Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Lời Tựa Tranh Chăn Trâu



Xét bởi, Phật Tổ ra đời đều nhân vì mang nặng tâm nguyện lợi ích chúng sanh và cảm sâu lòng thương xót muôn vật, nên mới lập bày nhiều môn. Dù nói rằng, người người vốn đủ, một tánh sáng tròn, nhưng đều do vô minh vọng niệm, nên chợt đó liền chịu luân hồi chưa từng tỉnh giác trở lại.

Bấy giờ, đức Phật Thích-ca Văn bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết, thị hiện sáu năm khổ hạnh, sau đó mới thuyết pháp lợi sanh. Ngài mở rộng lòng từ to lớn thương tất cả, nhổ sạch gốc rễ tối tăm trong nhiều kiếp. Một tâm bi cùng tột phát ra lời chân thật tận cả cội nguồn. Bởi người quá mê mờ bỏ mất Bản tánh, nên mới có giáo pháp ba thừa, Phật tùy cơ nói ra tự tại. Song đối với diệu đạo Nhất thừa, thì một bề chỉ thẳng là đốn, là viên. Hoặc trên trời hay trong nhân gian đều chẳng trái với giáo chỉ. Hoặc khổ thú hay trầm luân, vẫn càng gần với ý Phật, không ngăn cách một mảy trần. Dù tối tăm che lấp cũng trông thấy sáng ngời, mọi đức tròn đủ. Dù người không có duyên, cũng đều được thu nhiếp trao cho.

Đợi đến Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang, mở ra việc nhìn vách chín năm. Sau đó dùng chỉ thẳng truyền riêng, lấy tâm ấn tâm, lại phát xuất Nhị tổ Thần Quang đứng trong tuyết tham thỉnh, chặt tay cầu an tâm, nên nói “được người tiếp nối”. Từ đây trở xuống, Tổ Tổ nối tiếp nhau, hoặc thức ngủ hiện bày chân thật, hoặc đề cao đường giác, hoặc nói pháp ngữ, hoặc cho tiểu tham, hoặc khai thị, hoặc cảnh sách (đánh thức khuyên răn), hoặc châm minh (ghi sâu nhắc nhở), mỗi mỗi thúc đẩy dẫn dụ cho người tiến lên, nếu biên góp lại thì có rất nhiều nói không thể hết.

Nay pháp môn Tranh chăn trâu này, chưa biết bắt nguồn từ tay người nào. Có điều cũng phỏng theo kinh Phật, rồi kết tụ với Tổ giáo mà sắp xếp thành mười mục: ban đầu từ chưa chăn, sau cùng mất cả hai. Con trâu, lúc đầu đen rồi trắng dần, cho đến hoàn toàn trắng sạch. Thiền sư Phổ Minh còn dùng lời tụng, tụng thêm ở mỗi mục. Về tranh, thì hình ảnh rõ ràng, ý lại sâu kín. Về tụng, thì lời gần mà ý chỉ cao xa. Thật là ân huệ lớn lao cho người học, có bổ ích rất nhiều, phương tiện cũng quá đầy đủ.

Thế nhưng, tranh ấy chính là pháp môn chỉ thẳng, mà đáng tiếc thiếu không có phần dẫn thẳng. Tôi chẳng ngại sự kém cỏi của mình, thầm lấy những lời có sẵn của người xưa, lại chọn kỹ văn kinh, gạn xét chín chắn làm y cứ, phụ xen vào một hai ý mình, muốn tạm dùng để bù vào chỗ thiếu sót, đâu đáng gọi là biên soạn! Ví như bệnh không phải chỉ có một chứng, thuốc không hạn cuộc một phương (toa); vì vậy nói: Bệnh lành thì thuốc quí, dù nước tiểu cũng là cam lồ. Chứng bệnh khác mà chấp vào một toa, thì dù nhân sâm, phục linh cũng trở thành thuốc độc. Há cho ngọc tiết, san-hô là diệu dược vô thượng sao? Nếu như hàng sơ cơ đệ tử Phật, quí việc tu thân thì hãy soi xét lại mình. Kẻ thích theo cuồng tuệ, hẳn có khinh thường và sẽ chê cười tôi. Tôi cũng không bắt ép ai. Vậy nên viết thành lời tựa.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1720) ngày Phật thành đạo, mùng tám tháng Chạp năm Kỷ Hợi.

