Kính lễ bậc Giác biết cùng khắp,
Nương về kinh Pháp mười hai bộ,
Nam-mô mười phương các Thánh Hiền,
Đồng chấn uy quang soi xét đến.
Từng bảo: Thuốc, không hẳn sâm, linh, đan, thạch, hết bệnh là thuốc hay. Lời không hẳn bàn giỏi, luận thông, mở sạch điều mê là lời khéo. Vì thế, chỗ thầy thuốc tầm thường bỏ đi, chính là chỗ Lô Biển thu lấy. Điều hạng dở coi khinh, chính là điều bậc trí quí trọng. Mới biết, lập ngôn chẳng quí bàn suông vô ích, mà thật quí là lời cảnh tỉnh được người. Người xưa nói: Do nghi mới đến hỏi, kiếm báu rời khỏi vỏ vì chém việc bất bình; dẫn lời đáp để phá nghi, linh đơn ra khỏi đỉnh (bình), là muốn trị lành bệnh vậy.
Các nhân giả! Mỗi người hãy ngay đây định tỉnh tinh thần, một niệm hồi quang, thì rỗng toang tự soi sáng. Khác chi vầng hồng trong hư không, một mình vận hành vô tư. Hay như minh châu trên mâm, chẳng đẩy mà tự lăn. Lúc này nếu chẳng xét tột cội nguồn, liền đợi về sau hỏi đức Di-lặc, sao quá chậm vậy?
Tôi dù tối dốt, học vấn sơ sài, hạnh giải mỏng manh, cũng thấy được những lời tụng tranh chăn trâu, chính là việc trên bổn phận của người học đạo. Song văn ít mà nghĩa sâu, ý thâm mà hình ảnh rõ ràng, nên trong một niệm phấn khởi, tôi liền tạm viết lời chú giải, để mọi người cùng rõ biết. Theo lời trình bày trên giấy mực, lại có thêm phần nói thẳng, lược dẫn ít điều. Nếu như lý tột chưa được sáng tỏ, bàn lầm nghĩa sai trái, mong cho tôi được sám hối. Hoặc giả lời lẽ đúng lý, xin cho rộng lưu thông, để khỏi cô phụ chí nguyện này.
Lời rằng: “Thánh nhân luống phí tâm lão bà, tri âm nào phải kêu nói mãi.” Giờ đây đối với mục ban đầu chưa chăn, xin hãy tạm nêu ra.
Chỉ vì khi mê cần nhờ có giáo lý ba thừa. Sau khi ngộ mới biết một chữ cũng không. Xưa đức Thích-ca Như Lai đi thẳng vào núi Tuyết, bỏ cả sự vinh hoa, phú quí ở đời, chịu sáu năm đói lạnh, đến đêm mùng tám tháng Chạp thấy sao Mai mọc liền thành Chánh giác, cảm than rằng: “Lạ thay! Có tâm là có Phật. Chỉ vì tất cả chúng sanh có đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, nhưng đều do vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng được.” Do đó, ở đạo tràng Bồ-đề, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, chính là pháp môn “Nhất thừa viên đốn vi diệu”, mở bày cho chúng sanh thấy tánh thành Phật. Đó thật là kinh điển bí yếu.
Lại, sách Đại Học của họ Khổng để lại, nói: “Từ thiên tử cho đến dân thường, thảy đều lấy việc tu thân làm gốc.” Song pháp môn này, trước nói chưa chăn, giống như nói chưa giác. Chưa giác tức là chưa tu, mà chưa tu chính là chưa chăn. Như trong lời trên: “từ thiên tử cho đến dân thường” có thể biết đã ngầm nêu hết những hàng vương hầu, công khanh sĩ đại phu v.v… ở trong đó.
Từ bậc thiên tử chưa chăn, nghĩa là sao? Đây là thân ở cảnh phú quí, con trai, con gái, lụa ngọc, trân báu, kho tàng, hàng ngày ứng tiếp muôn việc, đâu rảnh mà hồi quang phản tỉnh để chăn cho được?
Đến như ngôi vị vương hầu chưa chăn, là sao? Cũng đều do con cái, lụa ngọc thê thiếp dính bận nơi tâm, lại có quyền hành đi đánh dẹp, mưu tính xâm lăng, nhân đó nên không thể chăn.
Tới hàng công khanh, sĩ đại phu v.v… thì a dua theo quyền thế, say sưa với bổng lộc, khoe khoang tiếng tăm, hoặc lo hưởng ân huệ trên trước người dân, chỉ mưu quí hiển một thân mình, nhân đó không thể chăn.
