Thiện Tài Cầu Đạo

46. Tham vấn Trưởng giả Giải Thoát



Mùa Phật Đản năm nay, cũng như năm ngoái, bệnh dịch đang hầm hừ trên khắp nước, trên những miền xa. Đặc biệt nơi quê hương Ấn Độ, con số tử vong ngột ngạt chi lạ. Thiền viện không dám tổ chức quy mô, chỉ treo đèn, cờ, con đường trước chùa được trang hoàng một đoạn cho có không khí. Dù đóng cửa, mấy em thiếu nhi vẫn lẻn vào cổng trước, cổng sau, góp phần rộn ràng. Nơi miền quê này, không có dịp để gặp gỡ làm công tác trang trí với quý cô, thật buồn chết. Mấy cô cũng cho qua mọi thứ, đem bánh kẹo, nấu ăn cho lũ nhỏ thích ăn cơm chùa. Dễ gì nuôi dưỡng được một đức Phật trong tâm hồn tuổi trẻ. Còn nhớ, hồi rất xa xưa, cháu của Vũ được chọn đóng vai Phật đản sanh, lúc đó mới 4 tuổi, còn nói đớt. Chịu đứng yên để bà ngoại và mấy cậu, mấy dì chụp hình lúc một tay chỉ trời, một tay chỉ đất. Cả nhà vui cười. Thoáng một cái, khi về chùa là thiếu niên học lớp 9, gặp lại mấy cô, cười cười. Hình ảnh Phật ngày xưa còn không?

Thiện Tài đến thành phố Ốc Điền (Bharukaccha) tìm Trưởng giả Giải Thoát. Trưởng giả nói, ta được pháp môn Vô Trước Niệm Thanh Tịnh Trang Nghiêm. Đây là pháp môn Ý niệm không chấp trước, không vướng kẹt vào bất cứ vấn đề, một hoạt động nào. Con đường học đạo là con đường xả ly, buông hết những sở hữu, những thủ đắc. Phật từng hỏi Tu-bồ-đề: Như Lai có chứng đắc đạo chánh giác không? Tu-bồ-đề trả lời: Như Lai không chứng đắc, nếu có chứng đắc thì không bao giờ được gọi là Như Lai, là Phật.

Chỗ trong sáng nhất là chỗ trọn vẹn trống không. Thiện Tài đã từng học với bao nhiêu vị thầy, trải qua nhiều pháp môn vi diệu, nhưng để tiến bước thêm trên đường đạo thì phải đi tới với một nội tâm thảnh thơi, không chứa đựng, dù là chứa đựng một chút pháp.

Bài học Vô trước niệm này cùng bài học Vô y xứ ở trước đều nhằm đẩy mạnh, phủi sạch cho tới khi không còn gì để buông. Câu chuyện kể một vị thần trời đến thăm Phật, hai tay bưng hai chậu hoa đẹp. Phật bảo: Buông xuống. Ông buông chậu hoa bên tay phải. Phật lại bảo  Buông! Ông buông chậu hoa bên tay trái. Phật vẫn bảo: Buông! Ông thưa: Con đã buông hết hai tay rồi. Phật nói: Ta bảo ông buông những ý niệm trong tâm, đừng kéo theo bên mình những tư tưởng, sở đắc…

Chúng ta thường bị vướng bận bởi những tâm tình, tâm sự; không buồn vui thì lại mắc kẹt vì hơn thua, thành bại được mất. Những trò đùa của tâm luôn khiến mình cảm thấy bối rối, quay cuồng. Phải học cách thư giãn, đừng níu giữ một áng mây bay qua. Một người có nói: 

Trong tâm ta có một ngàn chim hồng 

Một mai vỗ cánh tung trời rộng 

Mới thấy lòng mình xa mênh mông…

Để những cánh chim trời bay tự do tự tại, để những cơn gió mát thổi qua, có ai níu giữ một làn hương bay, để thương tiếc một quá khứ đã qua? Tuy nhiên, không phải để tâm trống rỗng, buông sạch mà không có định hướng. 

Trưởng giả Giải Thoát nói, từ khi được pháp môn Vô trước niệm thanh tịnh, ta siêng năng cầu chánh pháp nơi mười phương chư Phật, không ngừng, không dứt. Ý chỉ rằng, đưa tâm tới chỗ hư không, lặng lẽ, nhưng không phải để mặc tâm rong chơi muốn đi đâu thì đi. Có một định hướng để chỉ đạo cuộc đời, có dấu hoa tiêu cho thuyền trên biển rộng. Đó là hướng về hình ảnh giải thoát của chư Phật, hướng về tâm chân như siêu thoát, tu tập tất cả Phật pháp nhiệm mầu, làm tất cả hạnh lành cho muôn loài. Như thế mới xứng hợp bản nguyện của người hành Bồ tát đạo.

Đức Thế Tôn vì thấy cảnh sanh già bệnh chết khổ của con người, xả bỏ phù hoa phú quý, tâm rộng thênh mà tu đạo giải thoát. Khi tâm lặng lẽ trùm khắp muôn nơi, ánh sáng giác ngộ bừng sáng giữa đêm trời sao. Ngài đã đi quanh cội Bồ-đề bảy ngày, cảm ơn một nơi đạt đạo. Ngài dừng trụ tại Bồ Đề Đạo Tràng, nơi ánh quang minh tuyệt đối đã tỏ ngộ, ở đó 49 ngày, chưa vội đi hóa độ.

Một vị thầy của ba cõi, tâm rỗng rang nhưng cách hành xử thật thanh lịch, chu đáo trân trọng với tất cả hữu tình và vô tình. Cho tới bây giờ, Bồ Đề Đạo Tràng vẫn là nơi linh khí sung mãn, mọi người con Phật đều muốn đến lễ lạy.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.