý thức, chứ không công nhận những động vật cấp thấp như sâu bọ, giun gián v.v… cũng có tác dụng ý thức. Phật giáo thì công nhận kể cả những động vật cấp thấp này cũng có tác dụng ý thức hay bản năng của thức.Những động vật cao cấp có đủ hai loại thức là tác dụng ý thức phân biệt và bản thức duy trì sinh mạng. Những động vật cấp thấp tuy không có tác dụng ý thức phân biệt, nhưng chúng có đủ bản thức cơ bản, nếu không chúng không thể có sinh mạng lưu chuyển trong sinh tử.
Mục đích chính của Phật giáo là độ người, phải giúp người bỏ vọng thức, nhận chân tâm, trừ phiền não, chứng bồ đề, dùng tu hành để chuyển tác dụng ý thức thành trí tuệ, tức là rời bỏ ý thức và bản thức, chỉ để lại chân tâm trí tuệ, không bị nghiệp lực ảnh hưởng, như thế mới được tự do, được giải thoát. Tác dụng của trí tuệ là khiến người tu hành thể nghiệm được chân tâm. Khi thể nghiệm được chân tâm thì gọi là “khai ngộ”.
Phật giáo phân thức làm bản thức và ý thức. Bản thức là thức mà tất cả người, động vật, kể cả động vật cấp thấp v.v… đều có. Ý thức là do bản thức sinh ra. Cho nên, nếu đứng trên phương diện bản thức căn bản thì tất cả chúng sinh đều bình đẳng. Do đó, lòng từ bi trong Phật giáo là bình đẳng với mọi chúng sinh, không chỉ lo việc cứu độ con người, mà còn cứu giúp tất cả chúng sinh có thức.
Thiền tông thường không dùng từ ‘ý thức’ mà dùng từ ‘Tâm’. ‘Tâm Phật’ là chỉ chân tâm, trí tuệ, ‘tâm chúng sinh’ là chỉ vọng tâm, phiền não.
Mục đích của Thiền Tông là minh tâm kiến tánh (Sáng tâm thấy tánh). Sáng tâm gì? Thấy tánh nào? Sáng chân tâm, thấy Phật tánh. Tâm chúng sinh do có ý thức tự ngã, lập trường tự ngã, quan điểm tự ngã, có cái nhìn không khách quan, cho nên tâm thức tối tăm. Sáng tâm là trí tuệ hiển lộ sau khi rời bỏ trung tâm tự ngã, hiển lộ chân tâm. Sau khi chân tâm hiện mới có thể thấy Phật tánh mà người người sẵn đủ, chúng sinh đều có.
Theo Thiền Tông, bất kể là chân hay vọng đều gọi là “Tâm”, không gọi là “Thức”, cũng không gọi là “Ý”. Do đó, trong các ngữ lục Thiền Tông đều bàn đến vấn đề “Tâm”. Đối với người chưa tu hành, tâm họ không an định, tâm không an định là biểu hiện của phiền não, khi nhận ra phiền não liền mong muốn dựa vào phương pháp tu hành để được cứu giúp. Phương pháp tu hành này gọi là an tâm, tức tâm (dừng tâm), trừng tâm (lóng lặng tâm), quán tâm. Những phương pháp này đều là nhìn từ vọng tâm. Còn chữ “Sơ tâm” mà chúng ta thường dùng là chỉ sơ phát tâm, tức là sơ phát Bồ đề tâm. Tâm Bồ đề là chỉ chân tâm, chỉ trí tuệ sáng suốt.
Vì vậy, chỉ có những người hiểu Thiền mới biết chữ “Tâm” mà các vị Thiền Sư giảng, trong các trường hợp khác nhau nó có nghĩa khác nhau, hoặc là tâm trí tuệ, hoặc là tâm vọng niệm. Quá trình tu hành thuộc về vọng tâm, mục đích tu hành là nhận ra chân tâm. Cho nên, bất luận là mới bắt đầu tu, đang trong quá trình tu, hay mục đích tu đều có thể dùng một chữ “Tâm” biểu đạt.