Còn hạng học trò, thì lao tâm khổ chí, lo lấy công danh vinh hiển, đâu rảnh mà chăn?
Cho đến kẻ ruộng vườn, thợ thầy, buôn bán, hết thảy mọi người làm ăn kiếm sống, gieo giống cấy mạ, gánh nước bửa củi, giặt nhuộm may vá, dệt vải, gặt, phơi, xay, giã, nắm bắt tạo bày, khổ nhọc chăm lo, bề bộn rộn ràng để kiếm dùng hằng ngày. Sớm tối nghĩ suy, trăm phương ngàn kế; nếu nói việc ngay trong nhà thôi, thì cũng biết bao thứ nhỏ nhặt, bút không thể chép hết. Chỉ vì nghiệp căn sâu nặng, lăng xăng cả ngày, thế nào chăn được?
Trên từ vua chúa, dưới đến dân thường, hãy gác lại chớ bàn. Ngay như xứ này, hàng bốn chúng đệ tử Phật, vốn đã có chút ít duyên lành đời trước được sanh làm người, may còn gặp nề nếp từ xưa truyền lại, được đi xuất gia, cạo tóc mặc áo nhuộm, lạm nhận sự cung kính, cứ “ăn rồi tụ đầu nói chuyện ồn ào, chỉ nói toàn chuyện thế gian tạp nhạp; ham ăn ham uống qua ngày, lần lựa ở trong đời, bèn thành quê dốt”. Rồi trở lại đi theo cúng tụng để lo lợi dưỡng, quên mất tâm ban đầu, thật là cô phụ chí xuất gia vậy. Bao giờ mới dừng ý quên duyên, hồi quang phản tỉnh mà chịu chăn? Cứ suy theo đó thì thảy đều là chưa chăn hết.
GIẢNG:
Kính lễ bậc Giác biết cùng khắp,
Nương về kinh Pháp mười hai bộ,
Nam-mô mười phương các Thánh Hiền,
Đồng chấn uy quang soi xét đến.
Mở đầu bài tụng ngài Quảng Trí kính lễ Tam Bảo:
“Kính lễ bậc Giác biết cùng khắp” là kính lễ Phật.
“Nương về kinh Pháp mười hai bộ” là kính lễ Pháp.
“Nam-mô mười phương các Thánh Hiền” là kính lễ Thánh Hiền tăng.
“Đồng chấn uy quang soi xét đến”, cầu Tam Bảo soi xét đến những lời chỉ dạy nhắc nhở của Ngài cho mọi người cùng thấy cùng biết.
Từng bảo: Thuốc, không hẳn sâm, linh, đan, thạch, hết bệnh là thuốc hay. Lời không hẳn bàn giỏi, luận thông, mở sạch điều mê là lời khéo. Vì thế, chỗ thầy thuốc tầm thường bỏ đi, chính là chỗ Lô Biển thu lấy. Điều hạng dở coi khinh, chính là điều bậc trí quí trọng. Mới biết, lập ngôn chẳng quí bàn suông vô ích, mà thật quí là lời cảnh tỉnh được người. Người xưa nói: Do nghi mới đến hỏi, kiếm báu rời khỏi vỏ vì chém việc bất bình; dẫn lời đáp để phá nghi, linh đơn ra khỏi đỉnh (bình), là muốn trị lành bệnh vậy.
Ngài bảo: Người ta thường nói thuốc không phải là sâm, là linh, đan, thạch, miễn thuốc nào trị hết bệnh, đó là thuốc hay. Còn lời không hẳn là bàn giỏi luận thông, miễn lời nói để người mở sạch được điều mê là lời khéo.
Vì thế ở đây mới dẫn chứng:
Chỗ thầy thuốc tầm thường bỏ đi, chính là chỗ Lô Biển thu lấy.
Lô Biển là ông Biển Thước ở đất Lô, làm thầy thuốc nổi tiếng ở Trung Hoa. Chỗ những thầy thuốc tầm thường chê, chính là chỗ thầy thuốc nổi danh dùng lấy.
Điều hạng dở coi khinh, chính là điều bậc trí quí trọng.
Điều mà những kẻ dở xem thường, chính là điều người trí thấy hay.
Mới biết, lập ngôn chẳng quí bàn suông vô ích, mà thật quí là lời cảnh tỉnh được người.
