Kinh 42 Chương giảng giải

Chương 1



Chánh văn:

Phật dạy: “Sa-môn là bậc từ bỏ người thân đi xuất gia, tâm thức thông suốt tận nguồn gốc, thấu rõ pháp Vô vi. Các Ngài giữ 250 giới, đi đứng ngồi nằm đều thanh tịnh, thực hành bốn Chân đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành A-la-hán.

A-la-hán là bậc có thể phi hành, biến hóa, mạng sống lâu dài, khi an trụ thì trời đất rung chuyển. Dưới là A-na-hàm: A-na-hàm là bậc khi tuổi thọ hết, Giác linh sinh lên cõi Trời thứ 19, tiếp tục tu hành cho đến khi chứng quả A-la-hán. Dưới hơn là Tư-đà-hàm: Tư-đà-hàm là bậc chỉ còn một lần sanh lên cõi trời, và một lần trở lại cõi người là đắc quả A-la-hán. Thấp nhất là Tu-đà-hoàn: Tu-đà-hoàn là bậc còn bảy lần sinh, bảy lần tử nữa mới chứng quả A-la-hán. Đoạn trừ ái dục như chặt đứt tứ chi, không còn dùng lại nữa”.

Giảng:

Sa-môn là bậc từ bỏ người thân đi xuất gia.

Sa-môn là danh từ chung chỉ những vị lìa thế tục xuất gia tu đạo. Ai xuất gia tu đạo đều gọi là Sa-môn, không riêng đạo Phật. Các vị Sa-môn ở Ấn Độ thường cạo tóc, đắp y hoại sắc, ôm bát khất thực, chuyên tâm tu đạo. Sau khi Đức Phật thành đạo, chư tăng xuất gia theo Phật, ngoài danh từ chung là Sa-môn, còn được gọi là Tỳ-kheo. Tỳ-kheo có nghĩa là Khất sĩ, Vô sanh, Phá ác v.v… Như vậy, Sa-môn là từ chỉ chung những người xuất gia, Tỳ-kheo là từ chỉ riêng những người xuất gia theo đạo Phật.

Tâm thức thông suốt tận nguồn gốc.

Đã xuất gia theo Phật phải thấu suốt nguồn gốc tất cả pháp, tức thấy rõ bản chất của chúng. Tất cả pháp hữu vi có tạo tác, có làm ra, có thể gọi tên, có thể nhận biết, có thể tưởng tượng v.v… đều do duyên hợp mà thành, không có tự thể, không có bản ngã. Kể cả tâm thức cũng là pháp có thể nhận biết, tưởng tượng…, luôn luôn dao động, nên cũng nhiếp thuộc pháp hữu vi, do duyên hợp mà thành, không phải pháp thật.

Kinh Kim Cang Phật dạy: “Hễ có tướng đều là hư vọng”. Hay: “Tất cả pháp hữu vi, như mộng huyễn bọt bóng, như sương cũng như điện, nên khởi quán như thế.” Thấy như vậy, quán như vậy là thông suốt tận nguồn gốc các pháp.

Thấu rõ pháp vô vi.

Thấu rõ pháp vô vi là thấu rõ bản tâm. Bản tâm chân thật không phải tạo tác, không do duyên hợp thành, như hư không không hình tướng, không thể thấy biết, nhưng trùm khắp tất cả.

Bản tâm hiển dụng qua mắt biết thấy, qua tai biết nghe, qua mũi biết mùi, qua lưỡi biết vị, qua thân biết đứng đi…, qua ý biết nghĩ suy phân biệt… Như vậy, tánh thấy nghe hiểu biết là diệu dụng của tự tánh, không do duyên hợp thành, nên hằng hữu, không sanh không diệt.

