Sư họ Lư, Tổ tiên quê ở Phạm Dương, cha tên Hành Thao, mẹ là Lý Thị. Đời Võ Đức (618-627 TL) nhà Đường, cha Sư làm quan ở Nam Hải, sau dời về Tân Châu. Sư sanh tại Tân Châu.
Sư được 3 tuổi, cha mang bệnh rồi mất, mẹ thủ tiết nuôi con. Sư lớn lên trong gia đình rất nghèo túng. Mỗi ngày, Sư phải vào rừng đốn củi đem ra chợ đổi gạo nuôi mẹ.
Một hôm, nhân gánh củi ra chợ bán, có người mua bảo gánh đến nhà. Sư gánh ngang qua một căn nhà, bỗng nghe người trong nhà tụng kinh, âm ba vang ra, Sư vừa nghe, chợt tỉnh ngộ, hỏi khách:
– Tụng đó là kinh gì? Phát xuất từ đâu?
Khách đáp:
– Kinh Kim Cang, phát xuất từ Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn ở chùa Đông Sơn, tại huyện Hoàng Mai.
Nghe nói xong, Sư tỏ chí muốn tìm đến đó học đạo, song gia cảnh còn mẹ già không ai nuôi. Có người khách hàng quen xin đài thọ số tiền để Sư cung cấp mẹ già. Gặp cơ hội tốt, Sư về xin phép mẹ cho xuất gia, mẹ Sư hoan hỉ cho xuất gia.
Sư khăn gói lên đường, trải hơn một tháng mới đến huyện Hoàng Mai.
Sư vào yết kiến, Tổ hỏi: – Ngươi từ đâu đến ?
Sư thưa: – Từ Lãnh Nam đến.
– Đến đây để cầu việc gì ?
– Đến đây chỉ cầu làm Phật, không cầu việc gì khác.
– Ngươi là người Lãnh Nam, lại là người quê mùa, làm sao kham làm Phật?
Huệ Năng liền đáp:
– Người tuy có Nam Bắc, nhưng Phật tánh vốn không có Nam Bắc, thân quê mùa này cùng với Hòa thượng chẳng đồng, nhưng Phật tánh đâu có sai khác.
Tổ biết Sư là hàng pháp khí, bèn bảo xuống nhà trù làm công quả.
Ở đây, Sư chuyên bửa củi, giã gạo. Cối gạo to, chày đạp lớn, người Sư ốm, không đủ sức nặng cất được chày đạp, Sư phải cột thêm cục đá vào lưng để đủ sức giã gạo. Sư làm công việc nặng nhọc như vậy gần ngót 6 tháng, mà chưa khi nào trễ nải, thối chí.
Một hôm, Tổ xuống nhà trù, đi ngay đến chỗ Sư giã gạo, thấy Sư mang đá giã gạo, Tổ bảo:
– Ngươi vì đạo quên mình như thế ư? Ta biết ngươi căn tánh lanh lợi, nhưng ngại kẻ khác hại ngươi, nên ta không nói chuyện với ngươi, ngươi có biết chăng ?
Sư thưa: – Con đã biết thế.
Tổ biết thời cơ truyền pháp đã đến, liền ra lệnh cho toàn chúng trình kệ. Trong số chúng 700 người đều suy nhường Thượng tọa Thần Tú. Sư nghe bài kệ của Thần Tú, biết là chưa thấy tánh, nên hòa lại một bài kệ. Đọc kệ của Sư, Tổ biết Sư đã thấy tánh.
Mấy hôm sau, Tổ tìm cơ hội xuống nhà trù, đến chỗ Sư giã gạo, hỏi: – Gạo trắng chưa ?
Sư thưa: – Đã trắng mà chưa có sàng.
Tổ bèn cầm gậy gõ trên tay cối ba cái, rồi đi lên.
Canh ba đêm ấy, Sư vào thất Tổ. Tổ truyền pháp và trao luôn y bát cho Sư, dạy đi về phương Nam.
Sư mang y bát đi được mấy hôm, vừa đến Dữu Lãnh, bị một người hiệu Huệ Minh đuổi theo. Sư để y bát trên tảng đá, vào rừng ẩn.
