Thiện Tài Cầu Đạo

33. Tham vấn Thần đêm Hỷ Mục



Thiện Tài đi về phía tay mặt của Bồ Đề Đạo Tràng, tìm thần đêm Hỷ Mục. Các vị nữ thần đêm thường ở chung quanh cội cây giác ngộ, vì tính cách tỏa sáng mạnh mẽ của sự thức tỉnh, sẽ là năng lượng tiếp sức xua tan đêm tối. Tuy là thần đêm, nhưng là đêm của thức tỉnh an lạc, không phải đêm đen của vô minh. Các vị thần đêm luôn thấu hiểu, cảm thông tận cùng khổ đau của chúng sanh, những giọt nước mắt, những tiếng kêu than sẽ chờ đêm tối để tuôn ra. Vì ban ngày rực rỡ là nơi phô diễn những thành công ngạo mạn, không có chỗ cho sự rút lui nhường nhịn. Ban đêm khiêm tốn để người ta kiểm điểm lại chính mình, khám phá những mặt trái của cuộc đời.

Thiện Tài thấy thần đêm Hỷ Mục đang ngồi trên tòa sư tử quan sát thế giới chung quanh, trên thân của Ngài phát ra vô lượng tia sáng. Mỗi mỗi chân lông, mỗi mỗi vi trần tế bào đều bừng sáng, soi tỏ từng chi tiết trên thân. Trên thân ấy cũng xuất hiện toàn bộ thế giới của cõi Trời, cõi người… cho đến cõi thần tiên, Bồ tát, ma vương… Thần đêm Hỷ Mục chính tự mình biến thân ra giảng dạy đạo lý, chỉ rõ con đường tu tập, đưa hết thống khổ của si mê trở về nơi giác ngộ.

Do đâu mà Ngài được khả năng vi diệu này? Chính từ sự phát tâm cứu độ chúng sanh, từ vô lượng đời kiếp lâu xa về trước. Phát tâm tu tập Phật đạo để làm lợi ích cho hết thảy mọi loài. Phát tâm học hỏi không ngừng để có thể lo cho tất cả ai cần cứu giúp. Chúng sanh nhiều như vi trần, Pháp Phật rộng lớn như biển mênh mông, và lông từ bi cũng phát triển nhiều rộng không có giới hạn. Hạnh nguyện ấy càng phát triển, tâm Bồ-đề càng vững chắc, trí tuệ lại càng quang minh sáng tỏ.

Một vị Bồ tát của ban đêm cần thiết cho biết bao người. Đôi lúc người ta sẽ không biết đến công ơn, biết đến danh tính của vị Bồ tát thầm lặng. Nhưng có cần thiết để phô bày, để nhận lễ tạ ơn? Bồ tát như dòng sông tuôn chảy, đem tươi mới cho vạn vật, ngày cũng như đêm. Có dòng sông nào đêm ngừng chảy? Có thời gian nào đêm ngừng trôi? Tánh của vạn vật chỉ là Một, Bồ tát thể hiện tính cách Một qua bao nhiêu biến thiên cũng không hề bận tâm thế nào là Một, thế nào là nhiều. Đó là trạng thái thường trụ mà trôi chảy.

Kinh Pháp Hoa có câu kệ:

Chư pháp tùng bản lai

Thường tự tịch diệt tướng.

Nghĩa là tướng mạo của các pháp, của vạn vật xưa này vốn là ở trạng thái vắng lặng. Làm sao hiểu nổi vì chung quanh chúng ta, thế giới sinh diệt đến đi rộn ràng không bao giờ ngừng, có khi nào đứng yên. Thiền sư băn khoăn, suy tư vì vấn đề này. Cho đến một hôm mùa xuân về, hoa nở chim hót, vũ trụ bừng nở như một bài thơ. Ngài chợt thấy ra tánh trôi chảy mà vẫn tịch nhiên, vội lấy bút ra đề tiếp hai câu, nối vào bài kệ:

Xuân đáo bách hoa khai

Hoàng oanh đề liễu thượng.

Tạm dịch nguyên bài:

Muôn loài vạn vật xưa nay

Tướng thường lặng lẽ chẳng lay động gì

Mùa xuân vừa đến một khi

Trên cành hoa nở, chim thì líu lo.

Thuận theo dòng sông của sinh mệnh để tâm trôi đi không dính mắc và luôn luôn quên mình để hòa nhập với đời. Một vị Bồ tát đêm không tự phân biệt mình là đêm hay ngày, chỉ đến với chúng sanh vì sự có mặt của mình làm an vui thế giới.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.