Phổ Đà Sơn Dị Truyện

43. Quốc Phụ Thăm Phổ Đà Thuật Lại Truyện Thần Dị



Mùa hạ năm Bính Dần, Hộ Quốc Quân dành thắng lợi, Viên Thế Khải chết đột ngột. Lê Nguyên Hồng lên thay chức Tổng Thống Trung Hoa Dân Quốc, cuộc cách mạng của đảng ta kết thúc một giai đoạn. Lúc đó, Quốc phụ đang ở Thượng Hải, khẳng khái nói rằng: “Chuyến này Lê Công ra nhậm chức, thiên hạ sẽ ổn định!” Thấy bọn quân phiệt Bắc Dương đang rục rịch chờ thời gây hấn, chúng tôi thong dong trong khoảng núi sông, lặng lẽ theo dõi thế sự đổi thay. Ít lâu sau, chúng tôi có dẫn các vị Hồ Hán Dân, Đặng Gia Nhạn, Phùng Tự Do, Đán Hy, Đới Thiên Thu, Chu Trách Văn, Chu Bội Tiên… đi thăm các vùng phía đông và phía tây tỉnh Chiết Giang, đô đốc Chiết Giang là Lã Công Vọng và Trương Nhạc mở tiệc đón tiếp, Đới Thiên Thu uống quá chén, say li bì đến tận hôm sau chưa tỉnh, bỏ cuộc đi thăm Tây Hồ, hai vị Phùng và Đáng cũng vì bận việc không tới Hàn Châu được, Quốc phụ bèn bảo các vị Hồ, Đặng, Chu, Chu cùng đi, có Trần Khứ Bệnh bí thư dân chính tỉnh Chiết Giang được sự giới thiệu của Đặng Gia Nhạn cũng đi theo. Thế là đoàn người vượt Tào Nga, qua Vũ Huyệt, tới vùng Ninh Ba Trấn Hải, rồi đến Phổ Đà.

Núi Phổ Đà là chốn danh lam thắng cảnh của đất Nam Hải, sông núi thanh u, cây cỏ um tùm, đi trong cảnh đó có cảm tưởng như đang lâng lâng ngoài cõi tục.

Ngày hôm đó, Quốc phụ đáp xe riêng đi trước, các vị khác đến sau. Đến Quán Âm đường (tức chùa Tuệ Tế ở Phật Đỉnh Sơn), đi khoảng một dặm đến một khu rừng rậm. Quốc phụ bỗng nhìn thấy mấy nhà sư, chắp tay trước ngực, dáng như chờ đón khách, cờ phan phấp phới như ẩn như hiện, sau rừng cờ có hiện lên một vị Tôn thần. Quốc phụ chăm chú nhìn kỹ thì bỗng nhiên mọi thứ đều tan biến trong bầu không gian huyền ảo, không còn để lại dấu vết gì. Quốc phụ hỏi từng người cùng đi: “Các vị chắc cũng trông thấy chúng tăng tụ họp trong rừng rậm, lập đạo tràng đấy chứ? Cờ phan phấp phới, y hệt như những lá cờ treo trên nóc chùa”. Quốc phu vừa nói vừa chỉ về phía trước, mắt còn như đăm chiêu nhớ lại cảnh đã hiện ra trong giây lát vừa qua. Các vị cùng đi ngơ ngác, không biết trả lời sao. Lát sau Hồ Hán Dân dặn riêng mọi người chớ nên nói rộng việc này, e rằng mọi người lại lan truyền không lợi. Và sau đó cũng không ai dám tùy tiện bàn luận việc dó nữa.

Dân Quốc năm thứ 14, Quốc phụ mất, tôi đang ở Bắc Kinh, nghe mọi người đều truyền tụng rằng kiếp trước Quốc phụ là Động Thiên Cổ Phật, việc đó có liên quan đến việc Quốc phụ thấy Phật ở Phổ Đà Sơn. Ít lâu sau, một tờ tạp chí cho đăng bài “Phổ Đà Sơn du ký” (Ký sự chuyến đi thăm núi Phổ Đà) của Trần Khứ Bệnh viết, từ ấy đến nay, việc cũng đã qua, cảnh vật cũng nhiều thay đổi nên cũng không có thì giờ truy cứu lại tạp chí của Trần Khứ Bệnh, bất đồ gần đây lại phát hiện bút tích của Quốc phụ! Ôi! Thật là kỳ lạ! Bút tích của Quốc phụ ai ai cũng biết, có người cho đó không phải là nét chữ của Quốc phụ. Tôi với Trần Khứ Bệnh là bạn cũ với nhau, chữ của Trần quân là phỏng bút pháp của Tô Đông Pha, nhìn qua là nhận ra ngay, tôi có thể nói chắc chắn rằng: Đó không phải là chữ của Quốc phụ. Có người lại cho rằng: Quốc phụ sai thư ký của mình chấp bút, nói như vậy cũng chỉ là dự đoán. Tôi cho rằng không phải như vậy. Nếu đúng như vậy thì phải có chữ ký như đã thấy ở các quyển khác. Nay không thấy có, mà câu truyện lại lưu truyền sau khi Quốc phụ mất, lẽ nào người chết lại có thể gặp thư ký của mình đẻ bảo chấp bút giúp được chăng? Cho nên tôi có thể khẳng định lại một lần nữa là: việc Quốc phụ trông thấy điều thần dị là có thật, riêng bút tích của người thì rõ ràng là ngụy tạo.

Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 42 tháng 10

Đặng Gia Nhạn (Quế Lâm) viết tại Nhất Chi Lô Đài Bắc.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.