Thiện Tài Cầu Đạo

47. Tham vấn Trưởng giả Diệu Nguyệt



Thiện Tài đã học cách sử dụng tâm linh động tự tại. Khi phóng ra bao trùm cả hư không, khi thâu vào nhỏ nhiệm không để dính mảy may. Mỗi người chúng ta đều có khả năng này, tùy lúc uyển chuyển, tự bấm nút điều khiển mình. Có vị khách đến thăm thiền sư, hỏi: Nghe nói tâm có thể lớn, có thể nhỏ, xin được nghe điều này. Sư bảo: Ông hãy tạo một trường thành rộng lớn. Khách nhắm mắt, nghĩ đến tòa thành nguy nga. Sư lại bảo: Hãy tạo một sợi lông mi. Khách cũng nhắm mắt, tâm chỉ thấy một sợi lông mi bạc. Và đôi khi, nhìn một vành trăng đầu tháng, chợt hiện trên khung trời đêm mờ nhạt, mình lại liên tưởng đến một nét chân mày. “Mày ai trăng mới in ngần”. Thơ văn thường dẫn người đi xa xôi. 

Nên nhớ rằng, tâm nghĩ đến đâu thì lượng của tâm tới đó. Vì thế, kinh văn, giáo lý luôn hướng dẫn chúng ta tu tập mở tâm rộng lớn, dung nạp hết thảy mọi động tác thi vi nhỏ nhặt, hướng về sự lợi ích chung cho mọi người. Đó là tâm lượng Bồ tát.

Từ giã bậc thầy Bhasuraccha, Thiện Tài đến nhà Trưởng giả Diệu Nguyệt, đảnh lễ xin học Bồ-tát đạo. Sở dĩ vị này có tên Diệu Nguyệt vì nhà của ngài thường có ánh sáng nhiệm mầu, soi suốt tất cả lối ra vào. Ngôi nhà tự tâm của chúng ta cũng có ánh sáng trí tuệ thường chiếu soi qua sáu cửa, đó là tánh biết linh động phát ra sáu cơ quan. Tánh này thường hiển lộ khi thấy, nghe, xúc chạm… nhưng mấy ai tỉnh để nhận ra. Một vị thiền sư nói:

Trên núi năm uẩn nhà Phật xưa 

Pháp thân thanh tịnh chiếu đêm mưa 

Nếu khi thấy biết dừng toan tính 

Thể tánh Hoa Nghiêm trùm muôn phương.

Bài này của thiền sư ni Liễu Nhiên, rất nổi tiếng, ý nhắc nhở mọi người rằng trong thân thể này có Phật, thường hiển lộ công dụng trong tất cả thời gian nơi chốn. Chỉ cần sống với tâm vắng lặng, dừng mọi ý niệm chọn lựa yêu ghét, ánh sáng Hoa Nghiêm sẽ chiếu tỏa khắp nơi.

Tinh thần của kinh Hoa Nghiêm là dung nhiếp không chia tách. Trong một pháp có tất cả pháp, trong dở có hay, trong tốt có xấu, đừng cột mình vào một ý niệm riêng tư. Trong một cơn bệnh bất hạnh sẽ có bài học vô thường, thái độ sống lúc này là chia sẻ, nhẫn nhịn, quý trọng từng tấc thời gian. Những bài học của Thiện Tài, trải thân khắp chốn, gặp nhiều người chỉ dạy, thật ra là để nhận lại chính mình, khám phá chính mình. Càng mở rộng lòng làm việc, càng thấy Phật của mình trong vô biên cõi nước.

Trưởng giả Diệu Nguyệt, cho biết ông đạt được môn Bồ tát giải thoát tên Tịnh Trí Quang Minh, nhưng không thể nói hết công hạnh của Bồ tát. Tịnh trí quang minh chính là ánh mắt của trí tuệ thanh tịnh, vừa thấy liền biết không nhảy qua một chút phân biệt. Và ông không nói gì thêm, bảo Thiện Tài đi tìm trưởng giả Vô Thắng Quân.

Ở đoạn trước, vị thầy Biến Hữu không động môi vì muốn im lặng trước lẽ bất nhị của các pháp. Trưởng giả Diệu Nguyệt chỉ nói một lời rồi chỉ sang phương xa, đưa người học sang một vị thầy khác, hàm ngụ rằng, vầng trăng tròn sáng trên hư không kia, ai cũng có, ai cũng thấy, không riêng chiếu cho một ai. Chỉ cần ngẩng đầu lên liền thấy, không hạn cuộc. Vầng trăng ấy rốt cuộc thành tựu ở chỗ không lời. Các bậc thầy thường có lối chỉ dạy đặc biệt, người học nhận ra sẽ thấy lý thú vô cùng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.