Giả sử nói thấy là do mắt, khi móc mắt ra còn thấy nữa không? Nếu mắt thật sự thấy, bỏ ra ngoài cũng phải thấy, khi chết mắt còn cũng phải thấy, nhưng sự thật không phải vậy. Mắt chỉ là nơi tự tánh thể hiện cái biết thấy, không phải mắt thấy. Tai, mũi, lưỡi, thân, ý cũng vậy, không thể tự thấy biết, chỉ là chỗ để tự tánh hiển dụng mà thôi.

Như đèn không tự sáng, phải nhờ điện mới sáng. Điện đi qua bóng đèn làm đèn sáng, cấu tạo của đèn là để chuyển năng lượng thành ánh sáng, phục vụ cho nhu cầu con người. Cũng vậy, tự tánh chúng ta qua mắt biết thấy, qua tai biết nghe, qua mũi biết mùi, qua lưỡi biết vị, qua thân biết đứng đi chạy nhảy…, qua ý biết nghĩ suy, phân biệt… Thân này là chỗ chuyển tải diệu dụng của tự tánh, bản thân nó chỉ là pháp hữu vi, có sanh có diệt. Khi tự tánh ra khỏi thân, thân chỉ còn là một cái xác bất động như mọi pháp vô tình khác, vẫn còn mắt tai mũi lưỡi thân, nhưng không thể thấy nghe hiểu biết được nữa.

Tự tánh, bản tâm chúng ta chính là Niết-bàn, là đạo, không hề có Niết-bàn, có đạo bên ngoài. Khi nhận được tự tánh, sống trở lại với tự tánh, gọi là thể nhập Niết-bàn, là khế hội đạo.

Như vậy, hiểu được pháp hữu vi do duyên hợp thành, giả dối không thật; thấu rõ pháp vô vi là chính tự tánh mình, thể nó thanh tịnh trùm khắp, dụng nó vi diệu biến hiện. Hiểu rõ như vậy, thể nhập như vậy, gọi là thấu rõ pháp vô vi.

Như vậy, một vị Sa-môn chân chánh phải sống đúng với ý nghĩa xuất gia, thấu rõ nguồn gốc các pháp, nhận và sống được với tự tánh mình.

Các Ngài giữ 250 giới.

250 là tổng số giới được Phật chế định cho Tỳ-kheo suốt thời kỳ giáo hóa, ở đây lấy làm tiêu biểu. 12 năm đầu Đức Phật không chế giới, chỉ dạy một bài kệ giữ thân tâm thanh tịnh:

Giữ miệng, ý thanh tịnh,

Thân hành cũng thanh tịnh,

Ba nghiệp đều thanh tịnh,

Đạo Như Lai tu hành.

Giữ ba nghiệp thân, miệng, ý thanh tịnh là chánh đạo của Như Lai. Chư Tỳ-kheo theo đây tu hành, tự nhiên nghiệp cũ tiêu, nghiệp mới không sanh, phạm hạnh lập, sanh tử dứt, không còn thọ thân sau.

Về sau, số chúng tăng dần, xuất hiện những Tỳ-kheo không giữ được ba nghiệp hoàn toàn thanh tịnh, bắt đầu phạm lỗi lầm. Mỗi lần Tỳ-kheo phạm lỗi, Phật chế một giới, có trọng có khinh. Giới trọng như sát sanh, trộm cướp, dâm dục v.v…; giới khinh như chứa thức ăn qua đêm, trang sức, đi đêm v.v… Thường những giới chỉ ảnh hưởng đến sự dụng công cá nhân là giới khinh, những giới có thể gây tạo ác nghiệp, có quả báo xấu là giới trọng.

12 năm đầu, cả giới trọng Đức Phật cũng không chế, vì chư tăng khi ấy tu hành thanh tịnh, vừa nghe pháp liền ngộ đạo, chứng các quả hiền thánh, không hề tạo lỗi nên Phật không chế giới. Sau này, chư tăng đông dần, nhiều vị chưa đắc quả, bắt đầu có phạm lỗi, Phật mới theo đó chế định giới điều. Theo quan điểm đại thừa, các vị tăng phạm lỗi là chư Bồ-tát thị hiện, tạo nhân duyên để Phật chế giới, làm chỗ y cứ cho chư tăng thời sau.