Kính ghi ở Hải Thiên Phật Quốc.

GIẢNG:

Xét bởi, Phật Tổ ra đời đều nhân vì mang nặng tâm nguyện lợi ích chúng sanh và cảm sâu lòng thương xót muôn vật, nên mới lập bày nhiều môn. Dù nói rằng, người người vốn đủ, một tánh sáng tròn, nhưng đều do vô minh vọng niệm, nên chợt đó liền chịu luân hồi chưa từng tỉnh giác trở lại.

Mở đầu Lời Tựa Tranh Chăn Trâu, ngài Quảng Trí đi thẳng vào giáo lý: Lý do Phật Tổ ra đời nhân vì mang nặng tâm nguyện lợi ích chúng sanh và lòng thương xót muôn vật, nên lập ra nhiều pháp môn, như trong kinh nói có tám muôn bốn ngàn pháp môn. Lẽ ra Phật dạy một pháp cho tất cả người tu, vì sao Phật lại dạy nhiều pháp môn như vậy? – Là vì chúng sanh tâm niệm sai biệt, kẻ trình độ cao, người trình độ thấp, kẻ thích thứ này, người ưa thứ kia, mỗi người mỗi bệnh khác nhau, nếu dạy một pháp thì không thể nào khắp được các căn cơ, thế nên Phật mới lập bày nhiều pháp môn để đối trị.

Dù nói rằng, người người vốn đủ, một tánh sáng tròn, nhưng đều do vô minh vọng niệm, nên chợt đó liền chịu luân hồi chưa từng tỉnh giác trở lại.

Trong kinh nói: Ai ai cũng có sẵn Tánh giác tròn sáng, không thiếu không khuyết, nhưng vì vô minh vọng niệm cho nên luân hồi không biết tỉnh giác trở lại. Như vậy trong kinh nói rõ tất cả chúng ta ai cũng có tánh Phật, mà tại sao lại làm chúng sanh? – Tại vì vô minh vọng niệm cho nên đi theo luân hồi sanh tử. Thật ra trên thế gian ai cũng thấy mình tương đối là khôn chớ không phải dại. Đâu có ai nói tôi dại triệt để, nếu có dại thì cũng dại bậc trung, vậy là dại lắm rồi! Ai cũng thầm nghĩ mình là khôn, nghĩ mình khôn mà không chịu sống với Tánh giác, lại đi luân hồi làm chúng sanh! Sống với Tánh giác là Phật, đi luân hồi là chúng sanh nên phải khổ! Tại sao đi trong luân hồi, tại sao làm kẻ mê, mà không nhận mình ngu? Phật nói chữ “vô minh” là nói nhẹ, vô minh là không sáng, chớ không nói là tối mò. Còn nói thẳng, nói nặng thì nói: ngu. Vì vô minh nên phải chịu luân hồi!

Thế nào là vô minh? Chúng tôi định nghĩa lại cho tất cả được rõ. Trong kinh Viên Giác, Bồ-tát Văn-thù hỏi Phật: Thế nào là vô minh? Phật giải thích: Người nào chấp thân tứ đại hòa hợp này là thân mình thật, chấp tâm suy nghĩ chạy theo bóng dáng sáu trần là tâm mình thật, đó là người vô minh. Xin hỏi có người nào luôn luôn thấy thân này là giả, thấy tâm chạy theo sáu trần là vọng tưởng hư dối chăng? Hay thấy thân này là thật, tâm suy nghĩ theo sáu trần là tâm mình thật, thấy như vậy là vô minh. Còn nếu thấy thân này là giả, mà thấy tâm suy nghĩ chạy theo bóng dáng sáu trần là thật, đó là bán phần vô minh, tức là phân nửa vô minh. Chúng ta hãy tự kiểm xem chúng ta có vô minh không.

Như vậy vô minh là gốc mê lầm của tất cả chúng sanh. Là con người, ai cũng đều thấy thân này là thân mình thật, cho nên chạy tìm kiếm đủ thứ để thỏa mãn những nhu cầu nó đòi hỏi, nào ăn, nào mặc, nào danh vọng địa vị v.v…, vì vậy mà suốt một đời không bao giờ ngừng được. Chúng ta nghĩ thỏa mãn cái thân là để nó sống lâu chớ gì? Thí dụ như một bữa cơm chúng ta ăn độ ba chén là no, là vừa bao tử, nhưng gặp bữa cơm ngon thì cái lưỡi muốn ăn thêm, để thỏa mãn nó nên bao tử bị khổ! Thế thì vì cảm giác của lưỡi mà chúng ta đi quá đà, tưởng làm thỏa mãn nhu cầu của thân, trái lại làm cho nó mau bại hoại! Do đó những người đi tiệc tùng liên miên thì dễ chết sớm, còn những người sống trên núi rừng ăn uống đạm bạc lại sống dai!

