Thiền Và Ngộ

Bài 07. Trong Mộng Nói Mộng



∗ Lời Dẫn

Có hai giai đoạn để nói về mộng. Mỗi giai đoạn lại chia làm mấy tầng bậc. Giai đoạn một là mộng của chúng sanh, giai đoạn hai là mộng của chư Phật.

Thật ra chư Phật không có mộng nhưng vì ứng với sự mong cầu của chúng sanh mà vào trong mộng của chúng sanh. Chúng sanh trước khi thành Phật thì ở trong trạng thái nằm mộng mà không tự biết. Cho nên đối với chư Phật, mộng giống như hoa đốm trong hư không, như mặt trăng đáy nước, vốn không thật có. Còn đối với chúng sanh, nằm mộng mà chẳng biết là mộng, lầm cho là thật có.

I/ Mộng của chúng sanh

Mộng của chúng sanh có thể chia làm hai giai đoạn: Trước khi học Phật và sau khi học Phật. Trước khi học Phật mọi việc đều làm ở trong mộng mê, sau khi học Phật thì làm trong nửa tỉnh nửa mê.

Theo kinh nghiệm nằm mộng của người thường, mộng không ngoài những trạng thái sau: 1. Mộng rõ ràng: Sau khi thức dậy cảnh mộng vẫn còn lởn vởn trong đầu, rất lâu cũng không quên. 2. Mộng nửa sáng nửa mờ: Lúc mộng giống như rất sáng suốt, nhưng khi tỉnh dậy lại không biết nắm bắt ở đâu. 3. Mộng mờ mịt: lúc mộng rất mệt, tỉnh dậy thân tâm uể oải, biết từng nằm mộng nhưng nghĩ mãi vẫn không ra đã mộng thấy gì. 4. Mộng có tính dự cảm: Cảnh mộng hay phát sanh trong tương lai. Phàm những người có loại mộng này thường ít nhiều có mang tính chất thần kinh, tính chất thần kinh không hẳn là không tốt, chỉ là dễ tiếp thu những cảm ứng linh thiêng mà thôi. Nếu quá coi trọng những dự báo trong mộng thì dễ gặp phải những sự quấy nhiễu trong cuộc sống. Vì mộng có tính dự cáo vốn không nhiều, nên chẳng cần phải lo lắng đi tìm người giải mộng làm chi. Phàm làm việc gì nên cẩn thận, tích nhiều thiện tâm, siêng niệm danh hiệu Phật A Di Đà hoặc Bồ-tát Quán Thế Âm là được.

Theo quan điểm của Duy Thức học, mộng là hoạt động của Độc đầu ý thức. Độc đầu ý thức là một loại trong thức thứ sáu. Thức có 8: Những tác dụng có liên quan đến thần kinh của mắt, tai, mũi, lưỡi, thân gọi là tiền ngũ thức (5 thức trước), gồm: Nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức. Tác dụng tương ứng với thần kinh trung khu của não gọi là thức thứ sáu. Chấp tàng thức làm cái Ta vĩnh hằng là thức thứ bảy. Tích chứa và làm dẫn phát trở lại các chủng tử nghiệp gọi là thức thứ tám, còn gọi là tàng thức. Trong đó, thức thứ sáu nếu cùng khởi tác dụng với năm thức trước gọi là Ngũ câu ý thức, nếu hoạt động một mình không tương ứng với năm thức trước thì gọi là Độc đầu ý thức. Lúc nằm mộng gọi là Độc đầu ý thức trong mộng, lúc nhập định gọi là Độc đầu ý thức trong định. Do đó, lúc ngủ nếu để tay đè lên ngực, hoặc thân nằm đè lên tay, hoặc một bộ phận cơ thể nào đó bị kích thích mà tạo ra mộng thì không phải là tác dụng của Độc đầu ý thức mà là tác dụng của Ngũ câu ý thức.

