Hoà quang đồng trần – Vô ngại (vô ngại)
Âm:
Lộ địa an miên ý tự như,
Bất lao tiên sách vĩnh vô câu.
Sơn đồng ổn tọa thanh tùng hạ,
Nhất khúc thăng bình lạc hữu dư.
Tạm dịch:
Giữa trời yên ngủ có lo gì,
Roi vọt thôi dùng, chẳng nệ chi.
Dưới cội tùng xanh ngồi nhẹ nhõm,
Thăng bình một khúc quá vui đi!
Giải thích:
– Mặc ý chìm nổi, tùy duyên phóng khoáng.
– Không ngông láo xa hoa, không câu nệ tiểu tiết.
– Lòng dạ thênh thang, mặc núi rừng, mặc thành thị.
– Không người tri âm, nhàn nhã chỉ tự biết.
Luận rằng:
Như Tam Tổ bảo: “Chẳng theo duyên có. Chớ trụ không nhẫn. Một lòng bằng phẳng. Lặng yên tự hết.” Nên Triệu Luận nói: “Do đó, Thánh nhân nghĩ có mà chẳng có, ở không mà chẳng không. Bởi vậy hòa quang đồng trần, khắp giáp cả năm thú. Lặng lẽ mà đi qua, tự tại mà đi đến. Điềm đạm không làm mà không gì chẳng làm.” Đây là bậc Thánh nhân buông thõng tay vì người, quanh quẩn trong năm thú để tiếp hóa chúng sanh. Dù qua lại mà không có tướng qua lại. Như ngài Phật Quả thì hồn hậu mà đoan trang. Ngài Diệu Hỉ thì rành mạch mà bao la không ngằn mé. Ngài Cao Phong thì đơn sơ mà tinh nghiêm. Ngài Huyễn Trụ thì tỏ rõ mà sáng ngời. Nên nói: Cửa sâu kín tuy mở, mà sự ứng hiện của bậc Thánh chẳng đồng (bản), chẳng phải gốc xưa thì không do đâu hiện ra dấu nay (tích), chẳng phải dấu nay thì không do đâu hiển bày gốc xưa. Gốc xưa và dấu nay tuy khác, mà nghĩa không thể nghĩ bàn là một. Bốn câu tụng “không ngại” này, ý đại khái như trên.
GIẢNG
Đọc bài tụng rồi nhìn lại bức tranh quí vị thấy con trâu đã trắng, chỉ còn một chút đen ở sau đuôi và luôn luôn ngó trở lại người mục đồng, còn chú mục đồng thì không còn bận tâm chăn trâu nữa mà ngồi yên trên tảng đá vui chơi thổi sáo, ngắm hoa ngắm cảnh. Chăn trâu như thế này là thảnh thơi tột rồi, thảnh thơi như tiên không còn gì hơn nữa. Chúng ta tu đến được chỗ này là lúc rất thảnh thơi không còn bận bịu gì cả.
Giải thích:
“Giữa trời yên ngủ có lo gì” là để nói rằng đến chỗ này thì “mặc ý chìm nổi, tùy duyên phóng khoáng”, tùy duyên tự tại không có gì kềm chế, không có gì âu lo.
Roi vọt thôi dùng, chẳng nệ chi.