Người ở thế gian muốn thỏa mãn nhu cầu của thân, mà thân này trong nhà Phật gọi là mụt ghẻ, nó không bao giờ vừa ý, được một nó đòi hai, được hai nó đòi ba bốn, nó đòi mãi không thôi. Thí dụ bữa nay được món ăn ngon này, ngày mai nó đòi món ăn ngon khác, nó đòi hỏi mãi không biết dừng! Như vậy những đòi hỏi của thân, của cảm giác quá nhiều, mà càng theo nó thì càng bại hoại. Vì vô minh chấp thân là thật, cho nên người ta mê chạy theo nhu cầu của nó để thỏa mãn cảm giác, mà cảm giác là không thật, trong nhà Phật gọi là thọ, tất cả thọ đều là vô thường là khổ.

Kế đến là chấp vọng tưởng là tâm mình thật, cho nên cả ngày sống trong điên đảo, không bao giờ được an ổn, yên vui, đó là gốc đau khổ từ vô minh mà ra. Ai còn bị chìm trong vô minh thì người đó còn đang đau khổ.

Ngài Quảng Trí lấy ý trong kinh để chỉ cho chúng ta thấy ai ai cũng có Tánh giác tròn đầy trong sáng, nhưng vì vô minh nên phải chịu đi trong luân hồi sanh tử mà không thức tỉnh trở lại. Như hiện giờ tất cả Tăng Ni và Phật tử có mặt ở giảng đường này, quí vị có thức tỉnh trở lại hay chưa? Tuy chưa tỉnh trọn vẹn nhưng cũng có tỉnh một ít nên mới đến đây ngồi nghe. Nếu không thức tỉnh thì chắc còn chạy đi nơi này nơi kia để thỏa mãn những đòi hỏi của các giác quan mình.

Bấy giờ đức Phật Thích-ca Văn bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết, thị hiện sáu năm khổ hạnh, sau đó mới thuyết pháp lợi sanh. Ngài mở rộng lòng từ to lớn thương tất cả, nhổ lên gốc rễ tối tăm trong nhiều kiếp. Một tâm bi cùng tột phát ra lời chân thật tột cả cội nguồn. Bởi người quá mê mờ bỏ mất Bản tánh, nên mới có giáo pháp ba thừa, Phật tùy cơ nói ra tự tại. Song đối với diệu đạo Nhất thừa, thì một bề chỉ thẳng là đốn, là viên. Hoặc trên trời hay trong nhân gian đều chẳng trái với giáo chỉ. Hoặc khổ thú hay trầm luân, vẫn càng gần với ý Phật, không ngăn cách một mảy trần. Dù tối tăm che lấp cũng trông thấy sáng ngời, mọi đức tròn đủ. Dù người không có duyên, cũng đều được thu nhiếp trao cho.

Đoạn này nói tóm tắt giáo lý của Phật trong cuộc giáo hóa.

Trước hết, “đức Phật Thích-ca Văn bỏ hoàng cung đi thẳng vào núi Tuyết, thị hiện sáu năm tu khổ hạnh, sau đó mới thuyết pháp lợi sanh.”

Đây nói đức Phật tu sáu năm khổ hạnh ở núi Tuyết, cho nên có tượng đức Phật ngồi thân thể gầy khô, đó là tượng khổ hạnh ở núi Tuyết. Nhưng khi đến Ấn Độ mới biết đức Phật ở xứ Népal tức là miền Bắc Ấn gần núi Tuyết (gần rặng Hi Mã Lạp Sơn). Khi đi tu, Ngài không có lên núi Tuyết mà đi trở về Trung Ấn bên cạnh sông Hằng, tức là chỗ Bồ-đề đạo tràng hiện nay, cách xa núi Tuyết đến mấy trăm cây số. Nói theo xưa là Ngài lên Tuyết Sơn tu khổ hạnh, nhưng đó là lầm vì chúng ta không nắm vững sử liệu.