II/ Các loại mộng

Tình huống nằm mộng của người thường có thể quy làm 4 loại: 1. Ở trong khoảng đã ngủ đủ nhưng chưa tỉnh dậy dễ nằm mộng. Vì thân thể đã nhận được sự nghỉ ngơi đầy đủ nên lúc này mộng thường rõ ràng dễ chịu. 2. Mới ngủ nhưng chưa ngủ say, thân thể chưa được nghỉ ngơi đầy đủ, lúc này có thể thấy cảnh mộng rất loạn, loại mộng nửa mờ nửa tỏ. 3. Đã thức nhưng nằm nướng chưa dậy, lăn mình qua trùm đầu ngủ tiếp cũng dễ nằm mộng. 4. Thác mộng của linh thể hoặc những lực siêu tâm lý, những điều thấy nghe trong mộng là đến từ cõi giới siêu hình, như trước đã nói không phải ai cũng có kinh nghiệm này, lúc xuất hiện thường rất rõ ràng. Theo kinh nghiệm nhiều người, những mộng trước nửa đêm thường không ứng nghiệm, mộng sau khi ngủ đủ, hoặc những dự cáo của thác mộng hiệu quả tương đối cao. Người học Phật, đặc biệt là những hành giả tu Thiền, cho cảnh mộng chỉ là vọng tưởng hay huyễn cảnh, dù là thác mộng thực cũng không quan tâm lo lắng.

Mộng mang điềm báo là người nằm mộng biết trước được sự việc chưa phát sinh nhưng sẽ phát sinh trong tương lai. Giống như chuột biết trước hỏa tai, kiến biết trước trời mưa, một loại cỏ lá to trong truyền thuyết Đài Loan biết trước bão, một số con chó biết trước điềm xấu v.v… Vì trước khi sự việc phát sinh thì nghiệp lực đã phát động, nhân duyên đã đầy đủ, nhân quả đã thành thục, không có cách gì tránh được sự xuất hiện của nó. Nhìn trên hiện tượng thì việc chưa phát sinh, nhưng xét trên tính tiềm phục thì sớm đã thành hình. Đối với những người có năng lực dự biết trước, hoặc là do ý thức quá bén nhạy, hoặc có duyên phận đặc biệt đối với một sự việc nào đó, thì sẽ mộng thấy sự việc sắp phát sinh.

Tọa thiền cũng phát sinh năng lực biết trước, cảm ứng trước, thấy trước. Khi người tọa thiền ngồi đến vọng niệm ít dấy khởi, lúc đầu óc thanh tịnh sáng suốt thì ngay trước khi thanh âm hay hiện tượng phát sinh đã có thể biết trước, nhưng đây không phải là thần thông mà chỉ là độ linh mẫn cao. Tôi nhớ pháp sư Kế Trình ở Mã lai, trong kỳ đả Thiền thất ở Nhà văn hóa Phật giáo Trung Hoa tại Bắc Đầu, trước khi cây hương cháy hết, người hộ thiền còn chưa đánh kiểng xả Thiền mà Thầy đã nghe trước tiếng kiểng, giống như thời gian chạy ngược, trước sau đảo lộn vậy khiến thầy hết sức kinh ngạc lạ lùng. Dùng cách này giải thích những điềm báo thì không cần phải làm ra vẻ huyền áo nói thần nói quỷ, nếu không sẽ trở thành mê tín. Dù quỷ thần thật sự có, người thần kinh mẫn cảm tự nhiên hệ thống tiếp nhận cũng linh mẫn nên dễ tiếp thu những lực lượng do quỷ thần phát ra. Nhưng điềm báo trước và dự cảm biết trước không phải đều do quỷ thần ban cho, chỉ cần bản thân mình có tâm lực cũng có thể có năng lực này. Do đó, trong cảnh mộng của phàm phu, những cảnh mộng rõ ràng và có điềm báo trước phần lớn là một loại hiện tượng hiển thị những thứ mà thân tâm mình cảm ứng được.

Những loại mộng nói ở trên là những mộng nhỏ hằng đêm trong mộng lớn sanh tử.

Bây giờ nói đến mộng sanh tử trước khi thành Phật, trước khi ra khỏi ba cõi. Chưa ra khỏi ba cõi là “Mộng phần đoạn sanh tử”, đã ra khỏi ba cõi nhưng chưa thành Phật là “Mộng biến dịch sanh tử”, như Vĩnh Gia Đại Sư nói trong Chứng đạo ca: “Trong mộng rõ ràng có sáu thú, giác rồi rỗng rỗng không đại thiên.” Cái mộng này chủ yếu là chỉ mộng phiền não của phần đoạn sanh tử. Nói cách khác, chúng sanh ở trong phiền não sanh tử, không lúc nào, không ở đâu mà không nằm mộng. Từ vô thủy đến nay, nếu chưa ra khỏi sanh tử thì phải lưu chuyển trong sáu đường, giống như đêm dài trôi chậm mà ác mộng lại liên miên, mãi không có ngày cùng.

