Mỗi lần cầu đạo là một lần lên đường, một cuộc hành trình hướng đến Bồ-tát đạo. Đó là sự tìm kiếm, học hỏi, trải nghiệm tư cách của một người phụng sự, sống trọn vẹn vì mọi người. Con đường thực hành Bồ-tát đạo không dễ, cũng không khó, nó có sẵn trong tim của mỗi người. Chỉ cần phát tâm là tìm thấy, phát tâm nghĩa là khởi tâm hướng về một điều gì tốt đẹp, hoàn thiện, chân thật. Là niềm mong ước tận thâm sâu làm thế nào để cuộc đời này, thế gian này đẹp hơn, hạnh phúc hơn, không có nhiều khổ nạn.
Ngày sẽ hết tôi sẽ không trở lại
Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu
Tôi sẽ tiếc thương trần gian mãi mãi
Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu.
(Bùi Giáng)
Bồ-tát là âm tiếng Phạn, nghĩa là chúng sanh mang tính chất giác ngộ. Là một người như bao người, nhưng mang tình thương rộng lớn, yêu thương thế gian hết lòng, chỉ muốn trải đời mình làm việc vì mọi người. Tính cách này được biểu tượng hóa bằng hình ảnh một thanh niên trẻ, được khuyến khích đi học đạo, đến gặp hết vị thầy này đến thầy kia, mỗi người có một hạnh, một sở trường khác nhau, một chỉ dẫn không trùng lặp. Tất cả nói lên tính cách đa dạng rộng lớn của Bồ-tát đạo.
Sau khi từ giã tiên ông Tỳ-mục-cù-sa, Thiện Tài tiếp tục đi về phương Nam, đến sứ Ishana, gặp Bà-la-môn Thắng Nhiệt. Bà-la-môn là một nhà tu khổ hạnh. Thiện Tài học được gì với một nhà tu khổ hạnh? Lấy lửa đốt cháy thân mình, lăn mình trên nhiều lớp đao kiếm? Đây dường như là một cách hủy hoại bản thân, một cách tự giết chết sinh mạng của mình. Thiện Tài nổi lên nghi ngờ, khi nghe vị thầy này bảo mình hãy gieo mình vào lửa, hãy nhảy vào núi lửa? Lời dạy này là chánh đạo hay tà đạo? Lúc ấy, các vị chư thiên đồng khen ngợi, đây là pháp tinh tấn hiến mình đệ nhất, để thiêu đốt tất cả phiền não, để soi rọi tất cả mê lầm. Ánh sáng tam muội này soi sáng cả các khung trời xa xôi, đánh thức tâm trí người mê. Ngọn lửa mạnh làm bừng tỉnh những chấp trước vô minh đen tối. Đây là vị Bồ-tát hiện thân người tu khổ hạnh để cứu độ chúng sanh.
Thiện Tài nghe lời dạy, trèo lên núi đao, gieo mình vào lửa đỏ. Ngay lúc ấy, toàn thân thấy thanh lương mát mẻ, lửa đỏ hóa sen hồng.
Bài học này có tính cách ước lệ, nói đến sức dấn thân tột cùng, không sợ hãi e ngại. Con đường học đạo phải mãnh liệt, mạnh mẽ, chịu nhiều nguy hiểm khó khăn. Cho nên thầy trò Đường Tăng đi thỉnh kinh, phải bao phen đối mặt nguy hiểm, mà quỷ chặn đường muốn bắt thầy về nhậu. Thiền sư cũng khuyên người nên một phen quên mình. Tiền thân Phật khi làm Bồ-tát học đạo cũng bao phen bố thí thân mạng. Đây là lúc bố thí tuyệt vời nhất. Kinh Hoa Nghiêm bảo rằng: “Ta có một câu pháp của Phật, có thể làm thanh tịnh cho Bồ-tát. Ông nếu có thể nhảy vào hầm lửa, chịu khổ đau, ta sẽ trao cho ông.”
Bấy giờ, Bồ-tát nghĩ rằng: “Ta vì một câu Pháp của Phật, làm thanh tịnh Bồ-tát, dù cho ba ngàn thế giới đầy lửa, cũng có thể nhảy vào để được nghe kinh, huống gì một ngọn lửa nhỏ.”
Sau khi quên mình, xả thân học đạo, Thiện Tài đã sống trong thế giới hùng mạnh vi diệu, xả trừ ngã chấp, không ngại gì phiền não khổ đau. ¤