Huệ Minh đến giở y bát lên không nổi, đành phải kêu:
– Hành giả! Hành giả! Tôi đến đây vì pháp, chớ không vì y bát.
Sư nghe nói, bước ra ngồi trên tảng đá, bảo:
– Nếu ông vì pháp, hãy bình tâm lại, nghe tôi nói.
Huệ Minh đứng lặng yên giây lâu. Sư bảo:
– Khi không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?
Huệ Minh nghe câu này liền đại ngộ.
Sư thường tàng ẩn nơi hai ấp Hoài và Hội. Có lúc gặp phải cuộc sống khó khăn, Sư lại gia nhập vào đoàn thợ săn. Đến bữa ăn, Sư hái rau luộc nhờ trong nồi thịt, rồi chỉ ăn rau, không ăn thịt. Như vậy, Sư với hình thức cư sĩ, thường tùy nghi nói pháp cho họ nghe.
Có lần, Sư đến Thiều Châu, gặp ông cư sĩ Lưu Chí Lược kết bạn. Chí Lược có người cô làm Ni, hiệu Vô Tận Tạng, thường tụng kinh Niết-bàn. Sư vừa nghe tụng qua đã hiểu được thâm ý, vì cô giải nói nghĩa thú.
Sư cô đem quyển kinh ra hỏi chữ, Sư bảo:
– Chữ thì tôi không biết, nghĩa tùy cô cứ hỏi.
Sư cô bảo:
– Chữ còn không biết, nghĩa làm sao hiểu nổi?
Sư bảo:
– Diệu lý của chư Phật, chẳng quan hệ gì đến văn tự.
Sư cô nghe nói kinh ngạc, liền báo tin cho các bậc kỳ lão trong làng hay rằng:
– Có bậc đạo sĩ đáng cúng dường.
Dân chúng trong làng nghe tin, đua nhau đến chiêm lễ Sư. Gần đó có ngôi chùa cổ hiệu Bửu Lâm, lâu đời bị đổ nát, dân chúng trong làng hợp sức tu bổ lại, thỉnh Sư về trụ trì. Hằng ngày, tứ chúng bốn phương tụ hội về đông đảo, không bao lâu, ngôi chùa Bửu Lâm biến thành một đạo tràng xinh đẹp.
Chẳng bao lâu, có người theo dõi, Sư lại tìm nơi ẩn tránh.
Ngót 16 năm ẩn tránh, Sư biết cơ duyên hoằng pháp đã đến, bèn đến Quảng Châu, nhằm ngày mùng 8 tháng giêng năm Bính Tý, niên hiệu Nghi Phụng năm đầu (676 TL) nhà Đường. Sư vào nghỉ nhờ ngoài hiên chùa Pháp Tánh.
Hôm ấy, pháp sư Ấn Tông đang giảng kinh Niết-bàn. Trước chùa treo lá phướn, gió thổi phướn phất phơ qua lại. Hai ông đạo lấy đó làm đề tài tranh luận. Người nói: “phướn động”, người bảo “gió động”, bàn qua cãi lại mà không ngã lẽ. Sư đến thưa:
– Có thể cho khách cư sĩ này lạm bàn chăng?
Hai ông đồng ý, Sư bảo:
– Không phải phướn động, không phải gió động, mà tâm nhân giả động.
Mọi người nghe qua đều ngạc nhiên. Họ vào báo cho Ấn Tông biết lời bàn kỳ diệu ấy.
Hôm sau, Ấn Tông mời Sư vào hỏi về lý “Tâm động”. Sư giải rõ thâm lý cực diệu. Ấn Tông bất giác đứng dậy thưa:
– Ngài không phải là người thường. Nghe nói y pháp của Ngũ Tổ Hoàng Mai đã về phương Nam, vậy có phải Ngài chăng?
Sư đáp: – Chẳng dám.
Ấn Tông bèn tập hợp bốn chúng, cầu xin Sư trình bày y bát của Tổ. Sư bèn đem y bát cho đại chúng chiêm bái.
Ấn Tông xin làm đệ tử, đồng thời cầu chỉ dạy thiền yếu.
