Tĩnh lự – Quày đầu (hồi đầu)
Âm:
Nhật cửu công thâm thủy chuyển đầu,
Điên cuồng tâm lực tiệm điều nhu.
Sơn đồng vị khẳng toàn tương hứa,
Do bả mang thằng thả hệ lưu.
Tạm dịch:
Dày công lâu mới chịu xoay đầu,
Tâm lực điên cuồng thuận thuận nhu.
Tuy vậy sơn đồng chưa dám thả,
Dây thừng vẫn nắm giữ chừng nhau.
Giải thích:
– Càng lâu dụng công dần dần thuần thục.
– Hai ma hôn trầm, tán loạn cũng chịu phép dần.
– Công phu đến đây càng thêm tinh tấn hơn.
– Thầm thầm huấn luyện không thể có một chút buông lơi.
Luận rằng:
Như kinh bảo: “Lý cần đốn ngộ, nương ngộ mà được tiêu. Sự chẳng phải chóng trừ, theo thứ lớp hết sạch.” Nên Tổ Qui Sơn nói: “Tuy được một niệm chóng ngộ Tự tâm, vẫn còn có tập khí từ vô thủy chưa thể hết sạch ngay. Hẳn phải tinh tấn siêng năng mới hay trừ dẹp. Hơn nữa cần dạy y trừ sạch dòng thức trôi chảy hiện nghiệp. Song muốn tẩy sạch tâm lự, nhả cái cũ ra, thu cái mới vào, thì khoác chiếc áo vi diệu thượng hạnh, nhấm mùi vị sâu xa đề-hồ. Được vậy, Đại đạo cần hằng giờ tu hằng giờ chứng; trần duyên thì ngày càng hao bớt, ngày càng tiêu mòn.” Nên ông Lý Văn Hòa có bài tụng:
Học đạo phải như người sắt,
Nắm thẳng đầu tâm liền chặt.
Vượt lên Vô thượng Bồ-đề,
Tất cả thị phi chớ quản.
Bốn câu tụng “quày đầu” này ý đại khái như trên. Hòa thượng Tài ở Long Nha tụng:
Học đạo như dùi lửa,
Thấy khói chưa thể dừng.
GIẢNG
Giải thích:
Càng lâu dụng công dần dần thuần thục.
Như ngây như ngu rồi cứ cần mẫn tiến tu, càng lâu dần dần mới được thuần thục. “Dày công lâu mới chịu xoay đầu”, xoay đầu tức là được thuần thục.
“Hai ma hôn trầm, tán loạn cũng chịu phép dần” là “tâm lực điên cuồng thuận thuận nhu”.
Hai ma hôn trầm và tán loạn lần lần chịu thua. Như vậy đến đây mới hết hôn trầm, tán loạn. Khi mới vào ngồi thiền, một phút khoảng năm ba mươi lần tán loạn, rồi lần lần hai ba phút giảm còn đôi ba mươi lần. Nếu có người hỏi tu khi nào hết tán loạn thì phải đáp thế nào? Hai tháng hay ba tháng? Tu đến khi nào tâm mình không chạy nữa thì hết tán loạn chớ không biết nói chừng nào, không thể nói thời gian được. Khi bớt tán loạn, ví dụ như trăm phần nay giảm còn năm mươi phần thì chuyển qua hôn trầm, ngồi gục lên gục xuống. Đến khi hôn trầm cũng hỏi khi nào hết hôn trầm. Khi nào tỉnh thì hết hôn trầm chớ không nói lúc nào được, vì việc tu hành không đặt thời gian mà tùy hành động của chúng ta, hành động cần mẫn lâu ngày rồi tự nó thuần thục, chớ không có thời gian cố định. Thế mà có những người khuyên dạy tu, bảo là năm ba năm hay năm bảy tháng được cái này cái kia thì biết là tu thứ không thật, đừng ham. Là thật thì phải tận tâm lâu dài mới được thuần thục, mới được kết quả.
