Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu Giảng Giải

Biểu Dâng Vua Lê Dụ Tông



Kính dâng Thánh thượng bản sớ giải về những lời tụng tranh Chăn trâu.

Tăng Pháp Thông, hiệu Quảng Trí ở chùa Trấn Hải (Trấn Hải Quan Tự) kính ghi.

Vào tháng ba năm Kỷ Hợi (1719) được Thánh thượng ngự đến chùa nhân ngày lễ vía đức Di-đà, chính khi ấy chúng Tăng kính cẩn nghênh đón. Tôi đặc biệt được gọi vào, thọ ơn Thánh thượng đem lòng mến thương, ban cho ngồi uống trà và thêm ân cần hỏi han trước sau. Lòng tôi run sợ, theo đó vừa đáp vừa tỏ bày, mắt chẳng dám nhìn, chỉ cúi đầu cung kính.

Đội ân đức rộng lớn mênh mông của Thánh thượng, Ngài hỏi thăm từ duyên lúc còn ở ngoài đời, cho đến việc đi xuất gia: “Đã bỏ những tạo tác ở thế tục bao lâu, để chí nơi suối rừng từng làm được sự nghiệp gì?”

Tôi kính xem thấy đấng thiên tử có tâm Phật, thường chẳng quên lời vàng đã phó chúc, biết sửa đổi những điều cũ xưa làm cho mới mẻ trở lại, khiến khuôn phép nơi đất Phật được chuyển thông, thật là thích ứng cho khắp cả quân dân. Xem kỹ quả có đức “thành”, nhìn kỹ quả có đức “chủ”. Nhờ đem chủng nhân đó dạy dỗ muôn dân, thì có thể dứt điều tội lỗi, đem đến phước lành, lại thêm bồi đắp quả tốt về sau. Cứ mỗi kỳ rằm lớn (tam nguyên) Ngài đem tiền bạc, vật báu vô số đến cúng dường luôn luôn, ý mong cho Phật pháp được thạnh vượng. Lại thêm bốn mùa cấp dưỡng không thiếu thốn. Bọn tôi lòng rất đỗi vui mừng khôn xiết!

 Kế lại được Ngài hỏi đến ý nghĩa chăn trâu, khi ấy tôi trình bày chẳng được rành rẽ chi lắm. Nay đây, tôi kính cẩn đem phần giải thích nơi bản xưa, mở ra xem lại, hoặc có chỗ nào lý giải chưa sáng tỏ, thì lý giải thêm ít lời, hoặc chỗ nào rườm rà không cần thiết thì lược bỏ bớt, biên thành một bản. Lại trên mỗi bức tranh vẽ thêm một tranh, xong đóng thành quyển kính dâng lên. Ngưỡng mong Thánh thượng khi muôn việc rỗi rảnh mở xem một phen. Hoặc lời lẽ trong đó có giải lầm, xin Ngài cứ xóa bỏ đi. Còn nếu trong đó có điều xác đáng, mong Ngài cho được truyền rộng ra khiến người học chẳng đến nỗi quên mất việc học thuở trước, cũng như ngày càng mở rộng thêm sự hiểu biết mới, và người sau này cũng được tiện lợi. Đó thật là điều rất bổ ích với hàng tu tiến. Song với lời giải thích cạn cợt, ngôn từ vụng về, chẳng đáng làm phiền Ngài xem qua. Tôi thầm xét thấy cơ Tổ tinh tế và sâu kín, tạm mượn việc chăn trâu. Sức học của Ngài uyên thâm hỏi đến trí điều phục trâu, chúng tôi chẳng ngại sự kém cỏi của mình, trình bày đầy đủ ra đây, kính dâng lên để Thánh thượng được rõ.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 16 (1721), ngày rằm tháng năm.

GIẢNG:

Kính dâng Thánh thượng bản sớ giải về những lời tụng tranh Chăn trâu.

Tăng Pháp Thông, hiệu Quảng Trí ở chùa Trấn Hải kính ghi.

Tác giả quyển Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu là Thiền sư hiệu Quảng Trí, tự Pháp Thông, có chỗ nói hiệu là Pháp Thông, tự là Quảng Trí, nhưng Quảng Trí được nhiều người chú ý, nên Quảng Trí là pháp hiệu, Pháp Thông là pháp tự thì hợp lý hơn.

Ngôi chùa Ngài ở gọi là chùa Trấn Hải, ở kinh đô Thăng Long. Nhưng khi ra Thăng Long tức hiện nay là Hà Nội, chúng ta không biết chùa Trấn Hải ở chỗ nào, chỉ có chùa Trấn Quốc, tra lại tên trước là Khai Quốc, chớ chưa bao giờ có tên là Trấn Hải. Vì thế chúng tôi ngờ không biết có phải ngài Quảng Trí ở chùa Trấn Quốc hay không, chỉ biết Ngài ở chùa tại kinh đô Thăng Long. Nghi vấn này để sau chúng ta tra khảo kỹ lại.