Đến ngày rằm tháng giêng, Ấn Tông thỉnh các bậc danh đức đến làm lễ thế phát cho Sư. Ngày mùng 8 tháng 2 làm lễ truyền giới Cụ túc cho Sư tại chùa Pháp Tánh. Luật sư Trí Quang làm Tuyên luật sư.
Giới đàn này, đời Tống, Tam tạng Cầu-na-bạt-đà-la đã dự ký trước rằng:
– Sau sẽ có nhục thân Bồ-tát thọ giới tại đây.
Lại, thời Lương mạc, Tam tạng Chân Đế đích thân trồng hai cây Bồ-đề tại giới đàn này và bảo chúng rằng:
– Sau khoảng 120 năm, sẽ có bậc Đại sĩ ở dưới cội Bồ-đề này khai diễn pháp Vô thượng thừa, độ chúng sanh vô lượng.
Sau đó, có quan Thích Sử Thiều Châu tên Vi Cừ, thỉnh Sư đến chùa Đại Phạm thuyết pháp môn vi diệu và thọ giới vô tướng tâm địa. Quan liêu, sĩ thứ và kẻ tại gia, người xuất gia đến dự nghe pháp trên ngàn người. Những thời thuyết pháp tại đây, được đệ tử Sư ghi lại đầy đủ trong kinh Pháp Bảo Đàn.
Năm sau, Sư muốn trở về chùa Bửu Lâm ở Tào Khê là chỗ ẩn xưa kia. Ấn Tông cùng quan liêu, sĩ thứ, đạo tục tiễn đưa có hơn ngàn người. Sư an trú ở đây, Tăng chúng xa gần đua nhau đến tham vấn. Trung bình chư Tăng thường có mặt tại chùa không dưới một ngàn. Sư đã dựng lên cây cờ Đại pháp, bốn phương trông thấy đều hướng về.
Niên hiệu Thần Long năm đầu (705 TL), Vua Trung Tông xuống chiếu sai sứ là Tiết Giản đi thỉnh Sư về triều. Sư từ chối vì lý do bệnh. Trong lời từ chối của Sư có câu: “Tôi nguyện được trọn đời ở chốn núi rừng.”
Tiết Giản thưa:
– Các bậc thiền đức nơi kinh thành đều nói “muốn được hội đạo cần phải tọa thiền tập định, nếu không nhân thiền định mà được giải thoát, là việc chưa từng thấy.” Chưa biết Thầy thường nói pháp dạy người thế nào?
Sư đáp:
– Đạo do tâm ngộ, đâu phải ở ngồi. Kinh nói: “Nếu nói Như Lai hoặc đến, hoặc đi, hoặc ngồi, hoặc nằm là người ấy không hiểu nghĩa ta nói. Vì sao? Vì Như Lai không từ đâu đến cũng không đi đâu.” Vì không từ đâu đến nên không sanh, vì không đi đâu nên không diệt. Nếu không sanh diệt là Như Lai thanh tịnh thiền, các pháp không tịch là Như Lai thanh tịnh tọa. Tột cùng không được, cũng không có chỗ chứng, huống là ngồi ư?
Tiết Giản thưa:
– Đệ tử trở về kinh đô ắt Chúa thượng có hỏi. Cúi xin Hòa thượng từ bi chỉ cho chỗ tâm yếu, ngõ hầu đối cảnh giải rành, khiến cho những học giả ở kinh đô hiểu biết tu hành. Ví như thắp một ngọn đèn, mồi được trăm ngàn ngọn đèn, khiến cho chỗ tối tăm được sáng, sáng mãi không cùng.
Sư bảo:
– Đạo không có tối sáng, tối sáng là nghĩa đối đãi nhau; dù sáng mãi không cùng, cũng là có cùng. Bởi vì đối đãi mà lập danh tự, cho nên Kinh nói: “Pháp không có so sánh vì không có đối đãi.”
– Sáng thí dụ trí huệ, tối thí dụ phiền não. Người tu hành nếu không dùng trí huệ chiếu phá phiền não, thì sanh tử từ vô thủy do đâu được ra khỏi?
Sư bảo:
– Nếu dùng trí huệ chiếu phá phiền não, đây là kẻ tiểu căn Nhị thừa, là xe dê, xe nai, người đại căn thượng trí không như vậy.
