Nội dung:
Thiền là một thế giới nội tâm rất khó biểu đạt, đối với kinh nghiệm chủ quan chỉ có những người tự thân thể nghiệm mới hiểu rõ, còn những người chưa thể nghiệm muốn dùng ngôn ngữ, văn tự, suy nghĩ, thuyết minh, giải thích v.v… cũng như là người mù rờ voi, vịt nghe sấm. Người ta thường nói: Như người uống nước, lạnh nóng tự biết. Chúng tôi giới thiệu nội dung thiền chỉ có thể dùng phương thức đệm lót, nói mây để chỉ trăng, chớ không cách gì chỉ thẳng mặt trăng. Tôi nay giới thiệu tám tiêu đề về nội dung và hiện tượng thiền cho quý vị, cũng là xoay quanh chủ đề “Gánh nước bửa củi đều là thiền” mà cư sĩ Trương Hồng Dương, người tổ chức buổi diễn giảng ở chùa Trang Nghiêm này chỉ định.
Thiền vốn là loại thể nghiệm nội tại không cách gì hình dung hay giải thích. Nó không phải là hiện tượng thực chất hữu hình, nhưng cũng có thể chính là tất cả hiện tượng mà ta tiếp xúc, phát hiện hay cảm thọ. Tức là, nếu chưa thể nghiệm thiền thì nói cái gì cũng không phải, còn đã thể nghiệm thiền thì nơi nơi đều là thiền, thiền ngay dưới chân ta.
Tồn tại khắp nơi là sự tồn tại chân thật ở mỗi cá thể độc lập trong vạn tượng vũ trụ. Như nói bạn không phải tôi, người không phải trâu, nước không phải lửa, đông không phải tây, trên không phải dưới v.v… Hơn nữa, nếu ở mỗi cá thể ta đi sâu vào phân tích chi tiết sẽ thấy có rất nhiều hiện tượng cá thể tồn tại độc lập. Danh từ trong Phật pháp gọi đó là vạn pháp hay chư pháp. Mỗi pháp có giới hạn, định nghĩa, đặc tính riêng. Với một người đã thể nghiệm và chứng ngộ thiền thì khi đối mặt với hiện tượng của chư pháp sẽ thấu suốt rõ ràng, thấy rõ từng chi tiết nhỏ, vừa nhìn liền biết, thứ lớp phân minh, đó chính là sự phản ánh như thật. Những điều này được minh chứng rõ ràng trong ngữ lục của các vị Tổ Sư.
1. Thiền Sư Khuê Phong Tông Mật (780-841) dạy: “Gương sáng mà ảnh tượng ngàn sai, tâm tịnh mà thần thông vạn ứng. Ảnh tượng để trang nghiêm cõi Phật, thần thông hay giáo hóa chúng sanh.”
Ý bài kệ này là: Tâm người đã ngộ vô cùng yên tĩnh, giống như mặt nước không một gợn sóng, tựa như gương sáng chẳng chút bụi trần, họ có thể thấu suốt tất cả cảnh vật không một chút lầm lẫn, nghĩa là ứng đối như thật. Đó là vì tâm họ không sự, không vật, bằng phẳng, mênh mông, sáng rỡ, khách quan tuyệt đối. Cho nên đối tất cả việc có thể ứng xử vô cùng thỏa đáng. Ngàn vạn hiện tượng hiển hiện trong tâm họ, bất kể là đẹp xấu, lành dữ, tối sáng, tròn khuyết v.v… tất cả đều được dùng trang nghiêm cõi Phật. Tùy duyên giáo hóa vô lượng chúng sanh mà tâm không chút vấn vương. Vì tự tại như thế nên được gọi là diệu dụng của thần thông.
2. Lý Cao hỏi Dược Sơn Duy Nghiễm (745-828): “Thế nào là đạo?” Sư đáp: “Mây trên trời, nước trong bình.”
Ý của đoạn này là: Một hôm Lý Cao, học trò Hàn Dũ, cũng là một đại học giả, đến tham vấn Thiền Sư Duy Nghiễm, hỏi: “Thế nào là đạo?” Ở Trung quốc, Nho gia, Đạo gia, Bách gia chư tử, mỗi nhà định nghĩa chữ Đạo mỗi cách. Đại Chí Thượng nói: “Hình Nhi Thượng là Đạo, Hình Nhi Hạ là Khí.”, Lão Tử nói: “Đạo có thể nói thì không phải Đạo chân thường.” Nhưng các nhà đều thống nhất cho là Đạo không phải sự vật cụ thể, mà là quan niệm trừu tượng, thậm chí nó là một loại tồn tại không thể nắm bắt. Lý Cao đương nhiên cũng biết, Đạo mà Phật giáo nói có nghĩa là Bồ-đề, là lý luận và phương pháp tu hành, cũng là kinh nghiệm tu chứng. Chúng ta xem vị Cao Tăng ngộ đạo này (Thiền Sư Duy Nghiễm) giải đáp hàm nghĩa của chữ Đạo như thế nào, Ngài đáp rất đơn giản: Ở trên trời là mây, đựng trong bình là nước. Cùng một vật nhưng có hiện tượng khác nhau, rất rõ ràng, không hề hỗn tạp. Nước có thể biến thành mây, mây cũng có thể biến thành nước, ở trong bình là nước, ở trên trời là mây. Giống như con người, ở các trường hợp khác nhau thì có thân phận khác nhau, vô cùng minh bạch. Đây chính là Đạo. Không cần phải tưởng tượng hàm nghĩa của Đạo là cao thâm khó lường, mầu nhiệm sâu xa. Đây là thế giới được nhìn qua con mắt Thiền.