Thị hiện sáu năm khổ hạnh, sau đó mới thuyết pháp lợi sanh.

Đây là kể lại thời gian đi tu của đức Phật.

Ngài mở rộng lòng từ to lớn thương tất cả, nhổ sạch gốc rễ tối tăm trong nhiều kiếp.

Do lòng từ, tức là lòng ban vui, Ngài thương tất cả mọi người, muốn cho tất cả đều không còn tối tăm mà phải thức tỉnh, phải giác ngộ để hết khổ đau.

Một tâm bi cùng tột phát ra lời chân thật tột cả cội nguồn.

Do lòng bi Ngài chỉ chân lý, chỉ lẽ thật cho chúng ta nhận chân được nguồn cội của mình là sẵn có Tánh giác.

Bởi người quá mê mờ bỏ mất Bản tánh, nên mới có giáo pháp ba thừa, Phật tùy cơ nói ra tự tại.

Bởi vì chúng ta mê lầm bỏ quên Tánh giác của mình, cho nên Phật mới nói ra ba thừa, tức là Thanh văn thừa, Duyên giác thừa và Bồ-tát thừa. Phật tùy theo căn cơ của chúng sanh, có khi nói Thanh văn thừa, có khi nói Duyên giác thừa, có khi nói Bồ-tát thừa.

Song đối với diệu đạo Nhất thừa, thì một bề chỉ thẳng là đốn, là viên.

Song đối với đạo mầu nhiệm chỉ có một thừa, Ngài một bề chỉ thẳng giáo lý đốn viên. Nói về giáo lý đốn viên, các tông phái ở Trung Hoa như trong tông Hoa Nghiêm thì ngài Hiền Thủ phán giáo, chia giáo pháp của Phật ra mấy phần như Tiểu thừa giáo, Đại thừa thủy giáo, Đại thừa chung giáo, rồi đốn giáo viên giáo. Đốn là nhanh chóng, viên là tròn đủ. Đốn giáo viên giáo là giáo cao tột. Như vậy, đối với diệu đạo Nhất thừa, Phật chỉ thẳng giáo lý nhanh chóng tròn đủ, chớ không có cấp bậc thứ tự, cũng không phải chỉ có một phần.

Hoặc trên trời hay trong nhân gian đều chẳng trái với giáo chỉ.

Dù là chư thiên hay là con người, ai muốn tu cũng đều có thể thực hiện được giáo lý do đức Phật nêu bày ra.

Hoặc khổ thú hay trầm luân, vẫn càng gần với ý Phật, không ngăn cách một mảy trần.

Dù sanh trong các cõi địa ngục ngạ quỉ súc sanh v.v… cũng vẫn gần được với ý Phật, chớ không có cách xa. Tại sao? Như con bò, con chó tuy có hình thức khác với con người, nhưng chúng vẫn có cái biết, vẫn có Tánh giác chớ chẳng phải không. Tuy chúng đang ở trong loài thấp kém ngu độn mà cũng không mất Tánh giác, vì vậy mà nói “không ngăn cách một mảy trần”.

Dù tối tăm che lấp cũng trông thấy sáng ngời, mọi đức tròn đủ.

Dù ai bị mờ mịt tối tăm che lấp, nhưng Tánh giác của họ vẫn tròn đủ chớ không thiếu thốn.

Dù người không có duyên, cũng đều được thu nhiếp trao cho.

Dù người không có duyên đến với Phật pháp, nhưng Phật cũng tuyên bố rằng “tất cả chúng sanh đều có Phật tánh”, đều có Tánh giác. Thế thì có ai ngoài đạo Phật chăng? Nếu có Tánh giác tức là có đạo Phật. Dù người đó theo đạo gì cũng có Tánh giác, thì cũng là Phật, nhưng là Phật chưa thành. Đạo Phật không kỳ thị ai, không kỳ thị tôn giáo nào. Bởi vì từ con người cho đến súc sanh, tất cả đều có Tánh giác, có Tánh giác thì đều đồng với nhau. Ai biết trở về đều được giác ngộ, giác ngộ thì như nhau. Như vậy để thấy đạo Phật không có một cái nhìn riêng tư kỳ thị, mà nhìn chung tất cả mọi người đều có Tánh giác.

