Sử 33 Vị Tổ Thiền Tông Ấn Hoa

32. Tổ Hoằng Nhẫn (Tổ thứ 5 Trung Hoa)



Sư họ Châu, quê ở Kỳ Châu, thuộc huyện Hoàng Mai. Thuở nhỏ, Sư thông minh, xinh đẹp. Có ông thầy xem tướng khen rằng: “Đứa bé này có đầy đủ tướng tốt, chỉ thua Phật 7 tướng thôi.”

Năm 7 tuổi, Sư gặp Tổ Đạo Tín độ cho xuất gia. Từ đây về sau, Sư theo hầu Tổ đến khi được truyền tâm ấn. Khi Tổ tịch, Sư kế thừa trụ trì tại núi Phá Đầu, giáo hóa nơi đây rất thạnh hành. Khi ấy, dân chúng kính mộ tông phong, dù ở xa ngàn dặm cũng tìm đến tham học. Tại đạo tràng này, Tăng chúng thường trực không dưới 500 người.

Khoảng niên hiệu Hàm Hanh (670-674 TL) nhà Đường, có cư sĩ họ Lư tên Huệ Năng từ phương Nam đến yết kiến Sư.

Sư hỏi: – Ngươi từ đâu đến?

Huệ Năng thưa: – Đệ tử ở Lãnh Nam đến.

– Ngươi đến, ý muốn cầu việc gì?

– Đệ tử chỉ muốn cầu làm Phật.

– Ngươi là người Lãnh Nam, lại là người quê mùa, làm sao kham làm Phật?

Huệ Năng liền đáp:

– Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác?

Sư biết là bậc lợi căn, giả vờ nạt bảo:

– Xuống nhà bếp đi!

Huệ Năng đảnh lễ, đi xuống nhà sau lãnh phần bửa củi, giã gạo.

Một hôm, Sư dự biết thời kỳ truyền pháp đã đến, liền gọi đồ chúng đến bảo:

– Chánh pháp khó hiểu, không nên nhớ ghi lời nói suông của ta giữ làm nhiệm vụ của mình. Các ngươi, tùy ý mỗi người thuật một bài kệ, nếu ý ngộ thầm phù hợp, ta sẽ truyền pháp và y bát.

Lúc đó, hội chúng hơn 700 người, ai cũng tôn sùng Thượng tọa Thần Tú làm bậc thầy. Họ đồng bảo nhau:

– Nếu không phải Thượng tọa Thần Tú, còn ai đảm đương nổi.

Họ đồng nhường phần trình kệ cho Thần Tú. Thần Tú thầm nghe lời bàn tán của chúng như vậy, tự suy nghĩ phải làm kệ.

Làm kệ xong, ban đêm ông lén biên lên vách ngoài hành lang:

Thân thị bồ-đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài.

Thời thời cần phất thức,

Mạc sử nhạ trần ai.

Dịch:

Thân là cội bồ-đề,

Tâm như đài gương sáng.

Luôn luôn phải lau chùi,

Chớ để dính bụi bặm.

Sáng ngày, Sư đi kinh hành qua thấy bài kệ, biết là của Thần Tú làm. Sư khen:

– Người đời sau, nếu y bài kệ này tu hành cũng được thắng quả.

Toàn chúng đều đua nhau đọc tụng.

Ở nhà trù, Huệ Năng đang giã gạo, có một ông đạo đi qua tụng bài kệ ấy. Hỏi ra biết của Thần Tú làm, Huệ Năng bèn nhờ dẫn đến chỗ biên kệ đảnh lễ, đồng thời nhờ biên giùm bài kệ hòa lại:

Bồ-đề bản vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài.

Bản lai vô nhất vật,

Hà xứ nhạ trần ai.

Dịch:

Bồ-đề vốn không cội,

Gương sáng cũng chẳng đài.

Xưa nay không một vật,

Chỗ nào dính bụi bặm?

Sư thấy bài kệ này thầm nhận, song không dám nói, sợ e có người tật đố hại Huệ Năng. Sư bôi đi, nói:

– Ai làm bài kệ này cũng chưa thấy tánh.