Đi đứng ngồi nằm đều thanh tịnh.

Quý Ngài thực hành Tứ niệm xứ một cách miên mật. Luôn quán thân như thân niệm xứ, tâm như tâm niệm xứ, thọ như thọ niệm xứ, pháp như pháp niệm xứ. Đi biết đi, đứng biết đứng, ngồi biết ngồi, nằm biết nằm. Đắp y, mang bát, thọ thực, kinh hành, nói năng, im lặng, ngủ nghỉ v.v…, đều biết rõ ràng, tâm luôn chánh niệm, không dao động, thể giác sáng ngời, trong sạch thanh tịnh.

Thực hành bốn Chân Đế: Khổ, Tập, Diệt, Đạo, thành A-la-hán.

Thấy rõ chân lý thế gian là khổ (khổ đế); biết nguồn gốc của khổ chính là ái (Ái tập khổ tập đế); tin rằng diệt ái sẽ dứt khổ, tâm thanh tịnh an lạc (Ái diệt khổ diệt đế); thực hành theo phương pháp Phật dạy để trừ ái diệt khổ (Ái diệt khổ diệt đạo đế).

Phật dạy 84.000 pháp môn, phương tiện xảo diệu, ai cũng có thể dùng được. Mỗi vị theo căn cơ mình chọn pháp tu thích hợp để diệt trừ gốc ái, thể nhập tự tánh thanh tịnh. 25 vị thánh trong kinh Lăng Nghiêm, mỗi vị tu pháp khác nhau nhưng quả chứng như nhau. Tôn giả La-hầu-la quán hơi thở thành tựu Tứ quả A-la-hán, Quý phi Khê-ma quán sát hóa tiên nữ từ thiếu nữ dần chuyển già rồi ngã ra chết, ngay đó ngộ lẽ vô thường, đắc thành thánh quả. Và còn nhiều ví dụ như thế.

Chọn pháp tu nào không quan trọng, miễn phù hợp căn cơ mình, có thể diệt được ái, thành tựu được Niết-bàn, chứng nhập thể tánh, tự tại sanh tử v.v…, thì đều là chánh pháp, là Đạo đế.

Dù trong Đạo đế, Đức Phật chỉ nêu tượng trưng 37 phẩm, gọi là trợ đạo, nhưng thật ra pháp Phật dạy có đến tám muôn bốn ngàn, phù hợp mọi căn cơ chúng sanh. Pháp môn nào giúp chúng ta nhận được chân lý, diệt được ái nhiễm, thể nhập được bản tâm đều nhiếp thuộc Đạo đế.

A-la-hán là bậc có thể phi hành, biến hóa, mạng sống lâu dài, khi an trụ thì trời đất rung chuyển.

Khi đã đắc quả A-la-hán có thể phi hành biến hóa, nhưng không có nghĩa là chỉ có A-la-hán mới có thần thông. Nhiều vị chưa đắc Thánh vị, nhưng do tu thiền định vẫn có thần thông, như Đề-bà-đạt-đa hay một số tu sĩ ngoại đạo. Tuy nhiên, họ chỉ có năm thần thông, không đủ sáu thông, thiếu Lậu tận thông. Phi hành, biến hóa thuộc Thần túc thông, ngoại đạo cũng có. Cho nên, đây không phải là đặc điểm thật sự của A-la-hán. Chỗ khác biệt của A-la-hán là phá phiền não, chứng vô sanh.

“Mạng sống lâu dài” có nghĩa là khi A-la-hán xả thân này liền vô sanh, tức không còn sanh tử luân hồi. Các Ngài vẫn có thể tự tại ra vào sanh tử nếu muốn, nhưng không phải bị nghiệp lôi vào, nên gọi là vô sanh. Vô sanh không có nghĩa là vô tử, nghĩa là nếu mang thân, các Ngài vẫn sẽ chết, nhưng muốn chết lúc nào tùy ý, trừ trường hợp trả nghiệp như Ngài Mục-kiền-liên, bị đánh đập đến nát thân, nên phải Niết-bàn.