Đợi đến Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang, mở ra việc nhìn vách chín năm. Sau đó dùng chỉ thẳng truyền riêng, lấy tâm ấn tâm, lại phát xuất Nhị tổ Thần Quang đứng trong tuyết tham thỉnh, chặt tay cầu an tâm, nên nói “được người tiếp nối”. Từ đây trở xuống, Tổ Tổ nối tiếp nhau, hoặc thức ngủ hiện bày chân thật, hoặc đề cao đường giác, hoặc nói pháp ngữ, hoặc cho tiểu tham, hoặc khai thị, hoặc cảnh sách (đánh thức khuyên răn), hoặc châm minh (ghi sâu nhắc nhở), mỗi mỗi thúc đẩy dẫn dụ cho người tiến lên, nếu biên góp lại thì có rất nhiều nói không thể hết.

Đoạn trên dẫn sự truyền bá của Phật, đến đây dẫn sự kế thừa của chư Tổ.

Đợi đến Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang, mở ra việc nhìn vách chín năm.

Tổ Đạt-ma từ Ấn Độ sang Trung Hoa, lên chùa Thiếu Lâm, chín năm ngồi xây mặt vào vách.

Sau đó dùng chỉ thẳng truyền riêng, lấy tâm ấn tâm.

Đến khi truyền bá chánh pháp Tổ tuyên bố câu: “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”, cho nên gọi là “chỉ thẳng truyền riêng, lấy tâm ấn tâm”.

Lại phát xuất Nhị tổ Thần Quang đứng trong tuyết tham thỉnh chặt tay cầu an tâm, nên nói “được người tiếp nối”.

Ngài Thần Quang đứng trong tuyết chặt tay cầu an tâm, nên từ đó mới có sự kế thừa. Từ Tổ Đạt-ma là người Ấn Độ đến Tổ Thần Quang là người Trung Hoa, sự truyền thừa được tiếp nối ở Trung Hoa và mãi đến Việt Nam. Đoạn này dẫn cho chúng ta thấy rõ đường lối tu, trên là Phật kế là Tổ có sự kế thừa rõ ràng đầy đủ, chớ không phải là sự ngẫu nhiên.

Đến đây chúng tôi nhắc lại câu chuyện Tổ Thần Quang, trong sử thường gọi là Tổ Huệ Khả. Ngài Thần Quang là một vị Sư tu thiền nhưng chưa ngộ được lý của Thiền tông. Tuy tu thiền mà Ngài luôn luôn thấy tâm bất an. Nghe Tổ Đạt-ma sang ở chùa Thiếu Lâm, Ngài đến đó để cầu học. Khi ấy vào tháng Chạp mùa đông, ở miền bắc Trung Hoa có tuyết rơi, Tổ ngồi xây mặt vào vách, không đoái hoài đến, ngài Thần Quang không biết làm sao thưa thỉnh. Để tỏ lòng quyết tâm cầu đạo, Ngài đứng ngoài tuyết chấp tay hướng về Tổ. Từ đầu hôm cho đến sáng, tuyết rơi ngập đầu gối mà gương mặt Ngài vẫn thản nhiên. Tổ xây ra nhìn thấy thương tình mới hỏi: “Ông đến đây cầu việc gì mà khổ hạnh như vậy?” Ngài thưa: “Con đến đây cầu Hòa thượng dạy pháp môn cam lồ”, hay nói cách khác là pháp môn giải thoát. Tổ mới quở: “Xưa kia các Bồ-tát đi cầu đạo có khi phải bỏ thân mạng, hoặc chẻ xương làm viết, lấy máu làm mực v.v… để cầu đạo còn chưa xứng được. Nay ông dùng chút khổ hạnh đó làm sao cầu được pháp môn giải thoát?”

Chúng ta thấy ngài Thần Quang đứng ngoài tuyết suốt đêm mà mặt mày vẫn tỉnh, không buồn bực, không sợ hãi, thế mà cũng bị Tổ chê là chút ít khổ hạnh. Còn chúng ta hiện nay đến chùa cầu đạo thì thế nào? Vào lễ Hòa thượng ba lễ xin nhập chúng, nếu bảo “không được” thì giận ngay, phủi áo bỏ đi. Còn ngài Thần Quang đứng trong tuyết suốt đêm mà bị chê là chút ít khổ hạnh, cho nên Ngài vào nhà sau mượn dao chặt một cánh tay dâng lên Tổ để tỏ lòng thiết tha cầu đạo. Tổ bảo: “tâm cầu đạo như thế cũng khá” và nhận Ngài làm đệ tử.

