Thiện Tài Cầu Đạo

21. Tham vấn Trưởng giả Ưu-bát-la-hoa



Thiện Tài đến thành Quảng Đại, tham học với trưởng giả Ưu-bát-la-hoa – một vị thầy như hương thơm. Chính tên Ưu-bát-la-hoa là tên một loại hoa sen thường được kể trong kinh.

Ở đây, Thiện Tài học được gì? Tinh thần cầu học không nhàm mỏi nơi chính mình, khiến trí tuệ phát sinh, từ trí tuệ khởi lên hạnh lành, nguyện làm việc lợi ích, siêng làm không ngán. Không chán. Khi nào mệt thì đi shopping tí chút. Tích tụ lâu dần, như từng giọt nước. Việc lành như giọt nước, làm đầy lu nước trong (Pháp Cú). Tâm hạnh lành có một đặc tính phát ra hương thơm lành, hương theo gió bay xa. Trải qua hơn hai mươi lần học đạo, có thể Thiện Tài có cơ hội thấm nhuần hương thanh tịnh. Vị thầy của lần này, chuyên sản xuất các loại hương thơm, dạy cho Thiện Tài cách pha chế hương dược quý báu. Có những loại hương cất giữ dưới cung rồng biển, hương trên núi tuyết, hương cõi trời, các loại quỷ thần… Mỗi loại có hương thơm riêng, tùy nghiệp và tùy công đức đã làm. Riêng loài người, có hương trầm, hay hương chế tạo từ tinh túy hoa hồng, kể cả hương tinh dầu nhân tạo. Điều này có nên kể vào đây không? Có người đẹp chạy xe ngang, thoảng mùi hương thạch thảo, và mình nỗ lực đạp xe chạy theo, chạy theo quên đường về.

Nơi ở của trưởng giả Ưu-bát-la-hoa, dùng hương trí tuệ để tự trang nghiêm, chẳng cần thắp đốt cũng tự thơm lừng:

Riêng ta chẳng dụng điều hòa pháp

Cũng tự thơm lừng chín cõi hương

Thiện Tài lặng lẽ suy nghĩ về bài học của mình. Mỗi vị Bồ tát ví như một loại hương dược quý báu, tùy theo tâm nguyện, có vị làm hương ở cõi trời, cõi người, có vị đến với loài vật, có vị xông pha vào địa ngục, tỏa ra hương thiện lành hạnh đức để cứu độ chúng sanh. Các thứ hương không bao giờ tự giữ mùi thơm của mình. Đặc tính của hương là tỏa ra, bay đi ngát lành. Bản chất của hương là ban cho, là xông ướp mọi nơi một cách bình đẳng vô tư. Một nén hương đốt lên sẽ cháy, sẽ thơm và rồi mất hút trong không gian. Bồ tát cũng vậy, tạo những việc làm, cháy lên với tất cả công hạnh tốt vì mọi người, không giữ lại cho riêng mình. Rồi như một làn hương biến đi, chẳng để lại dấu vết. Bồ tát luôn hồi hướng công đức cho chúng sanh, tặng mùi thơm cho đời.

Tuy ở hoàng cảnh và địa vị sai khác, việc lành thiện luôn có một mùi hương duy nhất; đó là hương bất nhiễm, không bị nhiễm nhơ. Làm thơm cho người, nhưng ngược lại không bị bên ngoài dính mắc. Dù ở trong mọi hoàn cảnh nơi chốn, hương không đem gì về cho chính mình, chỉ để gió mang đi muôn nơi.

Một bài học thật nhẹ nhàng, thanh thản và nguyện mọi người được như diệu hương, đặc biệt lan tỏa với tâm từ bi vô lượng.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.