Khinh an – Ngoan ngoãn (thuần phục)
Âm:
Lục dương âm hạ cổ khê biên,
Phóng khứ thu lai đắc tự nhiên.
Nhật mộ bích vân phương thảo địa,
Mục đồng qui khứ bất tu khiên.
Tạm dịch:
Dưới bóng dương xanh bên suối xưa,
Thả đi nắm lại tự do thừa.
Cỏ thơm mây biếc chiều nghiêng bóng,
Trâu thả đi về chẳng bận chăn.
Giải thích:
– Nơi phồn hoa huyên náo hay cảnh sắc vắng vẻ.
– Chẳng bị vật làm lụy, đến đâu vẫn như nhiên.
– Trước mắt muôn ngàn sai khác, trong tâm chỉ một cảnh.
– Tâm tán loạn đã dừng, tùy thuận nơi định môn.
Luận rằng:
Như Hòa thượng Cao Phong bảo: “Một Pháp thuần phục này, ví như tay thiện xạ đưa tên bắn lên hư không, lại dùng mũi tên sau bắn vào đuôi mũi tên trước, mũi mũi nối tiếp nhau, mũi mũi đều trúng vào đuôi mũi tên, đầu đuôi giúp nhau, trên dưới xuyên suốt mà đứng yên trong hư không, qua một lúc lâu chẳng rơi xuống. Vốn là công phu tinh tấn thuần thục, quyết chẳng phải do sức thần đưa đến.” Nói về dụng công tu học cũng lại như thế. Phải biết, người công phu thuần thục thì kiệu xe từ ngàn dặm đến cũng chẳng đứng dậy, muôn thứ ma quấy rối chẳng quay đầu, là sao? Đây là việc ở trong tâm khẩn thiết. Bài tụng “Thuần phục” này, ý đại khái như trên.
Hòa thượng Kiếm Nam nói: “Từ khi biết được minh châu này, Thích Phạm Luân vương chẳng cần nữa.”
GIẢNG
Qua bài tụng chúng ta thấy mục thứ năm này là mục rất thảnh thơi.
Giải thích:
Dưới bóng dương xanh bên suối xưa.
Ở dưới bóng dương, bên bờ suối cổ là nói “nơi phồn hoa huyên náo hay cảnh sắc vắng vẻ”.
Thả đi nắm lại tự do thừa.
Thả ra hay nắm mũi giữ lại, sức tự do rất đặc biệt, không có gì ngăn trở. Con trâu đến đây không còn dây mũi, người mục đồng cũng không cần phải cầm roi để la hét nữa, trâu đã được hai phần trắng rồi. Người tu đến đây dù nơi yên tĩnh hay chỗ náo động vẫn được an nhiên tự tại, không vì chỗ ồn mà tâm xao xuyến. Như vậy để thấy sức tự tại rất đáng mừng, nên “chẳng bị vật làm lụy, đến đâu vẫn như nhiên”, nghĩa là đến chỗ nào mình cũng vẫn tự tại, không có gì trở ngại. Đến mục này, chúng ở đây được mấy người? Mục thứ nhất thì chắc có nhiều, mục thứ hai kiểm lại là hơi ít, đến mục thứ năm này trăm người có lẽ chỉ được độ một hai. Chỗ này chỉ cho chúng ta thấy trên đường tu, đến đây chúng ta được an nhiên tự tại. Trước cảnh khó khăn trở ngại hay cảnh thuận tiện dễ dàng, hoặc trước chỗ ồn náo hay nơi yên tĩnh, tâm chúng ta luôn lặng lẽ trước sau như một, không xao xuyến, không đổi thay, đó là tự tại.
“Cỏ thơm mây biếc chiều nghiêng bóng” là tả buổi chiều mặt trời xế, ở đây có cỏ thơm hoa lạ v.v… Đó là nói “trước mắt muôn ngàn sai khác, trong tâm chỉ một cảnh”, trước mắt chúng ta dù có thiên sai vạn biệt mà trong tâm chỉ một cảnh như như không đổi dời. Như vậy dầu cho hoa thơm cỏ lạ, mặt trời xế bóng, người mục đồng vẫn thản nhiên tự tại không vì cảnh vật mà tâm phải lay động.
Trâu thả đi về chẳng bận chăn.
Trâu thả một cách tự tại không còn phải bận chăn giữ, đó là để nói “tâm tán loạn đã dừng” đã lặng, đến đây tùy thuận mà tiến tu không có gì ngăn trở. “Định môn” là lúc nào cũng được an định không có gì ngăn trở. Bốn câu thơ nói lên người tu đến đây đã thảnh thơi tự tại không còn có gì bận rộn ngăn trở nên hình ảnh chú mục đồng đến giai đoạn này không còn phải lo giữ gìn chăn kỹ trâu nữa.