Tiết Giản hỏi:
– Thế nào là chỗ kiến giải của Đại thừa?
Sư đáp:
– Sáng cùng không sáng, tánh nó chẳng hai, tánh không hai tức là tánh thật. Tánh thật thì ở phàm phu chẳng bớt, ở Hiền Thánh chẳng thêm, dừng nơi phiền não mà chẳng loạn, đứng nơi thiền định mà chẳng lặng, chẳng đoạn chẳng thường, chẳng đến chẳng đi, chẳng ở giữa và hai bên, chẳng sanh chẳng diệt, tánh tướng như như, thường trụ không dời đổi, gọi đó là Đạo.
Tiết Giản thưa:
– Hòa thượng nói chẳng sanh chẳng diệt, có khác gì chúng ngoại đạo nói?
Sư bảo:
– Ngoại đạo nói chẳng sanh chẳng diệt là đem cái diệt chận cái sanh, lấy cái sanh để bày cái diệt. Diệt vẫn chẳng diệt, sanh nói không sanh. Ta nói không sanh diệt là xưa tự không sanh, nay cũng không diệt, đâu có thể đồng với ngoại đạo ư? Ông muốn rõ được tâm yếu thì đối tất cả việc thiện ác đều chớ suy nghĩ, tự nhiên được vào. Tâm thể trong trẻo thường lặng lẽ, diệu dụng như hằng sa.
Tiết Giản nghe qua liền đại ngộ, lễ bái Sư, trở về triều. Về triều, ông tâu hết tự sự cho vua nghe. Vua càng thêm cung kính và ngợi khen. Vua lại ban chiếu và cúng dường ca-sa, tích trượng, bảo câu. Sắc đổi tên chùa Bửu Lâm là Trung Hưng.
Năm sau, vua lại sắc Thích sử Thiều Châu kiến thiết ngôi chùa Trung Hưng lại và đổi tên là Pháp Tuyền. Chùa của Sư ở trước, tại Tân Châu, đổi tên là Quốc Ân.
Một hôm, Sư bảo chúng:
– Thiện tri thức! Các ngươi mỗi người tịnh tâm nghe ta nói pháp, hết thảy các ngươi tâm mình là Phật, chớ có hồ nghi. Ngoài không có một pháp có thể dựng lập, đều là tâm mình sanh ra muôn pháp. Kinh nói: “Tâm sanh thì các thứ pháp sanh, tâm diệt thì các thứ pháp diệt.” Nếu muốn thành tựu chủng trí phải đạt Nhất tướng tam muội và Nhất hạnh tam muội.
Nếu ở tất cả chỗ mà không trụ tướng, ở trong tướng ấy mà không sanh yêu ghét, chẳng lấy, chẳng bỏ, chẳng nghĩ việc lợi ích, thành hoại, v.v… an ổn thanh tịnh, gọi là Nhất tướng tam muội.
Nếu ở tất cả chỗ đi đứng ngồi nằm, ròng một trực tâm, không dời khỏi đạo tràng liền thành tịnh độ, gọi là Nhất hạnh tam muội.
Nếu người đủ hai tam muội này, như đất có giống hay chứa đựng, nuôi dưỡng, thành tựu được bông trái của nó. Nhất tướng, Nhất hạnh cũng lại như vậy.
Nay ta nói pháp, ví như khi mưa thấm ướt cả đất. Phật tánh của các ngươi ví như các hột giống, vừa gặp thấm ướt liền nảy mầm. Giữ đúng lời ta quyết được Bồ-đề, đúng theo ta dạy mà thực hành nhất định chứng quả Phật.
Niên hiệu Tiên Thiên năm đầu (712 TL), một hôm, Sư chợt gọi đồ chúng đến bảo:
– Ta ở chỗ Tổ Hoằng Nhẫn thọ pháp yếu cùng y bát. Nay tuy nói pháp mà không truyền y bát, bởi vì các ngươi lòng tin đã thuần thục, không còn nghi ngờ, nên chẳng truyền. Nghe ta nói kệ:
Tâm địa hàm chư chủng,
Phổ vũ tất giai manh.
Đốn ngộ hoa tình dĩ,
Bồ-đề quả tự thành.