Đến đây “không ngông láo xa hoa, không câu nệ tiểu tiết”. Ngông là ngông cuồng, láo là khoác lác. Không còn ngông cuồng khoác lác xa hoa nữa mà cũng không câu nệ tiểu tiết. Hai điểm này kiểm lại thật kỹ mới thấy ý nghĩa rất hay, nghĩa là người tu khi chưa đến nơi mà học lóm được ở đâu đó rồi đem ra nói om sòm, đó là lối nói ngông, nói láo chớ không phải thật của mình. Chữ xa hoa chỉ cho khi nào cũng đem việc bên ngoài để khoe, cho rằng ta là đẹp là hay… Như vậy người tu đến chỗ vô ngại này không có tính cách học lóm để khoe khoang nói ngông cuồng, cũng không có làm bề ngoài để che mắt thiên hạ mà đó là chính mình được. Còn sự việc đến thì không câu nệ tiểu tiết, có những chuyện nhỏ không đáng, có thể không hợp với tư cách người tu nhưng cần thì vẫn làm chớ không câu nệ. Như một câu chuyện ở Nhật, có hai vị Sư đi đến bờ suối, thấy một cô gái mặc kimono muốn qua suối nhưng không lội qua được, cô đứng bối rối không biết làm sao. Vị Sư giữ giới nghiêm ngặt thấy nhưng bỏ đi, còn vị Sư không câu nệ tiểu tiết thì nắm cô gái bỏ qua bờ suối bên kia rồi đi. Nếu nói theo trong đạo mà cố chấp thì đó là phạm giới, vì Tỳ-kheo không được nắm người nữ bỏ qua suối như vậy. Thế nên vị Sư huynh không bằng lòng, tuy hai người tiếp tục đi nhưng vị Sư huynh không nói tới người Sư đệ nữa vì cho rằng Sư đệ phạm giới. Đi một đỗi xa, người Sư đệ thấy không khí có vẻ ngột ngạt quá mới hỏi: Có việc gì mà Sư huynh không nói chuyện với tôi? Đáp: Chú phạm giới mà nói chuyện gì! Sư đệ đáp: Tôi bỏ cô gái bên bờ suối còn Sư huynh mang cô gái mãi tới đây! Vậy trong hai người ai là người thảnh thơi? Đó là để chỉ vì câu nệ tiểu tiết mà có thể có những chuyện đáng làm lại không làm.
Lại như trong trường hợp khác, khi đi đường lỡ có một thiếu nữ chóng mặt ngã quị trước mình mà không có ai ở gần đó. Là người tu thấy vậy mình bỏ đi hay là thế nào? Nếu bỏ đi thì không từ bi mà nếu đỡ cô dậy thì phạm giới. Trường hợp đó rất khó xử. Nếu là người đến chỗ vô ngại thì giải quyết dễ dàng. Còn đắn đo suy nghĩ, đó là còn có ngại, mà có ngại thì đừng làm. Nếu không còn đắn đo suy nghĩ, đó là vô ngại thì làm không có sao. Nhớ như vậy.
Dưới cội tùng xanh ngồi nhẹ nhõm.
Nhẹ nhõm là gượng dịch vì vần trắc. Nghĩa là dưới cội tùng xanh ngồi rất thảnh thơi. Đây để nói “lòng dạ thênh thang, mặc núi rừng, mặc thành thị”, dù nơi núi rừng, nơi thành thị, tâm vẫn thảnh thơi tự tại không có gì ràng buộc, không có gì bận lòng.
Thăng bình một khúc quá vui đi.
Nghĩa là người mục đồng hay người tu “không người tri âm, nhàn nhã chỉ tự biết”. Câu này nghe hơi lạ. Người tu không có người tri âm rồi nhàn nhã chỉ tự biết là thế nào? Mục đồng thổi sáo cho ai nghe? Chỉ có con trâu với chú thôi, nay không bận tâm chăn trâu, thảnh thơi thổi sáo chơi, thổi để mình thưởng thức chớ không phải thổi cho người khác nghe, nên nói không người tri âm. Vì tâm thảnh thơi tự tại nên nói “nhàn nhã chỉ tự biết”. Người tu đến đây thì có những điểm đặc biệt. Thường đối với cảnh bên ngoài, thấy cái gì hay đẹp chúng ta thích, hoặc nghe tiếng gì lạ, tiếng đùa cợt chúng ta cười, sự vui cười đó là do duyên với ngoại cảnh. Còn người tu đến đây tự tâm thanh thản nhẹ nhàng, lúc nào cũng thảnh thơi tự tại nên lòng vui, vì thế những người tu có khi đi một mình, cười một mình thấy như không bình thường, nhưng thật ra đó là vui với Tự tâm chớ không phải do người khác làm mình vui. Như vậy do tâm an nhiên tự tại nên tự vui, ví như chú mục đồng cầm sáo thổi một mình vui chơi chớ không có tri âm, không người bè bạn. Nếu ở Thiền viện mà người nào cũng vui được như thế thì vui mà không ồn. Còn đợi ba bốn người dụm lại nói chuyện rồi cười ồn lên mới vui là vui trong náo động. Nếu tâm thanh thản an nhiên đi đâu cũng mỉm cười là cái vui tự tại. Thế nên tôi thường nhắc Tăng Ni tu thế nào mà ai nhìn mặt mình thấy lúc nào cũng vui. Trong lòng thảnh thơi tự tại thì gương mặt nở nụ cười nhè nhẹ, lúc nào cũng cười chớ không bực bội, không có hai trạng thái: một trạng thái thì mặt mày âu sầu, một trạng thái thì đi đâu cũng nhìn xuống đăm đăm như tìm cây kim sợi chỉ rớt dưới đất. Trạng thái âu sầu thì rất thế tục, trạng thái nhìn đăm đăm dưới đất là trạng thái của người tu lúc trâu đang giựt dây mũi chạy, nên phải chăm chỉ kềm giữ đến quên những người chung quanh. Còn đến giai đoạn như trên là không còn kềm giữ, cũng không có gì phải bận lòng, nên rất an nhiên tự tại.