Sư bèn gọi Huệ Năng nửa đêm vào thất, lấy y che xung quanh, giảng kinh Kim Cang cho Huệ Năng nghe. Đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Huệ Năng bừng ngộ. Sư dạy:

– Chư Phật ra đời chỉ vì một đại sự nhân duyên, bởi chúng sanh căn cơ có lớn nhỏ, tùy đó hướng dẫn, mới có nói ra ba thừa, mười địa đốn tiệm, gọi đó là giáo môn. Như Lai riêng đem Chánh pháp nhãn tạng vô thượng chân thật vi diệu trao cho Tổ Ma-ha Ca-diếp, lần lượt truyền đến đời thứ 28 là Tổ Bồ-đề-đạt-ma. Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang Trung Quốc truyền nối đến đời ta, nay ta đem Đại pháp và y bát đã thọ trao lại cho ngươi. Ngươi phải gắng gìn giữ truyền trao, đừng cho bặt dứt. Nghe ta nói kệ:

Hữu tình lai hạ chủng,

Nhân địa quả hoàn sanh.

Vô tình ký vô chủng,

Vô tánh diệc vô sanh.

Dịch:

Hữu tình đến gieo giống,

Nhân đất quả lại sanh.

Vô tình đã không giống,

Không tánh cũng không sanh.

Huệ Năng thọ pháp và y bát xong, lễ bái thưa:

– Pháp đã nghe dạy, còn y bát có nên truyền cho người sau chăng?

Sư bảo:

– Xưa, Tổ Bồ-đề-đạt-ma sang, là người nước khác, truyền pháp cho Tổ Huệ Khả, vẫn ngại người đời không tin sự truyền thừa của thầy trò, nên lấy y bát truyền cho để làm tín nghiệm. Nay tông môn của ta, thiên hạ đều biết rõ, không còn ai chẳng tin, nên y bát dừng ngay đời ngươi. Song, chánh pháp đến đời ngươi truyền bá càng rộng, nếu còn truyền y sẽ sanh sự tranh giành. Cho nên nói: “người nhận y mạng như chỉ mành”. Ngươi nên đi liền, khéo tránh, thời gian sau sẽ ra hoằng hóa.

Huệ Năng lại hỏi: – Nay con phải đi về đâu?

Sư bảo: – Đến Hoài thì dừng, gặp Hội thì ẩn.

Huệ Năng lãnh dạy, lễ tạ rồi ra đi ngay đêm ấy.

Sau khi truyền pháp, liên tiếp ba hôm, Sư không thượng đường thuyết pháp. Toàn chúng đều nghi ngờ, đồng đến thưa thỉnh. Sư bảo:

– Pháp của ta đã đi về phương Nam rồi. Giờ lại nói gì?

Chúng thưa: – Người nào được?

Sư bảo: – Năng thì được đó.

Chúng biết là cư sĩ Huệ Năng. Họ đồng đuổi theo, song tìm không gặp.

Bốn năm sau, một hôm, chợt Sư gọi đại chúng bảo:

– Việc ta đã xong, đến lúc nên đi.

Sư vào trong thất ngồi an nhiên thị tịch, nhằm niên hiệu Thượng Nguyên thứ 2 (675 TL) nhà Đường, thọ 74 tuổi. Chúng xây tháp ở Đông Sơn huyện Hoàng Mai tôn thờ. Vua Đường Đại Tông truy phong là Đại Mãn Thiền Sư, tháp hiệu Pháp Võ.

Sư có trước tác tập “Tối thượng thừa luận”, hiện giờ còn lưu hành. Sư được ba đệ tử ưu tú: Huệ Năng, Thần Tú, Huệ An.

PHẦN PHỤ:

∗ Tài Tòng Đạo Giả

Một hôm, Tổ Đạo Tín đi viếng núi Long Phong, gặp một vị sư già trồng tòng, thời nhân gọi là Tài Tòng đạo giả.

Vị sư ấy hỏi Tổ rằng:

– Đạo Pháp của Như Lai có thể cho tôi nghe được chăng?

Tổ đáp:

– Tuổi ông đã già, dù có nghe được cũng không hoằng hóa kịp. Nếu có tái sanh được thì ta cũng nán chờ.

Đạo giả nghe dạy rồi từ tạ đi xuống núi. Đến huyện Hoàng Mai, thấy có một cô gái đang giặt áo ở bờ sông, ông chào và hỏi:

– Nhà cô ở gần xa, cô vui lòng cho tôi nghỉ nhờ được chăng?

