Nội dung:
Giải thoát chia làm thân giải thoát và tâm giải thoát. Như người phạm pháp phải ngồi tù, thân bị câu thúc, ra tù là được giải thoát. Tâm giải thoát quan trọng hơn thân giải thoát rất nhiều. Nếu tâm ta không phiền não, không chấp trước, dù bị giam trong ngục, tâm vẫn tự do tự tại.
Có một cư sĩ đến kể cho tôi nghe về một người sắp ngồi tù, trước khi anh ta vào tù có nhiều người nói với anh: “Tốt! Xem như anh có cơ hội bế quan tu hành.” Tôi nói: “Câu này có vấn đề. Với người tâm đã giải thoát tự tại thì vào ngục đối với họ là tu hành. Ngược lại, ngồi tù chỉ là ngồi tù mà thôi.”
Tôi từng bế quan trong núi, trước sau tổng cộng sáu năm. Có người hỏi tôi: “Ở trong đó có phải khổ lắm không?” Tôi đáp: “Nếu ngồi tù thì rất khổ. Còn tôi bế quan tu hành nên tôi tự tại.” Cho nên, không nên cho bế quan là ngồi tù hay ngồi tù là bế quan. Hai thứ này hoàn toàn khác nhau, mà chỗ khác nhau của chúng ở ngay trong tâm ta, tự tại và không tự tại!
Tôi xin kể hai câu chuyện trong Thiền tông. Một là câu chuyện của Tứ Tổ Đạo Tín. Tổ Đạo Tín 14 tuổi xuất gia, gặp Tam Tổ Tăng Xán thưa: “Xin Đại Sư từ bi dạy con pháp môn giải thoát.” Tổ hỏi: “Ai trói ngươi?” Tiểu Sa Di Đạo Tín đáp: “Không ai trói con.” Tổ liền nói: “Vậy cầu giải thoát làm gì?” Đạo Tín ngay đó khai ngộ. Tôi kể câu chuyện này các vị có ngộ không? Xin hỏi ai trói các vị? Có lẽ các vị không hề đi tìm pháp môn giải thoát nên nghe câu chuyện này rồi cũng không ai khai ngộ.
Ý câu chuyện này là: Mình cho là chưa được giải thoát như có ai đó trói mình, nhưng xét kỹ chẳng ai trói mình cả, chỉ là tự mình trói mình. Đã là tự mình trói mình thì chỉ cần mở ra là được. Tứ Tổ hiểu được lý này nên ngay đó khai ngộ. Trong đời có rất nhiều người như vậy, giống như “con tằm kéo kén tự nhốt mình”, tự mình đi tìm phiền phức. Nên người xưa nói: “Thế gian vốn không việc, kẻ ngu tự não phiền.”
Câu chuyện thứ hai là: Có một vị Thiền Sư nói: “Kiến văn giác tri đều là nhân của sanh tử.” Lại nói: “Kiến văn giác tri chính là gốc của giải thoát.” Kiến là thấy, văn là nghe, giác là năm giác quan tiếp xúc, tri là biết. Những thứ này đều là thấy nghe giác biết bình thường của chúng ta. Nếu khi thấy nghe giác biết mà ta khởi tâm phân biệt chấp trước cho chúng là thật, nắm chặt không buông, thì chúng sẽ là nguyên nhân sanh tử. Ngược lại, nếu thấy nghe giác biết bất cứ thứ gì đều nhìn chúng một cách khách quan, không cộng thêm lợi hại được mất cá nhân thì chúng sẽ là căn bản của giải thoát. Nói cách khác, đối với bất cứ việc gì mà đặt mình vào thì sẽ có vấn đề, có phiền phức, còn bỏ đi lợi hại được mất cá nhân tức được giải thoát.