Luận rằng:
Như Tam Tổ bảo: “Chẳng theo duyên có. Chớ trụ không nhẫn. Một lòng bằng phẳng. Lặng yên tự hết.”
Những chữ này rất là khó.
Chẳng theo duyên có, chớ trụ không nhẫn.
Nhẫn là an trụ. Nói đơn giản là không theo duyên mà có, cũng chớ an trụ chỗ không, nghĩa là không kẹt có, không mắc không. Có không đều không dính kẹt là chỗ này. Thế thường người đời khi luận bàn hoặc nói có hoặc nói không, nói có thì chấp có, nói không thì chấp không, thiên về một bên. Còn người tu đến chỗ này, tâm tự tại rồi thì hai bên có không đều không dính kẹt.
Một lòng bằng phẳng, lặng yên tự hết.
Chỉ còn một tâm thanh tịnh an lành tự hết, không có gì khác. Như vậy nếu tâm không còn kẹt hai bên, có không hơn thua v.v… thì tâm an nhiên tự tại, vui một cách hồn nhiên không căn cứ. Hiện giờ chúng ta thấy ở thế gian nếu không kẹt có thì kẹt không, không kẹt hơn thì kẹt thua, cứ như vậy mà tâm mình lăng xăng lộn xộn, không an ổn. Còn người tu đến chỗ này có không đều không dính mắc chỉ là một tâm yên tịnh lặng lẽ như như.
Nên Triệu Luận nói: “Do đó, Thánh nhân nghĩ có mà chẳng có, ở không mà chẳng không. Bởi vậy hòa quang đồng trần, khắp giáp cả năm thú. Lặng lẽ mà đi qua, tự tại mà đi đến. Điềm đạm không làm mà không gì chẳng làm.”
Đây dẫn Triệu Luận nói rằng:
Bậc Thánh nhân nghĩ có mà chẳng có, ở không mà chẳng không.
Tại sao? Chúng ta chỉ cần nhớ lại câu thơ của Thiền sư Đạo Hạnh, Ngài nói: “Có không như trăng đáy nước.” Trăng in đáy nước không thật có hay thật không. Đứng bên bờ hồ thấy hình ảnh mặt trăng hiện dưới đáy nước, chúng ta nói có hay nói không? Chỉ bóng mặt trăng dưới đáy nước cho người khác thấy là nói có, nhưng khi chỉ cho người thấy chúng ta phải kết luận đây là bóng mặt trăng, bóng thì không phải không, nhưng nói có mà không có. Mặt trăng dưới đáy nước là bóng chớ không phải mặt trăng thật, như vậy nói là không, nói không mà chẳng phải thật không vì nó có bóng. Thí dụ bóng mặt trăng cho tất cả chúng ta hiểu rằng trên thế gian này với con mắt phàm tục thì mỗi việc mỗi hình tướng đều là thật, những gì xảy ra đều thật, còn những gì không xảy ra đều là không có. Có là thật có, không là thật không theo quan niệm của họ. Nhưng với con mắt Thánh nhân thì cái có, cái không ở thế gian đều không có nghĩa thật. Tại sao? Duyên hợp mà có thì có không thật có, mà đã là duyên hợp thì có hình có tướng, nói không cũng không được. Cho nên có hình có tướng thì vẫn là có mà có trong thể không, nên nói có mà cũng là không. Bậc Thánh nhân nhìn đời thấy các pháp đều do duyên hợp nên “nghĩ có mà chẳng có”, biết duyên hợp tánh không, các sự vật không có Thể tánh nhưng duyên hợp thì có, cho nên “ở chỗ không mà chẳng không”. Do duyên hợp thì tạm có, duyên ly tán thì tạm không, hiểu được lẽ có không không thật như vậy mới hòa quang đồng trần.