Các vị A-la-hán có thể kéo dài tuổi thọ dài lâu, nhưng không phải là vĩnh viễn. Như 18 vị La-hán đang thờ trong chùa, có vị còn giữ nhục thân từ thời Phật, vẫn ở thế gian chưa nhập diệt, mang trọng trách hộ trì tăng đoàn, giữ gìn Tam bảo cho đến khi thời giáo hóa của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni kết thúc.

Quốc sư Ngộ Đạt từng được một trong 18 vị La-hán là tôn giả Ca-nặc-ca giúp hóa giải chướng nạn. Tôn giả hóa thân thành một thầy tăng ghẻ lở đến chùa quảy bát, tức dừng trụ lại một thời gian chớ không phải thường trú. Khách tăng đến quảy bát  vẫn được hưởng bốn sự cúng dường như tăng thường trụ, vì Tam Bảo thuộc về chúng tăng khắp mười phương. Do bệnh của tôn giả thuộc bệnh truyền nhiễm, dễ lây lan, nên đa số chúng tăng không dám gần gũi chăm sóc. Duy có sa-di Ngộ Đạt khởi lòng thương xót, thường tắm rửa, giặt giũ, lo cho Ngài đến khi hồi phục. Đây là tôn giả thị hiện thử tâm chúng tăng, rất tiếc chỉ có Ngài Ngộ Đạt kết được duyên lành này. Sau này, khi được phong Quốc sư, Ngài bất giác khởi tâm kiêu mạn liền bị oan gia thừa dịp báo oán, được tôn giả trợ giúp hóa giải, vượt qua nghiệp chướng, từ đó tiếp tục con đường tu hành, và để lại cho người sau bộ Từ Bi Thủy Sám như một lời cảnh tỉnh chân tình.

Tôn giả Tân-đầu-lô Phả-la-đọa cũng là một trong 18 vị La-hán, giữ trọng trách làm giám trai sứ giả cho các đại lễ trai tăng. Nếu thí chủ chí thành và đủ phước đức, Ngài sẽ trực tiếp đến, còn bình thường Ngài chỉ cảm ứng chứng minh thôi. Lịch sử có ghi lại hai lần Ngài đến dự trai tăng. Một lần, Ngài thị hiện là vị Hòa Thượng rách rưới, trai chủ và cả hội chúng không ai đoái hoài, Ngài tự lên bảo tòa Tân-đầu-lô ngồi. Thấy Ngài khùng khùng, không ai tiếp đãi, cũng không dâng thức ăn. Ngồi một lúc, Ngài nói: Chẳng ai cho ăn, thôi ta đi vậy! Nói rồi vận thần thông bay đi, lúc đó mọi người mới vỡ lẽ, biết Ngài là tôn giả Tân-đầu-lô Phả-la-đọa.

Có chùa còn thờ tới 500 vị La-hán, vì cho rằng các vị còn trụ thế hộ pháp. Do đó thấy, A-la-hán có thể tùy ý kéo dài thọ mạng vì một sứ mệnh nào đó, xong việc mới xả thân. Như tôn giả Đại Ca-diếp, vâng lệnh Phật Bổn sư đợi Phật Di Lặc ra đời trao lại y bát, nên vẫn còn trụ thế, nhập định ở núi Kê Túc.

Như vậy, mạng sống lâu dài có thể hiểu là tùy ý kéo dài thọ mạng, trừ trường hợp trả báo như ngài Mục-kiền-liên, hoặc không có sứ mệnh hay hạnh nguyện gì thì sẽ theo thọ mạng mà xả thân.

