Thiền Và Ngộ

Bài 08. Pháp Hỷ Và Thiền Duyệt



∗ Lời Dẫn

Tôi mong mỏi tất cả mọi người đều có thể thể hội được kinh nghiệm tu hành “mọi lúc có pháp hỷ, nơi nơi có Thiền duyệt”. Vì chúng ta có phiền não nên thường cảm thấy không tự tại, đã nghe được Phật pháp thì phải lấy Phật pháp hóa giải các phiền não.

I/ Phương pháp tu hành:

Có hai phương pháp

1. Dùng giáo lý để khai thông

Dùng giáo lý Phật pháp khai thông những phiền não trong nội tâm, tức được “pháp hỷ”. Lúc nào cũng nhờ giáo lý giúp chúng ta tiêu diệt vọng tưởng chấp trước, trừ bỏ trung tâm tự ngã. Mỗi lần gặp khó khăn, đau khổ chúng ta phải dùng giáo lý Phật pháp giải trừ những áp lực, gánh nặng và sự không tự tại đè lên tâm lý.

2. Rèn luyện thân tâm

Dùng phương pháp tu rèn luyện thân tâm chúng ta, chủ yếu là tọa thiền, lễ Phật, tụng kinh v.v… Những phương pháp này giúp chúng ta lấy chánh niệm thay thế vọng niệm. Sau đó nhờ chánh niệm thống nhất tạp niệm, cuối cùng đến chỗ không niệm. Quá trình tu hành này sẽ cho ta “Thiền duyệt”.

II/ Thân tâm chuyên nhất

Sau khi dùng chánh niệm tiêu trừ tạp niệm, trung tâm tự ngã sẽ từ tán loạn đến tập trung. Lúc có thể tập trung là lúc có thể chỉ huy chính mình rồi. Khi tâm tập trung trở thành tâm chuyên nhất, lúc đó sẽ phát hiện sự tồn tại của mình không còn quan trọng nữa. Cá nhân không quan trọng tức là chỉ mình và cảnh, mình và người, cho đến thân và tâm đã không còn đối lập nữa. Đã không đối lập thì đối với bên trong, thân không còn là gánh nặng, đối với bên ngoài, sẽ không có sự tìm cầu hoặc kháng cự, nội tâm luôn ở trong trạng thái thanh bình, an lạc.

Trong kinh Phật ghi chép, nơi nào hay thời đại nào không có Phật pháp mà có thể nghe được quỷ thần hay hóa nhân nói một câu hay nửa câu kệ Phật pháp cũng có thể được pháp hỷ vô lượng. Trong thế giới chúng ta, người chưa nghe qua Phật pháp rất nhiều, các vị chẳng những được nghe Phật pháp, mà còn ít nhất nghe được cả tuần lễ, tuy chưa được giải thoát, nhưng có thể dùng Phật pháp đã nghe được tùy lúc giúp mình xử lý các thứ vấn đề trên mặt tâm lý và quan niệm.

Vì mọi lúc đều tu hành dưới sự dẫn dắt của Phật pháp, cho nên không phút giây nào có thất vọng, đau khổ, bi ai, oán hận hay tật đố.

III/ Nhận biết pháp hỷ

Quý vị rốt cuộc đã nghe được những gì về Phật pháp? Nghe Phật pháp nhiều rồi quý vị có thể sẽ hỏi: “Làm sao chúng tôi mới được vui mừng? Câu nào khiến chúng tôi được hoan hỉ?” Có khi vì chúng ta đã nghe quá nhiều, ngược lại làm cho mình không hiểu rõ sao gọi là Phật pháp. Giống như chúng ta hằng ngày đều hít thở không khí, nhưng có được bao nhiêu người có cảm giác thân thiết, ý thức được không khí khiến chúng ta có được cuộc sống và sinh mạng?

Các vị từng nghe qua “nhân quả”, “nhân duyên”, “tín tâm”, “sám hối”, “tàm quý”, cũng nghe qua “cúng dường”, “phát nguyện”, “hồi hướng”, “thả lỏng mình”, “mở cửa tâm” v.v… Đừng đóng chặt cứng cửa tâm, hãy mở rộng cửa tâm khiến cho tất cả niệm tự do ra vào, mà trong tâm đối với bất cứ thứ gì cũng không lấy bỏ v.v… Những thứ các vị nghe được đó có kể là Phật pháp không?

Sự thực, những thứ này là Phật pháp đại cương, cũng có thể nói là Phật pháp tổng trì.

