Thiền Và Ngộ

Bài 13. Thiền - Thân Tâm Bình Thường



I/ Thân tâm bình thường là gì?

Tình trạng thân tâm của một người bình thường gọi là thân tâm bình thường. Người tu sau một thời gian có thành tựu, thân tâm họ cũng được gọi là thân tâm bình thường.

1. Thân bình an

Đối với thân tâm của người bình thường, khi thân không bình thường gọi là bệnh, khi tâm không bình thường gọi là có vấn đề. Nhưng người học Phật chỉ cho đó là bình thường, con người ra đời mang thân thể cha mẹ cho, bản thân cha mẹ không phải hoàn toàn khỏe mạnh, nên bất cứ trẻ sơ sinh nào ra đời cũng mang theo một số bệnh đi vào thế gian.

Có lần tôi đi dạo với một bác sĩ, trên đường anh chào hai người và giới thiệu với tôi họ là bệnh nhân của anh. Tôi rất kinh ngạc vì nhìn họ không giống người bệnh. Tôi hỏi bác sĩ họ bệnh gì, anh nói: “Đứng trên lập trường một bác sĩ, hễ ai có quan hệ với tôi đều là bệnh nhân, tuy Thầy thấy họ có vẻ khỏe mạnh, kỳ thật họ đều có bệnh.” Kể từ đó tôi xác định, dưới con mắt của bác sĩ tất cả mọi người đều là bệnh nhân. Có người tuy đi bác sĩ nhưng gốc bệnh không hoàn toàn hết. Có người bản thân không phát giác mình bệnh, nhưng nhân bệnh đã nằm sẵn trong thân.

Trên thế gian không ai không bệnh, bệnh là việc bình thường. Đã là việc bình thường thì chúng ta phải chấp nhận nó, không nên sợ hãi, lo lắng hay oán hận bệnh. Thân như vậy, tâm cũng như vậy. Tâm chúng ta từ lúc ra đời đến nay luôn không thoả mãn. Đó là vì chúng ta đối với thế gian có hai loại tâm là tìm cầu và chán ghét, tức là tâm tham và sân. Luôn tìm cầu, đắm trước những thứ tốt, luôn chạy trốn, cự tuyệt, phản kháng những gì không tốt.

Có một người mẹ hỏi tôi: “Có phải Phật giáo tin ‘Nhân chi sơ, tính bản thiện’ không?” Tôi hỏi: “Vậy cô tin ‘Nhân chi sơ, tính bản ác’ sao?” Cô đáp: “Phật giáo dạy ai cũng có tính Phật, tất cả chúng sanh đều có Phật tính, có nghĩa là Nhân chi sơ, tính bản thiện. Nhưng tôi không tin, vì tôi có hai đứa con, đứa lớn sau khi ra đời tính tình rất xấu, tâm tham nặng, nếu không thỏa mãn nó, nó sẽ vung tay đá chân, vừa khóc vừa quậy, làm tôi có cảm tưởng nó từ A-tu-la hay ngạ quỷ đầu thai lên. Khi đứa con thứ hai ra đời, tôi nghĩ có lẽ nó sẽ tốt hơn, chẳng ngờ nó còn tệ hơn anh nó. Giữ hai đứa nhỏ này rất vất vả, tôi cho chúng rất nhiều tình thương nhưng chẳng nhận được phản ứng nào, sao cũng không làm chúng hài lòng. Tôi giận quá đánh mắng chúng thì lại làm chúng hận tôi, càng ghét tôi hơn. Từ đó tôi cho rằng Nhân chi sơ, tính bản ác.”

Tôi bảo cô, con người không phải sanh ra là thiện hay là ác, mà là đời này qua đời khác đã mang theo rất nhiều phiền não, nên khi mới ra đời, chưa nhận sự giáo dục của đời này thì tính cách của họ chính là bản tánh, đây là một loại tâm phiền não, họ mang phiền não từ đời trước đến và tự nhiên biểu hiện ra.

Có một người làm từ thiện ở Hương Cảng nói với tôi, nửa đời trước anh chưa từng làm điều lành. Tôi thấy đây là việc bình thường, vì nửa đời trước anh không nghĩ phải làm điều lành, nhìn từ hiện tại thì nửa đời trước anh chưa làm điều lành, nhưng khoảng thời gian đó anh có nghĩ anh là người chưa từng làm điều lành không? Anh có nghĩ mình không phải là người tốt không? Nếu lúc đó anh nghĩ mình không phải người tốt, chắc chắn anh đã làm việc tốt. Nhưng anh cho rằng anh cũng được, không cần phải làm việc tốt gì nữa. Đến nửa đời sau, lúc đã là nhà từ thiện, anh mới kiểm lại và thấy nửa đời trước của mình chưa làm việc tốt. Theo tiêu chuẩn này, thì ai sẽ là người tốt?