Chúng ta thường có mấy bệnh dễ bị thiên hạ lường gạt: thứ nhất là bệnh lười biếng, thứ hai là bệnh sợ hãi, thứ ba là bệnh hiếu kỳ. Vì lười biếng nên ai dạy tu thì hỏi độ bao lâu xong, nếu mau thì làm, lâu thì thôi. Vì sợ nên nghe nói lâu thì chán, sợ mệt làm không nổi và nói rằng tôi không có phần. Vì yếu đuối sợ làm không nổi nên khi nghe nói tu mau, có người trợ lực cho mình, cầu ai đó phụ thì không có gì nguy hiểm mà cũng không mất thời gian lâu nên ham. Vì hiếu kỳ nên khi tu mong có cái gì lạ chớ ngồi khẻ các vọng tưởng hoài thì buồn quá. Vọng tưởng khởi thì rầy quở, nó lặng mất rồi lại khởi… làm mãi sanh chán thấy không có gì lạ. Còn tu mà ngồi vài hôm thấy hào quang, thấy hình này ảnh kia mới bằng lòng. Thế nên những pháp tu hấp dẫn đó, người ta hay tạo điều kiện bắt mình dồn ép rồi phát ra tướng lạ, mình thấy có gì mầu nhiệm nên ham. Bệnh hiếu kỳ dẫn người ta đến những lệch lạc trên đường tu rất nhiều. Vì vậy chúng ta phải nhớ đi sâu trong đạo lý đừng để lệch lạc, rồi tu thì tu theo Phật mà kết quả thành quỉ thành thần. Đó là cái khổ của người tu.
Công phu đến đây càng thêm tinh tấn hơn.
Tuy hai ma thua rồi nhưng đừng tự mãn, mà phải tinh tấn hơn, cho nên nói: “tuy vậy sơn đồng chưa dám thả”, tức là sơn đồng cũng chưa bằng lòng, chưa dám buông tay.
Thầm thầm huấn luyện không thể có một chút buông lơi, tức là “dây thừng vẫn nắm giữ chừng nhau”.
Tuy mục đồng đi đâu trâu theo đó và nó cũng hiền hòa lắm rồi nhưng vẫn còn giữ dây thừng chớ không dám buông, không dám thả. Như vậy tu đến đây là đã thắng được ma hôn trầm, ma tán loạn, nhưng vẫn còn phải giữ dây thừng tức là còn lấy giới luật làm nền tảng. Nay có nhiều người tu công phu chưa ra gì, mà không cần giới luật thì hẳn là đi không đến nơi. Đến giai đoạn thắng được ma hôn trầm tán loạn mà công phu vẫn tinh tấn, giới luật vẫn giữ gìn mới là người thật tu. Còn được chút ít công phu rồi thả lỏng bất kể giới luật là hư hỏng. Như vậy mới mục thứ tư mà thấy đã xa mình rồi.
Luận rằng:
Như kinh bảo: “Lý cần đốn ngộ, nương ngộ mà được tiêu. Sự chẳng phải chóng trừ, theo thứ lớp hết sạch.”
Trong kinh Phật dạy người tu về lý thì cần đốn ngộ, tức là phải nhận phải ngộ cho mau, rồi nương nơi ngộ để tiêu trừ tất cả phiền não, chớ không phải ngộ rồi thôi. “Sự chẳng phải chóng trừ, theo thứ lớp hết sạch”, nghĩa là về sự tức là hình thức cụ thể thì không phải trừ một lần là xong mà phải thứ lớp từ từ mới sạch được. Theo đường lối tu là như vậy, lý thì đốn ngộ mà sự phải tiệm trừ.
Nói lý đốn ngộ sự tiệm trừ nghe cũng khó hiểu, tôi giải thích rộng để hiểu cho kỹ. Nguyên văn chữ Hán là “lý tuy đốn ngộ, sự nãi tiệm trừ”. Như hiện nay tất cả Tăng Ni cũng như Phật tử, những người thông minh và nghiệp chướng mỏng thì có thể nghe một câu Phật dạy hoặc một câu Tổ nói, ngay đó nhận ra mình có Phật tánh, có Tánh giác. Nhận ra được Tánh giác gọi là nhận được lý, gọi là “lý tuy đốn ngộ”. Sự là những hành động do thân khẩu ý tạo ra. Người đốn ngộ biết mình có Tánh giác, Tánh giác là cái siêu xuất, là quí báu, còn thân này là đồ bỏ. Thế mà chỉ cần đến buổi thọ trai, các mâm bên cạnh thì thịnh soạn mâm mình thì quá đơn giản với một ít rau luộc, muối tiêu thì lúc đó mình có thản nhiên vui vẻ ngồi ăn hay bỏ đứng dậy đi liền? Biết Tánh giác là quí là cao thượng còn thức ăn là nuôi thân đồ bỏ này, thì ăn ngon ăn dở đâu có nghĩa gì, nhưng chỉ cần xử sự không công bình một chút thì đã khác rồi. Như vậy mới thấy sự phải từ từ chớ không phải nhận được lý rồi tất cả đều dứt liền. Chỉ cách xử sự hơi bất công mình đã chịu không nổi, huống là đánh đập hay làm những điều đau khổ. Như vậy lý thì đốn ngộ mà sự phải tiệm trừ, chớ không thể nhanh được.