3. Hoằng Trí Chánh Giác (1091-1157) nói: “Rõ ràng không mê, chỗ chỗ hiện thành.”
Hai câu này ý là: Tâm cảnh của người sau khi ngộ đối với tất cả hiện tượng, tất cả sự vật sai biệt đều thấy hết sức rõ ràng, một không phải hai, ba không phải một, nhưng cũng không vì sự giao thoa phức tạp của các hiện tượng mà làm cho sự đánh giá của họ mất đi phương hướng. Nên nói ‘chỗ chỗ đều hiện thành’. Gọi nó là Đạo cũng được, gọi nó là Phật cũng được, gọi nó là bất cứ cái gì cũng được. Đó chính là ngộ cảnh của Thiền.
Trong ngoài như nhất chính là sự hài hòa của toàn thể. Ở đây chia làm ba bước: Một là dùng các phương pháp dẫn đạo như tọa thiền, xoa bóp của đạo gia, vận động thân thể theo thuật Du già Ấn Độ v.v… đều có thể làm cho khí quyết trong người lưu thông, tạo nên một cảm giác nhẹ nhàng, bình an do thân tâm hợp nhất. Hai là dùng các phương pháp tọa thiền, mặc tưởng, cầu đảo v.v… có thể làm cho chúng ta cảm nhận được hoàn cảnh bên ngoài hòa hợp làm một với tâm linh bên trong, tức là cảnh giới thiên nhân hợp nhất hiện tiền. Ba là dùng công phu thiền định, chuyên chú vào đề mục tu hành, dần dần làm cho niệm trước niệm sau liên tục không đổi, không một tạp niệm dấy khởi, đó chính là định cảnh, định trong một cảnh hoặc một niệm. Lúc đó nội tâm trở nên chuyên nhất.
Một vị Thiền Sư trong cuộc sống hằng ngày khi tiếp xúc với ngoại cảnh, trình độ mà Ngài biểu hiện sẽ thuộc về loại trong ngoài như nhất. Đó là nguyên nhân mà rất nhiều nhà tôn giáo và nhà triết học cho rằng sự thể nghiệm “Đạo”, chẳng luận Đông phương hay Tây phương, tuy giải thích khác nhau, nhưng nội dung thể nghiệm sẽ giống nhau. Theo lập trường Thiền, tầng bậc của Đạo có nông sâu, hoặc là đến cảnh giới tâm niệm chuyên nhất, hoặc là đến trình độ cả tâm niệm chuyên nhất cũng vượt qua, ngôn ngữ không thể diễn tả được, tranh luận cũng không còn cần thiết nữa. Dưới đây tôi nêu lên ba ví dụ để chứng minh:
Có người hỏi Thạch Đầu Hy Thiên (700-790): “Thế nào là ý Tây sang?” Thạch Đầu đáp: “Hỏi cây cột đi.”
“Ý Tây sang” là chỉ Sơ Tổ Thiền Tông Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ sang truyền thọ pháp thiền, rốt cuộc Ngài truyền đó là gì? Pháp thiền là gì? Nó nói lên điều gì? Có thể cho chúng ta thấy được không? Thông thường người ta hiểu pháp thiền là pháp tâm, cần phải lấy tâm ấn tâm, dùng ngôn ngữ hay bất cứ hiện tượng nào diễn đạt cũng không được. Thế mà Thiền Sư Thạch Đầu lại bảo vị Tăng đó hỏi cây cột đi. Bất luận là cột gỗ hay cột đá đều là vật vô tình, không thể cho ta bất cứ đáp án nào. Nhưng dưới cái nhìn của một Thiền Sư đã ngộ thì sự thể nghiệm của nội tâm cũng chính là hoàn cảnh bên ngoài. Cột gỗ hay cột đá cùng với nội tâm, tự tính Phật, Tổ Đạt Ma từ Ấn sang, phàm phu chúng ta v.v…, đối với Thiền Sư Thạch Đầu đều bình đẳng không hai, một thể không khác, cho nên hỏi Ngài không bằng đi hỏi cột đá, cột gỗ kia.
2. Có vị Tăng hỏi Ngưu Đầu Huệ Trung (682-769): “Cái gì là Phật tâm?” Sư đáp: “Là vách tường gạch ngói.” Tăng lại hỏi: “Vô tình đã có tâm tính, vậy có thể thuyết pháp không?” Sư đáp: “Chúng thường nhiệt tình thuyết pháp, chưa từng gián cách.”