Lúc Phật tại thế, một hôm A-nan theo Phật ra ngoài khất thực, thấy bên đường có một túi vàng, A-nan thưa: “Bạch Thế Tôn, kia là vàng.” Thế Tôn bảo: “Không, đó là rắn độc, đừng nhìn nó.” A-nan không ngó nó nữa. Sau đó, có người đi qua lượm túi vàng mang về nhà. Lúc đó cảnh sát đang truy đuổi kẻ cướp, kẻ cướp chạy mất, quăng túi vàng bên đường. Người lượm túi vàng liền bị cảnh sát bắt và xử như kẻ cướp. Điều này chứng minh rằng: Nếu bạn xem vàng là vàng, nó sẽ trở thành rắn độc, còn bạn xem nó là rắn độc thì vàng không hại gì bạn cả, vì bạn đã sớm rời bỏ nó.
Tâm kinh đoạn đầu có câu: “Bồ-tát Quán Tự Tại hành sâu Bát-nhã-ba-la-mật-đa, Ngài soi thấy năm uẩn đều không liền qua hết thảy khổ ách.” Đoạn này là đoạn quan trọng nhất trong Tâm Kinh. Nó nói rõ người muốn được tự tại thì phải học theo Bồ tát Quán Tự Tại. Bồ-tát Quán Tự Tại là ai? Đó là Bồ-tát Quán Thế Âm, khi Ngài dùng trí huệ cao tột của mình nhìn vạn sự vạn vật trên thế gian liền lìa khỏi tất cả khổ nạn. “Hành sâu Bát-nhã-ba-la-mật-đa” là dùng trí huệ thâm sâu độ thoát các khổ nạn cho chúng sanh. Quyển Đàn Kinh của Lục Tổ là quyển kinh căn bản nhất của Thiền Tông Trung Quốc, có thể nói đây là bộ ngữ lục Tổ Sư căn bản nhất, rõ ràng dễ hiểu mà ngụ ý sâu xa, trong đó có dạy: “Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa là tiếng Phạn, Trung Hoa dịch là Đại Trí Huệ đến bờ kia.” Câu này giải thích “Ma-ha Bát-nhã-ba-la-mật-đa” là dùng đại Trí huệ để đến bờ kia. Thế nên, muốn giải thoát trước phải có trí huệ.
Có một cư sĩ nói sau khi học Phật, tuy nghe được đạo lý giải thoát và tự tại, nhưng không cách chi làm được nên thấy rất đau khổ. Tôi tin rằng đa số người Trung Quốc học Phật đều gặp phải vấn đề này. Vì người Trung Quốc khi giảng pháp Phật đều giảng pháp cao thâm nhất, giảng pháp Phật, pháp Bồ-tát, mà không giảng pháp phàm phu. Cảnh giới từ người đến Phật phải trải qua giai đoạn rất dài lâu. Giảng quá cao thường khiến chúng ta không cách gì làm được rồi thấy mình dường như không đủ tư cách học Phật, càng học càng tệ. Nếu nhìn theo người, yêu cầu theo tiêu chuẩn người, rồi nhờ Phật pháp chỉ đạo làm đến trình độ mà người có thể làm được. Đây chính là trí huệ, là đến bờ kia.
Tự tại có nhiều cấp độ, giải thoát cũng có nhiều cấp độ. Chúng ta không thể việc gì cũng đòi hỏi phải giải thoát, chỗ nào cũng đòi hỏi phải tự tại. Vì những việc này là phải từ từ…
Tự tại là gì? Tự tại có thể phân ra thân tự tại và tâm tự tại. Thân tự tại là thân tiến thối không bị trở ngại, tâm tự tại là trong phiền não mà được giải thoát. Thân tự tại là khi tu đắc thần thông có khả năng biến hóa. Nhưng thần thông có hạn, thần thông của phàm phu không lâu dài. Chỉ trừ khi thành Phật, ngoài ra ai cũng không thể có thân tự tại thật sự. Nếu còn thân xác thịt này, cho dù có thần thông, vẫn không thể thoát chết, thân vẫn không tự tại.
Tâm tự tại là dùng trí huệ quán xét thế giới, không bị thế giới làm chướng ngại. Vì dùng trí huệ nhìn thế giới nên thế giới không có vấn đề. Khi cá nhân có tham, sân, si, mạn, nghi v.v… thì mới thấy thế giới có vấn đề.