Bệnh là bệnh của thân hoặc bệnh của tâm. Hai thứ bệnh này cộng lại sẽ làm chúng ta không tự tại. Nếu chúng ta hiểu đây là một loại thân tâm của người bình thường, thì đối với người thân và những người mình tiếp xúc, chúng ta sẽ có tâm khoan dung, nhẫn nhịn, đồng cảm, thấu hiểu, từ bi. Có câu: “Đồng bệnh tương liên” (Cùng bệnh thương nhau), “Đồng chu cộng tế” (đồng thuyền cùng qua). Chúng ta đều là người bệnh, người bệnh giúp nhau, đây là hiện tượng bình thường. Nếu thấy ai cũng là người khỏe mạnh, chỉ có mình bệnh thì sẽ phát sinh vấn đề, chỉ muốn người tha thứ cho mình, còn mình không chịu tha thứ cho người.

Cho nên, chúng ta phải thấy ai cũng có bệnh nơi thân và tâm, họ làm bất cứ việc gì có lỗi với mình, có lỗi với xã hội, mình cũng nên cho họ một chút cảm thông, xót thương. Đây là tinh thần từ bi trong Phật pháp.

Còn người đã tu hành, thân tâm họ cũng là thân tâm bình thường. Vì sau khi tu, thân tâm họ sẽ có thay đổi, thân bình an, tâm vắng lặng. Tuy thân có thể bệnh, nhưng họ vẫn an định, không vì bệnh mà lo âu, bức bối như kiến trên chảo nóng. Có người sau khi bệnh liền loạn tìm bác sĩ, bác sĩ nào cũng tới, thuốc nào cũng uống, ngược lại giống như một con thuyền mà nhiều thuyền trưởng, chỉ càng tăng thêm bất an. Cũng có nhiều người quá lo lắng cho thân, nhưng bảo dưỡng thân thái quá sẽ làm cho nó tồi tệ hơn. Sau khi tu hành sẽ có nguyên tắc thế này: Thức ăn thô sơ cho nhiều dinh dưỡng, ăn ít sẽ hấp thu nhiều; Không ăn những món quá cầu kỳ, nhưng cần nhai kỹ nuốt chậm, chỉ ăn bảy tám phần, không ăn quá no, không uống quá nhiều, như vậy thân thể tự nhiên bình an.

2. Tâm yên tĩnh

Làm sao để tâm yên tĩnh? Là dùng một pháp tu khiến tâm mình thường ở trạng thái yên tĩnh. Phương pháp thứ nhất là khi nóng giận hay lúc buồn bực tập trung chú ý vào hơi thở, quan sát hơi thở ra vào nơi đầu mũi, tâm sẽ dần yên bình. Giống như người sắp lên diễn giảng hít sâu vài hơi để tâm bớt hồi hộp căng thẳng. Đây cũng là phương pháp cơ bản trong pháp môn Thiền định.

Phương pháp thứ hai là lợi dụng tác dụng chuyển đổi tâm, tức là chuyển chú ý nơi tâm, niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà hoặc Bồ-tát Quán Thế Âm để làm tâm đang xao động quân bình lại. Như lúc nổi giận, bất kể là tin hay không tin Phật, chỉ cần niệm một câu “A-di-đà Phật” là có thể làm tâm bình hòa trở lại. Đừng nghĩ rằng niệm Phật A-di-đà chỉ để sanh về Tây phương Cực Lạc mà thôi, không có công năng gì khác. Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta dùng phương pháp chuyển đổi tâm để diệt trừ các vấn đề phát sinh trong tâm. Đây cũng là một phương pháp tu hành, pháp này có thể dùng những lúc bình thường.

Có người hỏi tôi, lúc anh tức giận thích mắng theo kiểu Tam Tự Kinh, mắng rồi liền bớt giận, niệm Phật có phải cũng giống như cách anh mắng kiểu Tam Tự Kinh không? Tôi nói không giống, mắng kiểu Tam Tự Kinh rồi trong tâm sẽ vẫn còn giận, nhục mạ đối phương khiến họ cũng nổi giận, hai người đều giận lên, phiền não sẽ nhiều thêm. Còn niệm Phật A-di-đà, đối phương nghĩ mình đã hối hận nên cũng hết giận. Vì vậy nó có tác dụng lớn.