Ý của đoạn này là: Người ta thường cho rằng Phật tâm chỉ có trong chúng sanh hữu tình, hơn nữa còn là loại tự tâm không tạp, không loạn, thanh tịnh, đó là tâm đại trí huệ, tâm đại từ bi. Nhưng trên lập trường của các bậc ngộ thiền, Phật tâm không thể giải thích theo lý luận, mà nó được hiển rõ trên quan điểm nội tâm và ngoại cảnh đồng nhất. Cho nên nói nó là vách tường, là gạch, là ngói. Vị Tăng đó vẫn không hiểu, lại hỏi: “Nếu như các loài vô tình cũng có chân tâm Phật, có tự tính thanh tịnh, thì có khác gì Phật? Vậy chúng có thể thuyết pháp độ sanh không?” Thiền Sư đáp rất khẳng định: “Các vật vô tình này không những biết thuyết pháp, mà còn thuyết rất hoạt bát, nhiệt tình, tích cực, thường thuyết chưa từng gián đoạn.” Những lời này so với Phật pháp thường thức càng khoáng đạt hơn, tự tại hơn. Vì lúc Phật mới thành đạo, Ngài phát hiện tất cả chúng sanh đều có đầy đủ trí huệ và phước đức của Phật. Còn Thiền Sư lại thấy không chỉ có chúng sanh hữu tình như thế mà đến tất cả động vật, thực vật, khoáng vật và tất cả hiện tượng cũng đều đồng một thể với Phật. Đây chính là sự thể nghiệm trong ngoài như nhất. Chỉ cần trong tâm có Phật, thì chư pháp bên ngoài cũng đều là Phật.
3. Có vị Tăng hỏi Động Sơn Lương Giới (807-869): “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Ba cân gai.” Hỏi: “Thế nào là Phật?” Sư đáp: “Que cứt khô.”
Hai công án này rất nổi tiếng trong lịch sử Thiền Tông, mỗi người giải thích một cách. Phật giáo đồ thông thường không khi nào đem thực vật vô tình ví với Phật, càng không thể dùng que cứt khô để hình dung Phật, nhưng khi đã dùng quan điểm trong ngoài như nhất, phàm Thánh bình đẳng, pháp pháp đều như… để nhìn vạn vật trên thế gian thì cách giải thích Phật của Ngài Động Sơn mới là đúng đắn. Tức là pháp pháp là Phật, chỗ chỗ là Phật. Vậy Phật này rốt cuộc là một thân thể hay vô lượng thân thể? Thực ra, đã có vô lượng thân thì chỗ chỗ là Phật, mà chỗ chỗ cũng không phải là Phật, như nhất thì không có sai biệt, không tồn tại vấn đề là Phật hay không phải Phật.
Trước đã nói thể nghiệm của việc ngộ thiền thuộc về chủ quan, cảm thọ của giải thoát thuộc về nội tâm. Nếu tâm có sở hữu, có chấp trước, có hệ lụy thì sẽ bị cảnh chuyển. Ngược lại thì được giải thoát. Cho nên Thiền Tông vô cùng coi trọng việc luyện tập tâm, luyện tâm cũng gọi là luyện ma, mục đích của luyện ma là để tuyển Phật. Công phu tu thiền gọi là an tâm, tâm còn vướng víu thì không thể an. Bắt buộc phải ‘không tâm có thể dùng’ thì mới được ‘không tâm có thể an’, đó chính là chân giải thoát. Người giải thoát dù thân ở ngục tù, thậm chí bị xiềng xích buộc trói, búa rìu kề cổ vẫn cười nói vui vẻ. Đây là nội tâm tự tại, thuộc về tầng thứ của tinh thần, chẳng phải là việc người khác có thể chung hưởng và thể hội.
Dưới đây tôi dẫn vài chuyện thiền chứng minh:
1. Tín Tâm Minh của Tam Tổ Tăng Xán (?-606) viết: “Chỉ không thương ghét, sáng tỏ rõ ràng.”
Người bình thường gặp thuận duyện thì thích, gặp nghịch duyên thì ghét. Thuận cho là lành, nghịch cho là dữ. Hạng thô lỗ hay tiểu nhân hỉ nộ hiện ra nét mặt, thương giận lộ ra ngoài. Người quân tử có giáo dưỡng tuy có thể làm cho yêu ghét chẳng lộ ra mặt, nhưng tâm lại không thể không động, nên tâm vẫn không tự tại. Lục Tổ Đàn Kinh dạy chúng ta phải: “Không nghĩ thiện, không nghĩ ác” thì có thể thấy được mặt thật xưa nay của mình cùng Phật đồng nguồn. Đó là chuyển phiền não thành trí huệ. Cho nên Tam Tổ gọi là “Sáng tỏ rõ ràng”, hay như Tâm kinh nói “Tâm không quái ngại”. Rõ ràng cái gì? Chính là hiểu được chỉ cần tâm giải thoát thì vạn sự như ý.
2. Tâm Minh của Ngài Ngưu Đầu Pháp Dung (594-657) viết: “Tất cả không làm, rỗng sáng tự hiện.”
Bậc Thánh La Hán của Tiểu thừa vì đã đoạn tận phiền não nên gọi là “Việc làm đã xong”. Nếu tâm ta không có việc cần làm, cũng không có việc không cần làm thì sẽ thể nghiệm được sự chiếu rọi của tâm, nó sanh ra từ chỗ bất động, hay chiếu soi mà thường lặng lẽ. Cũng sẽ thấy được Phật tự tính ngay trong gang tấc.