“Hòa quang đồng trần”, quang là ánh sáng, trần là bụi. Như ánh sáng mặt trời rọi vào trong nhà, chúng ta thấy trong ánh sáng có bụi lăng xăng trong hư không. Nếu chỗ nào không có ánh sáng là không thấy bụi. Ánh sáng là ví dụ cho trí tuệ của bậc Thánh, còn bụi bặm là ví dụ cho hàng phàm tục ở thế gian, nhưng ánh sáng là ánh sáng, bụi là bụi. Bụi không thể làm cho ánh sáng hoen ố, ánh sáng cũng không làm bụi tan nát, hai cái lẫn nhau mà cái nào ở phạm vi cái ấy. Thánh nhân ở trong trần tục với phàm phu nhưng phàm phu là phàm phu, Thánh nhân là Thánh nhân, không phải vì ở chung với phàm phu rồi Thánh nhân bị nhiễm, bị dính. Đó là để nói người được đạo đến chỗ tự tại vô ngại thì nói xa là đi trong các cõi, nói gần là lẫn lộn trong phàm tục, làm tất cả Phật sự mà không dính, không nhiễm, không bị cái phàm tục làm cho mất trí tuệ. Thế nên “khắp giáp cả năm thú”, tức là các vị này, nói thẳng là các vị Bồ-tát này, đi trong năm cõi để giáo hóa chúng sanh mà không bị năm cõi làm khổ hay làm cho nhơ nhiễm, lăn lộn trong luân hồi mà không bị cảnh luân hồi làm phải mang thêm nghiệp đen tối.
Lặng lẽ mà đi qua, tự tại mà đi đến.
Qua một cách lặng lẽ, đến một cách tự tại. Lặng lẽ đi qua là khi tịch, tự tại mà đến là khi sanh, tức là tử sanh một cách an lành tự tại không phải bị nghiệp lôi, bị cảnh trần kéo.
Điềm đạm không làm mà không gì chẳng làm.
Điềm đạm là an tịnh, không làm mà cái gì cũng làm. Không làm thì được ngồi không chớ đâu có làm gì, còn nếu cái gì cũng làm thì lăng xăng mãi chớ đâu có ngồi không được mà điềm đạm? Đây nói rõ người này, nhìn qua thấy như họ không làm gì nhưng thật ra cái gì họ cũng làm. Tại sao? Vì làm mà không bị cảnh chi phối cho nên làm mà không bực bội lo lắng, không sợ sệt, thấy họ bình an tự tại như không làm nhưng họ làm được nhiều việc. Họ không bồn chồn hấp tấp sợ sệt cho nên không làm mà làm được tất cả. Còn chúng ta có việc cần làm thì xôn xao, trong lòng lo lắng nghĩ tới được mất hơn thua v.v… cho nên không bao giờ được điềm đạm, được an nhiên vì vậy thấy như làm thật nhiều. Có nhiều người lúc nào cũng than công việc đa đoan, mặt mày nhăn nhó, thấy như người đó làm nhiều. Có người đi đâu cũng bình thản vui cười thấy như không có chuyện gì. Chúng ta phải xét lại, đừng thấy người nhíu mày nhăn mặt than công việc đa đoan thì nói người đó lo nhiều làm nhiều, còn người thảnh thơi tự tại vui cười thì nói không làm gì cả, chưa hẳn như vậy. Có người thấy như lo lắm, tính toán lắm mà rốt cuộc không làm được gì hết, còn có người thảnh thơi tự tại mà vẫn làm được rất nhiều. Thế nên đối với người phàm tục, khi làm việc gì họ hiện tướng lăng xăng lo lắng như làm nhiều lắm. Còn đối với bậc Thánh nhân thì các ngài ung dung tự tại thấy như không làm gì nhưng thật là các ngài làm cho tất cả chúng sanh.
