Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Phần 2 - Luận Giải Các Bài Tụng Chăn Trâu Của Thiền Sư Phổ Minh (Bài Tụng 3 - Chịu Phục)



Tĩnh lự – Chịu phép (thọ chế)

Âm:

Tiệm điều tiệm phục tức bôn trì,
Độ thủy xuyên vân bộ bộ tùy.
Thủ bả mang thằng vô thiểu hoãn,
Mục đồng chung nhật tự vong bì.

Tạm dịch:

Dần dà chịu phục hết chạy rong,
Lội nước xuyên mây bước bước tòng.
Tay nắm dây thừng không nới lỏng,
Cả ngày quên nhọc chú mục đồng.

Giải thích:

– Như ngu tợ ngốc, động hay tịnh thể vẫn an nhiên.

– Dù vội vàng cũng chẳng rời, tập lâu mới thành tánh.

– Có thể quyết chí mà thêm một bước tinh tiến nữa.

– Sấn tới chẳng đoái đến thân, chuyên ròng nơi chí đạo.

Luận rằng:

Như Hòa thượng Dũng Tuyền bảo: “Ta bốn mươi năm ở trong ấy, còn có lúc chạy lọt.” Hòa thượng Đàm Hối bảo: “Việc này rất chẳng dễ dàng, phải sanh lòng hổ thẹn mới được. Hổ thẹn là, hổ với bạn tốt, thẹn với bạn đạo. Nói rằng họ là người gì? Ta là người gì? Mà ta không có hạt giống từ đời trước sao? Đại khái người tu hành cần có chí cao thượng, có tâm quyết liệt, lấy xuất thế làm bản hoài, lấy minh tâm làm cứu kính. Sáng thì nghiên cứu, chiều thì tư duy, không có lúc nào nghỉ ngơi. Sau đó chẳng hay chẳng biết, bất chợt ngộ nhập.” Nên nói: Đâu có Di-lặc trời sanh, Thích-ca ở dưới đất vọt lên, chẳng cầu mà tự đến, không làm mà tự thành. Bốn câu tụng “chịu phục” này, ý đại khái như trên.

GIẢNG

“Chịu phục” tức là con trâu đầu hàng mình. Nếu học thì ba bốn mục cùng một lúc, nhưng tu thì không biết quí vị qua được giai đoạn thứ nhất chưa? Mấy mươi năm, lâu rồi mà chưa qua nổi giai đoạn thứ nhất thì thật là tội nghiệp! Đến bài tụng thứ ba quí vị thấy nhẹ nhàng thảnh thơi được một chút rồi.

Dần dà chịu phục hết chạy rong.

Giữ trâu mà trâu không chạy nữa thì người chăn được thảnh thơi, nó đã:

Lội nước xuyên mây bước bước tòng.

Tức là mình đi đâu nó theo đó, mình lội xuống nước thì nó theo xuống nước, mình đi xuyên qua mây thì nó cũng theo xuyên qua mây.

Tay nắm dây thừng không nới lỏng.

Tuy nó chịu đầu phục nhưng sợi dây mũi mình cũng không dám buông.

Cả ngày quên nhọc chú mục đồng.

Tuy vậy mà cả ngày tay roi, tay nắm dây mũi dẫn đi hoài chớ không dám nghỉ ngơi.

Giải thích:

Như ngu tợ ngốc, động hay tịnh thể vẫn an nhiên.

Đến đây vị Thiền sư ngồi, mắt hơi nhìn xuống, hai tay để kín ở trong, không còn kềm. Hình ngài Quảng Trí vẽ rất có ý. Tranh trước thì hai tay kềm cứng, mắt ngó thẳng. Tranh này thì mắt ngó xuống, tay để trong áo, có vẻ nhẹ nhàng rồi. Khi ấy “như ngu tợ ngốc, động hay tịnh thể vẫn an nhiên”. Ai được “như ngu tợ ngốc”chưa, hay tu mấy năm rồi mà vẫn còn lanh lợi? “Động hay tịnh thể vẫn an nhiên” là dầu chỗ động, dầu chỗ tịnh thể cũng vẫn an nhiên. Đó là dứt chạy rong.