Câu chuyện chặt tay này cũng hơi khó hiểu, giảng về sử thì như thế. Nhưng khi chặt tay quì dâng lên Tổ mà không băng bó, máu tuôn ra làm sao chịu nổi? Có thể đây là ngụ ý Ngài tha thiết quên mình để cầu đạo, cho nên Tổ khen “được” và nhận làm đệ tử.

Một hôm ngài Thần Quang thưa: “Bạch Hòa thượng tâm con không an, xin Ngài dạy con pháp an tâm.” Như vậy câu “chặt tay cầu an tâm” là chặt tay để cầu được chấp nhận làm đệ tử và sau đó hỏi pháp an tâm. Tổ Đạt-ma liền nhìn thẳng Ngài bảo: “Ngươi đem tâm ra đây, ta an cho.” Khi ấy Ngài chới với, làm sao đem tâm ra được! Như hiện nay nếu có người hỏi tôi: “tâm con lăng xăng quá, xin Thầy dạy con cách an tâm”, tôi bảo: “đem tâm ra, tôi an cho”, người ấy có chới với không? Biết nó ở đâu mà đem! Nhưng với tinh thần thiết tha cầu đạo, ngài Thần Quang liền xoay lại tìm cái tâm không an đó xem nó ở đâu đặng đem ra. Tìm một lúc nó mất tiêu, càng tìm càng vắng bóng, Ngài không còn cách nào khác hơn là thưa: “Bạch Hòa thượng con tìm tâm không được.” Lời thưa hết sức là chân thành! Tổ bảo: “Ta an tâm cho ngươi rồi.” Câu đáp thật là nhẹ. Qua câu “ta an tâm cho ngươi rồi”, ngài Thần Quang liền ngộ được pháp an tâm và được đổi tên là Huệ Khả.

Đây là chỗ khi xưa tôi đọc mấy phen, cứ nghĩ các Tổ như đùa với nhau, chớ không dạy gì cả. Người cầu an tâm rất là tha thiết. Tổ bảo: “Đem tâm ra ta an cho.” Người tìm tâm một lúc không thấy, thưa: “Con tìm tâm không được.” Tổ bảo: “Ta an tâm cho ngươi rồi.” An lúc nào? An bằng cách gì? Thế mà ngài Thần Quang biết được phương pháp an tâm. Chính chỗ đó, sau này khi lãnh hội được, tôi mới thấy Thiền tông từ Tổ Đạt-ma sang Trung Hoa truyền trực tiếp cho Tổ Huệ Khả là một yếu chỉ mà chúng ta không thể nào thấy khác hơn được. Yếu chỉ đó là Phản quan. Bảo tìm tâm, thì phải làm sao? Nếu ngó ra thì làm sao tìm, tức phải quay lại tìm xem cái tâm lăng xăng của mình ở đâu? Khi tìm thì không thấy nó, bởi khi tìm thì nó mất. Khi cái tâm lăng xăng mất, lúc đó an chưa? Tìm lại không còn thấy lăng xăng, tức là đã an. Cho nên Tổ bảo: “Ta an tâm cho ngươi rồi.” An tâm là không cho thêm cái gì cả, mà bắt phải quay lại tìm cái tâm lăng xăng. Khi tìm, nó mất thì tự nó an chớ không có gì lạ. Như vậy cửa vào nhà thiền rất là đơn giản.

Thế nên sau này chư Tổ, như ngài Đức Sơn thường nói câu: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người.” Đâu có pháp gì để cho, không có gì để thêm. An tâm là tự mình quay lại để thấy rõ tâm lăng xăng đó là cái gì? Vừa tìm lại thì nó mất, đó là an tâm. Ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ nói: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc”, tức là soi sáng lại chính mình, đó là phận sự chánh, không phải từ ngoài mà được. Phản quan là cái gốc tìm tâm không thể được của Tổ Huệ Khả. Chúng ta thấy từ Ấn Độ sang Trung Hoa, người đầu tiên thừa hưởng pháp này là Tổ Huệ Khả. Ở Việt Nam, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ là một cư sĩ chỉ cho vua Trần Nhân Tông là Sơ tổ Trúc Lâm cũng câu “Phản quan tự kỷ”, nghĩa là quay lại chính mình chớ không có việc gì khác, nếu từ ngoài mà được là sai, gốc Thiền tông rất là rõ ràng, rất là cụ thể.