Phàm phu là phàm phu. Thánh nhân sau khi tự tại sẽ vĩnh viễn tự tại. Còn phàm phu chỉ có thể dùng Phật pháp dẫn đạo, sửa đổi. Nhưng phiền não ít còn có thể dùng Phật pháp hóa giải, phiền não nhiều không dễ gì hóa giải. Có một số người tự đòi hỏi mình quá cao, mong muốn vừa nghe được Phật pháp, tâm liền tự tại. Điều này không thiết thực. Chúng sanh có tầng lớp thì tự tại cũng có tầng bậc. Chúng sanh thông thường gọi là chúng sanh phiền não, đã là chúng sanh phiền não thì không thể có tự tại chân thật, nên gọi là không tự tại. Có người phiền não nặng, nhưng người khác nhìn vào thấy họ rất vui vẻ, nhưng vừa mới nói họ vui vẻ liền thấy họ nước mắt ngắn dài, đây có thể xem là tự tại sao? Hoặc có người sinh ra trong ngục tù, việc ngoài nhà tù họ không hề biết, có thể họ sẽ thấy ngục tù cũng tốt lắm chứ! Chỉ có người ở ngoài tù bị giam vào tù mới biết ở tù là không tự tại. Giống vậy, chúng ta nhờ Phật pháp biết mình không tự tại, có thể tự mình thể nghiệm, đây là việc vô cùng trân quý.
Tiểu tự tại là của Thánh nhân Tiểu Thừa. Tiểu thừa là chỉ những vị chỉ lo giải thoát cho mình, vì sợ sanh tử khổ nạn trong thế giới hiện thực, nên xa lìa sanh tử, tiến nhập cảnh giới không sanh không tử. Nhưng tự tại chân chính là không sợ sanh tử, cũng không bị sanh tử trói buộc. Thế nên, chúng ta không mong cầu tiểu tự tại này, mà hướng về đại tự tại của chư Phật, Bồ-tát. Vì chỉ có Phật, Bồ-tát mới không sợ sanh tử, không sợ bất cứ khổ nạn nào, và bản thân Quý Ngài cũng không cảm thọ các sự khổ. Bồ-tát Địa Tạng nói: “Tôi không vào địa ngục, ai vào địa ngục?” Lại nói: “Địa ngục chưa không, thề không thành Phật.” Có thể dùng nguyện lực, tự chủ, tự động đến những nơi chúng sanh cần, ra vào tùy tâm, đó gọi là tự tại. Còn chúng sanh bị nghiệp lực trói buộc không đi không được, muốn ra không thể ra, đó là không tự tại.
Giải thoát tự tại là khai ngộ. Mê và ngộ đối nhau. Người ở trong mê không biết ngộ là gì. Còn người sau khi ngộ cũng không thấy ngộ là thật. Người mê không thấy ngộ, người ngộ cũng không cho là mình đã ngộ. Đây gọi là không chấp trước, là chân tự tại. Người mê có “cái tôi” (ngã). Cái tôi là gì? Là Tôi (ngã) và Của tôi (ngã sở). Nhưng phân tích kỹ thì cái tôi này không hề tồn tại, chỉ có “Của tôi” mới tồn tại. Như thân này là thân “của tôi”, không phải “tôi”. Rồi tiền của tôi, nhà của tôi …… Tất cả đều là “của tôi”, không có cái nào thật là “tôi”, không có “cái tôi” tồn tại để có thể chỉ ra được, cảm nhận được. Cho nên cho “của tôi” là “tôi”, đó là mê.
Gần đây tôi có gặp một vị thương nhân lớn tuổi đã nghỉ hưu, ông nói với tôi: “Bây giờ con giải thoát tự tại rồi.” Tôi hỏi: “Ông sao lại giải thoát tự tại?” Ông nói: “Con giao hết tài sản, chức vụ cho con trai, nên con hết việc rồi.” Tôi hỏi: “Con trai ông không phải của ông hả?” Ông nói: “Con trai con đương nhiên là của con, đâu có ai giành được.” Tôi nói: “Ông giải thoát chưa được! Vì con trai ông vẫn là của ông.” Các vị nghĩ xem ông ta giải thoát chưa? Nếu còn quan niệm “của tôi”, còn bất cứ thứ gì thuộc về tôi, thì vẫn là kẻ mê, không phải người ngộ. Thế nên, phàm phu ở trong phiền não, không được giải thoát.