Có khi thọ mạng chưa dứt vẫn có thể tự tại xả thân, như khi Đức Phật tuyên bố ba tháng nữa sẽ nhập Niết-bàn, nhiều vị không cứng cỏi chứng kiến Phật Niết-bàn nên đã viên tịch trước, trong đó có 500 vị Tỳ-kheo-ni. Tôn giả Xá-lợi-phất cũng tịch trước với nhiệm vụ cung đón Phật. Nên nói A-la-hán tự tại sanh tử là vậy.

Khi an trụ thì trời đất rung chuyển.

Các vị La-hán hay Bồ-tát, khi an trụ trong thiền định có thể làm trời đất rung chuyển. Chúng ta ít phúc báo và không có thần thông, nên không cảm nhận được, chỉ có thiên địa quỷ thần mới cảm nhận được. Quý Ngài thường ở lẫn trong nhân gian, hoặc nơi núi rừng, đồng trống…, hoặc trụ già-lam làm hộ pháp. Các Ngài luôn quanh ta, sớm hôm hộ trì Tam Bảo, chỉ là mắt phàm chúng ta không thể thấy biết.

Dưới là A-na-hàm: A-na-hàm khi tuổi thọ hết, Giác linh sinh lên cõi Trời thứ 19, tiếp tục tu hành đến khi chứng A-la-hán.

A-na-hàm dịch là Bất lai (không sanh lại). Các vị chưa tự tại sanh tử, nên khi tuổi thọ hết phải thọ sanh, không thể tùy ý kéo dài thọ mạng. Nhưng vì ngũ hạ phần kết (thân kiến, giới cấm thủ, nghi, tham, sân) đã dứt, ba cõi không trói buộc được, nên không sanh vào ba cõi phàm phu, lại chưa đủ công đức nhập Niết-bàn, nên sanh lên cõi riêng dành cho A-na-hàm, gọi là cõi trời thứ 19. Cõi này trên tứ thiền sắc giới thứ 18 nên gọi là cõi thứ 19. Gồm năm bậc, gọi là ngũ A-na-hàm thiên (5 cõi trời A-na-hàm): Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Kiến, Thiện Hiện và Sắc Cứu Cánh.  Các Ngài sanh về đó tiếp tục sự tu hành dang dở, cho đến khi chứng A-la-hán.

Dưới là Tư-đà-hàm: Tư-đà-hàm chỉ còn một lần sanh lên cõi trời, và một lần trở lại cõi người là đắc quả A-la-hán.

Tư-đà-hàm dịch là Nhất lai (một lần trở lại), còn một lần sanh lên cõi trời và một lần trở lại nhân gian là đắc quả A-la-hán, vì trên cõi trời Dục giới không thể đạt quả A-la-hán, phải ở cõi người mới viên mãn được.

Cuối cùng là Tu-đà-hoàn: Tu-đà-hoàn còn bảy lần sinh bảy lần tử nữa mới chứng A-la-hán.

Tu-đà-hoàn dịch là Thất lai, nghĩa là còn bảy lần sanh tử nữa sẽ đắc quả A-la-hán. Còn được dịch là Nhập lưu (nhập vào dòng Thánh), Dự lưu (dự vào dòng Thánh), Nghịch lưu (ngược dòng phàm).

Số bảy là số tượng trưng ý nghĩa viên mãn. Nói còn 7 lần sanh tử là muốn nói khi Tu-đà-hoàn công phu viên mãn liền đắc A-la-hán, không phải  thực sự phải trải qua bảy lần sanh bảy lần tử, lúc nào sạch hết các lậu là lúc đó chứng Thánh quả, hoặc nhanh hoặc chậm, nhưng quyết không còn đọa ba đường dữ.

Như có việc mình dự trù thời gian năm ba năm sẽ làm xong, nhưng gặp nhiều duyên thuận thì xong sớm, gặp nhiều duyên nghịch thì thời gian sẽ kéo dài ra. Việc tu cũng vậy, tùy theo nhân duyên bên ngoài và sự dụng công bên trong mà thời gian viên mãn công hạnh tăng hay giảm, sớm hay muộn.