Đây là bậc Thánh nhân buông thõng tay vì người, quanh quẩn trong năm thú để tiếp hóa chúng sanh.
Buông thõng tay nghĩa là thả tay đi thảnh thơi. Làm việc gì mà chúng ta chấp chặt đó là nắm, còn làm mà không chấp là buông. Như vậy làm tất cả mà không chấp một cái gì đó là buông thõng tay, đi đâu cũng không dính mắc. Còn làm mà bám chặt thì cả ngày luôn dính mắc không được an ổn. Các ngài buông thõng tay tức là không cố chấp, do không cố chấp nên mới đi quanh quẩn trong năm thú địa ngục, ngạ quỉ, súc sanh, người, trời để tiếp hóa chúng sanh, qua lại tự tại không dính mắc. Đối với chúng ta đừng nói là đi trong những con đường khó đó, giả sử như một người tu có chùa chiền, có đệ tử, có lương thực no ấm mà bảo vào trong xóm đồng bào thiểu số cất một am tranh ở để giáo hóa họ thì có đi dễ dàng không? Vì mình đang có mà bảo bỏ cái có đó để đến một nơi không có gì hết thì không phải là việc dễ, huống là từ một vị Thánh mà đi vào trong địa ngục, ngạ quỉ thì đó là việc quá nặng nề, thế mà các ngài đi qua lại trong đó để giáo hóa thì biết các ngài không chấp bất cứ một điều gì nên mới được như vậy.
Dù qua lại mà không có tướng qua lại. Như ngài Phật Quả thì hồn hậu mà đoan trang. Ngài Diệu Hỉ thì rành mạch mà bao la không ngằn mé. Ngài Cao Phong thì đơn sơ mà tinh nghiêm. Ngài Huyễn Trụ thì tỏ rõ mà sáng ngời.
Đây là Thiền sư Quảng Trí dẫn các vị Thiền sư ở Trung Hoa. Ngài Phật Quả tức là Thiền sư Viên Ngộ Phật Quả, Ngài hồn hậu mà đoan trang; Ngài Diệu Hỉ tức là ngài Đại Huệ thì rành mạch mà bao la không ngằn mé, tức là phân tích rõ ràng mà lúc nào cũng có cái tâm bao la rộng lớn; ngài Cao Phong thì đơn sơ mà tinh nghiêm, ngài Cao Phong rất là đơn giản mà tinh nghiêm; còn ngài Huyễn Trụ thì tỏ rõ mà sáng ngời, lúc nào cũng rành rẽ sáng ngời.
Nên nói: Cửa sâu kín tuy mở, mà sự ứng hiện của bậc Thánh chẳng đồng (bản), chẳng phải gốc xưa thì không do đâu hiện ra dấu nay (tích), chẳng phải dấu nay thì không do đâu hiển bày gốc xưa.