Cô đáp:

– Tôi còn cha mẹ, không dám tự quyền, mời Sư vào nhà hỏi cha mẹ tôi là hơn.

Ông bảo: – Vậy cô có bằng lòng không cho tôi biết?

Cô đáp: – Riêng tôi bằng lòng.

Đạo giả nghe cô hứa chịu, bèn trở về núi ngồi ngay thẳng viên tịch.

Cô gái kia là con út của nhà họ Châu, sau khi hứa với Đạo giả rồi, không bao lâu có thai. Cha mẹ cô thấy chưa chồng mà có thai là làm ô nhục gia phong, quyết định đuổi cô đi.

Cô đang tuổi trẻ mà mang phải cái nợ giữa đường, sống bơ vơ không chỗ nương đỡ, phải đi kéo chỉ mướn nuôi miệng qua ngày. Đến kỳ, cô sanh ra một đứa con trai xinh xắn, nhưng vì sự kỳ dị không chồng có con, nên cô đành đem thả xuống sông. Sáng ngày, cô thấy đứa bé ngồi xếp bằng trên mặt nước, khí sắc tươi tỉnh lạ thường. Cô vừa lấy làm lạ vừa xót thương nên bồng về nuôi dưỡng.

Đến 7 tuổi, đứa bé gặp Tổ Đạo Tín đối đáp một cách phi thường, được Tổ xin về cho xuất gia, đặt tên là Hoằng Nhẫn.

Hoằng Nhẫn có nghĩa là mẹ nhẫn nhục nuôi con, cũng có nghĩa Tổ Đạo Tín nhẫn chờ đứa bé khôn lớn truyền pháp.

Theo truyện này, Tổ Hoằng Nhẫn là thân sau của Tài Tòng đạo giả.

∗ Thiền Sư Pháp Dung – Ngưu Đầu (594-567 TL)

Sư họ Vi, quê ở Duyên Lăng, Nhuận Châu. Năm 19 tuổi, Sư đã học thông kinh sử, tìm xem bộ Đại Bát Nhã, hiểu thấu lý chân không.

Một hôm, Sư tự than:

– Đạo nho sách đời, không phải pháp cứu cánh. Bát-nhã chánh quán là thuyền bè xuất thế.

Sư bèn vào ở ẩn núi Mao, theo thầy xuất gia học đạo.

Sau, Sư đến núi Ngưu Đầu, ở trong thất đá trên ngọn núi phía bắc chùa U Thê. Lúc đó, có các loài chim tha bông đến cúng dường. Các loài thú dữ quanh quẩn bên Sư không ngớt.

Khoảng niên hiệu Trinh Quán nhà Đường (627-650 TL), Tổ Đạo Tín nhân thấy khí tượng lạ, tìm đến gặp Sư. Nhân đó, Sư được đại ngộ.

Từ khi đắc pháp về sau, nơi pháp tịch của Sư đại thạnh. Khoảng niên hiệu Vĩnh Huy đời Đường (650-656 TL), đồ chúng thiếu lương thực, Sư phải sang Đơn Dương hóa duyên. Đơn Dương cách núi Ngưu Đầu đến 80 dặm, Sư đích thân mang một thạch (tạ) tám đấu, sáng đi chiều về để cúng dường 300 vị Tăng. Như vậy ngót 3 năm, Sư cung cấp không thiếu.

Quan Ấp tể tên Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư giảng Kinh Bát-nhã tại chùa Kiến Sơ. Thính giả vân tập. Sư giảng đến phẩm Diệt Tĩnh, đất chấn động.

Bác Lăng Vương hỏi Sư:

Khi cảnh duyên sắc phát,

Không nói duyên sắc khởi;

Làm sao biết được duyên,

Muốn dứt cái khởi ấy?

Sư đáp:

Cảnh sắc khi mới khởi,

Sắc cảnh tánh vẫn không.

Vốn không người biết duyên,

Tâm lượng cùng tri đồng.

Soi gốc phát chẳng phát,

Khi ấy khởi tự dứt.

Ôm tối sanh hiểu duyên,

Khi duyên, tâm chẳng theo.