3. Thanh Lương Trừng Quán (738-839) trong bài “Trả lời Hoàng Thái Tử hỏi về Tâm yếu” nói: “Tâm tâm làm Phật, không tâm nào không phải Phật tâm. Chỗ chỗ thành đạo, không bụi trần nào không phải Phật quốc.”
Bốn câu này ý là: Mỗi một tâm niệm chúng ta, không tâm nào không phải tâm Phật. Dùng tâm Phật nhìn thế gian, dù là một không gian nhỏ nhiệm, không chỗ nào không là Tịnh độ Phật quốc. Tức là nếu tâm tự tại thì tâm này chính là Phật tâm. Dùng tâm tự tại xem thế gian thì thế gian này chính là Phật quốc. Bất luận ngoại cảnh tốt xấu, thuận nghịch, đối với người đều như nhau, đây là cảnh giới giải thoát chủ quan thuần túy. Nhưng đừng lầm, giải thoát chủ quan không phải là tự thôi miên mình, cũng không phải tự lừa gạt mình. Vì nó là sự thể nghiệm thực sự, nó thật như là người khát uống được nước, người đói ăn được cơm vậy.
4. Ngữ lục của Đại Huệ Tông Cảo (1089-1163) nói: “Muốn không muôn pháp, trước tịnh tự tâm, tự tâm thanh tịnh, các duyên thôi dứt.”
Tâm nếu buộc vào một pháp thì không còn không, tức có phiền não. Làm sao để tâm không kẹt nơi pháp, không theo cảnh chuyển? Thiền Sư Tông Cảo dạy chúng ta “trước tịnh tự tâm”. Phương pháp tịnh tâm có rất nhiều, trong ngữ lục của Ngài thường dạy người tham chữ Vô. Ngay lúc phá vỡ thoại đầu là lúc minh tâm kiến tánh, nhận ra tự tánh xưa nay thanh tịnh. Lúc đó, các pháp ngoài tâm, bất luận dơ sạch, tốt xấu, thiện ác v.v…, chẳng can hệ gì đến người ngộ. Câu ‘Tám gió thổi chẳng động’ chính là hình dung loại tâm tự tại này.
Thiền Tông nói vô ngã, vô tướng, vô tâm đều là để chỉ trí tuệ. “Vô” không có nghĩa là không có, mà là chỉ tự ngã giải thoát, tâm không chỗ trụ. Không còn tự ngã chấp trước, nhưng còn công năng của trí tuệ. Công năng của trí tuệ, giải thích theo biểu hiện chủ quan là giải thoát, giải thích theo biểu hiện khách quan là từ bi. Nếu chỉ lìa chấp trước của tự ngã mà không sanh công năng của từ bi thì chắc chắn không phải là chân giải thoát. Giải thoát là trí tuệ, từ bi là tâm bồ đề. Quan hệ của giải thoát và trí tuệ giống như hai cánh của con chim, hai bánh của chiếc xe, phải phát triển song song, thiếu một không được. Dưới đây tôi nêu hai ví dụ chứng minh:
1. Tổ Bồ Đề Đạt Ma (năm 527 đến Trung Hoa), trong “Nhị nhập tứ hạnh” nói: “Kinh dạy: ‘Pháp không có chúng sanh vì lìa cấu nhiễm của chúng sanh. Pháp không có ngã vì lìa cấu nhiễm của ngã.’ Lại nói: “Pháp thể không khiếm khuyết, nơi thân mạng, tài sản thực hành bố thí ba la mật, tâm không lẫn tiếc.” Lại nói: “Giáo hóa chúng sanh mà không chấp tướng. Đây là tự hành, lại có thể lợi tha, cũng có thể trang nghiêm đạo bồ đề. Đàn thí ba la mật như vậy, năm món ba la mật kia cũng như vậy.”
Ý đoạn này nói nói về người đắc đạo giải thoát, giống như Kinh Kim Cang nói không nhân tướng, không ngã tướng, không chúng sanh tướng, không thọ giả tướng. Ý là sẽ không do nguyên nhân tự ngã và chúng sanh mà sanh phiền não gọi là “lìa cấu nhiễm của ngã” và “lìa cấu nhiễm của chúng sanh”. Nhưng cũng sẽ không vì sự giải thoát của tự ngã mà không độ chúng sanh, ngược lại, sẽ càng tích cực thí xả tất cả, đó mới là biểu hiện chân thật của trí tuệ và từ bi vô ngã. Cho nên người trước khi ngộ phải tu hành, mà người sau khi ngộ cũng phải tu hành. Người trước khi ngộ phát tâm bồ đề là để chuẩn bị sau này rộng độ chúng sanh. Tu sáu ba la mật là chánh hạnh bồ đề của người sau khi ngộ.
