Thiện Tài Cầu Đạo

10. Tham Vấn Thiếu Nữ Từ Hạnh



Trong tự truyện của Masanobu Fukuoka, một trong những người chủ trương trồng cây theo tự nhiên, không sử dụng hóa chất, có một trải nghiệm rất đặc biệt. Năm ông 25 tuổi (1938), sau một cơn bệnh nặng, chàng thanh niên tự hỏi về ý nghĩa tồn tại của đời người. Không tìm ra câu trả lời, Fukuoka lang thang qua những ngọn đồi, ngày và đêm. Sau một cơn kiệt sức, ông sụp xuống, té xỉu dưới một gốc cây, vô cùng hoang mang, nửa mê nửa tỉnh. Cùng lúc đó, một tiếng chim vang lên, đánh thức, làm bừng dậy tất cả vũ trụ trong ông. Tất cả hoang mang thống khổ đột nhiên biến mất cùng với làn sương buổi sớm. Một cái gì như là “bản chất thực” hiển bày, một sự thay đổi từ cơ thể đến tâm hồn. Lời đầu tiên thốt ra “thực sự chẳng có gì”, thế giới trở nên tươi đẹp sống động không ngờ. Fukuoka đã tìm thấy bản thể tự nhiên của chính mình, của mọi vật xung quanh. 

Fukuoka, từ đó về sau, đưa đời sống của mình về với thiên nhiên, sau những miệt mài thử nghiệm, ông là người gợi hứng cho người trồng táo không sử dụng phân bón. Những trái táo Nhật Bản nổi tiếng và đắt nhất thế giới. Ông được mời sang Mỹ, nói chuyện với các chuyên gia về đất, về cây trồng. Ông mô tả rằng, mình tưởng Mỹ là một đất nước xanh tươi, nhưng khi bay từ bờ Đông sang bờ Tây, ông thất vọng trước những sa mạc màu nâu, đồi trọc phủ kín bình nguyên bao la của Mỹ. Tác phẩm “ Gieo mầm trên sa mạc ” (Sowing seeds on the desert) của ông, được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Anh, được biết đến qua tiếng Việt năm 2018 (ông mất trước đó mười năm). 

Cuộc đời của Fukuoka, như một thiền sư đương đại, luôn hiến mình cho việc thực tập giác ngộ bằng cách gieo mầm trên những vùng đất cằn cỗi, biến nơi hoang vu thành đồng ruộng mượt mà. Một cuộc đời thực tế và gần gũi với chốn nhân gian. 

Trong chuyến đi học đạo lần thứ mười, Thiện Tài đến thành Sư Tử, tham kiến thiếu nữ Từ Hạnh, học thêm một bài học mới. Từ Hạnh ở trong một ngôi nhà trang nghiêm, mỗi vật trang trí đều hiện lên cảnh giới chư Phật, nếu quan sát kỹ mỗi vật, sẽ thấy ý nghĩa đạo pháp. Cảnh trí thật màu nhiệm, nhưng ngụ ý khuyên chúng ta nhìn mọi sự vật không phải qua sự phân biệt chia chẻ tốt xấu hay dở. Như một người mẹ nhìn con của mình qua những đứa trẻ khác, lúc đó tình thức của người mẹ sẽ thấy con mình dễ thương hơn, đáng yêu hơn. Từ đó thế giới mất đi tánh bình đẳng. Bài học lần này cho biết rằng, các hiện tượng trong thế giới tuy ngàn sai muôn khác, biến đổi vô thường, nhưng sau những lớp sóng vô thường ấy, tất cả đều có chung một bản chất thanh tịnh thường hằng. Một cọng cỏ giá trị như một bông hoa, một hòn sỏi ngang bằng ngôi nhà tráng lệ. Không tin, thử nhìn một cánh chuồn chuồn đang đậu trên cỏ, và bầy kiến mối rủ nhau làm tổ bên những đá sỏi bộn bề. Mọi thứ trở nên đáng yêu, quan trọng như nhau. Có được cái nhìn trong suốt, chúng ta trở nên gần gũi với thiên nhiên, không lơ là chán nản khi đi qua những cung đường chỉ có đất đá. Ở sa mạc, vẫn có cây xương rồng nở hoa. Tánh chơn thật hiện hữu qua cái nhìn xuyên suốt trong veo. Một ngày bừng tỉnh, chúng ta nhìn người và vật với tất cả thương yêu, thông cảm, xóa bớt lỗi lầm nhăn nhó. Bài học này rất cần thiết. ¤


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.