Nói nhiều, nói hay, văn chương lưu loát mà không dính dấp đến sự tu hành, không đúng với bệnh của người thì cũng không lợi ích gì, cho nên lời nói để người thức tỉnh là lời quí.
Người xưa nói: Do nghi mới đến hỏi, kiếm báu rời khỏi vỏ vì chém việc bất bình.
Do nghi mới đến hỏi, dụ như kiếm báu rút ra khỏi vỏ vì có những việc bất bình ở ngoài cần sát phạt. Cũng như vậy, vì ôm ấp cái nghi trong lòng cho nên mới đến các thiện tri thức để thưa hỏi.
Dẫn lời đáp để phá nghi, linh đơn ra khỏi đỉnh (bình) là muốn trị lành bệnh vậy.
Lời đáp lại của thiện tri thức là để phá cái nghi của người hỏi, giống như viên thuốc linh đơn trút ra khỏi bình là để trị bệnh cho người. Như vậy Thiền khách đến thưa hỏi với thiện tri thức là giống như cây kiếm ở trong vỏ tuốt ra để giải quyết việc bất bình. Còn thiện tri thức đáp giải nghi cho người hỏi giống như thuốc linh đơn ở trong bình trút ra để trị bệnh. Hai hình ảnh này rất là rõ ràng.
Các nhân giả! Mỗi người hãy ngay đây định tỉnh tinh thần, một niệm hồi quang, thì rỗng toang tự soi sáng. Khác chi vầng hồng trong hư không, một mình vận hành vô tư. Hay như minh châu trên mâm, chẳng đẩy mà tự lăn. Lúc này nếu chẳng xét tột cội nguồn, liền đợi về sau hỏi đức Di-lặc, sao quá chậm vậy?
Câu này Ngài đánh thức chúng ta. “Các nhân giả” là tất cả chúng ta. “Mỗi người hãy ngay đây định tỉnh tinh thần”, tức là mình định tỉnh tinh thần lại. “Một niệm hồi quang” là một cái nhìn quay lại “thì rỗng toang tự soi sáng”. Cũng như Tổ Huệ Khả quay lại tìm tâm, tìm tâm thì tâm lặng, đó là rỗng toang tự soi sáng. Khi đó “khác chi vầng hồng trong hư không, một mình vận hành vô tư”. Khi quay lại nhìn thì những niệm lăng xăng lặng, chỉ còn một Tâm thể tròn sáng giống như vầng mặt trời đi tự tại trong hư không. “Hay như minh châu trên mâm, chẳng đẩy mà tự lăn”, như hạt minh châu tròn để trên mâm thì lăn, tức là nó tới lui tự tại.
Đoạn này Ngài muốn chỉ cho chúng ta ai ai cũng sẵn có Tánh giác, chỉ cần quay lại soi sáng để những ý niệm lặng đi thì Tánh giác hiện tiền, giống như mặt trời đi giữa hư không, như hạt châu lăn trên mâm vậy.
“Lúc này nếu chẳng xét tột cội nguồn”, ngay đây mà không chịu tu, không chịu quán sát trở lại, “liền đợi về sau hỏi đức Di-lặc, sao quá chậm vậy”. Hiện nay có nhiều người tu lại nghĩ: Thôi mình tu để gieo nhân chờ đức Phật Di-lặc ra đời, gặp Phật mình tu, Phật chỉ thẳng cho mình giác ngộ. Có nên chờ như vậy không? Chúng ta đã có sẵn Tánh giác mà không lo quay trở lại, chờ đến đức Di-lặc ra đời lâu quá, sao không tiếc thời giờ? “Sao quá chậm vậy”, đó là lời trách.
Tôi dù tối dốt, học vấn sơ sài, hạnh giải mỏng manh, cũng thấy được những lời tụng tranh chăn trâu, chính là việc trên bổn phận của người học đạo. Song văn ít mà nghĩa sâu, ý thâm mà hình ảnh rõ ràng, nên trong một niệm phấn khởi, tôi liền tạm viết lời chú giải, để mọi người cùng rõ biết. Theo lời trình bày trên giấy mực, lại có thêm phần nói thẳng, lược dẫn ít điều. Nếu như lý tột chưa được sáng tỏ, bàn lầm nghĩa sai trái, mong cho tôi được sám hối. Hoặc giả lời lẽ đúng lý, xin cho rộng lưu thông, để khỏi cô phụ chí nguyện này.
Trước tiên Ngài khiêm tốn nói:
Tôi dù tối dốt, học vấn sơ sài, hạnh giải mỏng manh.