2. Ngưỡng Sơn Huệ Tịch (807-883) hỏi Quy Sơn Linh Hựu (771-853): “Trăm ngàn vạn cảnh đồng thời đến, phải làm sao?” Quy Sơn đáp: “Xanh không phải vàng, dài không phải ngắn, các pháp trụ nơi vị trí của nó, chẳng can dự việc của ta.”
Kinh nói: “Pháp trụ pháp vị, pháp đó như vậy.” Ý là nói tất cả pháp, vạn sự vạn vật, đều có hiện tượng và phạm vi của riêng mình, không hề hỗn loạn. Trong sự hòa hợp thống nhất không mất đi hiện tượng sai biệt của cá thể. Nếu dùng con mắt trí tuệ xem tướng thế gian, mỗi tướng tự có vị trí của mình, nên nói xanh không phải vàng, dài không phải ngắn, dù ngàn ngàn vạn vạn cảnh giới đồng thời hiện trước mặt, chúng ta cũng sẽ không trắng đen lộn xộn, ‘lấy nón ông Trương đội cho ông Lý’. Nhưng chúng ta cũng đừng để nó làm động tâm mình, bị nó làm mê hoặc, nên xử lý thế nào thì xử lý thế ấy, binh đến tướng ngăn, nước đến đê ngăn là được.
Sinh mạng là một hiện tượng tiếp diễn liên tục đời này qua đời khác, kiếp này qua kiếp khác. Sinh mạng của phàm phu là do nghiệp lực mà trôi lăn, sanh tử không dứt. Sinh mạng của chư Thánh Bồ-tát là do sức của bi nguyện, qua lại trong biển lớn sanh tử không cùng, rộng độ vô lượng chúng sanh. Đồng là có sanh có tử, nhưng phàm phu thì cam chịu, còn Bồ-tát thì an nhiên, phàm phu chịu khổ chịu nạn, Bồ-tát cứu khổ cứu nạn. Điểm mấu chốt của sự bất đồng này là ở tại tâm: Tâm nhiễm trước và tâm không nhiễm trước.
Thiền giả đã ngộ tâm không còn nhiễm trước, không quan tâm đến sanh tử, cũng không màng việc không sanh không tử. Vì đã thể nhận vô ngã, ngã đã không thì ai lưu chuyển trong sanh tử? Vì đã thể nhận vô tướng thì đâu có tướng sanh tử, cũng không có tướng Niết Bàn. Nói cách khác, ngã không, pháp cũng không, cho nên không trụ sanh tử cũng không trụ Niết Bàn. Đó chính là đại giải thoát, đại Niết Bàn. Đó là lý do vì sao các vị Thiền Sư vĩ đại chẳng hề lo lắng việc sanh tử của mình. Dưới đây tôi nêu hai ví dụ chứng minh:
1. Vĩnh Gia Huyền Giác (665-713) lúc mới gặp Lục Tổ Huệ Năng (638-713), nói: “Sanh tử là việc lớn, vô thường nhanh chóng.” Lục Tổ khai thị: “Sao không thể nhận lý vô sanh, liễu há không mau ư?” Trong Vĩnh Gia Chứng Đạo Ca nói: “Trong mộng rõ ràng có sáu thú, giác rồi rỗng rỗng không đại thiên.” Lại nói: “Bao lần sanh, bao lần tử, sanh tử mênh mang không dừng nghỉ, từ lúc đốn ngộ lý vô sanh, đối chuyện vinh nhục đâu vui buồn.”
Đoạn này cho chúng ta biết Vĩnh Gia Huyền Giác cho rằng nếu không liễu sanh tử, một khi vô thường đến biết đi đâu về đâu, đây là việc quan trọng và đáng sợ vô cùng. Lục Tổ dạy không cần phải sợ hãi sanh tử, cũng không cần lo lắng sự vô thường của sanh mạng, chỉ cần thể hội sanh tức vô sanh, nhanh chóng tức không nhanh chóng, đó chính là sanh tử đã liễu, vô thường không còn. Vĩnh Gia sau khi khai ngộ liền giải quyết xong đại sự sanh tử, nên nói lúc mê như nằm mộng, giác rồi giống thức giấc. ‘Trong mộng có sanh tử, giác rồi không thế giới.’ Vô sanh là nghĩa không chấp trước, không khởi phiền não, không sanh phân biệt. Sợ sanh tử nên cầu Niết Bàn, ghét khổ thích vui đều là chấp trước. Tâm không chấp trước thì không quan tâm đến sự đáng sợ của sanh tử, cũng không chấp thủ Niết Bàn. Đây là thái độ của một thiền giả ngộ đạo đối với sanh mạng.
2. Đại Châu Huệ Hải (đệ tử Mã Tổ Đạo Nhất) nói: “Cầu đại Niết Bàn là nghiệp sanh tử. Bỏ cấu chấp tịnh là nghiệp sanh tử.” Lại nói: “Vốn tự không buộc, đâu cần cầu mở, thẳng dùng thẳng hành, là vô đẳng đẳng.”
