Kinh 42 Chương giảng giải

Phần dẫn



Chánh văn:

Lúc bấy giờ khi Đức Thế Tôn đã thành Đạo, Ngài suy nghĩ như vầy: “Ly dục được tịch tịnh là điều tối thắng”. Ngài trụ trong đại thiền định, chế phục các ma đạo, chuyển bánh xe pháp, độ thoát chúng sanh. Ở trong vườn Lộc Uyển, chuyển bánh xe pháp Tứ Đế, độ năm anh em Ngài Kiều Trần Như đều chứng Đạo quả. Lại có các Tỳ-kheo còn những chỗ nghi ngờ, cầu Phật chỉ dạy điều nào nên tiến, điều nào nên dừng. Đức Thế Tôn truyền dạy, ai nấy cũng được khai ngộ, chắp tay kính vâng và nương theo lời Phật dạy.

Giảng:

Lìa dục được tịch tịnh là điều tối thắng.

Lìa dục là lìa ái dục. Ái dục không đơn giản chỉ là ái ngũ dục lạc, mà sâu rộng hơn là ái ba cõi, ái bản ngã, ái thân năm ấm. Do đó khi vừa mất thân, chúng ta liền chạy tìm thân khác, cứ thế trôi nỗi mãi trong luân hồi, lăn lốc nơi ba cõi sáu đường, không có ngày ra. Sự ái nhiễm này vi tế, sâu xa, phức tạp, không dễ đoạn dứt.

Chư Thánh A-la-hán đã dứt hẳn tâm ái, vượt khỏi ba cõi, còn chư Thánh A-na-hàm chưa đoạn sạch gốc ái, nên tuy vượt khỏi Dục giới, vẫn sanh lên cõi Sắc A-na-hàm thiên, chưa hoàn toàn giải thoát.

Chính ái quyết định sự luân hồi hay giải thoát của chúng sanh. Nên giáo lý Tứ Đế nói đủ là: Khổ đế, Ái tập khổ tập đế, Ái diệt khổ diệt đế, Ái diệt khổ diệt đạo đế. Nghĩa là ái chính là nguyên nhân khổ đau, chỉ cần diệt ái là khổ sẽ diệt, tu là để dứt được ái, từ đó dứt khổ.

Ái là sự chấp đắm nhiễm mê, dù chỉ còn một chút dính mắc cũng là còn ái. Còn ái là còn nhiễm, còn bị trói buộc. Khi nào dứt sạch ái mới hết khổ, hết nhiễm, tâm mới có thể thanh tịnh vắng lặng, từ đó vượt thoát luân hồi, tự tại sanh tử. Thế nên Phật nói: lìa dục được tịch tịnh là thù thắng hơn cả.

Ngài trụ trong đại thiền định.

Nói đại thiền định tức có tiểu thiền định. Những pháp thiền có nhập trụ xuất, có tầng bậc sơ nhị tam tứ v.v… đều chỉ là tiểu thiền định. Đại thiền định của Phật là không nhập không xuất, 24 giờ đều ở trong định, dù Ngài kinh hành, thọ trai, thuyết pháp, nằm ngồi đi đứng v.v… đều  trong định. Nghĩa là giờ phút nào Đức Phật cũng sống với tự tánh thanh tịnh, không gì làm tâm Ngài dao động.

Có khi Đức Phật nhập Kim cang định, sét đánh bên tai cũng không nghe, nhưng đây chỉ là một trong những oai nghi của Phật, phương tiện thị hiện độ người mà thôi, không phải là đại thiền định. Đức Phật nhập Kim cang định để chứng minh cho những vị ưa thích thiền định thấy được năng lực của Ngài vượt hẳn người khác, hầu dễ dàng nhiếp phục người, chớ Ngài không lấy đó làm chỗ y cứ cho thiền định.

Trong kinh Du Hành, có ngoại đạo khoe với Phật: Thầy tôi khi nhập định, 500 cỗ xe chạy qua vẫn không nghe thấy. Phật bảo: Khi ta nhập định, sét đánh chết mấy con trâu bên cạnh cũng không nghe.