Ngài nói Ngài tối dốt, học vấn sơ sài hạnh giải yếu ớt, nhưng “cũng thấy được những lời tụng tranh chăn trâu” chính là bổn phận của mình, cần phải giúp cho những người học đạo cùng biết.
Song văn ít mà nghĩa sâu, ý thâm mà hình ảnh rõ ràng, nên trong một niệm phấn khởi, tôi liền tạm viết lời chú giải, để mọi người cùng rõ biết.
Nhìn những bức tranh chăn trâu, đọc những lời tụng, Ngài lãnh hội được nên mới viết lời chú giải để trình ra đây cho mọi người cùng rõ.
Theo lời trình bày trên giấy mực, lại có thêm phần nói thẳng, lược dẫn ít điều. Nếu như lý tột chưa được sáng tỏ, bàn lầm nghĩa sai trái, mong cho tôi được sám hối.
Nếu như lời giải thích lý cao tột chưa được sáng tỏ, rồi bàn giải sai lầm, đó là lỗi của Ngài, Ngài xin sám hối.
Hoặc giả lời lẽ đúng lý, xin cho rộng lưu thông, để khỏi cô phụ chí nguyện này.
Nếu lời lẽ hay đúng thì cho lưu thông để hợp chí nguyện của Ngài muốn lợi ích cho nhiều người.
Lời rằng: “Thánh nhân luống phí tâm lão bà, tri âm nào phải kêu nói mãi.” Giờ đây đối với mục ban đầu chưa chăn, xin hãy tạm nêu ra.
Đến đây Ngài dẫn: “Lời rằng” là lời của một vị Thánh trước. “Thánh nhân luống phí tâm lão bà”, các bậc Thánh nhân thương chúng sanh như tâm của mẹ già thương con, lúc nào cũng nhớ con không nỡ quên. Thánh nhân vì thương chúng sanh cho nên lúc nào cũng muốn nhắc nhở, mà người không lưu tâm, không để ý thì lời nhắc nhở đó là phí công vô ích.
Tri âm nào phải kêu nói mãi.
Nếu là người tri âm, chỉ nói vài câu thì đã lãnh hội. Lãnh hội rồi thì ứng dụng thực hành. Cũng như Bá Nha Tử Kỳ, người này khảy đàn người kia nghe, lãnh hội được liền thông cảm nhau. Nếu người nghe không phải là tri âm thì tâm lão bà phí tổn rất nhiều. Nói khô môi rát cổ năm này tháng kia, mà lâu lâu nhìn lại thì bệnh thiên hạ cũng y nguyên, đó là phí tâm lão bà! Những câu này nói ra để chúng ta hiểu người lớn đối với người nhỏ như thế nào!
Giờ đây đối với mục ban đầu chưa chăn, xin hãy tạm nêu ra.
Bây giờ nói đến việc chưa chăn.
Chỉ vì khi mê cần nhờ có giáo lý ba thừa. Sau khi ngộ mới biết một chữ cũng không. Xưa đức Thích-ca Như Lai đi thẳng vào núi Tuyết, bỏ cả sự vinh hoa, phú quí ở đời, chịu sáu năm đói lạnh, đến đêm mùng tám tháng Chạp thấy sao Mai mọc liền thành Chánh giác, cảm than rằng: “Lạ thay! Có tâm là có Phật. Chỉ vì tất cả chúng sanh có đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, nhưng đều do vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng được.” Do đó, ở đạo tràng Bồ-đề, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, chính là pháp môn “Nhất thừa viên đốn vi diệu”, mở bày cho chúng sanh thấy tánh thành Phật. Đó thật là kinh điển bí yếu.
Đoạn này Ngài dẫn kinh để chứng minh. Ngài nói khi xưa đức Phật đi tu, đã từ bỏ tất cả sự vinh hoa phú quí, chịu khổ hạnh đói lạnh, đến ngày mùng tám tháng Chạp khi sao Mai mọc, Ngài thành đạo. Theo kinh Hoa Nghiêm, hai mươi mốt ngày đầu, ở tại cội bồ-đề, đức Phật nói kinh Hoa Nghiêm, có đoạn nói rằng:
Lạ thay! Có tâm là có Phật. Chỉ vì tất cả chúng sanh có đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, nhưng đều do vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng được.