Ý đoạn này vô cùng rõ ràng. Niết Bàn và sanh tử, cấu và tịnh, buộc và mở v.v… đều là tương đối. Từ sanh tử mới biết Niết Bàn, từ dơ mới biết sạch, từ buộc mới biết mở v.v… Thế nên, truy tìm Niết Bàn phải ở trong sanh tử, truy tìm thanh tịnh phải ở trong cấu uế, truy tìm giải thoát phải ở trong trói buộc. Chỉ có tâm không chấp trước, không sợ sanh tử, cũng không tìm cầu Niết Bàn; không ghét cấu uế, cũng không ưa thanh tịnh; không cảm thấy trói buộc, cũng không cần cầu giải thoát. Đó mới là hiện tượng sanh mạng Thiền hồn nhiên sống động, chẳng vướng chẳng mắc, tự do tự tại.
Bản thân Thiền không phải tôn giáo, cũng không phải triết học, mà là một quan niệm, phương thức, nội hàm của cuộc sống. Có điều nó khác với cách sống của người bình thường. Mục đích sống của thiền giả không phải tìm cầu cái gì, biểu hiện cái gì hay mất mát cái gì, cũng không vì hoàn cảnh tốt xấu mà sanh vui mừng, khổ não, chỉ cần sống một cuộc sống bình thường như người bình thường, việc nên làm thì làm, việc không nên làm thì không làm, việc có thể làm thì làm, việc không thể làm thì không làm. Nỗ lực nhưng không vì mình cũng không vì người, chỉ là sống trọn trách nhiệm của cuộc sống. Cho nên, nguyên tắc của chư vị là tâm không theo cảnh, cũng không rời cảnh. Không bị cảnh chuyển là công phu thiền định, tâm không lìa cảnh là tác dụng của trí tuệ. Tức là tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch. Hay tịch nên lìa tướng và vô tướng, hay chiếu nên hoạt dụng hằng ngày. Hoạt dụng mà không theo thế tục, cũng không phiền não, đó là công năng của trí tuệ. Người bình thường tâm nếu động liền đánh mất mình, tâm nếu tịnh liền che lấp mình, đó không phải lối sống của thiền giả.
Dưới đây tôi nêu hai ví dụ chứng minh:
1. Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Không phải gió động, không phải phướng động, tâm nhân giả động.”
Câu chuyện này nhiều người đã nghe quen. Lục Tổ Huệ Năng đến chùa Pháp Tánh ở Quảng Châu, nghe hai vị Tăng tranh luận về gió và phướng, một vị nói gió động, một vị nói phướng động, tranh nhau không thôi. Đại Sư Huệ Năng bảo họ: Hiện tượng động này, không phải do gió, cũng không phải do phướng, mà do tâm hai vị, tâm theo cảnh động. Cho nên, biết cảnh động đó là thường thức, không có gì sai. Nếu suy nghĩ sâu thêm một chút, biết cảnh đang động là tâm người, cũng không có gì sai. Nếu nhất định cho rằng gió động hay phướng động thì sẽ thành nguyên nhân dẫn đến phiền não. Tâm động của phàm phu gọi là phân biệt và chấp trước, vì họ có chủ kiến, tức là tâm có chỗ trụ, nên sẽ đánh mất tinh thần hồn nhiên, sống động, tự do. Tâm của bậc ngộ thiền, vẫn sẽ động, chỉ có điều tâm không chỗ trụ, không chấp trước, cho nên nó là tác dụng chiếu soi của trí tuệ. Vì tâm không vướng mắc nên sống động, tự tại.
2. Bài Vô Tướng Tụng trong Lục Tổ Đàn Kinh nói: “Phật pháp tại thế gian, chẳng lìa thế gian giác.” Lại nói: “Trong nhà tối phiền não, thường sanh mặt trời huệ.”
Quan niệm thế này có rất nhiều trong các sách thiền. Rất nhiều người hiểu lầm Thiền tông, hoặc bẻ cong Phật pháp, cho Phật pháp là tiêu cực, trốn tránh, yếm thế. Quả thật, cũng có nhiều người học Phật, học thiền biểu hiện tâm thái này. Sự thực, Thiền Tông tuyệt đối tích cực, vào đời, giáo hóa người. Nó không phải lý luận, cũng không phải tín ngưỡng, mà là một lối sống hoạt bát, tự tại, thiết thực. Chỉ cần luyện tập và thể nghiệm được không vì hoàn cảnh thuận nghịch mà sanh tâm thương giận, liền có thể thái bình vô sự, tự do tự tại. Cho nên, Phật pháp ở ngay cuộc sống hằng ngày, lìa đời sống hằng ngày tìm cầu Phật pháp không khác gì tìm lông rùa sừng thỏ, trọn không thể được. Thiền giả trước khi ngộ chỉ cần biết mình chưa ngộ liền tiến gần đến ngộ cảnh. Một khi phát minh sự thật xưa nay như thế, buông bỏ chấp trước vui chán v.v… thì cảnh ngộ liền hiện trước mắt. Do đó, mê và ngộ vốn giáp ranh nhau, thậm chí là một vật mà hai tên. Trí tuệ sanh nơi phiền não và dụng nơi phiền não. Lê bùn gánh nước, nhìn trước ngó sau, do dự không quyết, thương đây giận kia, v.v… thì nơi nơi chướng ngại. Nếu thấy lạ chẳng cho là lạ, biết là phiền não mà không cự tuyệt cũng không nghinh đón, ngay đó là trí tuệ, liền có thể muôn việc suôn sẻ, khoáng đạt tự tại.