Nên Tổ Qui Sơn nói:
Tuy được một niệm chóng ngộ Tự tâm, vẫn còn có tập khí từ vô thủy chưa thể hết sạch ngay.
Tuy là chóng đốn ngộ Tự tâm rồi mà những tập khí từ vô thủy chưa có thể hết sạch ngay.
Hẳn phải tinh tấn siêng năng mới hay trừ dẹp.
Đây như ngài Đạo Minh nói: Việc lớn chưa sáng như đưa ma mẹ, việc lớn đã sáng cũng như đưa ma mẹ, nghĩa là đã nhận được rồi mà vẫn phải siêng năng tinh tấn thì lâu ngày mới trừ dẹp được hết sạch.
Hơn nữa cần dạy y trừ sạch dòng thức trôi chảy hiện nghiệp.
Nghĩa là giả sử có nhận ra được Tánh giác sẵn có của mình rồi cũng tinh tấn tu, chừng nào “dòng thức trôi chảy hiện nghiệp” tức là dòng nghiệp thức đang trôi chảy ở trong phải lặng, phải sạch mới được. Khi tu, những niệm thô dấy động chúng ta dẹp dường như trong thời gian ngắn, còn những nghiệp thức thầm lặng bên trong kéo dài rất lâu chớ không đơn giản. Vì vậy khi nào dòng nghiệp thức lặng, hết trôi chảy thì khi đó mới thảnh thơi.
Song muốn tẩy sạch tâm lự, nhả cái cũ ra, thu cái mới vào, thì khoác chiếc áo vi diệu thượng hạnh, nhấm mùi vị sâu xa đề-hồ. Được vậy, Đại đạo cần hằng giờ tu hằng giờ chứng; trần duyên thì ngày càng hao bớt, ngày càng tiêu mòn.
Ngài Qui Sơn nói thêm: “Muốn tẩy sạch tâm lự” nghĩa là muốn tẩy sạch tâm suy nghĩ lăng xăng của mình thì phải “nhả cái cũ ra, thu cái mới vào”. Nay quí vị kiểm lại xem cái cũ nơi mình nhiều ít. Tất cả những tham, sân, si, mạn, nghi, ác kiến chứa đầy ở trong, chúng ta phải nhả ra từ từ, lại phải đem cái mới vào, đó là cái gì? Tức là lý Bát-nhã, quán các pháp không tự tánh, thấy các pháp như huyễn như hóa. Từ trước đến nay chúng ta thấy thân thật, tâm thật, ngôn ngữ thật, đó là những thói quen mình đã huân chứa, nay phải nhả ra. Còn thấy thân duyên hợp hư dối, như huyễn như hóa, đó là cái mới phải đem vào.
Lại phải “khoác chiếc áo vi diệu thượng hạnh”, tức là phải mặc chiếc áo thượng hạnh vi diệu. Thượng hạnh vi diệu là hạnh Bồ-tát quên mình vì chúng sanh, lúc nào làm việc gì cũng vì chúng sanh chớ không vì mình.
Nhấm mùi vị sâu xa đề-hồ.
Tức là phải uống mùi vị sâu xa đề-hồ. Đề-hồ là từ bi. Trên là hạnh vì người, kế là phải có tâm từ bi. Như vậy mới gần với đạo.
Được vậy, Đại đạo cần hằng giờ tu, hằng giờ chứng.
Giờ nào cũng là giờ tu, giờ nào cũng có thể chứng được.
Trần duyên thì ngày càng hao bớt, ngày càng tiêu mòn.
Ngày nay chúng ta tu mà trần duyên chưa hao cũng chưa mòn. Tại sao? Đi tu mà thích được thong thả, thích đi chơi, du lịch v.v… đó là trần duyên thêm hoài chớ không bớt, không mòn. Vì vậy người tu cần dẹp bớt làm sao cho tiêu mòn những trần duyên.