3. Mỗi ngày đều là ngày tốt

Một người tu hành đến trình độ khá thì thân tâm sẽ thế nào? Có thể hình dung bằng câu ‘Mỗi ngày đều là ngày tốt’. Người bình thường chúng ta trong một tuần thì ba ngày mưa, hai ngày gió, hai ngày còn lại mây mù. Làm sao có thể mỗi ngày đều là ngày tốt? Đây là câu mà Thiền Sư Vân Môn hỏi đệ tử: “Việc 15 ngày trước không hỏi, tình hình 15 ngày sau thế nào nói ta nghe.” Đệ tử không một ai trả lời được, cuối cùng Ngài tự nói: “Mỗi ngày đều là ngày tốt.”

Khi chúng ta gặp nhau thường hỏi: “Khỏe không?”, “Gần đây tốt không?” Những câu hỏi thăm theo thông lệ thế này chứng tỏ người ta quan tâm đến cuộc sống của nhau xem mỗi ngày có tốt không. Nhưng làm sao mà mỗi ngày đều tốt được? Hoặc là trúng gió, hoặc là nhức đầu, hoặc là không cẩn thận té lổ đầu, hoặc là dọn dẹp bị sướt da v.v… Sao cũng phải có một cái không tốt, làm sao có thể mỗi ngày đều là ngày tốt được?

Tôi từng gặp một Pháp Sư trên bốn mươi tuổi, có lần Thầy bổ củi bị đứt tay, máu chảy rất nhiều. Tôi hỏi: “Thầy có sao không?” Thầy đáp: “Rất tốt, rất tốt.” Tôi nói: “Thầy đã bị đứt hết nửa ngón tay rồi, còn tốt nỗi gì? Có cần tôi giúp không?” Thầy đáp: “Tôi đang tiêu nghiệp, có thể đời trước tôi giết một con heo hay một con trâu nào đó, bây giờ chỉ đứt nửa ngón tay để tiêu nghiệp, về sau sẽ không còn trả nợ nữa.”

Gặp tai nạn có thể xem là ngày tốt không? Đương nhiên có thể. Vì thân tuy chịu khổ, hoặc bị người phê bình, chỉ trích, nhưng chỉ cần trong tâm mỗi ngày đều bình thường, yên tĩnh, như thế không phải mỗi ngày đều là ngày tốt sao?

II/ Thân tâm người hiện nay

Tôi từng gặp một thanh niên trong lúc vô ý đạp lên chân một người có tuổi đang ở bên cạnh, anh hoảng sợ chuồn đi, nhưng người có tuổi kia lập tức đuổi theo, tôi nghĩ không hay rồi, chắc có cãi nhau. Ai ngờ, người nọ đuổi kịp thanh niên, nắm anh lại và nói: “Đừng sợ, xin lỗi anh vì chân tôi đã làm anh sợ.”

1. Thân tâm căng thẳng

Thân tâm người thời nay như thế nào? Thứ nhất là căng thẳng, vì chúng ta cảm thấy thời gian quá ngắn, không gian quá hẹp, người với người tiếp xúc quá nhiều, nhưng quan hệ lại càng ngày càng xa cách. Theo lý thì chúng ta tiếp xúc với người càng nhiều thì quan hệ với người phải càng tốt, nhưng thực tế lại ngược lại. Tại sao? Vì người xưa môi trường sống đơn giản, nên trong quan hệ lấy quan tâm người làm đầu. Còn ngày nay tiếp xúc nhiều người, mà con người lại quá bận rộn, không biết nên quan tâm ai là tốt nhất, do đó không quan tâm đến người khác nữa. Vậy người thời nay quan tâm ai nhất? Quan tâm chính mình. Quan tâm như thế nào? Chính là không ngừng phòng vệ xem những người tiếp xúc với mình có làm gì bất lợi cho mình không, hoặc không ngừng suy nghĩ tìm cách khiến những người tiếp xúc với mình đem lại lợi ích cho mình nhiều nhất. Thế là, chúng ta sống trong một cuộc sống căng thẳng, xem người xung quanh đều là kẻ trộm, kẻ thù, thậm chí tự dọa mình, càng làm tăng thêm căng thẳng cho mình.