III/ Mộng đẹp dễ tan

Đương nhiên trong ba cõi cũng có lúc mơ thấy mộng đẹp, như lúc sinh lên cõi trời hay lúc nhập định. Chỉ là “Đêm xuân ngắn ngủi”, mộng đẹp chốc lát là hết. Sau khi phúc hết, định mất cũng sẽ quay trở vào ác mộng sanh tử dài vô tận. Như “mộng hóa bướm” của Trang Chu, hay như “mộng Hàm Đan” đều là mộng đẹp. Trong sử truyện Phật giáo cũng có ghi chép rất nhiều những cảnh mộng trong quá trình tu hành của các vị Đại Đức Cao Tăng. Như Lão Hòa Thượng Hư Vân mộng lên cõi trời Đâu Suất, Hám Sơn Đức Thanh mộng đến phòng tắm của Bồ-tát Văn Thù, Viên Trung Đạo mộng nhận lời mời của em là Viên Trung Lang đến Tây phương Tịnh Độ v.v… Những cảnh mộng này không cái nào là không rõ ràng và đẹp như tranh vẽ, rốt cuộc là thật hay là giả? Nói giả là vì hễ mộng là giả. Nói thật là vì nó tiêu biểu cho tâm cảnh của người tu hành. Chỉ có điều đã biết là mộng thì tất nhiên phải sớm rời bỏ cảnh mộng.

Gần đây cư sĩ Lâm Hiển Chính có dẫn một nữ cư sĩ đến gặp tôi, chú nói với tôi: “Nữ cư sĩ này trước đây không lâu từng bị bệnh phải nhập bệnh viện Vinh Dân, do bệnh tình lạ lùng, các bác sĩ bó tay hết cách, mỗi ngày chỉ chích thuốc và đổ thức ăn vào lỗ mũi để duy trì tính mạng, đến nỗi về sau tìm không được mạch máu nào trên thân để chích thuốc nữa, và cơ bắp đã tóp lại như tổ kiến, sau cùng mất luôn tri giác, các bác sĩ tuyên bố cô đã thành người thực vật không còn thuốc chữa. Cô nằm như vậy trên giường bệnh suốt sáu tháng, đột nhiên kỳ tích xuất hiện, cô từ từ tỉnh lại, có thể cử động tay chân và nói chuyện nho nhỏ. Nhưng cô trở lại từ một thế giới khác, chớ không phải là người trước kia cha mẹ sanh nữa.

Đây là câu chuyện của người nữ cư sĩ này: “Trong sáu tháng đó, theo kinh nghiệm cảm thọ của con lại chỉ là chuyện của một chốc lát. Con hết sức nhẹ nhàng bay đến một thế giới không có sự lo rầu, cũng không có người ở, nơi đó không có bụi đất, không có những vật dơ, không có âm thanh ồn náo, tất cả hoa cỏ cây cối kể cả đất đai đều do vàng bạc châu báu tạo thành, tất cả của báu trên nhân gian không có cách gì hình dung hay ví dụ được, con chỉ cảm giác nơi này sao mà kiên cố, thanh tịnh, vi diệu. Khi ấy tâm con chợt động, tại sao nơi đây không có đất bùn? Con muốn hái một đóa hoa đem về, nhưng lại nghĩ: Mọi thứ đã hoàn mỹ như vậy, hái hoa chỉ là việc làm dư thừa, cho nên rút tay lại. Trong thế giới không người này, tâm con vui thích không thể dùng lời nói diễn tả được. Không lâu sau đó, con rời khỏi thế giới hoa cỏ cây lá đó, đi đến một ngọn núi, ở trên đỉnh núi gặp một đôi nam nữ, người nữ đi phía trước có thai, không biết tại sao đột nhiên té ngã, con lập tức chạy đến đở cô ấy lên, người nam cũng theo lên, con trao thai phụ cho người nam đó. Rồi con thanh thản nhẹ nhàng bay xuống núi, chợt tỉnh lại. Sau khi tỉnh lại, người nhà cho biết con đã bất tỉnh nhân sự sáu tháng, còn trong cảm giác của con thì chỉ là một chốc lát. Cảnh mộng ngắn ngủi như vậy sao thức dậy đã qua 6 tháng? Con nghĩ mãi không hiểu nên đến thỉnh cầu Sư phụ nói cho con biết cảnh giới trong mộng của con rốt cuộc ở đâu?” Tôi đáp: “Thầy không biết giải mộng, nhưng theo những ghi chép mà Thầy đọc được trong Kinh Phật thì cảnh con thấy tương tự nơi biên địa thai sinh được miêu tả trong kinh Vô Lượng Thọ, lấy thai sen tự nhiên hóa sanh làm cung điện, cái nhỏ 100 do tuần, cái lớn 500 do tuần. Trong cung điện to lớn này, 500 năm tính theo thời gian của cõi Tây Phương, không thấy Phật, không nghe pháp, không gặp Bồ-tát, không gặp Thanh Văn. Đây là do tuy có nguyện cầu sanh về cõi Phật nhưng tâm còn sanh nghi ngờ, nên phải sanh trong cung điện vắng vẻ này.”