Thế nên, Đức Phật nhập định Kim cang chỉ để nhiếp phục những người tự hào về năng lực thiền định phi thường của mình. Bởi cho dù là định kim cang cũng chỉ là loại thiền định có nhập xuất, là tiểu thiền định mà thôi.

Đức Phật trong bốn oai nghi đều ở trong định. Đây là thiền định mà Lục Tổ nói: Ngoài dứt các duyên, trong không dấy động. Ngoài dứt các duyên là thiền, trong không dấy động là định. Thiền định này là đại thiền định, luôn sống với tự tâm, lúc nào cũng lặng lẽ thanh tịnh. Đi đứng nằm ngồi, nói năng tạo tác… đều từ tự tánh khởi dụng, tâm vẫn hằng lặng lẽ không động.

Phàm phu chúng ta tâm luôn rối loạn, làm việc này nghĩ việc kia, tâm lăng xăng không lúc nào yên, luôn quên mất tự tánh hiện hữu. Nhập tiểu thiền định còn khó, huống là đại thiền định.

Chế phục các ma đạo.

Có đại thiền định mới chế phục được ma đạo. Có bốn loại ma: Ma phiền não, ma năm ấm, ma chết và thiên ma (phiền não ma, ngũ ấm ma, tử ma, thiên ma). Vậy, ma trong đạo Phật là chỉ những gì làm chướng ngại sự tu hành, không phải thuần túy chỉ thế lực bên ngoài.

Phiền não làm tâm bứt rứt không an nên gọi là ma phiền não. Năm ấm hưng thịnh dẫn đến nhiều muộn phiền nên gọi là ma năm ấm. Chết chấm dứt một đời hiện sống, mọi việc đều phải dừng lại, sự tu hành cũng gián đoạn nên gọi là ma chết. Khi tu đến một cảnh giới nhất định, thiên ma đến quấy phá cản trở sự tu tập, có khi rơi vào đường tà, lạc mất chánh đạo.

Đó là bốn thứ ma làm chướng đạo tâm. Nhưng nếu tâm thanh tịnh không dính mắc thì không ma nào làm chướng được. Đức Phật ở trong đại thiền định nên mọi thứ ma đều bị nhiếp phục. Tâm Ngài như nhiên, không sanh phiền não, bị mắng chửi sỉ nhục không buồn, được tán thán ca ngợi không vui…, tám gió thổi đều chẳng động, đó là hàng phục ma phiền não. Năm ấm hưng thịnh mà chẳng bị chướng ngại, thân tứ đại bất hòa sanh bệnh, Phật vẫn an nhiên, là hàng phục ma năm ấm. Sống chết tự tại, biết rõ sự đến đi của mình, chẳng kinh chẳng sợ, đó là hàng phục ma chết. Khi sắp thành đạo, thiên ma dùng mọi cách quấy phá, Phật vẫn bất động khiến ma phải thối lui, đó là hàng phục thiên ma. Như vậy, nhờ ở trong đại thiền định, luôn sống với tự tánh, mà Thế Tôn hàng phục được chúng ma, không gì làm Ngài lay chuyển.

Thiên ma còn gọi là ma ba-tuần, cũng chỉ là chúng sanh thôi. Đức Phật thương tất cả chúng sanh như nhau, ma ba-tuần cũng không ngoại lệ. Bồ-tát Duy-ma-cật nói ma ba-tuần là đại Bồ-tát thị hiện làm ma, quý Ngài có bổn phận tạo chướng duyên cho Phật trước khi thành đạo để làm viên mãn công đức Phật; và thỉnh Phật nhập Niết-bàn như một dấu chấm kết thúc sự thị hiện của Phật.

Như vậy, thiên ma ba tuần có giá trị như nhân vật phản diện làm thành cho nhân vật chính diện. Nhân duyên ra đời của thiên ma ba tuần là vậy, tạo nghịch duyên cho chư đại Bồ-tát sớm thành Phật, chư hiền thánh bước lên quả vị cao hơn.

Đức Phật đã viên mãn sự tu tập của mình, tâm hoàn toàn thanh tịnh và tràn lòng đại từ bi, không phân biệt thánh phàm ngu trí, nên với Ngài, vốn không có ma. Nói điều phục ma để chúng sanh dễ hiểu, bởi với Phật, không có ma, cũng không có chướng ngại, đối tất cả cảnh, tâm Ngài như như bất động, không có cái gọi là ma, cũng không có gì gọi là chế phục.