Lúc tôi ở Đông Sơ Thiền tự (Nữu Ước), có một cặp vợ chồng và một đứa con đến chùa, vì đã lâu không gặp họ nên tôi hỏi họ khỏe không. Người chồng thưa: “Thưa Thầy, không nói đến thì thôi, nói đến phải nói làm người và sống trong đời thật không dễ dàng! Chúng con mấy tháng nay đều sống trong căng thẳng, chạy đôn chạy đáo, nên hôm nay đến chùa cầu bình an, thả lỏng tâm một chút.” Tôi nghĩ có lẽ họ sẽ ở lại tọa thiền hoặc niệm Phật. Chẳng ngờ anh vội vàng bảo người nhà cùng đốt hương, lạy Phật, xong rồi nhanh chóng ra về. Tôi giữ họ lại, nói: “Đợi một chút, các vị không phải đến cầu bình an sao? Sao lại vội vàng vậy? Đến đây là mong buông xả tâm, khiến tâm yên bình lại, vậy mà các vị lại khẩn trương như vậy. Đến đây là để cầu bình an, tâm phải yên định lại.” Những câu chuyện tương tợ như thế này có rất nhiều.

2. Vật chất kích thích

Trạng thái thứ hai là vật chất kích thích. Vật chất kích thích là chỉ tất cả những gì mắt thấy, tai nghe, miệng ăn v.v…, chỗ nào cũng mê hoặc, muôn màu muôn vẻ, nhiều đến hoa mắt. Những hiện tượng này ở xã hội thời trước không có.

Gần đây có một Phật tử hỏi tôi, vì anh có một chiếc xe con hiệu Mercedes Ben nên gần đây rất phiền phức, vì ở Đài Loan có một tập đoàn chuyên môn theo dõi bắt cóc những người đi xe Mercedes, anh nói: “Cái xe này bây giờ làm sao đây?” Tôi nói: “Bán nó đi.” Anh thưa: “Không thể bán, bán rồi không có xe đi.” Tôi nói: “Đi taxi.” Anh đáp: “Không thể đi taxi, nó bất tiện quá.” Đó chính là điều kiện vật chất làm chúng ta không tự tại. Đi Mercedes thì sợ, không đi thì không thể sống qua ngày. Cho nên, điều kiện vật chất khiến người thời nay không có được cảm giác an toàn.

3. Tâm linh trống rỗng

Thứ ba là tâm linh trống rỗng. Người giàu tài sản không có nghĩa là có khoái lạc và bình an. Khi một người cảm thấy trong tâm trống rỗng sẽ cảm giác lúc nào cũng bị uy hiếp và không dễ thỏa mãn. Tâm linh trống rỗng giống như một cọng lông chim trong hư không, hay như một cánh bèo trên mặt nước trôi vô định, không biết nơi nào sẽ dừng chân, cũng không biết cái gì là chỗ dựa chắc thật. Các vị chắc có nghe qua câu tục ngữ: “Có tiền có thể sai khiến quỷ thần”, có tiền là có thế, có thế là có lực, có lực là có chỗ dựa. Những điều này hình như đã trở thành quan niệm của người thời nay. Nhưng có thật tiền là vật bảo đảm an toàn nhất không? Sự thực, theo đuổi tiền, quyền, thế đều là những việc vừa mất công vừa vô ích.

Người có thế sợ mất thế, người có quyền sợ mất quyền, càng khổ hơn trước khi có quyền thế. Cho nên khi có quyền thế, họ hãi sợ không biết lúc nào quyền thế sẽ mất đi. Do đó, chưa có quyền thế thì tận lực truy cầu, đã có quyền thế thì chính lúc mất đi là lúc thống khổ nhất. Thế nên người thời nay tâm linh trống rỗng nặng nề hơn người xưa rất nhiều, điều kiện vật chất càng phong phú, đời sống tinh thần càng nghèo cùng.