Như vậy kinh nói ai “có tâm là có Phật”. Nay thử hỏi có người nào không có tâm chăng? Ai cũng có tâm, thì ai cũng có Phật. Thế mà chúng ta cứ mải lo chuyện thế gian, không nhớ đến Phật. Có Phật mà bỏ quên Phật, nên trong kinh nói: Chúng ta bỏ Phật, chớ Phật không bỏ chúng sanh.
Chỉ vì tất cả chúng sanh có đủ đức tướng trí tuệ Như Lai, nhưng đều do vọng tưởng chấp trước mà chẳng chứng được.
Chúng ta do vọng tưởng chấp trước, cho nên đức tướng trí tuệ Như Lai biến mất, điều này được xác nhận rõ ràng trong kinh Hoa Nghiêm.
Do đó ở đạo tràng Bồ-đề, Ngài nói kinh Hoa Nghiêm, chính là pháp môn “Nhất thừa viên đốn vi diệu”, mở bày cho chúng sanh thấy tánh thành Phật. Đó thật là kinh điển bí yếu.
Kinh Hoa Nghiêm chỉ thẳng cho mọi người thấy mình có sẵn tâm Phật, có sẵn Tánh giác, để tu thành Phật. Vậy kinh Hoa Nghiêm cũng không khác với Thiền tông, chỉ rõ chỗ chí yếu cho tất cả chúng ta. Đoạn kế tiếp Ngài dẫn sách Nho để chứng minh.
Lại, sách Đại Học của họ Khổng để lại, nói: “Từ thiên tử cho đến dân thường, thảy đều lấy việc tu thân làm gốc.” Song pháp môn này, trước nói chưa chăn, giống như nói chưa giác. Chưa giác tức là chưa tu, mà chưa tu chính là chưa chăn. Như trong lời trên: “từ thiên tử cho đến dân thường” có thể biết đã ngầm nêu hết những hàng vương hầu, công khanh sĩ đại phu v.v… ở trong đó.
Sách Đại Học của Khổng Tử nói:
Từ thiên tử cho đến dân thường, thảy đều lấy việc tu thân làm gốc.
Từ thiên tử cho đến dân thường là gồm cả vương hầu công khanh v.v… cho đến thứ dân kẻ làm ruộng người buôn bán, ai cũng phải lấy việc tu thân làm gốc.
Từ bậc thiên tử chưa chăn, nghĩa là sao? Đây là thân ở cảnh phú quí, con trai, con gái, lụa ngọc, trân báu, kho tàng, hàng ngày ứng tiếp muôn việc, đâu rảnh mà hồi quang phản tỉnh để chăn cho được?
Đây chỉ lý do vì sao bậc thiên tử chưa chăn: Vì thân ở trong cảnh phú quí, có con trai con gái, có lụa ngọc trân báu kho tàng, hàng ngày lo ứng tiếp muôn việc, đâu rảnh mà hồi quang phản chiếu, vì vậy mà gọi là chưa chăn.
Đến như ngôi vị vương hầu chưa chăn, là sao? Cũng đều do con cái, lụa ngọc thê thiếp dính bận nơi tâm, lại có quyền hành đi đánh dẹp, mưu tính xâm lăng, nhân đó nên không thể chăn.
Đến các quan võ không có chăn, tức là không có tu thân, là tại sao? – Là cũng do có con cái, lụa là châu ngọc, thêm thê thiếp vướng bận, lại có quyền hành đi đánh giặc, vì vậy đâu có rảnh mà chăn, cho nên chưa chăn.
Tới hàng công khanh, sĩ đại phu v.v… thì a dua theo quyền thế, say sưa với bổng lộc, khoe khoang tiếng tăm, hoặc lo hưởng ân huệ trên trước người dân, chỉ mưu quí hiển một thân mình, nhân đó không thể chăn.
Đến các quan văn mà không chăn là tại sao? Vì a dua theo quyền thế, say sưa với bổng lộc, khoe khoang tiếng tăm, lo hưởng ân huệ trên trước người dân, mưu sự hiển vinh cho thân mình, nhân đó mà không thể chăn.
Trên đây đã kể ra ba hạng chưa chăn: vua chúa, quan võ, quan văn.
Còn hạng học trò, thì lao tâm khổ chí, lo lấy công danh vinh hiển, đâu rảnh mà chăn?
Đến học trò cũng không chăn, vì bận lao tâm khổ chí học hành thi cử, gầy dựng công danh sự nghiệp, nên đâu có rảnh mà chăn!