 Chuyển bánh xe pháp, độ thoát chúng sanh.

Đức Phật ở trong đại thiền định mà chuyển bánh xe pháp, ở trong đại thiền định mà độ thoát chúng sanh. Làm tất cả mà tâm vẫn như như bất động. Kinh Kim Cang Phật nói suốt 49 năm ta không nói một lời; độ tất cả chúng sanh mà không thấy có chúng sanh được diệt độ. Nghĩa là đức Phật làm tất cả mà không dính một pháp, làm mà không có gì gọi là làm, nói mà không có gì gọi là nói.

Ở trong vườn Lộc Uyển, chuyển bánh xe Pháp Tứ Đế, độ năm anh em Ngài Kiều Trần Như đều chứng đạo quả.

Đức Phật Sơ Chuyển Pháp Luân tại vườn Lộc Uyển, nói pháp Tứ đế độ năm anh em Ngài Kiều Trần Như. Tôn giả Kiều Trần Như chứng ngộ đầu tiên, tiếp sau bốn vị đều đắc thánh quả. Đức Kiều Trần Như nhiều đời phát nguyện là đệ tử đầu tiên được Phật độ hóa. Trong một tiền kiếp, khi làm bất cứ việc gì, Ngài đều dâng thành quả đầu tiên lên Phật hiện thời với lời thệ nguyện đời sau sẽ là người đầu tiên được Phật hóa độ. Trong kinh Kim Cang,  tiền thân Ngài là vua Ca-lợi, đã ra lệnh chặt đứt từng phần thân thể của Tiên Nhân Nhẫn nhục (là tiền thân Phật Thích Ca Mâu Ni). Vì để hóa độ vua, tiên nhân đã phát nguyện sau khi thành Phật sẽ độ vua trước hết. Đó là những nhân duyên mà tôn giả Kiều Trần Như đắc thánh quả A-la-hán đầu tiên trong tăng đoàn của Phật.

Thế nên, không có việc gì không có nhân duyên. Luật nhân quả là định luật vận hành của vũ trụ nhân sinh. Nếu chúng ta phát nguyện và làm mọi việc hướng về nguyện đó thì lời thệ nguyện của chúng ta sẽ sớm thành tựu. Nhưng nếu chỉ nguyện suông mà không làm gì cả thì cũng chỉ là mộng tưởng mà thôi. Như một học sinh đi học, muốn học giỏi phải cố gắng học, chứ thích làm học sinh giỏi mà lười học, vĩnh viễn không thể giỏi được. Đã phát nguyện rồi phải cố gắng làm mọi việc để nguyện được sớm thành, bởi từ nhân đến quả phải có nhiều duyên trợ giúp. Nhân quan trọng, Duyên cũng đóng vai trò quyết định không kém. Từ nhân đến quả khoảng giữa là duyên, duyên thuận thì quả sớm thành, duyên nghịch quả có thể sẽ đổi thay hoặc chậm lại. Như hạt giống là nhân, đất nước phân ánh sáng v.v… là duyên, nhân quyết định quả, nhưng duyên quyết định quả xấu hay tốt hơn, kết quả nhanh hay chậm hơn.

Như vậy, năm anh em Ngài Kiều Trần Như là năm vị Tỳ-kheo đầu tiên. Từ đây Tam bảo đã đủ: Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là Phật bảo, giáo lý Tứ đế là Pháp bảo, năm Tỳ-kheo là Tăng bảo.

Lại có các vị Tỳ-kheo còn những chỗ nghi ngờ, cầu Phật chỉ dạy điều nào nên tiến điều nào nên dừng. Đức Thế Tôn truyền dạy, ai nấy cũng được khai ngộ, chấp tay kính vâng và nương theo lời Phật dạy.

Tất cả đệ tử Phật đều được chỉ dạy cặn kẻ, phù hợp căn cơ mỗi người. Ai cũng được pháp hỷ thiền duyệt, vui vẻ thực hiện lời Phật dạy, đều được khai ngộ chứng quả.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.