Dù vội vàng cũng chẳng rời, tập lâu mới thành tánh.

Dầu có khi lăng xăng nhưng trâu và mình cũng không rời nhau, phải tập lâu như vậy mới thành thói quen, mới thành tánh. Đó là “lội nước xuyên mây bước bước tòng”.

Có thể quyết chí mà thêm một bước tinh tiến nữa.

Đó là “tay nắm dây thừng không nới lỏng”. Tuy nhiên còn phải tiến lên nên phải quyết chí nắm chặt dây mũi. Chú mục đồng cầm roi nhưng không đưa cao, giơ thẳng chực đánh mà tay co lại, để roi thong thả dựa trên vai, còn tay kia thì vẫn nắm chặt dây thừng không dám lơi lỏng. Đó là để nói rằng tuy đã điều phục được trâu nhưng vẫn cố gắng, vẫn nỗ lực tiến lên chớ không phải thảnh thơi dừng ngang đó.

Sấn tới chẳng đoái đến thân, chuyên ròng nơi chí đạo.

Tức là “cả ngày quên nhọc chú mục đồng”. Người tu đến đây có vẻ được an nhàn, tất cả vọng tưởng đều có thể thắng được, nhưng đừng ngỡ tới đó là xong, rồi thảnh thơi thong thả dừng ngay nơi đó mà phải nỗ lực, phải sấn tới để tiến đến chỗ chí đạo, tức là chỗ đạo tột cùng. Đọc đoạn này quí vị kiểm lại xem mình bước vào phần này chưa. Hình như ai cũng cảm thấy còn hơi xa, giai đoạn thứ nhất thì đang, giai đoạn thứ hai thì có vẻ hơi xa, mục thứ ba chưa bước tới, còn bảy mục nữa đi khoảng bao lâu? Vậy những kẻ tu mới được chút ít mà tự hào thì đó là người rất lầm lẫn. Chúng ta tu thấy như có tiến chút ít mà nhìn lại mục thứ ba dường như chưa có phần, bởi vì tôi thấy người nào cũng còn lanh quá, chưa như ngu như ngốc. Đã được như ngu như ngốc rồi mà còn quyết chí, còn sấn tới không dừng, huống là còn đang giai đoạn mới chăn mà dừng thì không biết nó lôi mình chạy tới đâu.

Luận rằng:

Như Hòa thượng Dũng Tuyền bảo:

Ta bốn mươi năm ở trong ấy, còn có lúc chạy lọt.

Chạy lọt là tuột tay, sút dây thừng, con trâu chạy. Bốn mươi năm mà còn chạy lọt thì năm năm, mười năm nó chạy lọt hoài. Giữ đầu này nó chạy lọt đầu kia, đâu có yên.

Hòa thượng Đàm Hối bảo:

Việc này rất chẳng dễ dàng, phải sanh lòng hổ thẹn mới được. Hổ thẹn là, hổ với bạn tốt, thẹn với bạn đạo. Nói rằng họ là người gì? Ta là người gì? Mà ta không có hạt giống từ đời trước sao?

Nếu tu chưa ra gì thì phải khởi tâm hổ thẹn, tức là chúng ta đặt câu hỏi: Những huynh đệ của mình hay những hàng tiền bối là người gì? Ta là người gì? Các vị đó tu được sao mình tu không được? Đặt câu hỏi để so sánh rồi cố gắng lên, nếu không có cái nhìn đó tức mình không biết hổ thẹn, rồi cứ tự mãn thì đó là bệnh.

“Ta không có hạt giống từ đời trước sao” mà ta không tiến?

Đại khái người tu hành cần có chí cao thượng, có tâm quyết liệt, lấy xuất thế làm bản hoài, lấy minh tâm làm cứu kính. Sáng thì nghiên cứu, chiều thì tư duy, không có lúc nào nghỉ ngơi. Sau đó chẳng hay chẳng biết, bất chợt ngộ nhập.