Cho đến kẻ ruộng vườn, thợ thầy, buôn bán, hết thảy mọi người làm ăn kiếm sống, gieo giống cấy mạ, gánh nước bửa củi, giặt nhuộm may vá, dệt vải, gặt, phơi, xay, giã, nắm bắt tạo bày, khổ nhọc chăm lo, bề bộn rộn ràng để kiếm dùng hằng ngày. Sớm tối nghĩ suy, trăm phương ngàn kế; nếu nói việc ngay trong nhà thôi, thì cũng biết bao thứ nhỏ nhặt, bút không thể chép hết. Chỉ vì nghiệp căn sâu nặng, lăng xăng cả ngày, thế nào chăn được?
Đây kể chung tất cả, những người làm ruộng vườn, làm thợ thầy, làm tất cả ngành để kiếm cơm sanh sống, lăng xăng suốt ngày, rốt cuộc rồi cũng không chăn.
Thế là từ vua chúa đến quan võ quan văn không chăn, cho đến học trò và thường dân cũng không chăn!
Đến phần kết thúc:
Trên từ vua chúa, dưới đến dân thường, hãy gác lại chớ bàn. Ngay như xứ này, hàng bốn chúng đệ tử Phật, vốn đã có chút ít duyên lành đời trước được sanh làm người, may còn gặp nề nếp từ xưa truyền lại, được đi xuất gia, cạo tóc mặc áo nhuộm, lạm nhận sự cung kính, cứ “ăn rồi tụ đầu nói chuyện ồn ào, chỉ nói toàn chuyện thế gian tạp nhạp; ham ăn ham uống qua ngày, lần lựa ở trong đời, bèn thành quê dốt”. Rồi trở lại đi theo cúng tụng để lo lợi dưỡng, quên mất tâm ban đầu, thật là cô phụ chí xuất gia vậy. Bao giờ mới dừng ý quên duyên, hồi quang phản tỉnh mà chịu chăn? Cứ suy theo đó thì thảy đều là chưa chăn hết.
Phần kết thúc này nghe buồn làm sao! Rốt cuộc rồi toàn là chưa ai chịu chăn cả, chưa chăn tức là chưa tu!
Đoạn trên Ngài nêu nào là vua chúa, rồi tới kẻ nông phu, người thợ thầy v.v… vì bận rộn quá không ai chăn được.
Đến phần kết thúc, Ngài nói thẳng “bốn chúng đệ tử Phật”. Bốn chúng đệ tử Phật là ai? – Là những người có căn duyên trong đạo: cao ở trên là Tỳ-kheo, kế là Tỳ-kheo ni, kế đến là Sa-di và Sa-di-ni. Có chỗ nói bốn chúng là: chư Tăng, chư Ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di. Những người này đã có chút duyên trong đạo, cho nên:
Được sanh làm người, may còn gặp nề nếp từ xưa truyền lại, được đi xuất gia, cạo tóc mặc áo nhuộm, lạm nhận sự cung kính.
Chữ này hơi đau một chút, “lạm nhận sự cung kính”, nói theo thế thường là lạm dụng sự cung kính của người.
Ăn rồi tụ đầu nói chuyện ồn ào, chỉ nói toàn chuyện thế gian tạp nhạp; ham ăn ham uống qua ngày, lần lựa ở trong đời, bèn thành quê dốt.
Đây là dẫn lời trong Qui Sơn Cảnh Sách quở nặng vì không chịu chăn.
Sau đây lại quở thêm:
Rồi trở lại đi theo cúng tụng để lo lợi dưỡng.
Lo đi cúng tụng để được thù lao chút ít, rồi “quên mất tâm ban đầu”. Chúng ta đi tu là để thành một người xuất gia tu đạo giải thoát, chớ đâu phải đi tu để trở thành người làm ra tiền để sống. Thế mà chúng ta “quên mất tâm ban đầu, thật là cô phụ chí xuất gia vậy”. Thật là chúng ta đã bỏ mất ý chí xuất gia của mình, như vậy thì:
Bao giờ mới dừng ý quên duyên, hồi quang phản tỉnh mà chịu chăn?
Ngay bây giờ có chịu chăn hay chưa? “Dừng ý quên duyên” là lặng ý không chạy theo duyên bên ngoài. “Hồi quang phản tỉnh” là xoay ánh sáng lại phản tỉnh nơi mình. Như thế mới là người biết chăn.
Cứ suy theo đó thì thảy đều là chưa chăn hết.
Như vậy kể cả thế gian và người tu hình như chưa ai chịu chăn hết.
Đây là nói tổng quát về chưa chịu chăn.