Ở đây chúng tôi dạy tu thiền, những người sơ cơ muốn phản quan không biết làm sao, chúng tôi khuyên nên mượn hơi thở vô ra, đếm hoặc theo hơi thở, đó là phương tiện phản quan. Được một thời gian bỏ theo hơi thở, chỉ thấy tâm mình, nó dấy lên nhìn coi nó ra sao, nó là vọng rồi nó mất.

Như vậy tinh thần phản quan phát xuất từ Tổ Huệ Khả đến ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ và hiện giờ chúng ta đang ứng dụng. Nó có hệ thống rõ ràng, chớ không phải chuyện tu do tự ý mình đặt ra, tự ý mình bày nên. Vì thế khi Tổ Huệ Khả ngộ rồi, từ đó về sau “được người tiếp nối”, tức là được người thay cho Tổ Bồ-đề-đạt-ma, từ đó truyền mãi về sau.

Từ đây trở xuống, Tổ Tổ nối tiếp nhau, hoặc thức ngủ hiện bày chân thật, hoặc đề cao đường giác.

Hoặc khi thức, hoặc khi ngủ, cái chân thật không bao giờ mất, hoặc luôn luôn đề cao đường tỉnh giác.

Hoặc nói pháp ngữ, hoặc cho tiểu tham.

Hoặc dùng những câu nói pháp, hoặc là cho tiểu tham.

Hoặc khai thị, hoặc cảnh sách (đánh thức khuyên răn), hoặc châm minh (ghi sâu nhắc nhở), mỗi mỗi thúc đẩy dẫn dụ cho người tiến lên, nếu biên góp lại thì có rất nhiều nói không thể hết.

Chính nơi nhà giảng này chúng tôi để tên là Tham Vấn Đường, tức là quí vị đến đây để tham cứu, thưa hỏi cho rõ về ý nghĩa tu thiền. Nhưng vì chưa có ai được giỏi để tham vấn, nên chúng tôi giảng tức là khai thị cho quí vị hiểu để ứng dụng tu.

Nay pháp môn Tranh chăn trâu này, chưa biết bắt nguồn từ tay người nào. Có điều cũng phỏng theo kinh Phật, rồi kết tụ với Tổ giáo mà sắp xếp thành mười mục.

Mười bức tranh chăn trâu này, không biết rõ phát xuất từ quyển kinh nào hay từ tay người nào vẽ ra, nhưng đều là phỏng theo trong kinh, thí dụ như kinh Tứ Thập Nhị Chương v.v… Phật dạy phải chăn trâu, rồi kết hợp với Tổ giáo tức là lời dạy của chư Tổ, sắp xếp thành mười mục.

Ban đầu từ chưa chăn, sau cùng là mất cả hai. Con trâu, lúc đầu đen rồi trắng dần, cho đến hoàn toàn trắng sạch. Thiền sư Phổ Minh còn dùng lời tụng, tụng thêm ở mỗi mục. Về tranh, thì hình ảnh rõ ràng, ý lại sâu kín. Về tụng, thì lời gần mà ý chỉ cao xa. Thật là ân huệ lớn lao cho người học, có bổ ích rất nhiều, phương tiện cũng quá đầy đủ.

Mười bức tranh này, từ ban đầu chưa chăn cho tới cuối cùng là mất cả trâu và chăn. Mỗi bức tranh có một bài tụng của Thiền sư Phổ Minh. Nói rõ ra thì mười bức tranh mang một ý nghĩa tượng trưng để chúng ta tự quay lại nhìn mình từng chặng cho dễ nhớ dễ tiến. Về hình ảnh thì rõ ràng, nhưng ý nghĩa lại sâu kín. Phần tụng lại càng rất hay, rất cao xa. Đây là một phương tiện lớn cho người học, có thể nhờ đó mà dễ thấy được tâm mình, dễ thấy được sự tiến lùi trên đường tu của chính mình.