Luận rằng:
Như Hòa thượng Cao Phong bảo:
Một pháp thuần phục này, ví như tay thiện xạ đưa tên bắn lên hư không, lại dùng mũi tên sau bắn vào đuôi mũi tên trước, mũi mũi nối tiếp nhau, mũi mũi đều trúng vào đuôi mũi tên, đầu đuôi giúp nhau, trên dưới xuyên suốt mà đứng yên trong hư không, qua một lúc lâu chẳng rơi xuống. Vốn là công phu tinh tấn thuần thục, quyết chẳng phải do sức thần đưa đến.
Đây là nói do công phu cố gắng tu hành mà tâm được thuần thục. Ngài Cao Phong dùng hình ảnh bắn tên, một mũi tên bắn lên hư không, tên đó chưa rớt thì mũi thứ hai bắn đúng đuôi mũi thứ nhất, sức đẩy của mũi tên sau giữ cho mũi tên trước không rớt xuống, rồi mũi thứ ba bắn tiếp theo, cứ thế tiếp tục, mũi nào cũng cắm vào đuôi mũi trước, nhờ sức đẩy của mũi tên sau khiến mũi tên trước đứng yên trong hư không. Những mũi tên liên tục trong hư không là thí dụ cho sức tinh tấn của chúng ta. Sức tinh tấn sau nối sức tinh tấn trước, một mạch tâm hoàn toàn trống không thanh tịnh, sự thanh tịnh này do công phu cố gắng nỗ lực mới được yên tịnh lặng lẽ liên tục như vậy, đó là điều do sức nỗ lực chớ không phải bỗng dưng mà có.
Nói về dụng công tu học cũng lại như thế. Phải biết, người công phu thuần thục thì kiệu xe từ ngàn dặm đến cũng chẳng đứng dậy, muôn thứ ma quấy rối chẳng quay đầu, là sao?
Người tu đến đây được thuần thục rồi thì dầu cho có kiệu xe từ ngàn dặm đến cũng không đứng dậy. Thí dụ chúng ta ngồi thiền ở một tảng đá bên vệ đường, chợt có năm mười cỗ xe quan quyền đi qua. Thế thường nghe có quan quyền đi mà mình ngồi một chỗ thì có vẻ trơ trẽn quá nên phải đứng dậy chào hỏi cho đúng tư cách, nhưng ở đây dầu có bao nhiêu cỗ xe đi mình cũng vẫn ngồi yên và dầu cho có “muôn thứ ma quấy rối cũng chẳng quay đầu”. Nói ma thì hơi khó thấy, chớ giả sử như xe quan đi tới mình cũng không bận tâm, đến những người ngỗ nghịch chọc phá mình cũng không bực bội. Trong hai trường hợp, bên thì sang quí quyền thế mình cũng không bị lay chuyển, bên thì phá phách trêu chọc mình cũng không bực bội. Hiện giờ chúng ta đến đó được chưa? Hay là nghe quan đi ngoài kia, trong này mình chuẩn bị trước? Còn người chọc phá thì mình bực bội la hét lại? Đó là điều thông thường. Đây muốn nói điểm đặc biệt của người tu khi đến chỗ thuần thục rồi thì được an nhiên, trước những cảnh như thế vẫn không bị rối loạn xao xuyến.
Đây là việc ở trong tâm khẩn thiết.
Việc này là việc ở trong tâm do sức mạnh khẩn thiết tu hành mà đạt được chớ không phải ở đâu đến.
Bài tụng “Thuần phục” này ý đại khái như trên.
Hòa thượng Kiếm Nam nói: “Từ khi biết được minh châu này, Thích Phạm Luân vương chẳng cần nữa.”
Hòa thượng Kiếm Nam bảo: Từ khi nhận được nơi mình có hòn ngọc minh châu thì dầu cho trời Đế Thích, trời Phạm thiên hay là vua Chuyển Luân Thánh vương mình cũng không cần nữa. Được hạt minh châu là đủ, tất cả những gì quí giá, những gì cao siêu ở bên ngoài không làm cho chúng ta phải xao xuyến loạn động. Đó là ý nghĩa của bài kệ nói về thuần phục. Những mục từ đây về sau, chúng ta học để khi tu đến đây thì biết mình đang ở vị trí nào, chớ thật ra hiện giờ ít người đến được chỗ này.