Thánh nhân tiểu thừa sống trong giải thoát, tựa như giải thoát mà không phải là Đại giải thoát. Thật là Đại tự tại của Phật, Bồ-tát Đại thừa là trong tâm không ngã (không có cái tôi). Như Kinh Kim Cang nói: “Không ngã, không nhân, không chúng sanh, không thọ giả.” Không ngã, không nhân, không chúng sanh không có nghĩa không làm gì, mà là dùng lòng từ bi và trí huệ cứu giúp tất cả chúng sanh. Đây mới gọi là chân tự tại.
Ngộ là giải thoát, mê là không tự tại. Có hai thiền giả cùng đi hành khước, giữa đường phát sinh một việc: Vì Thiền Tông có câu: “Nơi có Phật không được ở, nơi không Phật phải qua gấp.” Nơi có Phật không được ở mà nơi không Phật cũng phải qua nhanh. Một hôm, họ đến một ngôi chùa, trong đó có tượng Phật, người mê nói: “Trong chùa có Phật, chúng ta vào đi.” Người ngộ nói: “Đã có Phật phải đi nhanh, không được ở lại.” Lại một hôm, họ gặp một ngôi chùa hoang, bên trong không có tượng Phật, người mê nói: “Trong này không có Phật, chúng ta vào nhe!” Người đã khai ngộ nói: “Chúng ta đi hành khước là để lễ Thánh nhân, đã không có Phật thì vào làm gì? Đi nhanh thôi!”
Tại sao có Phật phải đi, không Phật cũng phải đi? Vì trong tâm không Phật, muốn cầu Phật bên ngoài thì không nơi nào cầu được. Nếu không nhận ra trong tâm có Phật, chỉ thấy Phật ngoài tâm, đó không phải là chân Phật, phải gấp rút nỗ lực tu hành. Ví dụ này nói rõ nếu biết cái gì là giải thoát, cái gì là tự tại, thì chỗ nào cũng là Phật, và chỗ nào cũng không phải là Phật.
Tôi sẽ giải thích tầng thứ của giải thoát tự tại. Có tương tợ giải thoát tự tại, là chỉ cho giải thoát của phàm phu, tức là chúng ta hiểu được bao nhiêu Phật pháp thì sẽ giúp mình giải quyết được bấy nhiêu vấn đề, tu bao nhiêu sẽ giúp mình bấy nhiêu. Có người hỏi tôi: Cầm chuỗi có tác dụng gì? Hay chỉ là để cho đẹp? Đáp: Cầm để lần. Hỏi: Lần chuỗi có công dụng gì? Đáp: Niệm một danh hiệu Phật thì lần một hạt. Có lúc quên niệm nhưng vẫn lần chuỗi, nhưng chỉ cần tay còn đang lần chuỗi thì sẽ nhắc nhở mình đang niệm Phật để nhanh chóng trở lại câu niệm. Hỏi: Niệm Phật để làm gì? Đáp: Có người cho rằng niệm Phật để cầu sanh Tây phương, cầu tiêu tai, cầu bình an. Thật sự, niệm Phật là để an tâm, trừ phiền não. Hỏi: Tâm niệm hay miệng niệm? Đáp: Có câu: “Niệm Phật không ở miệng, tham thiền không ở chân.” Niệm Phật là dùng tâm niệm, chữ niệm (念) phân tích ra sẽ là tâm hiện tại (kim 今(hiện tại) + tâm心). Tâm hiện tại đặt nơi danh hiệu Phật, gọi là niệm Phật. Tham thiền là dùng tâm tham chứ không phải dựa vào công phu tréo chân ngồi kiết già.