Tín ngưỡng Tam bảo, bạn sẽ không mất phương hướng tiến lên phía trước. Tin nhân quả, bạn sẽ không oán trời trách người hay đắc ý quên mình. Tin nhân duyên, bạn sẽ không xem việc đau khổ là vĩnh viễn, việc may mắn là thực tại. Biết dùng tâm tàm quý, bạn sẽ không có tâm kiêu căng, ngạo mạn, cũng không có tâm tật đố.

Chúng ta phát nguyện cúng dường là đem thân tâm dâng hiến cho Tam bảo để tu trì Phật pháp, tiếp nhận Phật pháp và phụng sự chúng sanh. Sau khi dâng hiến mình rồi thì việc của mình đã không còn quan trọng nữa. Vì chúng sanh quan trọng hơn mình. Lúc bạn có thể xem chúng sanh quan trọng hơn mình là lúc bạn sẽ không còn phiền não vì mình nữa, và đương nhiên sẽ được hoan hỉ.

Đức Phật dạy chúng ta thiểu dục, tri túc, biết tàm quý. Chỉ có thiểu dục, tri túc mới khiến chúng ta an tâm tu học Phật pháp, và cũng chỉ có thiểu dục tri túc mới hay làm phát khởi tâm tàm quý. Sau khi biết tàm quý mới có thể sám hối những tội lỗi nghiệp chướng xưa kia. Sau khi sám hối, tâm ta mới được an lạc. Đây là Phật pháp, đây là pháp hỷ.

Như vậy, những phương pháp khiến chúng ta có thể được pháp hỷ thật sự rất nhiều. Kinh dạy: “Phật pháp khó nghe nay đã nghe”, có thể nghe được nhiều Phật pháp, tuy chưa thân chứng Thể tính hoặc Không tính của chư pháp, nhưng có thể nghe được chánh pháp của Phật, là điều đáng cho chúng ta hoan hỉ.

IV/ Thể hội Thiền duyệt

Khi đả thiền thất là chúng ta miên mật rèn luyện thân tâm. Lúc mới vào Thiền đường, vì thân thể chưa thích ứng với cách tu thiền nên có nhiều chướng ngại, cảm thấy nặng nề, đau đớn, khó chịu. Nhưng sau khi trải qua sự luyện tập tọa thiền, cơ bắp và thần kinh đã buông lỏng rồi, kinh mạch trong thân thể đã thông, điều này khiến cho thân thể phát sinh cảm giác nhẹ nhàng như trút được gánh nặng. Cảm giác nhẹ nhàng và an định này có thể mang đến cho chúng ta Thiền duyệt.

Đây là vì có thể dùng “phương pháp” tập trung sức chú ý, khiến tâm tản mác, tạp loạn của ta dần dần tập trung, sau đó chuyên nhất, hoặc gần chuyên nhất. Lúc đó tự nhiên sẽ giảm thiểu những xáo động trong tâm, và cảm giác bất lực khi tâm không theo mình, cảm giác mình đang sống trong tâm cảnh tràn đầy tự tin và sức sống, vừa sáng suốt vừa ổn định. Thường biết rõ mình đang ở trong tình huống nào, cũng thường hay biết phàm việc gì cũng ở nơi ta, không cần phải có tâm được mất, ta người, không cần phải buồn bã khổ não. Đây chính là Thiền duyệt.

Tôi thường dạy các vị “buông thả thân tâm”, các vị từ từ đã làm được rồi. Biết cách buông thả sự căng thẳng trong thân tâm chính là các vị đã nếm được hương vị ban đầu của Thiền duyệt rồi.

V/ Biết cách buông thả

Lúc tọa thiền có thể luyện tập buông thả thân tâm, thì bất cứ lúc nào cũng có thể luyện tập. Sau khi luyện tập phương pháp buông thả một thời gian thì lúc nào cũng có thể buông thả thân tâm.

Buông thả thân tâm chính là nghỉ ngơi. Lúc đầu óc cần nghỉ ngơi nên để nó nghỉ ngơi. Lúc thân thể, cơ bắp, thần kinh căng thẳng cũng nên cho nó nghỉ ngơi. Nên để đầu óc và thân thể có được sự nghỉ ngơi đầy đủ, chẳng dùng đầu suy nghĩ, mắt thấy, tai nghe, thân xúc chạm, như thế thì thoải mái làm sao! Trong cuộc sống thường ngày, giữ thân tâm an định, nhẹ nhàng cũng là sự thể nghiệm về Thiền duyệt, như vậy trong đời sống của chúng ta, nơi nơi đều có Thiền duyệt.

Bài này tôi giảng hai từ “Thiền duyệt” và “pháp hỷ”, hai từ này tương quan mật thiết với nhau, các vị ít nhất cũng đã có được một trong hai. Tôi chúc các vị “Mọi lúc pháp hỳ, nơi nơi Thiền duyệt”. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.