Người nữ cư sĩ này tại sao đi rồi lại trở về? Có lẽ là vì tình chướng quá nặng, tuy tu phúc tích thiện nhưng không hiểu Phật pháp, không thể đoạn dứt tình ái, nên không nỡ rời chồng con, do đó mà quay trở lại cõi nhân gian.

Cô xác nhận sau khi khỏi bệnh quả thật cô đã sanh cho chồng một đứa con trai khỏe mạnh.

IV/ Mộng của chư Phật

Qua chuyện này chúng ta thấy thời gian trong mộng rất ngắn mà cõi nhân gian đã qua sáu tháng, thế nên biết mộng đẹp hết sức ngắn ngủi. Nhưng cũng có người trong thời gian ngắn ngủi của nhân gian lại mộng một giấc mộng dài, như “mộng Hàm Đan”. Nguyên nhân là vì tiêu chuẩn thời gian thông thường tính theo sự mọc lặn của mặt trời và sự vận động của thân thể. Dưới sự hạn chế về thân thể và môi trường hữu hình cho ta một tiêu chuẩn giống nhau, một khi chúng ta rời khỏi nhục thể và thế giới hữu hình này thì tiêu chuẩn của thời gian không còn nhất định nữa, mà dựa theo sự cảm thọ trong tâm niệm của mỗi người mà thành ngắn hay dài. Tâm niệm hoạt động nhiều thì thấy thời gian dài, tâm niệm hoạt động ít thì thấy thời gian ngắn.

Do đó đối với người mới học Phật như chúng ta, lúc này chính là lúc đang mộng một giấc mộng dài triền miên từ vô thủy kiếp đến nay, và toàn là mộng khổ đau. Còn theo các vị Thánh đã giải thoát như Phật Bồ-tát thì thấy thời gian không tồn tại. Vì Như Lai thường tại định, không có lúc nào không định, trong định không có vọng động nên đương nhiên cũng không có thời gian. Chúng sanh thấy thời gian có ngắn dài vì đang nằm mộng.

Hôm kia, một đệ tử buồn bã đến thưa tôi: “Sư phụ! Sư phụ nên cẩn thận giữ gìn, tối qua con mơ thấy Sư phụ qua đời, con nghĩ Sư phụ chưa già lắm, chẳng nên rời chúng con sớm như vậy, nên đau lòng khóc lớn lên: Sư phụ tôi sao có thể mất chứ?” Khóc đến thức dậy.

Tôi nói: “Chú thật khờ khạo! Sư phụ trong mộng của chú mất còn Sư phụ ở ngoài đâu có mất. Sư phụ không có dính dáng gì đến cảnh mộng của chú.”

Một đệ tử khác hỏi: “Thường có người mộng thấy Sư phụ giáo hóa họ, giúp đỡ họ, lẽ nào cũng không dính dáng đến Sư phụ?”

Tôi đáp: “Cảnh mộng là thật khi đang mộng, ngay lúc mộng thật có Sư phụ, đó là việc trong tâm họ, thậm chí người chưa từng gặp qua sư phụ vẫn có thể mộng thấy sư phụ, sư phụ chẳng hề đi vào trong mộng của họ, nhưng lại cùng nằm mộng với họ.”