Thế nhưng, tranh ấy chính là pháp môn chỉ thẳng, mà đáng tiếc thiếu không có phần dẫn thẳng. Tôi chẳng ngại sự kém cỏi của mình, thầm lấy những lời có sẵn của người xưa, lại chọn kỹ văn kinh, gạn xét chín chắn làm y cứ, phụ xen vào một hai ý mình, muốn tạm dùng để bù vào chỗ thiếu sót, đâu đáng gọi là biên soạn! Ví như bệnh không phải chỉ có một chứng, thuốc không hạn cuộc một phương (toa); vì vậy nói: Bệnh lành thì thuốc quí, dù nước tiểu cũng là cam lồ. Chứng bệnh khác mà chấp vào một toa, thì dù nhân sâm, phục linh cũng trở thành thuốc độc. Há cho ngọc tiết, san-hô là diệu dược vô thượng sao? Nếu như hàng sơ cơ đệ tử Phật, quí việc tu thân thì hãy soi xét lại mình. Kẻ thích theo cuồng tuệ, hẳn có khinh thường và sẽ chê cười tôi. Tôi cũng không bắt ép ai. Vậy nên viết thành lời tựa.

Đến đây Ngài nói rõ thêm, pháp môn chăn trâu này là pháp môn chỉ thẳng, nhưng Ngài than rằng thiếu chỗ dẫn thẳng. Ngài bổ túc bằng cách xem văn kinh, chọn kỹ lại, rồi thêm vài ý để bù vào những chỗ thiếu sót. Như vậy chỉ là bổ túc thôi, chớ không phải là biên soạn, nhưng tạm gọi là biên soạn.

Ngài nói:

Ví như bệnh không phải chỉ có một chứng, thuốc không hạn cuộc một toa.

Bệnh thì mỗi người mỗi bệnh khác nhau, thuốc thì cũng mỗi toa mỗi khác, giá trị ở chỗ “bệnh lành thì thuốc quí”, nghĩa là thuốc nào trị được bệnh thì đó là thuốc quí. Không nhất định phải thứ thuốc đắt tiền hiếm có mới là quí, cốt là thuốc để trị lành bệnh, dù thuốc tầm thường mà trị hết bệnh cũng là quí.

Dù nước tiểu cũng là cam lồ.

Gần đây người ta có nói dùng nước tiểu để trị bệnh, giả sử nước tiểu mà trị lành bệnh thì nước tiểu cũng là quí. Khi xưa, đầu thế kỷ 17 đã biết trị bệnh bằng nước tiểu. Hiện nay có nhiều bác sĩ cũng nói dùng nước tiểu để trị bệnh. Thế thì giá trị không phải ở thuốc mà ở chỗ đúng bệnh đúng thuốc.

Cho nên nói:

Chứng bệnh khác mà chấp vào một toa.

Như người đau đầu, người đau bụng mà uống một toa thuốc, có được không? Cũng không thể được.

Thì dù nhân sâm, phục linh cũng trở thành thuốc độc. Há cho ngọc tiết san-hô là diệu dược vô thượng sao?

Chúng ta nghĩ ngọc tiết san-hô là quí, nhưng có thể trị được hết bệnh của con người sao?

Nếu như hàng sơ cơ đệ tử Phật, quí việc tu thân thì hãy soi xét lại mình. Kẻ thích theo cuồng tuệ, hẳn có khinh thường và sẽ chê cười tôi.

Người nào quyết tu thì hãy quay lại nhìn mình, xem các lời nói ở đây có thích hợp, có đúng bệnh mình hay không, nếu đúng như vậy thì có lợi ích. Còn ai muốn nói văn chương, nói ý siêu thoát mà cho rằng hay thì người đó sẽ coi thường những lời dạy, những lời giải thích của Ngài.

Để kết thúc, Ngài nói:

Tôi cũng không bắt ép ai. Vậy nên viết thành lời tựa.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 15 (1720) ngày Phật thành đạo, mùng tám tháng Chạp năm Kỷ Hợi.

Kính ghi ở Hải Thiên Phật Quốc.

Hải Thiên Phật Quốc, Phật Quốc là nước Phật, Hải Thiên là góc biển, là chân trời, vì chùa của Ngài là chùa Trấn Hải, có thể là ở ngoài góc biển.

Phần này là Lời Tựa Tranh Chăn Trâu. Bắt đầu vào trong bài, Ngài nói thật là cẩn thận và người học cũng cần nên chăm chú lãnh hội đừng bỏ mất những ý hay.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.