Người thời đại chúng ta là đáng thương nhất. Lấy tôi làm ví dụ, nếu tôi không xuất gia, có thể tôi sẽ thấy tôi rất đáng thương, thậm chí có thể là sống không bằng chết. Vì tôi ở Đài Loan, người Đài Loan nói tôi là người Đại Lục (Trung Quốc), tôi đến Nhật, họ nói tôi là người Trung Quốc, tôi đến Mỹ, người Mỹ nói tôi là người Đông Phương, tôi về Đại lục, họ lại nói tôi là người Đài Loan. Thật không biết rốt cuộc tôi là người ở đâu? Cũng may tôi là người xuất gia, mà người xuất gia thì ‘Người xuất gia không nhà, nơi nơi đều là nhà’. Nếu không, tôi đã thành người lưu lạc chân trời rồi. Tôi không phải người lưu lạc chân trời mà là chủ nhân ở mọi nơi. Bất kể người ta nói tôi thế nào đều chẳng ảnh hưởng, cho nên xuất gia rất tốt. Như tôi đã giảng cho quý vị nghe về “Đi như đến như” (Như Lai Như Khứ), đến bất cứ nơi nào, vào bất cứ lúc nào đều xem nơi đó là quê hương mình. Nhân duyên muốn tôi đi, tôi sẽ đi, đến nơi khác vẫn có thể an thân lập mạng trụ lại. Do đó tâm chúng ta sẽ không sợ hãi.

4. Đánh mất chính mình

Ngoài ra, đánh mất chính mình là vấn đề của người thời nay. Đánh mất chính mình là nói mình bị ngoại cảnh làm mê hoặc, bị thời đại làm mê hoặc, cũng có thể nói là đi vào ngã tư thời đại và ngả rẻ môi trường, không biết hướng nào mới là chỗ về, mới là bờ kia. Có người hỏi tôi: “Ai kêu Thầy xuất gia vậy?” Tôi đáp: “Sư phụ tôi kêu tôi xuất gia.” Lại hỏi: “Lúc đó Thầy có muốn xuất gia không? Từ đó đến nay có khi nào hối hận qua không?” Tôi đáp: “Thực sự tôi không biết có nên xuất gia không, người ta bảo tôi xuất gia thì tôi xuất gia, sau khi xuất gia mới thấy hình như tôi sinh ra là để xuất gia, cho nên, tôi không hề nghi ngờ việc xuất gia là đúng hay sai. Cứ thế tôi đã đi thẳng trên con đường này. Có thể do nhân duyên tôi tốt, hoàn cảnh mê hoặc tôi không nhiều, nên tôi thấy xuất gia rất hay. Vì tôi biết tôi chỉ có khả năng làm Hòa Thượng, những việc khác có lẽ không thích hợp với tôi.”

Nhưng nhiều người không hiểu mình, cũng không biết nên chọn lựa con đường nào, trên suốt con đường sinh mạng có rất nhiều ngã tư đường chắn trước mặt, rồi không biết nên đi về phương nào.

Thế là có nhang khói mịt mù ở miếu Hoàng Đại Tiên (Hương Cảng), người đông tợ thủy triều ở miếu Ma Tổ (Đài Loan). Ngoài ra còn có rất nhiều quầy đoán chữ, xem bói…… chỗ nào cũng làm ăn phát đạt. Đó là vì có quá nhiều người mất phương hướng, không biết phải làm sao nên đi cầu thần, xin xâm, lên đồng, đoán chữ, coi bói…… để cầu chỉ điểm bến mê. Chúng ta đã là người thời nay mà còn mê tín như thế, nguyên do là vì tự mất tín tâm, đành có tâm lý cầu mong vận may, tìm cầu sự giúp đỡ bằng những hành vi mê tín đó.

Để có thể đủ lòng tự tin, tự biết chỗ hay dở của mình thật không dễ dàng. Nếu muốn đạt được mục tiêu tự tin tự biết thì cần có hai phương pháp: Một là dùng giáo lý Phật pháp để dẫn đường, chỉ điểm cho chúng ta. Hai là phải làm quân bình thân tâm. Nếu có lòng tự tin thì sẽ tin sâu Tam Bảo, tin Tam Bảo rồi sẽ càng hiểu rõ mình hơn. Thế nên, các pháp tu trong Phật giáo yêu cầu chúng ta trước tiên phải thấy được cái dở của mình, sau đó biết được cái hay của mình, những điều này là phương thức và cách tu căn bản nhất.

Do đó, công năng tu thiền giúp chúng ta đạt được ba mục đích: Một là thân thể khỏe mạnh, hai là tâm lý quân bình, ba là tinh thần thăng hoa. Sau khi thân thể khỏe mạnh sẽ dễ dàng tiến nhập lĩnh vực tinh thần an khang. Lĩnh vực tinh thần là có đủ trí tuệ hơn, khách quan hơn. Người càng khách quan, cuộc sống tinh thần của họ càng phong phú, sức mạnh tinh thần càng lớn. Rất mong quý vị có cơ hội học tập và ứng dụng các phương pháp tu thiền. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.