Cũng vậy, chư Phật Bồ-tát và những người đã giải thoát, biết chúng sanh nằm mộng sanh tử là khổ, chúng sanh cũng thấy chư Phật Bồ-tát vào biển sanh tử cứu giúp họ, còn chư Phật Bồ-tát không cần phải chìm vào biển sanh tử của chúng sanh đồng chịu khổ nạn, vì đã lìa khổ. Đối với chư Phật Bồ-tát, chúng sanh ở trong biển định thanh tịnh của quý Ngài, tuy có đó mà như không. Còn đối với chúng sanh, chư Phật Bồ-tát ở trong mộng lớn sanh tử của chúng sanh, tuy không hiện hữu nhưng như đang tồn tại.

V/ Đại mộng, ai thức trước?

Sau khi chúng sanh nghe được Phật pháp, y pháp tu hành, đặc biệt là những người tu pháp Thiền, dễ dàng phát giác mình đang nằm mộng sanh tử. Ngay khi biết được mình đang ở trong mộng lớn sanh tử là vị ấy đã đi ra khỏi biên giới của đại mộng sanh tử rồi. Tại sao? Vì có sức Thiền định thì dễ dàng nhận ra tâm quá khứ là mê loạn, hỗn tạp không sạch, giống như đang nằm mộng. Do đó, chỉ cần trong quá trình tu trì Phật pháp có được một chút thọ dụng là vị đó sẽ thấy rõ ràng hơn hiện thực cuộc sống, và sẽ càng tinh tấn tu hành, cộng thêm sự dẫn dắt của Phật lý như Vô ngã, Vô thường, Vô tự tánh không v.v… là có thể đánh thức được cơn mộng mê của mình.

Đã biết rõ mình đang nằm mộng lớn sanh tử thì phải tìm cầu con đường xuất ly. Không chỉ phải ra khỏi mộng khổ, mà còn phải ra khỏi cả mộng vui, vì thời gian khoái lạc dễ dàng trôi qua, thời gian khổ sở thì không cùng tận. Tôi có đọc qua một bài viết trên một tạp chí:  Có vị bộ trưởng, ông cháu ba đời đều làm quan lớn, có người nói: “Vị bộ trưởng này không giống người khác, gia thế tốt, chỗ dựa vững, bối cảnh mạnh, cho nên thuận buồm xuôi gió, như chim bằng bay vạn dặm thẳng lên mây xanh.” Người bình thường cho rằng những vương tôn công tử sanh trong gia đình phú quý, từ nhỏ đã sống cuộc sống yến tiệc, tùy ý muốn làm gì thì làm, là chỗ mà nhiều người đêm ngày mong cầu. Nhưng cảm thọ của vị bộ trưởng này lại không như vậy. Lúc được phỏng vấn ông nói ông không phải sinh ra là có khả năng làm bộ trưởng, ông từ nhỏ tuy không lo lắng việc ăn uống, không phải chịu cái khổ đói lạnh. Nhưng sanh làm con cháu thế gia vọng tộc, ngoài việc phải chịu áp lực từ gia đình và xã hội, còn phải mang sứ mạng hết sức hoàn thành nhiệm vụ. Ông phải nỗ lực nhận sự giáo dục, từ tiểu học đến du học, rồi lấy được bằng tiến sĩ, tuyệt đối không phải là những việc nhẹ nhàng. Trở về nước lại chịu biết bao rèn luyện thử thách, còn phải ở trong chỗ lúc nào cũng phải cảnh giác, chỗ nào cũng phải dụng tâm, người ngoài cuộc không thể nào thể nghiệm được những cay đắng mà ông từng chịu.

Cho nên, mộng phú quý không hẳn là mộng đẹp. Dù là mộng đẹp, lúc tỉnh giấc thì cũng chẳng còn gì. Tuy chẳng còn gì, nhưng khi chưa thức giấc chẳng nên xem thường. Muốn đừng thấy ác mộng phải cố gắng thực hành các việc lành như bố thí v.v… Muốn có mộng đẹp được phú quý hoặc sanh cõi trời thì phải giữ 5 giới tu 10 điều lành, cho đến thực hành Thiền định thế gian. Muốn tỉnh khỏi giấc mộng sanh tử trong 3 cõi thì phải khai mở trí tuệ vô ngã. Thế nên trước khi tỉnh mộng, phải làm các Phật sự trong mộng lành, tức là thường ngày thân không làm việc ác, miệng không nói lời xấu, ý không khởi tà niệm. Như thế có thể bảo đảm đêm không nằm ác mộng, ngày chẳng gặp việc xui. Ngày tỉnh mộng ra khỏi sanh tử cũng sẽ không còn là vô hạn kỳ nữa. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.