Thiện Tài Cầu Đạo

20. Tham vấn Ẩn sĩ Biến Hành



Con kiến bé có bao giờ lận đận

Lối đi về trong cổ lục chiêm bao?

Bùi Giáng

Với cái nhìn trí tuệ của Phật, hành trình chúng ta đang ở đây chỉ như một hạt bụi trong vũ trụ (kinh Lăng Nghiêm). Nếu như thế, những chúng sanh đang sống, đi lại nói cười trên quả đất này, còn nhỏ hơn bụi, chúng nhỏ li ti còn thua một loại virus. Chúng không đáng giá, không giá trị hơn một con kiến lận đận với cuộc hành trình chiêm bao. Nhưng tại sao đức Phật tái hiện vô lượng lần trên trái đất, dùng nhiều phương tiện để dạy chúng sanh tu, hướng dẫn chúng thành tựu sự nghiệp làm Phật, đều có khả năng rộng lớn, có thể mở tung một bản tâm nhiệm mầu. Trong kinh điển diễn tả hành tung của Bồ tát bay đi tự tại, đến thế giới này ăn cơm, đến thế giới kia thuyết pháp… Vậy thì chúng ta nhỏ hay lớn, có giá trị hay không?

Pascal từng nói: “Con người là một cây sậy biết tư duy”. Câu này được truyền tụng trong thiên hạ, nói đúng bản chất mỏng manh yếu ớt của con người. Nhưng trong đó ẩn chứa năng lượng tri thức, trí tuệ vô cùng. Đức Phật từng khuyên chúng sanh không nên phát nguyện sanh làm trời, mặc dù làm trời thì có uy lực muốn gì có nấy. Vì ở chỗ như chư Thiên không có ai biết tu. Lẽ dĩ nhiên, nếu sanh ở nơi quá tệ thì cũng không tu được. Chỉ có làm người, đủ điều kiện để tu. Điều kiện ấy là gì? Con người có những rung động tinh tế, có ước nguyện vươn lên, vượt khỏi hạn chế của kiếp người, có thể làm những điều lợi ích cho người khác mà không kể đến thân mình. Điều này không có một loại chúng sanh nào thực hiện. Cho nên các vị Phật, Bồ tát đều đi lên từ con người. Những chuyến cầu đạo của Thiện Tài cũng chỉ là thực hiện khả năng tột cùng, siêu việt mà thân phận một con người có thể làm được. Miễn là đừng quậy tung thế giới này.

Thiện Tài đến thành Đô-tát-la, tìm hỏi nơi cư ngụ của Ẩn sĩ Biến Hành. Vì đây là lữ khách không có nơi cố định, không biết tìm ở đâu. Chợt trên đỉnh núi xa có dáng người đi kinh hành, vội đến bái yết. Ngài Biến Hành an trụ nơi hạnh Nhất Thiết Xứ Bồ tát – hạnh Bồ tát ở tất cả nơi – Khắp nơi đều là chỗ gặp gỡ giữa Bồ tát và chúng sanh, nơi đâu cũng có Phật. Trong chốn dưỡng lão, nhà tù, nhà thương hay chốn cô nhi, nghèo khổ… tùy trường hợp, tình cảnh mỗi nơi, chúng ta có thể tiếp cận, ủng hộ, giúp đỡ. Trước tiên hãy quan sát người thân gần nhất bên mình, đừng lo vói tay ra xa, làm Bồ tát với người dưng mà bỏ quên những chúng sanh đang ở nhà. Đơn giản là tâm lý chúng ta thường lịch sự dễ thương với người ngoài, vì muốn trình hiện hình ảnh đẹp nhất, còn với người quen thì quen quá rồi, khỏi cần giữ gìn. Đây là điểm zero.

Ẩn sĩ Biến Hành chợt đến rồi đi, không dừng trụ vì không chấp nơi chốn. Khi mang hình thức này, lúc khoác lớp áo kia, không để lại dấu vết. Khắp nơi trong cõi Ta-bà, nơi nào có người cần thì lại đến làm lợi ích. Bồ tát có nhiều hạnh, hoặc là người sửa đường đắp cầu, người giúp việc nhà, người an ủi kẻ đau bệnh… Những năng lực to lớn phát xuất từ tâm rộng rãi, không chấp vào hình tướng địa vị. Nhờ tâm rộng lớn thảnh thơi nên nhận thấy cảnh nào, người nào cũng là sự biểu hiện của chân lý tốt đẹp thiện mỹ. Nếu khi mình giúp mà người không biết ơn thì làm sao? Có thể vì mình và người chưa có duyên sâu, hoặc vì nóng vội muốn tỏ ra là người ban ơn. Mọi sự việc xảy ra đều là một bài học hữu ích, mình chậm rãi suy xét để cảm nhận. Làm vị Bồ tát mà muốn mọi người biết tên tuổi, đăng lên mạng, tìm cách để chụp hình lưu ảnh, thì… ôi thôi.

Vị thầy Biến Hành này là bài học đáng nhớ, làm rồi bỏ đi, không lưu dấu, có thể ở đâu cũng gặp được, nhưng chớ hỏi: What’s your name?


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.