Từ “củi nước” dùng để chỉ tiền lương của người thời nay, nó có điển cố. Ngày xưa học giả và quan lại sống rất đạm bạc, thanh liêm, họ sống vô cùng tiết kiệm, đãi ngộ mà triều đình dành cho họ chỉ đủ để mua củi đun nước, chứ không đủ để mua thức ăn cần thiết khác, nên tiền lương gọi là củi nước.
Đời sống của thiền giả thời cổ đại còn giản đơn hơn thư sinh nữa, cả củi và nước cũng không có người cho, phải tự mình kiếm tìm, cho nên ai cũng phải lao tác. Trong công khóa hằng ngày của họ bắt buộc phải có công phu phụ là gánh nước bửa củi. Thế nên, trong thiền ngữ có câu: “Thần thông cùng diệu dụng, gánh nước và bửa củi.” của cư sĩ Bàng Uẩn (785-806). Đây là tả thật cuộc sống của người đã ngộ thiền. Đối với Thiền giả, trong cuộc sống hằng ngày, nơi nơi là thiền cơ, đối người tiếp vật mỗi mỗi đều có thiền ý.
Cuộc sống chính là thiền. Ở xã hội thời nay, ngoài cuộc sống gia đình, còn có môi trường công tác, hoàn cảnh xã hội. Trong môi trường công tác lại có công nghiệp, thương nghiệp, nông nghiệp, quân đội, công chức, giáo viên, và kể cả những chức nghiệp tự do trong các phương thức sinh hoạt tôn giáo, văn hóa, giải trí, ẩm thực v.v… Không giống như các thiền giả cổ đại có một đời sống đạm bạc, giản dị, từ sớm đến tối chỉ có làm việc và nghỉ ngơi trong tự viện, như các việc ăn cơm, ngủ nghỉ, đi bộ, làm bếp, làm vườn v.v… Cho nên, trong ngữ lục của Thiền tông thường có ghi lại chư Thiền Sư dùng những công việc này biểu đạt trí tuệ hoạt dụng cùa họ. Ví dụ:
1. Sư Nguyên Luật hỏi Đại Châu Huệ Hải (đệ tử Mã Tổ): “Hòa thượng tu đạo có dụng công không?” Sư đáp: “Có.” Hỏi: “Dụng công thế nào?” Sư đáp: “Đói ăn mệt ngủ.”
2. Có vị Tăng hỏi Quy Sơn Linh Hựu: “Đạo pháp của Sư thế nào?” Sư đáp: “Sáng cháo trưa cơm.”
3. Có vị Tăng hỏi Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897): “Học nhân mê muội, thỉnh Thầy chỉ dạy.” Sư hỏi: “Ăn cháo chưa?” Tăng thưa: “Ăn rồi.” Sư bảo: “Rửa bát đi.”
4. Hoàng Bá Hy Vân (847-859) từng nói: “Cả ngày ăn cơm mà chưa từng nhai nát một hạt gạo, cả ngày đi mà chưa từng giẫm lên một phiến đất.”
Bốn ví dụ trên đều nói về việc ăn cơm, trong đó có một ví dụ nói đến việc ngủ, một ví dụ nói việc đi. Thực tế những thứ này đại diện cho những hành động, đi, đứng, ngồi, nằm, mặc, ăn, ở, làm việc v.v… trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Người mê chưa ngộ thấy Đạo rất huyền diệu, tưởng nó rất xa xôi, giống như Khổng Tử nói: “Thấy ở trước mắt, đột nhiên thành phía sau.” Lại nói: “Càng ngó lên thì nó càng cao, càng dùi vào thì nó càng cứng.” Nhưng theo thể nghiệm của Thiền giả thì Đạo không có gì là thần bí, chỉ cần khi phán đoán mọi giá trị của vạn vật lìa sân, lìa ái, lìa trung tâm tự ngã, đó chính là Đạo, là Ngộ, là Giải thoát, là Trí tuệ. Tóm lại, Thiền không rời cuộc sống hiện thực.
Cách đây hai năm, có một cư sĩ cúng dường tôi một hộp lớn nho tươi. Sau khi cúng Phật, anh nhất định bắt tôi ăn trước mặt anh. Tôi cắn thử một miếng, cảm giác vô cùng tươi mát, ngọt lịm, lại có hương thơm ngào ngạt, nên tôi luôn miệng khen ngon, một đệ tử đứng bên cạnh tôi nói: “Sư phụ cũng tham ăn.” Cư sĩ kia cũng ở một bên, hết sức vui mừng. Đến ngày thứ ba, đệ tử để dành toàn bộ số nho đó cho tôi ăn, và cư sĩ kia cũng lại cúng cho tôi thêm hai hộp nho như vậy nữa. Tôi nói với họ: “Tôi không định mở tiệm bán nho, việc gì lại đem nhiều nho cho tôi vậy?”