Tổ Vân Môn có ba đời quá khứ không xuất gia, ở thế gian làm quốc vương, nên công phu tu của Ngài chậm hơn so với huynh đệ cùng thời là Thiền sư Tri Thánh. Hay như Đức Phật nói trong kinh Pháp Hoa, Ngài và đức Di Lặc vốn phát tâm đồng thời, nhưng Ngài Di Lặc thích đến nhà giàu kết duyên nên có tên là Cầu Danh, và cũng vì thế mà chứng quả chậm hơn Đức Thích Ca đến một kiếp.

Đoạn trừ ái dục như chặt đứt tứ chi, không còn dùng lại nữa.

Phàm phu chúng ta đối với ái dục nay dứt mai lấy, nhổ xuống ngậm lên, việc tu một nắng hai mưa. Chư Thánh Thanh văn không vậy, các Ngài dứt ái dục như chặt tứ chi, không dùng lại nữa, đã dứt là dứt hẳn nên mới thành tựu đạo quả nhanh như vậy. Chúng ta nếu kiên trì tu tập cũng sẽ được vậy. Nên nói, người hạ căn tu từ từ, nhưng tinh tấn, kiên trì không mỏi mệt cũng sẽ thành tựu như các vị thượng căn.

Có hai huynh đệ cùng tu, một vị nhanh nhạy thông minh, vị còn lại chậm lụt. Vị chậm lụt không ganh tị với huynh đệ, mà nói:- Huynh cứ tu nhanh theo căn cơ của huynh, còn tôi tu chậm chậm, nhưng sẽ không bao giờ dừng lại. Huynh đi trước, tôi sẽ theo sau tới nơi. Quả nhiên, sau Ngài cũng đắc quả, dù cách vị kia khá lâu. Việc tu chúng ta cũng vậy, dù căn cơ chậm lụt mà đi mãi cũng tới.

Đối với ái dục, nếu không chặt đứt ngay được, cứ từ từ kiên nhẫn mài mòn, đến một lúc nó sẽ hết. Như tình thương thân nhân, chúng ta không cần giảm hay dứt, mà chỉ cần nâng tình thương chúng sanh lên bằng với tình thương thân nhân, tự nhiên ái nhiễm sẽ từ từ giảm. Người tu vốn tu hạnh từ bi, nên tình thương phải nhân rộng lên chứ không phải bó hẹp lại. Khi tình thương chúng sanh đủ rộng, đủ lớn, ái nhiễm thân thuộc tự nhiên sẽ mất, vì lúc đó ai chúng ta cũng thương như thân nhân, đâu còn riêng ai là thân nhân, chỉ có lòng từ bi rộng lớn, mà không có tâm ái nhiễm buộc ràng. Đây là cách để đoạn ái dục vậy.

Đức Phật thường nói:- Ta thương chúng sanh như La-hầu-la. Người tu phải có tình thương yêu rộng lớn như vậy, chứ không phải tu rồi trở nên lạnh lùng, không tình cảm, vì đó không phải lời Phật dạy.

Nhưng từ bi phải đi đôi với trí tuệ, thương mà không đắm. Tình thương đủ rộng sẽ không nhiễm đắm, dính chấp. Chúng ta thường thương riêng một vài người, rồi đòi hỏi họ phải thương lại, nếu không sẽ oán hờn trách móc. Thương như vậy gọi là ái nhiễm. Tu làm sao chỉ có tình thương thuần túy, ai cần giúp đỡ liền vui vẻ trợ giúp, không phân biệt thân sơ, xong việc rồi thôi, không phải lúc nào cũng gần gũi cận kề, quyến luyến không rời, đó là ái nhiễm, không phải tình thương trong sạch. Tu đừng để trở thành lãnh đạm, cũng đừng rơi vào nhiễm đắm. Lãnh đạm cản trở hạnh độ người, ái nhiễm chướng công phu tu tập. Cả hai đều phải bỏ.


Tip: You can use left, right, A and D keyboard keys to browse between chapters.