Vào tháng ba năm Kỷ Hợi (1719) được Thánh thượng ngự đến chùa nhân ngày lễ vía đức Di-đà, chính khi ấy chúng Tăng kính cẩn nghênh đón. Tôi đặc biệt được gọi vào, thọ ơn Thánh thượng đem lòng mến thương, ban cho ngồi uống trà và thêm ân cần hỏi han trước sau. Lòng tôi run sợ, theo đó vừa đáp vừa tỏ bày, mắt chẳng dám nhìn, chỉ cúi đầu cung kính.

Đây là tư cách của người dân đối với vua. Khi xưa vua chúa đi đến đâu thì dân chúng không được ngước nhìn mà phải cúi đầu xuống. Vì vậy trong khi uống trà đối đáp, ngài Quảng Trí tuy ngồi chung mà không dám nhìn mặt Vua, chỉ cúi đầu cung kính.

Vua Lê Hi Tông lên ngôi năm 1675 và nhường ngôi cho con là vua Lê Dụ Tông năm 1705. Vua Lê Dụ Tông lên ngôi rồi nhường ngôi cho con năm 1729. Vua Lê Hi Tông chúng ta đã được biết qua Thiền sư Tông Diễn và Thiền sư Chân Nguyên, vua Lê Dụ Tông chúng ta biết qua Thiền sư Quảng Trí và Thiền sư Hương Hải. Hai Vua đều có tâm hâm mộ Phật pháp, thường đến chùa gặp chư Tăng hỏi đạo lý nên Phật giáo trong thời Lê, từ cuối thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, được vua chúa kính trọng và có cơ hội phát triển.

Đội ân đức rộng lớn mênh mông của Thánh thượng, Ngài hỏi thăm từ duyên lúc còn ở ngoài đời, cho đến việc đi xuất gia: “Đã bỏ những tạo tác ở thế tục bao lâu, để chí nơi suối rừng từng làm được sự nghiệp gì?”

Khi ngồi uống trà, nhà vua mới hỏi lúc ở ngoài đời Ngài đã làm gì và từ khi đi tu đến nay đã làm được những gì trong đạo. Đó là hai câu hỏi cho biết nhà vua rất chú ý đến Ngài.

Tôi kính xem thấy đấng thiên tử có tâm Phật, thường chẳng quên lời vàng đã phó chúc, biết sửa đổi những điều cũ xưa làm cho mới mẻ trở lại, khiến khuôn phép nơi đất Phật được chuyển thông, thật là thích ứng cho khắp cả quân dân.

Ở đây Ngài tán thán nhà vua có tâm Phật và không quên lời vàng phó chúc của đức Phật. Đức Phật phó chúc cho Vua lúc nào? Theo trong kinh, có đoạn đức Phật phó chúc cho tất cả chư thiên và những vị vua chúa trên nhân gian sau này là những người ủng hộ chánh pháp để lưu truyền mãi mãi. Đây là dẫn kinh xưa chớ không phải đức Phật trực tiếp phó chúc cho vua Lê Dụ Tông. Vì thế nên nhà vua biết sửa đổi những điều cũ xưa, làm lại những điều mới mẻ, khiến cho khuôn phép nơi đất Phật được chuyển thông. Khi trước, ngài Chân Nguyên tôn vua Lê Hi Tông là Giác vương, còn ở đây ngài Quảng Trí tán thán vua Lê Dụ Tông là người biết chuyển đổi cho xứ sở mình, cho đất Phật của mình được chuyển thông, được thích ứng với tất cả quân dân. Thế nên trong thời này Phật giáo rất là hưng thạnh.

Xem kỹ quả có đức “thành”, nhìn kỹ quả có đức “chủ”.

Nhờ đem chủng nhân đó dạy dỗ muôn dân, thì có thể dứt điều tội lỗi, đem đến phước lành, lại thêm bồi đắp quả tốt về sau. Cứ mỗi kỳ rằm lớn (tam nguyên), Ngài đem tiền bạc vật báu vô số đến cúng dường luôn luôn, ý mong cho Phật pháp được thạnh vượng. Lại thêm bốn mùa cấp dưỡng không thiếu thốn. Bọn tôi lòng rất đỗi vui mừng khôn xiết!

Ngài Quảng Trí nhìn kỹ nhà vua quả có đức chân thành và đức làm chủ muôn dân. Mỗi kỳ rằm lớn, Vua cho quân lính đem tiền bạc vật dụng đến chùa cúng dường và quanh năm thường cấp dưỡng đầy đủ cho chư Tăng tu hành được an ổn. Vì vậy những người tu trong chùa rất vui mừng, rất quí trọng nhà vua.