Bất cứ pháp tu nào trong Phật giáo đều là để cầu giải thoát tự tại. Vì tâm có phiền não nên niệm Phật, vì gặp khổ nạn nên niệm Thánh hiệu Bồ-tát. Niệm Phật Bồ-tát đương nhiên có cảm ứng, giả như không cảm ứng cũng có chỗ tốt. Người niệm Phật niệm được bao lâu thì bản thân sẽ được bình an bấy lâu. Hai tuần trước, khi tôi ở Đài Loan, có một cô đến hỏi tôi: “Thầy đã giúp con rất nhiều, con xin cảm ơn Thầy.” Tôi nói: “Tôi không nhớ đã giúp cô cái gì.” Cô nói: “Hai năm trước chồng con hay uống rượu, chơi gái. Con hỏi Thầy phải làm sao. Thầy dạy con niệm Chú Chuẩn Đề hai trăm ngàn lần.” Lúc đó tôi thật đã bảo cô ta niệm chú Chuẩn Đề hai trăm ngàn lần, nhất định sẽ có cảm ứng. Cho nên tôi hỏi: “Cô có niệm không?” Cô đáp: “Dạ có.” Tôi hỏi: “Có cảm ứng không?” Cô đáp: “Có.” Tôi hỏi: “Vậy chồng cô bây giờ không uống uống, chơi gái nữa rồi sao.” Cô đáp: “Thưa Thầy, không phải vậy, chồng con vẫn uống rượu, chơi gái như trước.” Tôi ngạc nhiên hỏi: “Vậy cảm ứng của cô là gì?” Cô đáp: “Thưa Thầy, trước đây, mỗi lần chồng con uống rượu con cảm giác như mình cũng say; khi chồng con chơi gái con thấy như mình phạm tội. Bây giờ anh ta cứ uống rượu, chơi gái của anh ta, chẳng liên quan gì đến con nữa. Con chỉ lo chăm sóc tốt gia đình, sống một cuộc sống vui vẻ, khoái lạc. Thế nên con thấy thần chú có cảm ứng! Trước đây khi con biết anh ta ở bên ngoài làm những việc xấu con liền gây gổ với anh, anh muốn ly dị với con, nhiều lúc không đem tiền về nhà, người cũng không thèm về. Lúc đó, gia đình con tưởng tan nát rồi. Còn bây giờ con không cãi với anh nữa, gia đình nhờ đó an hòa. Nên con cảm ơn Thầy.”
Có tu hành, có lòng tin là có giải thoát. Chúng ta tu đến trình độ nào thì ngay trong phiền não được giải thoát tự tại đến trình độ đó. Phàm phu không thể một lần giải thoát là vĩnh viễn giải thoát, nên gọi là tương tợ giải thoát.
Bồ-tát được gọi là Phần chứng giải thoát tự tại. Phần chứng có nghĩa là không phải sau một lần giải thoát liền vĩnh viễn giải thoát. Trình độ giải thoát có sai khác, Bồ-tát địa vị thấp trình độ giải thoát cạn, Bồ-tát địa vị cao trình độ giải thoát sâu. Cho nên từ từ tu hành, đến cuối cùng mới thành Phật, chỉ có Phật mới giải thoát tự tại vĩnh viễn, viên mãn, rốt ráo.
Chúng ta từ phàm phu tiến vào giai đoạn Bồ-tát, rồi từ giai đoạn Bồ-tát tiến đến địa vị Phật. Thế nên, học Phật không thể ham cao cầu xa, không thể một bước đến trời, lập tức thành Phật. Phật pháp Đại Thừa có quan niệm đốn ngộ thành Phật, nhưng đốn ngộ là ngộ lý, còn tu cũng phải từ từ. Thiền tông có câu Đốn ngộ tiệm tu, hoặc Tiệm tu đốn ngộ. Hai quan niệm này thật ra giống nhau. Làm sao tu? Phải thể nghiệm ngay trong đời sống hằng ngày, đây là việc vô cùng quan trọng. Thiền không phải cái gì áo diệu, chỉ cần để tâm trong việc hằng ngày, sẽ thấy nơi nơi đều là Thiền. ¤