Tâm lý học của Tây phương chỉ có một danh tử Consciousness (ý thức) nên không cách gì nói rõ được chữ “Tâm” trong Phật giáo. Ý thức mà tâm lý học Tây phương và người bình thường hiểu rất khó nói lên được chữ Chân tâm và Bản thức của Phật giáo. Tâm của người đã có trí tuệ làm sao có thể đồng hóa với ý thức được! Người đã giải thoát dùng trí tuệ vô tư, vô ngã phản ánh như thật bản chất của vạn vật, nếu vẫn gọi đó là ý thức, thì cái định nghĩa về ý thức sẽ trở thành hàm hồ, không rõ ràng. Nếu vẫn muốn gọi trí tuệ của bậc đã giải thoát là ý thức thì phải gọi là ý thức thanh tịnh mới đúng, để phân biệt với ý thức không thanh tịnh của người bình thường còn đầy ắp phiền não. Như thế mới không làm rối loạn nghĩa của ý thức.
Người Tây phương khi phải giải quyết những vấn đề về mình, thường bắt đầu từ việc tìm hiểu và phân tích chính mình. Thiền ngược lại dạy chúng ta buông bỏ chính những vấn đề của mình, đó mới là cách xử lý vấn đề đúng đắn nhất. Làm sao để buông bỏ vấn đề của mình? Cách đầu tiên là nghĩ đến người khác nhiều hơn nghĩ về mình. Giúp người giải quyết những vấn đề khó khăn, rắc rối là lòng từ bi. Từ bi từ đâu đến? Từ tâm Bồ đề. Bước đầu tiên sau khi phát tâm bồ đề là buông bỏ những ước muốn riêng tư của tự ngã, giải cứu khổ nạn cho chúng sinh. Lúc chúng ta cố gắng giúp đỡ chúng sinh lìa khổ được vui chính là lúc vấn đề khổ não của mình đồng thời tiêu mất. Trung tâm tự ngã cũng nhẹ dần, yếu dần, đây là quá trình bỏ vọng tâm, sáng chân tâm, cũng là quá trình chuyển phiền não thành trí tuệ.
Bác sĩ tâm lý trong quá trình điều trị cho bệnh nhân thường hỏi bệnh nhân rất nhiều câu hỏi, bệnh nhân sau khi nói chuyện với bác sĩ thường cảm giác những khổ não của mình đã được giải quyết. Thế nhưng qua vài ngày họ lại trở lại tìm bác sĩ. Người bệnh nặng có thể phải đi khám bác sĩ liên tục mấy chục năm. Còn Thiền giả không cần biết nhiều về chuyện của người khác, nếu biết được cội gốc não phiền của họ ở đâu thì căn bản không cần biết bối cảnh phát sinh phiền não đó là gì, chỉ cần nói với họ vài ba câu liền có thể giúp họ giải quyết xong khổ não, rất ít tốn sức.
Dùng nguyên tắc Thiền giải quyết khổ não là chỉ cần có quan niệm chính xác, nguyên tắc rõ ràng, thì ít nhiều gì cũng có thể giúp mình và giúp người. Nguyên tắc của Thiền là không nhất định phải trực tiếp giải quyết não phiền giúp người, mà tốt nhất là khiến người gặp não phiền biết tự mình đối diện với nó, hoặc dạy người đừng thèm để ý đến phiền não làm gì.
Làm sao để đối mặt với những việc phiền não? Phải tự nói với mình: Bất cứ việc gì, bất cứ hiện tượng nào phát sinh cũng đều có nguyên nhân của nó. Chúng ta không cần truy tìm nguyên nhân, cũng không có thời gian rảnh rỗi để truy tìm nó, chỉ có đối diện với nó, cải thiện nó, đó mới là trực tiếp nhất, quan trọng nhất. Nếu đối mặt với nó mà cũng không giải quyết được, hoặc không có biện pháp gì giải quyết thì dứt khoát đừng quan tâm đến nó nữa. Như dân gian thường nói: “Bỏ đi tức là xong, bỏ rồi thì không xong cũng phải xong.”