Kế lại được Ngài hỏi đến ý nghĩa chăn trâu, khi ấy tôi trình bày chẳng được rành rẽ chi lắm. Nay đây, tôi kính cẩn đem phần giải thích nơi bản xưa, mở ra xem lại, hoặc có chỗ nào lý giải chưa sáng tỏ, thì lý giải thêm ít lời, hoặc chỗ nào rườm rà không cần thiết thì lược bỏ bớt, biên thành một bản. Lại trên mỗi bức tranh vẽ thêm một tranh, xong đóng thành quyển kính dâng lên. Ngưỡng mong Thánh thượng khi muôn việc rỗi rảnh mở xem một phen. Hoặc lời lẽ trong đó có giải lầm, xin Ngài cứ xóa bỏ đi. Còn nếu trong đó có điều xác đáng, mong Ngài cho được truyền rộng ra khiến người học chẳng đến nỗi quên mất việc học thuở trước, cũng như ngày càng mở rộng thêm sự hiểu biết mới, và người sau này cũng được tiện lợi. Đó thật là điều rất bổ ích với hàng tu tiến. Song với lời giải thích cạn cợt, ngôn từ vụng về, chẳng đáng làm phiền Ngài xem qua. Tôi thầm xét thấy cơ Tổ tinh tế và sâu kín, tạm mượn việc chăn trâu. Sức học của Ngài uyên thâm hỏi đến trí điều phục trâu, chúng tôi chẳng ngại sự kém cỏi của mình, trình bày đầy đủ ra đây, kính dâng lên để Thánh thượng được rõ.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 16 (1721), ngày rằm tháng năm.

Đây là lý do ngài Quảng Trí giảng về những lời tụng mười bức tranh chăn trâu.

Sau khi hỏi thăm Ngài lúc ở ngoài đời đã làm gì và khi xuất gia ở chùa đã làm được những gì, Vua lại hỏi thêm về ý nghĩa chăn trâu. Khi bị hỏi bất chợt, Ngài trình bày không được rành rẽ lắm. Như chúng ta hiện giờ khi gặp Thủ tướng đến thăm và hỏi bất chợt, chắc chúng ta trả lời cũng không được suôn sẻ vì không chuẩn bị trước. Lại khi xưa là thời phong kiến, vua là trên hết, có quyền sanh sát trong tay, cho nên trình thưa lời gì cũng phải cẩn mật rành rẽ, nếu bất chợt bị hỏi làm sao trả lời cho rành! Vì vậy Ngài nói rất là thành thật: “khi ấy tôi trình bày chẳng được rành rẽ chi lắm”, tức là trình bày còn luộm thuộm chưa được rõ ràng.

Nay đây, tôi kính cẩn đem phần giải thích nơi bản xưa, mở ra xem lại, hoặc có chỗ nào lý giải chưa sáng tỏ, thì lý giải thêm ít lời, hoặc chỗ nào rườm rà không cần thiết thì lược bỏ bớt, biên thành một bản.

Nay Ngài xem kỹ lại mười bức tranh chăn trâu trong sách xưa, chỗ nào thấy thiếu thì Ngài bổ túc, chỗ nào thấy dư thì lược bớt.

Lại trên mỗi bức tranh vẽ thêm một tranh, xong đóng thành quyển kính dâng lên.

Trên mỗi bức tranh Ngài vẽ thêm một tranh. Thí dụ như trên bức tranh “Vị mục” hay “Chưa chăn”, Ngài vẽ các ông quan ngồi uống trà uống rượu, khi đó là chưa chăn. Đến bức “Hồi thủ” hay “Quày đầu”, Ngài vẽ thêm một thầy tu ngồi tự tại. Qua sáng kiến vẽ thêm tranh của Ngài, chúng ta thấy tinh thần của một Thiền sư nhân cái xưa mà phụ họa cái nay, để chúng ta dễ hiểu hơn.

Ngưỡng mong Thánh thượng khi muôn việc rảnh rỗi mở xem một phen.

Đây là lời nói khiêm nhường của Thiền sư. Khi nào rảnh, Vua mở xem một lần.

Hoặc lời lẽ trong đó có giải lầm, xin Ngài cứ xóa bỏ đi.

Nếu tôi có giảng sai, Vua cứ bỏ bớt đi.

Còn nếu trong đó có điều xác đáng, mong Ngài cho được truyền rộng ra, khiến người học chẳng đến nỗi quên mất việc học thuở trước…

Nếu Vua xét thấy trong đó là đúng là hợp lý thì xin Ngài cho in ra. Nhờ vậy mà bản Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu còn lưu truyền mãi đến ngày nay.

Song với lời giải thích cạn cợt, ngôn từ vụng về chẳng đáng làm phiền Ngài xem qua.

Lời giải thích cạn cợt, ngôn từ vụng về, chẳng đáng cho bậc vua chúa phải xem.

Tôi thầm xét thấy, cơ Tổ tinh tế và sâu kín, tạm mượn việc chăn trâu. Sức học của Ngài uyên thâm hỏi đến trí điều phục trâu, chúng tôi chẳng ngại sự kém cỏi của mình, trình bày đầy đủ ra đây kính dâng lên để Thánh thượng được rõ.

Đây là những lời đề cao nhà vua để tránh lỗi cho rằng Ngài xem thường Vua.

Niên hiệu Vĩnh Thịnh thứ 16 (1721) ngày rằm tháng năm.

Bản Luận Giải Thi Tụng Mười Bức Tranh Chăn Trâu ra đời năm 1721, tức là đầu thế kỷ 18 dưới thời vua Lê Dụ Tông.

Bài này nói rõ lý do vì sao Thiền sư Quảng Trí viết quyển Luận Giải này.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.