Phổ Đà Sơn Dị Truyện

44. Bút Tích Tiên Sinh Ai Ngụy Tạo; Thử Tìm Lai Lịch Rõ Thực Hư



Nay xin đưa ra đây những lời dẫn của Pháp sư Ấn Thuận trả lời về vấn đề nói trên, để độc giả tham khảo, để chứng minh việc này không phải là người đời sau ngụy tạo.

Về bài “Phổ Đà Chí Dị” của Tôn Trung Sơn tiên sinh, có người cho rằng do Trần Khứ Bệnh viết thay, có người không tin là như vậy. Nhưng dù là thật hay giả, thì việc thấy điều thần dị ở núi Phổ Đà là điều không thể phủ nhận được. Tôi đọc bài viết của Triệu Quân gửi đến, nghĩ đến những lời giải thích mà tôi đã được nghe, nên có giữ lại bài đó để làm tài liệu tham khảo trong việc khảo cứu bài văn đó.

Dân Quốc năm thứ 23, vào cuối tháng 5 âm lịch, tôi từ Vũ Viện về Phổ Đà, lên Duyệt Tạng Lâu (Lầu đọc tạng kinh) ở Phật Đỉnh Sơn để đọc kinh tạng, Tri khách là sư Nguyệt Tỉnh và Tụng Lai, đến nói với tôi rằng gần đây Phổ Đà Sơn mới phát hiện bút tích của Quốc phụ. Thầy cầm bức ảnh đưa tôi xem, tôi có hỏi kỹ quá trình phát hiện bút tích, nghe ra cũng có tình có lý. Nên tôi mới viết một bài văn ngắn cho đăng trên “Phật Giáo Nhật Báo”.

Sự việc là như thế này, vị đại Tri khách Vạn Tùng ở Chùa Trước, tuy là người nơi khác đến, nhưng ở Phổ Đà rất lâu, rất quen thuộc mọi việc ở đây. Mùa hè năm ấy, nhận chức trụ trì ở Am Tịnh Độ, Am Tịnh Độ thực sự chỉ là một ngôi miếu nhỏ tương đối vắng vẻ hoang vu, một dịp tiếp khách, Vạn Tùng có đưa ra tài liệu này. Người trụ trì của Am Tịnh Độ, tôi không nhớ tên, tại sao lại có được tài liệu này? Nghe nói Tôn Trung Sơn tiên sinh, khi thăm núi Phổ Đà, hồi đó Phương trượng của Chùa Trước là Hòa thượng Liễu Dư, hình như cũng cùng dẫn đoàn người đi thăm các nơi. Khi đi thăm về, ăn cơm chiều ở buồng Hòa thượng Chùa Trước, Trung Sơn tiên sinh có nói đến việc nhìn thấy cảnh thần dị, Hòa thượng Liễu Dư nhân đó xin tiên sinh viết lại ít dòng để kỷ niệm. Hòa thượng kể rằng bài “Chí Kỳ” (ghi lại điều kỳ lạ) đó là tiên sinh viết trong phòng Phương trượng ở Chùa Trước. Ngay tối hôm đó, đoàn khách rời chùa xuống núi, sau khi Hòa thượng Liễu Dư tiễn khách về, quên khuấy mất việc đó, đến sáng hôm sau hỏi lại, thì không biết tài liệu đó biến đâu mất rồi. Thì ra hồi đó có một nhà sư là Thị giả ở phòng Phương trượng, tuổi còn trẻ, chưa hiểu gì lắm, song đối với Trung Sơn tiên sinh thì lại vô cùng ngưỡng mộ, nên ông đã dấu tài liệu đó đi. Sau hai mươi năm, cuộc sống chật vật, Am Tịnh Độ cũng hoang tàn, không sao duy trì nổi, và bản thân ông cũng biết mình không còn đủ tư cách và sự cần thiết để duy trì Am nữa, nên ông đã giao lại cả tài liệu nói trên.

Lai lịch của tài liệu đó, theo sự trình bày như vậy, thì cũng có thể gọi là hợp tình hợp lý! Nếu cho là ngụy tạo, thì người trụ trì của Am Tịnh Độ về văn chương, lời lẽ cũng như nét chữ, có lẽ cũng không sao ngụy tạo nổi. Vậy thì, người ngụy tạo là ai?

Chúng tôi đọc xong hai bài giải thích của Đặng tiên sinh và Pháp sư Ấn Thuận, khiến chúng tôi càng hiểu thêm lai lịch về việc này. Theo Đặng tiên sinh thì, Trung Sơn tiên sinh đúng là có thấy truyện thần dị, lúc đó ông ta cũng có mặt, chính tai ông cũng có nghe Quốc phụ kể lại những điều kỳ dị. Sở dĩ ông viết văn phủ nhận có việc đó, có thể có hai lý do sau đây: một là ông ta cho rằng họ đều là những người của một đảng cách mệnh, không nói những truyền “thần linh quái đản” mà phải bài trừ mê tín dị đoan, cho nên không chủ trương tuyên truyền đề cao việc đó được! Hai là ông lại là con chiên của tín đồ đạo Cơ Đốc, rất không muốn Quốc phụ “nói ra bằng lời, viết ra bằng bút” về những điều linh dị của đạo Phật mà người đã thấy, như vậy sẽ tăng thêm tín độ Phật giáo. Cho nên ông phải phủ nhận tài liệu đó là ngụy tạo.

Nhưng Pháp sư Ấn Thuận đã giải thích kỹ lưỡng về lai lịch sự việc lý bấy giờ, để chứng minh rằng bài văn đó đích thực là bút tích của Quốc phụ, nếu nói là ngụy tạo, thì ai là người ngụy tạo? Từ đó, chúng ta càng tin tưởng đối với bút tích của Quốc phụ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.