Thiện Tài Cầu Đạo

52. Tham vấn Bồ-tát Văn Thù Sư Lợi



Con đường tìm học Bồ tát đạo của Thiện Tài đã gần kết thúc. Rốt cuộc sau những chuyến đi khao khát tìm thầy, học hỏi với biết bao minh sư thiện hữu, Thiện Tài gặp lại chính mình. Từ tâm thức trong sáng vô tư của tuổi trẻ, thâu nhận tất cả lời chỉ giáo, thấy mình giàu có phong phú với bao nhiêu kinh nghiệm, bây giờ đến trước thành Samana, mong được gặp vị thầy hướng đạo đầu tiên, vị thầy làm phát khởi ý nguyện lên đường vì hạnh phúc nhân sinh. Đó là Bồ tát Văn-thù-sư-lợi. Từ xa, một bàn tay ấm áp của thầy đặt trên đầu Thiện Tài, chứng minh chí nguyện thành tựu, một ấn ký cho bước đường du học đã đến lúc viên mãn.

Bồ tát Văn-thù-sư-lợi tượng trưng vị Bồ tát bậc nhất về trí tuệ, trí tuệ nhận ra bản chất thật của các pháp là duyên hợp, các sự vật đều có sự tương quan qua lại với nhau, không một vật nào đứng độc lập mà thành tựu. Tính cách nhân duyên khiến chúng ta biết kính trọng, thông cảm và gần gũi biết bao nhiêu. Từ đó khơi dậy ước muốn đem lại hạnh phúc, giải quyết khổ đau, đó là ước muốn Bồ tát hạnh. Thiện Tài đã lên đường theo khả năng trí tuệ, và cuối cùng nhận ra trí tuệ của các vị thầy hướng dẫn giúp cho chính mình thấy mình rõ hơn, thấy mình là một trong những mắt xích đan xen nhau giữa cuộc đời. Mình không phải nhân vật quan trọng nhất, chỉ là hạt cát trong vô số hạt cát đang nằm kề lên nhau.

Nhận thức này lại khiến cho Bồ tát Văn-thù hài lòng, biết người học trò này đã tốt nghiệp. Sẵn sàng buông bỏ thân tâm để chỉ làm một hạt cát bên bờ đại dương, nằm nghe sóng vỗ.

Bồ tát lên tiếng khuyến khích :

– Lành thay! Thiện nam tử! Người luôn có lòng tin với chánh pháp nên tâm thường tinh tấn, thực hiện công hạnh tròn đủ mà không sanh lòng chấp trước.

Pháp như vậy, sâu xa mầu nhiệm như vậy, công phu như vậy, cảnh giới như vậy, tất cả đều “không thể được”. Rốt cuộc đi tham cầu vất vả, gian nan biết bao, để được một cái “Không thể được”. Tính cách của kinh Hoa Nghiêm diễn tả pháp giới rộng lớn vi diệu vô biên của vũ trụ, mỗi mỗi hạt cát đều chứa đựng pháp thân thanh tịnh, cũng gặp gỡ tinh thần tánh Không của Bát Nhã ở chỗ “Không thể được”, vô sở đắc. Mang trong lòng một tánh không rộng lớn để đi vào vũ trụ rộng lớn, được trí vô biên mà không thấy có vô biên. Chính nhờ sự không thủ đắc nên luôn tiếp bước bồ-đề, hóa thân khắp nơi không trở ngại.

Như máu chảy về tim, lá rụng về cội, Thiện Tài về với vị thầy đầu tiên, cũng chính là tự thân trí tuệ sẵn có nơi mỗi người, chỉ vì bỏ quên mà loanh quanh mệt mỏi “Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt” (Trịnh Công Sơn). Hỡi người nhận lại chính mình, sáng nay sẽ làm gì?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.