Do vậy, các Tổ Sư Thiền khi tiếp dẫn hay trả lời những câu hỏi của đệ tử thường áp dụng các phương pháp như: Hoặc không đáp thẳng vào câu hỏi, hoặc không thèm trả lời, hoặc dùng hành động nào đó để giúp họ tự hiểu.
Có một vị Tăng đến chỗ một vị Thiền Sư cầu pháp, Tăng gõ cửa, Sư vừa mở cửa thấy vị Tăng liền lập tức đóng cửa lại, ba lần liên tiếp như thế. Đến lần thứ tư, Sư vừa mở cửa vị Tăng nhanh chóng bước vào, Sư cũng nhanh chóng đóng cửa lại, cửa đóng làm dập chân vị Tăng kia. Vốn Tăng định đến hỏi phương pháp khai ngộ, chính ngay lúc chân bị cửa dập, vị Tăng liền đốn ngộ, không còn gì để hỏi nữa.
Một câu chuyện khác: Một hôm, có một vị Tăng đến tham vấn Mã Tổ: “Thỉnh Thầy nói cho con biết Tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn sang mang theo cái gì?” Mã Tổ đáp: “Hôm nay tâm trạng ta không tốt, ông đi hỏi Trí Tạng đi.” Tăng đến hỏi Trí Tạng, Tạng đáp: “Hôm nay tôi nhức đầu, ông đến hỏi Sư huynh Hoài Hải đi.” Tăng hỏi Hoài Hải, Hải đáp: “Tôi cũng không biết, ông đến hỏi Mã Đại Sư đi.” Tăng trở lại chỗ Mã Tổ, Tổ mắng: “Ông thật đần độn! Trí Tạng đầu bạc, Hoài Hải đầu đen.” Thế là, câu hỏi của vị Tăng đã được trả lời.
Phương pháp mà Thiền Tông giúp người giải quyết não phiền có hai: Một là pháp lìa niệm, hai là pháp quán tưởng. Hai ví dụ trên thuộc về pháp lìa niệm, cũng gọi là pháp đốn ngộ, không lập văn tự, không cần trải qua quá trình kinh nghiệm, không cần dùng tri thức, suy nghĩ, học vấn và cũng không cần cố gắng, chỉ cần ngay đó đặt mình ra ngoài thời gian và không gian, phá bỏ bức màn ý thức tự ngã, trần trụi trơn, mảy may không dính. Đó gọi là “tâm không quái ngại”. Cũng chính là “Chỉ thẳng tâm người” mà “Chẳng lập văn tự”.
Pháp quán tưởng là chuyển đổi tiêu điểm của ý thức, để ý thức chuyên chú vào một lời nói, một việc, một điểm, một niệm nào đó. Ví dụ như pháp quán Sổ tức là chú ý vào hơi thở ra vào và đếm hơi thở, hoặc chú ý vào bụng phồng xẹp. Hoặc có người chuyên chú vào Phật hiệu hoặc Thánh hiệu Bồ-tát mà mình niệm. Hoặc có người quán thi thể con người, từ lúc chết đến thối rữa, rồi đến chỉ còn xương trắng, cuối cùng cả xương cũng tiêu chỉ còn ánh sáng trắng. Dùng các pháp quán tưởng này cũng khiến cho phiền não và ý thức dần dần trầm lắng, lóng lặng, và dần phát sinh trí tuệ.
Cho nên, phương pháp tu thiền không giống cách trị liệu của bác sĩ tâm lý hay bác sĩ thần kinh. Nhưng người bị bệnh tinh thần nặng hay có vấn đề tâm lý có thể dùng cách tọa thiền trợ giúp cho việc trị liệu. Nhưng khi dùng Thiền để trị bệnh, trong tâm không được khởi niệm mong cầu đạt được khai ngộ, nếu không sẽ càng làm cho bệnh tinh thần hay vấn đề tâm lý trở nên nghiêm trọng hơn. ¤