Quí vị nghe những câu này để nuôi dưỡng ý chí của mình. Ngài bảo: “người tu hành cần có chí cao thượng”, nghĩa là chí vượt lên trên những việc tầm thường. Người tu phải có chí vì giải thoát sanh tử, vì độ thoát chúng sanh, vì làm mở sáng mắt trí tuệ, chớ không phải chỉ để có chút phước rồi đời sau tu nữa, mà phải có một cái gì siêu thoát cao cả hơn.

“Có tâm quyết liệt”, nghĩa là phải quyết tâm chớ không phải làm chuyện lơ là cầm chừng, phải “lấy xuất thế làm bản hoài”, trong lòng luôn thấy cần giải thoát được sanh tử, chớ không phải tu mà chỉ lẩn quẩn trong dòng luân hồi. “Lấy minh tâm làm cứu kính” tức là phải lấy việc mở sáng mắt trí tuệ (minh tâm kiến tánh) làm cứu kính. Muốn được vậy thì sáng phải nghiên cứu, chiều phải tư duy, không có lúc nào nghỉ ngơi, tức là không khi nào rảnh rang thong thả chơi đùa. Nhưng hiện nay chúng ta như thế nào? Nhiều khi tu thì tu nhưng ngồi một mình cảm thấy buồn nên tìm đôi ba người họp lại nói chuyện cho đỡ buồn, thế thì khi ấy có tu hành cần mẫn không? Hay là ngồi gốc cây rủ vài đồng nghiệp đánh cờ, để mặc trâu đi đâu thì đi? Hiện tượng này hiện nay dễ thấy lắm, thế mà nhiều người lại hài lòng, thật là điều đáng buồn.

Sau đó chẳng hay chẳng biết, bất chợt ngộ nhập.

Nghĩa là chúng ta tu cho đến khi nào tâm mình an nhiên tự tại, không nghĩ suy gì, bất chợt được ngộ đạo hay là bỗng dưng nhập được Phật tánh của mình.

Nên nói: Đâu có Di-lặc trời sanh, Thích-ca ở dưới đất vọt lên.

Câu này trong kinh trong sách thường nói. Đức Thích-ca thành Phật là Ngài đã tu nhiều đời nhiều kiếp rồi, đồng thời ngay đời hiện tại Ngài cũng phải dày công khổ nhọc tu hành mới giác ngộ thành Phật, đâu phải bỗng dưng sanh ra liền thành Phật, như ở dưới đất vọt lên xưng ta là Phật, ta là Bồ-tát. Còn đức Phật Di-lặc tương lai cũng tu nhiều đời nhiều kiếp rồi mới gọi là Bồ-tát nhất sanh bổ xứ, sau này thành Phật, đâu phải trời sanh ra thành đức Di-lặc. Vị nào cũng phải dày công tu tập nhiều đời mới được kết quả như vậy. Thế thì muốn thành Phật mà lại thảnh thơi chơi đùa thì thành Phật được không? Nếu chúng ta thảnh thơi vui chơi hoài thì chắc quả Phật để dành cho người nào chớ không phải cho mình. Tóm lại người tu cần phải có ý chí mãnh liệt, phải hiểu rõ đức Phật Thích-ca do nhiều kiếp tu hành cần mẫn, quyết tâm liều chết mới thành Phật, đức Di-lặc cũng tu hành nhiều đời mới thành Phật tương lai, không có việc bỗng dưng mà thành Phật.

Chẳng cầu mà tự đến, không làm mà tự thành.

Không có việc không cầu mà đến, không làm mà thành, nghĩa là tu sơ sơ rồi bỗng dưng thành Phật, chuyện đó hẳn không có. Nói tu thì ai cũng khẳng định tu để thành Phật, nhưng việc thành Phật là việc phải cần mẫn siêng năng, phải quyết tâm thì đa số lại thiếu những điều này. Thiếu cần mẫn thiếu quyết tâm mà nói thành Phật thì quả đó không phải quả thật. Vì vậy tất cả chúng ta phải ráng, nói được thì cố gắng làm cho được mới là quí.

Kết luận:

Bốn câu tụng “chịu phục” này, ý đại khái như trên.

Ý đại khái là như vậy, tức là qua phần này đã nhẹ bớt rồi mà vẫn không có một phút giây lơi lỏng mới được.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.