Chí như trước khi sanh,

Sắc tâm không nuôi dưỡng.

Từ không vốn vô niệm,

Tưởng thọ ngôn niệm sanh.

Khởi pháp chưa từng khởi,

Đâu cầu Phật chỉ dạy.

Hỏi:

Nhắm mắt không thấy sắc,

Cảnh lự lại thêm phiền.

Sắc đã chẳng quan tâm,

Cảnh từ chỗ nào phát?

Sư đáp:

Nhắm mắt không thấy sắc,

Trong tâm động lự nhiều.

Huyễn thức giả thành dụng,

Há gọi trọn không lỗi.

Biết sắc chẳng quan tâm,

Tâm cũng chẳng quan người.

Tùy đi có tướng chuyển,

Chim bay trông không thật.

Hỏi:

Cảnh phát không chỗ nơi,

Duyên đó hiểu biết sanh.

Cảnh mất hiểu lại chuyển,

Hiểu bèn biến làm cảnh.

Nếu dùng tâm kéo tâm,

Lại thành biết bị biết.

Theo đó cùng nhau đi,

Chẳng lìa mé sanh diệt?

Sư đáp:

Tâm sắc, trước, sau, giữa,

Thật không cảnh duyên khởi.

Một niệm tự ngừng mất,

Ai hay tính động tịnh.

Đây biết tự không biết,

Biết, biết duyên chẳng hợp.

Nên tự kiểm bản hình,

Đâu cầu tìm ngoại cảnh.

Cảnh trước không biến mất,

Niệm sau chẳng hiện ra.

Tìm trăng chấp bóng huyền,

Bàn dấu đuổi chim bay.

Muốn biết tâm bản tánh,

Lại như xem trong mộng.

Ví đó băng tháng sáu,

Nơi nơi đều giống nhau.

Trốn không trọn chẳng khỏi,

Tìm không lại chẳng thành.

Thử hỏi bóng trong gương,

Tâm từ chỗ nào sanh?

Hỏi:

Khi đều đặn dụng tâm,

Nếu là an ổn tốt?

Sư đáp:

Khi đều đặn dụng tâm,

Đều đặn không tâm dụng.

Bàn quanh danh tướng nhọc,

Nói thẳng không mệt phiền.

Không tâm đều đặn dụng,

Thường dụng đều đặn không.

Nay nói chỗ không tâm,

Chẳng cùng có tâm khác.

Hỏi:

Người trí dẫn lời diệu,

Cùng tâm phù hợp nhau.

Lời cùng tâm đường khác,

Hiệp thì trái vô cùng?

Sư đáp:

Phương tiện nói lời diệu,

Phá bệnh đạo Đại thừa.

Bàn chẳng quan bản tánh,

Lại từ không hóa tạo.

Vô niệm là chân thường,

Trọn phải bặt đường tâm.

Lìa niệm tánh chẳng động,

Sanh diệt chẳng trái lầm.

Cốc hưởng đã có tiếng,

Bóng gương hay ngó lại.

Niên hiệu Hiển Khánh năm đầu (656 TL) nhà đường, Ấp tể Tiêu Nguyên Thiện thỉnh Sư xuống núi trụ trì chùa Kiến Sơ, Sư hết lời từ chối mà không được. Bất đắc dĩ, Sư gọi đệ tử thượng thủ là Trí Nham truyền trao pháp ấn và dặn dò tiếp nối truyền dạy tại núi này.

Sư sắp xuống núi bảo chúng:

– Ta không còn bước chân lại núi này.

Lúc đó, chim thú kêu buồn gần suốt tháng không dừng. Trước am có bốn cây ngô đồng, giữa tháng hè bỗng nhiên rụng lá. Năm sau (657 TL), ngày 23 tháng giêng, Sư thị tịch tại chùa Kiến Sơ, thọ 64 tuổi, tuổi hạ được 41. Ngày 27, đưa kim quan lên núi Kê Long an táng, số người tiễn đưa hơn vạn.

Phái thiền của Sư truyền, sau này gọi là Ngưu Đầu Thiền, vì lấy tên núi mà đặt tên. Số môn đồ khá đông, lưu truyền thạnh hành đến sáu đời mới dứt.

Trang trước Mục lục Trang sau


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.