Tóm lại chúng ta tu muốn cho kết quả thì phải: Nhả cái cũ là chấp thật về thân tâm cảnh; thu lại cái mới là trí Bát-nhã, thấy các pháp như huyễn như hóa; mặc chiếc áo vi diệu thượng hạnh, chiếc áo phát tâm Bồ-tát nghĩ đến chúng sanh; nếm mùi vị từ bi, luôn mở lòng từ bi thương hết mọi người. Được như vậy thì càng ngày các trần lao càng giảm, càng tiêu mòn và mới gần với đạo, mới có thể chứng được đạo, chớ tu mà quá ích kỷ thì không gần đạo, cũng không chứng được đạo.
Ông Lý Văn Hòa có bài tụng:
Học đạo phải như người sắt,
Nắm thẳng đầu tâm liền chặt.
Vượt lên Vô thượng Bồ-đề,
Tất cả thị phi chớ quản.
“Học đạo phải như người sắt.” Người sắt hiện giờ gọi là robot, nhưng đây nói như người sắt không phải người bằng sắt, vẫn là con người, vẫn là da thịt mà lòng như sắt đá.
Nắm thẳng đầu tâm liền chặt.
Đầu tâm là tâm vừa dấy niệm, vừa có một niệm dấy lên liền dứt ngay không thương tiếc chút nào. Chúng ta hiện nay niệm dấy lên thì cũng hơi tiếc không nỡ chặt nên nó dẫn mình chạy. Thí dụ như khi đang ngồi thiền mà niệm xằng bậy dấy lên thì chúng ta liền chặt không thương tiếc, nhưng nếu nhớ lại câu kinh hay quá thì không nỡ chặt, tự bảo hôm qua mình không hiểu câu kinh đó, nay hiểu được hay quá, rồi ôn đi ôn lại đến hết buổi ngồi thiền. Như vậy có niệm chúng ta dám chặt, có niệm không dám chặt. Đây dạy phải gan dạ, nắm thẳng đầu tâm liền chặt, vọng tưởng vừa khởi là chặt liền.
Vượt lên Vô thượng Bồ-đề.
Nghĩa là phải vượt lên đến quả vị Vô thượng Bồ-đề.
Tất cả thị phi chớ quản.
Tất cả phải quấy đừng lưu tâm. Nếu tất cả phải quấy lưu tâm thì lên quả Bồ-đề được không? Nếu khi nào ở đây tất cả Tăng Ni đều thị phi chớ quản thì tôi được nhẹ. Đi chơi, cười hoài, không có việc gì phải bận tâm. Dầu một trăm người, hai trăm người chắc cũng thảnh thơi. Trái lại Tăng Ni còn thị phi hằng quản thì chắc là tôi mệt lắm. Mất ăn mất ngủ vì nay người này thưa, mai người kia kiện, phải xử hoài làm sao yên? Thế nên người tu quyết tâm thẳng lên quả vị Bồ-đề thì tất cả thị phi chớ quản, phải nhớ câu “chớ quản”. Nếu thị phi chớ quản thì có thiệt thòi không? Người ta nói hơn nói thua, nói phải nói quấy mình bỏ qua hết không dính trong lòng thì chẳng những không thiệt thòi mà còn được lợi là lên được quả vị Bồ-đề. Đó là cái công rất xứng đáng. Còn nếu kẹt vào thị phi thì không lên được quả Bồ-đề mà ngược lại phải đi xuống quả địa ngục. Như vậy chúng ta phải khôn ngoan sáng suốt, tu là để tiến lên chớ không phải tu là tuột xuống, phải nhớ như vậy. Thế mà thỉnh thoảng cũng có những người ưng tuột xuống.
Hòa thượng Tài ở Long Nha tụng:
Học đạo như dùi lửa,
Thấy khói chưa thể dừng.
Người học đạo giống như dùi lửa. Thuở xưa không có hộp quẹt máy, không có diêm quẹt thì người ta lấy cái dùi dùi trên thanh gỗ cho ra lửa. Khi dùi thấy khói là sắp ra lửa. Thấy khói rồi chúng ta nên dừng hay là khi nào lửa bừng cháy mới dừng? Cũng vậy tu có được chút công phu không phải là đủ mà phải đi cho đến kết quả viên mãn mới dừng, chớ dừng nửa chừng là không tốt.