Hai người họ một tăng một tục cùng nói một lúc: “Sao hôm kia Sư phụ thích ăn, mà hôm nay lại không thích nữa?”
Tôi cười cười nhìn họ, thở dài nói: “Thích ăn là sự thật, nhưng tham ăn thì không phải.” Sau đó tôi nói với họ: “Người tu hành cũng phải có đầy đủ những giá trị phán đoán theo lý thường, theo hiểu biết thông thường, theo thái độ bình thường. Nhưng nếu họ thích thứ ngon, ghét thứ dở thì họ đã rời khỏi đạo tâm rồi.”
Cảnh giới Thiền không thể dùng ngôn ngữ, văn tự, suy nghĩ để giải thích, nói rõ được, nên gọi là tâm pháp ‘chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, truyền ngoài giáo lý.’ Phàm tất cả việc gì thuộc về thời gian quá khứ, hiện tại, vị lai, hay không gian trước sau, trái phải, trên dưới v.v… đều là ký hiệu, không có ý nghĩa nhất định, cũng không đại biểu cho một vật thật. Nhưng sự tồn tại của vũ trụ lìa ngoài những thứ này, nó trở thành quan niệm về hư vô. Chỉ xem chúng ta làm thế nào thể nghiệm, phải thì nơi nơi đều phải, sai thì vật vật đều sai. Điều này trong công án Thiền tông nêu bày rất nhiều. Đó chính là cảnh giới của một thiền giả không rời phương vị, cũng không chấp phương vị, không rời thời gian không gian, cũng không chấp thời gian không gian.
1. Trong Lục Tổ Đàn Kinh viết, khi Lục Tổ đến chỗ Mã Tổ và nói mình từ phương Nam đến, Ngũ Tổ liền hỏi: “Muốn cầu vật gì?” Đáp: “Cầu làm Phật” Ngũ Tổ nói: “Ngươi là người Lãnh Nam, lại là người Liêu (dân tộc thiểu số), làm sao kham làm Phật?” Lục Tổ đáp: “Người có Nam Bắc, Phật tánh vốn không Nam Bắc.”
2. Triệu Châu Tùng Thẩm đến phương Bắc giáo hóa, có vị Tăng mới đến, Sư hỏi: “Từ đâu đến?” Tăng đáp: “Từ phương Nam.” Sư nói: “Phật pháp toàn ở phương Nam, ngươi đến đây làm gì?” Tăng đáp: “Phật pháp có Nam Bắc sao?” Sư thở ra nói: “Chỉ là ông Tăng vác ván.”
Hai tắc công án này mới xem dường như thuộc tầng bậc khác nhau. Trong công án đầu, Lục Tổ Huệ Năng cho rằng: Người có phân ra Nam Bắc, Phật tánh phải là Nam Bắc bình đẳng. Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đối với câu đáp này không khẳng định, cũng không phủ định. Còn trong công án sau, vị Tăng cho rằng: Phật pháp không có chia ra Nam Bắc, bị Thiền Sư Triệu Châu gọi là kẻ đần độn vác ván. Thực ra, những bậc ngộ Thiền, vì để khảo nghiệm người học, nói Nam nói Bắc, mục đích là giương đông kích tây, chỉ muốn phá chấp trước trong tâm cho người học, chẳng liên can gì đến lời nói Đông Tây Nam Bắc kia. Nếu ngay đó nhận được thì sẽ thành cơ linh ngộ thiền.
3. Đệ tử Mã Tổ Đạo Nhất, ngài Tây Đường Trí Tạng (735-814) đến gặp Quốc Sư Huệ Trung, Quốc Sư hỏi: “Mã Đại Sư nói pháp gì?” Tạng đi từ đông qua tây đứng. Quốc Sư hỏi: “Chỉ có cái này, không có gì nữa sao?” Tạng lại đi qua bên đông đứng. Quốc Sư nói: “Đây là của Mã Đại Sư, nhân giả thì sao?” Thiền Sư Trí Tạng đáp: “Đã sớm trình Hòa thượng rồi.”
Trong công án này, một chủ một khách hỏi đáp lẫn nhau, có sắc có thanh, sống động tự tại, có lời mà như không lời, không lời mà là có lời. Pháp của Đại Sư Mã Tổ chỉ có thể tâm lãnh thần hội, đâu thể dùng miệng nói tay trình. Vì đi, đứng, nằm, ngồi bốn oai nghi và tất cả thời gian không gian, phải thì toàn phải, sai thì toàn sai. Cho nên, từ đông qua tây là phải, từ tây qua đông cũng là phải, đó là biểu hiện nhậm vận tự tại. Nếu tâm có chỗ bám, niệm có chỗ chấp thì gặp việc ngưng trệ, chỗ chỗ chẳng thông, việc việc đều sai.
Bất kể bạn là người tin hay không tin Phật, có hay không có học Phật, loại tâm cảnh này của bậc ngộ thiền không thể không biết, không thể không học. Nó sẽ làm cho đời sống của bạn trở nên phong phú hơn, vui vẻ hơn, thiết thực hơn, tự tại hơn. ¤