Dịch:
Đất tâm chứa các giống,
Mưa khắp ắt nảy mầm.
Hoa tình vừa đốn ngộ,
Trái Bồ-đề tự thành.
Sư lại bảo:
– Pháp ấy không hai, tâm ấy cũng vậy. Đạo kia thanh tịnh, cũng không các tướng. Các ngươi dè dặt chớ quán tịnh và tâm kia không. Tâm này sẵn tịnh, không lấy bỏ, mỗi người tự nỗ lực, tùy duyên đi an lành.
Sư thuyết pháp độ sanh đã được 40 năm. Trước đây, Sư đã sai người về chùa Quốc Ân ở Tân Châu xây tháp. Đến ngày mùng 6 tháng 6 năm này, Sư lại sai người đến đốc suất làm nhanh. Đến ngày mùng 1 tháng 7, niên hiệu Tiên Thiên thứ 2 (713 TL), Sư gọi môn nhân bảo:
– Ta muốn trở về Tân Châu, các ngươi lo sửa soạn thuyền.
Lúc ấy, đại chúng đều buồn bã, thỉnh Sư ở nán lại. Sư bảo:
– Chư Phật ra đời vẫn thị hiện vào Niết-bàn. Có đến ắt có đi, lẽ đó là việc thường vậy, thân hình hài của ta, về ắt có chỗ.
Chúng hỏi: – Hôm nay thầy đi bao giờ trở lại?
Sư bảo: – Lá rụng về cội, trở lại không hẹn.
Chúng hỏi: – Pháp nhãn tạng, thầy sẽ trao cho người nào?
Sư bảo: – Có đạo thì được, vô tâm thì thông.
Chúng thưa: – Thầy để lời di chúc xem có nạn không?
Sư bảo:
– Ta diệt độ khoảng năm, sáu năm ắt có người đến lấy đầu ta. Nghe ta nói kệ:
Đầu thượng dưỡng thân,
Khẩu lý tu xan.
Ngộ Mãn chi nạn,
Dương Liễu vi quan.
Dịch:
Trên đầu nuôi thân,
Trong miệng để ăn.
Gặp Mãn gây nạn,
Dương Liễu làm quan.
Sư nói tiếp:
– Sau khi ta diệt độ khoảng 70 năm, có hai vị Bồ-tát từ phương Đông đến, một tại gia, một xuất gia, chung hưng hóa Phật pháp, sửa lại các ngôi già-lam, nâng đỡ tông chỉ của ta.
Sư về đến Tân Châu, vào chùa Quốc Ân, tắm gội xong, ngồi kiết già, an nhiên thị tịch. Khi ấy có mùi hương lạ xông ra, móng trắng vòng chí đất. Sư tịch ngày mùng 2 tháng 8 năm Quý Sửu, niên hiệu Tiên Thiên thứ 2 (713 TL), đời Đường, thọ 76 tuổi.
Bấy giờ, môn đồ hai châu Thiều và Tân muốn đem hài cốt Sư về châu mình an táng. Bàn nhau không ngã lẽ, phải thắp hương cầu nguyện ý Sư; nếu khói hương bay về đâu, thì vâng theo ý đó. Khói hương bay thẳng hướng Tào Khê. Thế là, môn đồ ở Thiều Châu sửa soạn đưa linh cữu Sư về nhập tháp. Ngày 13 tháng 11, đưa linh cữu về nhập tháp tại bên bờ khe Tào Hầu, nay là chùa Nam Hoa.
Vua Đường Hiến Tông truy phong Sư là Đại Giám Thiền sư, tháp hiệu Nguyên Hòa Linh Chiếu.
Môn đệ của Sư đắc pháp và hoằng hóa sau này có cả thảy 43 vị:
1) Hành Tư ở núi Thanh Nguyên
2) Hoài Nhượng ở Nam Nhạc
3) Pháp Hải
4) Huệ Trung
5) Bổn Tịnh
6) Thần Hội
7) Huyền Giác
8) Huyền Sách
9) Tam Tạng Quật-đa v.v…
Những lời Sư chỉ dạy có thể đa số được sưu tập trong quyển Pháp Bảo Đàn Kinh.
Trang trước | Mục lục | Về Trang chủ |