Ngài nói thêm cho rõ rằng: Cửa sâu kín tuy mở, mà sự ứng hiện của các bậc Thánh chẳng đồng, nghĩa là chỗ đi trong hoàn cảnh đặc biệt, hoặc hiện thân trong loài này hoặc trong chúng sanh kia, mà sự ứng hiện của các ngài không đồng. Chỉ ngay trong thế giới chúng ta hiện nay, như Lục tổ Huệ Năng nghe một câu kinh liền ngộ đạo thì Ngài tu đã bao nhiêu đời rồi? Người ta gọi Ngài là nhục thân Bồ-tát, vậy Ngài có phước nhiều ít mà lại sanh trong gia đình nghèo khổ phải làm tiều phu đốn củi? Thường người sanh trong gia đình nghèo khổ là người ít phước, như phàm phu chúng ta ít phước, còn Ngài là Bồ-tát làm sao ít phước được? Còn những vị vua thời đó, làm vua thì tự nhiên là có phước rồi, vậy tại sao nghe câu kinh mà không ngộ? Vậy ai có phước hơn ai? Đó là điểm mà chúng ta phải lưu tâm để thấy rằng các ngài khi đến chỗ tự tại rồi, lúc thì sanh làm người nghèo cùng khốn khổ phát tâm đi tu, khi thì sanh trong địa vị quan chức phát tâm đi tu, khi thì sanh ở địa vị vua rồi phát tâm đi tu, hạng người nào cũng có các ngài ứng hiện. Như vậy trong cửa sâu kín thì không có khác mà tùy nguyện các ngài hiện ra có khác. Đừng nghĩ người sanh trong hoàn cảnh thiếu thốn nghèo đói rồi đi tu là ít phước, có thể đó là sự ra đời để làm duyên độ sanh, có người sanh trong cảnh giàu sang rồi đi tu cũng là duyên độ sanh. Quan niệm của Bồ-tát là muốn cho người thế gian không có mặc cảm là chỉ có hạng người nào đó mới tu được, còn hạng người khác tu không được. Như vậy từ vua quan trí thức đến bình dân hạng nào tu cũng được, hạng nào cũng có thể giác ngộ thành Phật. Đó là trọng tâm của việc Bồ-tát giáo hóa. Thế nên ở đây nói rõ cho chúng ta thấy chuyện đến của các ngài có sai biệt, đừng nghĩ mọi việc đều như nhau. Do đó tôi có ngạc nhiên về việc ở Tây Tạng các vị Phật sống ra đời rồi tịch, các đệ tử đi tìm vị tái sanh trở lại đưa lên địa vị Phật sống nữa, mà Phật sống ở một chỗ mãi, tôi ngạc nhiên ở điểm đó vì trong kinh Phật không cho phép chúng ta thấy như vậy, chỉ các Bồ-tát tùy chỗ ra đời để cảnh tỉnh chúng sanh ở một giai cấp nào, dù cao dù thấp, đi tu cũng đều có thể ngộ đạo thành Phật. Đó là tinh thần bình đẳng của Bồ-tát, nên ở đây muốn nói cho chúng ta hiểu như vậy.
Chẳng phải gốc xưa thì không do đâu hiện ra dấu nay.
Không phải gốc xưa thì không có hiện hình thức ngày nay. Nếu ngày xưa Tổ Huệ Năng chưa từng tu thì thời nay nghe một câu kinh có ngộ được không? Dĩ nhiên là đã tu nên thời nay nghe một câu kinh mới ngộ, đó là gốc xưa mới hiện ra dấu nay, chớ không phải bỗng dưng mà được. Thế nên tất cả việc làm của chư Bồ-tát, của các Thiền sư đều từ gốc ban đầu tu hành sẵn rồi, nên sau tùy duyên sanh ra nơi nào, hạng nào cũng đều có hiện tượng sớm thức tỉnh để tu hành giáo hóa chúng sanh.
Chẳng phải dấu nay thì không do đâu hiển bày gốc xưa.
Nếu chúng ta không thấy được hiện tượng Tổ Huệ Năng nghe một câu kinh mà ngộ thì chúng ta làm sao biết được Ngài đã tu những đời về trước, nhờ Ngài nghe một câu kinh mà ngộ, chúng ta biết Ngài đã tu hành nhiều đời. Như vậy từ việc nay mà phăng lại gốc xưa, rồi từ gốc xưa mà hiện ra việc nay.
Gốc xưa và dấu nay tuy khác, mà nghĩa không thể nghĩ bàn là một.
Trong cuộc sống này, hiện tượng ra đời của các vị Bồ-tát thật là không thể nghĩ bàn. Chỗ không thể nghĩ bàn thì không có hai mà gốc xưa dấu nay thấy như có hai.
Bốn câu tụng “không ngại” này, ý đại khái như trên.
Bốn câu tụng này ý nói như vậy, nghĩa là người tu đến chỗ vô ngại rồi thì trong cuộc đời này và những đời sau liên tục giáo hóa chúng sanh không ngăn ngại, dù ở hoàn cảnh nào hay nơi chốn nào cũng đều tự tại.